Monday, March 1, 2010

CHUYỆN QUÊ TÔI (2)

Chuyện quê tôi [2]

http://www.danchimviet.com/2010/03/chuy%e1%bb%87n-que-toi-2/

Cá chính là Biển, biển là đất nước, biển là quê hương, biển là máu thịt, biển là sinh mệnh của cả dân tộc, mất biển là mất tất cả.

Từ những ngày còn rất bé, cũng những ngày đầu xuân như thế này, khi những cánh mai vàng còn nấn ná nở muộn trong vườn nhà ai đó, khi những cơn gió nồm đã dịu bớt, khi nắng đã bắt đầu chói chang và ngoài kia biển xanh ngát mênh mông vỗ vào bờ cát trắng nõn nà, những con sóng nhẹ vuốt ve trìu mến như bàn tay của mẹ dịu dàng trên lưng bé.

Cha tôi với sự đam mê những món ăn dân dã, đặc biệt là món gỏi cá , gỏi sứa…

Những con cá rựa lớn bằng 3 ngón tay tươi rói mới từ biển bắt lên, được cắt thật mỏng cho vào một bát lớn, ông vắt vào đó 1,2 trái chanh, một ít tiêu Phú quốc cho thơm, một chút vị tinh cho ngọt và với rất nhiều rau thơm, tía tô, đinh lăng, hành lá , hành củ xắt nhỏ, cộng với đậu phộng rang dòn (đâm vừa thôi, đừng nhỏ quá) phải có hành phi và bánh tráng bóp nhỏ cho vào trộn đều…một chén nước mắm cá cơm vàng óng như mật ong và một vài trái ớt tím hái sau vườn….

Tất nhiên là phải có một cốc rượu gạo loại “nhứt nhứt”thơm lừng. Lúc đó tôi còn bé chưa được phép uống rượu, nhưng tôi đâu có quan tâm đến rượu, ngồi nhìn cha tôi làm gỏi nước bọt ứa ra đầy miệng chỉ mong cho xong!

Khi thức ăn được dọn lên bàn, cha tôi lấy cho tôi một chén đầy gỏi cá, tôi rất háu ăn, chỉ một loáng là hết, thêm một chén nữa, cho đến khi căng bụng tôi ngồi ngắm chiếc chén trên tay. Chén quê tôi làm còn vụng lắm, không đẹp như hàng Trung quốc bây giờ, nhưng với tôi nó đầy ắp những kỷ niệm. Cầm chiếc chén trên tay, màu men xanh nhạt bên ngoài, màu trắng mờ bên trong, tôi thấy nó thật đẹp vì một lẽ đơn giản vì nó được làm từ đất quê hương…

Lúc đó tôi vô cùng hạnh phúc vì chung quanh tôi một không khí gia đình đầm ấm, nó mênh mông như nắng ngoài kia như biển ì ầm ngoài kia.

Cha tôi là một người hoài cổ, ông luôn gìn giữ tập tục của ông bà để lại, từ đồ dùng trong gia đình cho đến những món ăn, những câu nói, những ngày úy kị, cúng bái. Những gì của ông bà để lại là bất di bất dịch, là tuyệt đối đúng không thể “xét lại”. Ông Nội tôi là một nhà nho, suốt đời khăn đóng áo dài, không bao giờ mặc đồ Tây và cũng không bao giờ chấp nhận nó!

Tôi đã lớn lên bên cạnh cha tôi trong gia đình này, mùa nào thức nấy, chính những điều này hun đúc trong tôi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc. Nó thấm vào lòng tôi qua những món ăn, những lễ lạc, những tập tục, những câu nói, những từ ngữ mà ngày nay ít ai dùng. Nó truyền vào máu tôi cái tình tự dân tộc, tuy đơn sơ mộc mạc, chân chất nhưng nó tinh túy và cao đẹp vì nó là một phần của bản sắc Việt nam…vì vậy tôi quyết định làm một bữa gỏi cá rựa cho các con và cháu tôi ăn như những ngày còn bé cha tôi đã làm cho anh em tôi ăn…Tôi nói với cô H em gái tôi:

- Chuẩn bị đầy đủ, ngày mai Chủ nhật làm một bữa gỏi cá rựa cho mấy đứa nhỏ ăn.

Mùa này ở quê tôi nhà nhà làm gỏi cá, người người ăn gỏi cá. Tôi cảm thấy yên tâm và vui một chút. Ngày nào người dân còn yêu mến những món ăn quê hương, còn giữ gìn truyền thống thì ngày đó còn hy vọng. Trung Cộng không dễ gì thôn tính đất nước này, nô lệ dân tộc này!..vì ngọn lửa yêu nước vẫn còn âm ỉ trong lòng mọi người…

Tôi không biết những nhà lãnh đạo của đảng CSVN, những ngày còn bé có được cha mẹ, ông bà làm cho những món ăn đầy tình tự quê hương để giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc không mà họ lại vô cảm trước tương lai đất nước, vận mệnh dân tộc đến vậy?!

Ngày chủ nhật 2 anh tôi và các cháu đi tắm biển về…gỏi cá đã làm xong, mọi người ngồi vào.

Tôi và 2 anh tôi một bàn, bà Nội và 2 cô một bàn, các cháu một bàn.

Nhà mở toang tất cả cửa sổ, cửa chính cho gió lùa vào lồng lộng.

Ở bàn bên kia cháu Hiếu hỏi tôi:

- Mỗi người một lon bia chứ ba?

-Tùy ý các con, nhưng ngày xưa ông Nội uống rượu gạo…gỏi cá rựa phải uống với rượu gạo mới ngon.

Hiếu nói nửa đùa nửa thật

- Uống rượu gạo cho “đậm đà bản sắc dân tộc”

…Cả nhà cười ồ.

Các con và cháu nhà tôi ai cũng trên 20 tuổi cả rồi nhưng tôi vẫn nhắc nhở…

- Mỗi đứa chỉ được uống một ly nhỏ thôi.

- Ạ

Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện…anh Long nói:

- Năm nay thời tiết thuận lợi, mùa đông không có mưa dầm dề như mấy năm trước, ngày Tết thì nắng đẹp… sau Tết 2 ngày đã có cá biển, mấy hôm nay biển liên tiếp trúng cá, cá thu cá rựa, mực đầy chợ…giống như cách đây 3-4 mươi năm.

Gỏi cá rựa thật tuyệt vời, Thục Vy thật khéo tay!.

Tôi phá lệ uống một chút rượu….

Trong lòng đang rất vui vì cả nhà sum họp, vì tiếng nói cười của các cháu….nhưng như một ngày biển lặng, trời trong xuất hiện một đám mây mù….Với một thoáng trầm buồn, lo lắng tôi nói với mọi người.

- Không biết trong tương lai dân mình còn được ăn gỏi cá rựa không đây?

Một người cháu ngạc nhiên hỏi tôi.

- Sao vậy chú?

Tôi giải thích: Hải quân Trung cộng cứ quấy nhiễu, hành hung, bắn giết, đánh đuổi ngư dân mình ra khỏi vùng biển của ông cha để lại, mà không được ai bảo vệ, không biết ngư dân mình còn trụ biển được bao lâu nửa…Bây giờ TC còn khuyến khích ngư dân của họ tiến sâu vào vùng biển của mình để khai thác, đuổi ngư dân mình đi….với cái đà này thì tàu đánh cá của họ sẽ tự do đi vào cảng Kỳ hà, Đà nẵng, Huế, Quảng ngãi để bán cá và mua nhiên liệu, lương thực như vào nước của họ vậy, còn ngư dân mình thì lên bờ “cày đường nhựa để kiếm sống”.

Nhận thấy mọi người ai cũng buồn thiu…Tôi chợt nhớ lại những bản tin thời sự quốc tế gần đây nhất lòng phấn chấn hẳn lên, tôi nói với các cháu:

- Không sao đâu….Trung cộng xâm lược Tây Tạng và sẽ sụp đổ vì Tây tạng.

Khi TC sụp đổ thì Biển Đông là của VN, chứ không phải là “của chung” như lời một bài hát: Việt nam -Trung hoa núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông…..và Hoàng sa, Trường sa cũng sẽ quay về với VN…ngày đó sẽ tới và rất gần thôi…rất gần.

Các cháu nhà tôi reo lên: Tuyệt vời!

Không khí trong nhà lại vui vẻ rộn ràng….ngoài kia nắng rực rỡ…gió lồng lộng, vẳng lại tiếng rao của mấy người phụ nữ bán cá rong: Ai mua cá không….

Tiếng rao nghe êm đềm, thân thiết quá, ước mong sao nó mãi mãi như vậy.

.

© Huỳnh Ngọc Tuấn

.

Đọc phần trước

Chuyện quê tôi [1]

.

.

.

No comments: