Saturday, March 20, 2010

CHẤN CHỈNH GIÁO DỤC KHOA HỌC XÃ HỘI TRONG NHÀ TRƯỜNG

Chấn chỉnh giáo dục khoa học xã hội trong nhà trường: Điều cần làm ngay!

Thứ Bảy, 20/03/2010

http://danluan.org/node/4488

Trong khi xã hội đang giận dữ, sốc và lên án mạnh mẽ việc những việc làm “ghê tởm, mất nhân tính” của những nữ sinh Hà Nội, thì giới trẻ (đặc biệt là các bạn học sinh) lại không quan tâm lắm. Không phải là do vô tâm, mà bởi vì những việc “tày trời” như vậy diễn ra có lẽ hàng ngày, quá quen thuộc nên chẳng có gì mới lạ cả. Có lẽ do “sơ xuất” hay không lường trước được hậu hoạ mà clip video đã lôi cuốn được sự chú ý của cộng đồng. Nếu không có sự sơ xuất như trên thì phải chăng xã hội ta cũng làm ngơ hoặc thật tình không biết?

Tôi thuộc thế hệ 9X, cũng từng trải nghiệm thời cấp 2-3 “kinh hoàng” ở trường học. Cũng phải chân thành thú tội rằng “lũ quỷ” chúng tôi khác với “lũ quỷ” thời ba mẹ chúng tôi nhiều lắm: chúng tôi đọc sách ít hơn, chơi bời trác táng hơn, tiêu tốn thời gian và tiền bạc vào game online hoặc internet,… và có lẽ chúng tôi “nghịch” ngu hơn thế hệ trước nhiều. Đại bộ phận chúng tôi hầu như chẳng có một sở thích chung nào (game online là sở thích chung ?!) nhưng ý tôi muốn nói là sở thích chung một cách nền nếp. Mẹ tôi luôn giận tôi vì trong khi bà thuộc làu làu từng trang sách, quyển truyện của các đại thi hào, các nhà thơ kiệt xuất… thì con trai của bà lại chẳng đụng tới một quyển sách văn bao giờ cả (dĩ nhiên là ngoài cuốn sách giáo khoa Văn). Văn hoá đọc hình như bị chính chúng tôi tẩy chay. Viết tới đây chắc có bạn bực, thực sự chúng tôi đọc, nhưng một cách đọc không có chọn lọc (ít ra là theo tôi quan sát). Thử lấy ví dụ: thi tốt nghiệp cấp 2, cấp 3, ĐH, v.v… ít có ai đọc các tác phẩm văn học khác để mà so sánh, liên tưởng đến bài viết của mình. Chỉ tổ mệt óc! Cần đọc các tác phẩm văn học chi, khi chúng tôi đã có hàng tấn sách văn mẫu, các bài bình giảng văn mẫu được bày bán tràn lan trên thị trường. Nghe thì có vẻ tiện, nhưng cái chính là tim của chúng tôi không rung động trước tác phẩm, mà chúng tôi mượn ý của một trái tim rung động khác làm bình phong cho mình.

Tôi không muốn bàn về lĩnh vực ăn chơi trác táng, bởi chắc cũng đã có quá nhiều bài viết về các cậu ấm, cô chiêu (tôi cũng không muốn vơ đũa cả nắm, vì mấy đứa bạn thân của tôi có nhiều bạn rất ngoan và gia đình rất khá giả). Tôi chỉ xin bàn về lĩnh vực “nghịch” (một lĩnh vực mà học trò nào cũng tích trữ cho mình những “tuyệt kỉ”). Tôi không biết thế hệ trước nghịch như thế nào, nhưng qua những “chia sẻ” của bố mẹ, của thầy cô và có khi của ông bà nữa (!) thì tôi thú nhận rằng chúng tôi nghịch ngu hơn thế hệ trước nhiều! Đối với các bạn cùng trang lứa, chúng tôi sỉ nhục, hạ bệ lẫn nhau để lấy làm thích thú; đánh nhau để giằng mặt, phá hoại đồ của nhau để lấy làm thú vui, v.v… Chuyện đánh nhau giằng mặt của nữ sinh Hà Nội vừa rồi cũng thuộc vào một trong những “hoạt động ngoại khoá” của lũ học sinh chúng tôi. Lúc đầu có lẽ chưa “hòa nhập” nên có lẽ có bạn khó chịu, nhưng dần dà rồi quen, coi như đó là chuyện bình thường! Điều này quả thật khủng khiếp quá! Tô điểm cho bức tranh bạo lực học đường là những gợn song lăn tăn của những mối tình Hàn Quốc, của những chàng Hoàng Tử Ếch, Trái tim Mùa Đông, Giày thủy tinh, và Ngôi nhà Hạnh Phúc… yêu để mà nhớ, mà thương. Cứ như Xuân Diệu viết về tình yêu: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Nhưng giới trẻ chúng tôi muốn minh chứng cho tình yêu của mình mãnh liệt hơn sự rung cảm về tình yêu của Xuân Diệu; chúng tôi muốn chứng minh cho Xuân Diệu thấy rằng yêu không chỉ là “chết trong lòng một ít”, mà là hiến dâng cả tính mạng mình cho tình yêu. Những rung động nhất thời, tình yêu siêu tốc, nóng bỏng mãnh liệt như lửa mặt trời nhưng kết quả là tính mạng của một con người bị bỏ hoài một cách lãng phí! BỐ MẸ ƠI, THẦY CÔ ƠI! HÃY CỨU CHÚNG CON!

Trên đây chỉ là một phần nhỏ của cuộc đời học sinh trong thời buổi này. Còn nhiều lắm những điều mà bố mẹ, thầy cô chưa biết hết về chúng tôi. Nhưng liệu họ có sẵn sàng để đón nhận hết sự thật??? Chỉ có dũng cảm nhìn nhận vào sự thật thì người lớn mới có thể giúp được chúng tôi!

Cố gắng lí giải về những gì đang diễn ra, tôi tìm cách liên hệ tình hình với học thuyết về sự gắn kết giữa cá nhân-xã hội (social integration) của Emile Durkheim và bộ môn Xã hội học vi mô (microsociology) dưới cái nhìn vào “sự tương tác hình tượng” (symbolic interactionism). Quả thực, những tác động của nền kinh tế thị trường đã thay đổi những “định nghĩa” về xã hội từ trước đến nay. Một ví dụ cụ thể là vai trò của nữ giới trong xã hội Việt Nam hiện đại. Họ được đi học (so với hồi trước là không được đi học); họ trở thành những kỹ sư, bác sỹ, doanh nhân và nhà ngoại giao (so với khi trước, phụ nữ chỉ được ở nhà trông nom việc cơm nước…), v.v… Một loạt các “định nghĩa” khác trong xã hội lần lượt thay đổi. Trong giáo dục, chúng ta quan tâm nhất đến định nghĩa về “thầy cô” với “giáo viên” và “học sinh”. Thầy cô bây giờ không còn là những “ông đồ muôn năm cũ” nữa, không phải là những vị quan thanh liêm do bất mãn mà từ quan về dạy học. “Thầy cô” là những con người có học thức, tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng sư phạm, có kiến thức chuyên môn sư phạm. “Thầy cô” mới tốt nghiệp ra trường thường trẻ; họ phải đi làm để kiếm tiền nuôi bản thân (và gia đình). Nhiệm vụ của họ là truyền bá kiến thức của nhân loại, và trách nhiệm của họ là truyền những kiến thức ấy cho học sinh một cách có hiệu quả nhất. Vậy thầy cô có nhiệm vụ truyền bá và chấn chỉnh đạo đức của học sinh? Câu hỏi này rất khó trả lời, vì trong quá trình “định nghĩa lại” hai chữ “thầy giáo” thì chúng ta vẫn còn nhập nhằng giữa “thầy cô cũ” (theo kiểu ông đồ) và “thầy cô mới” (theo cách hiểu đương đại). Thầy cô vừa phải truyền dạy kiến thức, nhưng vừa lại bị xã hội giao giữ trọng trách làm tấm gương cho học trò. Với định nghĩa mới, những người giáo viên này rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan (phải giải thích như thế nào khi học sinh bắt gặp mình trong quán bar, vũ trường, hay những buổi hẹn hò với “bạn thân” ??!!).

Định nghĩa về “học sinh” cũng thay đổi nhiều. Học sinh thời trước coi thầy cô như cha mẹ. Ngay bố mẹ cũng phải kính trọng thầy cô, gặp thầy thì phụ huynh cũng khoanh tay cúi đầu chào. Còn ngày nay, phụ huynh phải “kính trọng” thầy cô (những người tuổi cũng chắc chỉ bằng con đầu của họ) liệu có ổn? Vì vậy, “kính trọng” được thay bằng “tôn trọng”. Học sinh (đại bộ phận) vẫn bị những giá trị của xã hội đòi hỏi họ phải “kính trọng” thầy cô. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những chuyện scandal về giáo dục mà người thầy là những thủ phạm đã làm tác nhân cho sự chuyển dịch từ “kính trọng” sang “tôn trọng”. Học sinh không nhất thiết phải “kính trọng” thầy cô; nhưng họ phải “tôn trọng” thầy cô (trên cơ sở sự bình đẳng giữa người và người). Học sinh đến trường để học kiến thức, chuẩn bị những kĩ năng để phục vụ cho công việc sau này. Quan hệ giữa học sinh-thầy cô (một cách khách quan nhất) là quan hệ giữa người mua-người bán, và mặt hàng ở đây là kiến thức. Do xã hội ta còn nhiều sự nhập nhằng giữa quan niệm cũ-mới, những sự nhập nhằng này chính là nguyên nhân chính của những sự việc mà ta không thể tưởng tượng nổi: học sinh đánh thầy, thầy giáo nhận tiền hối lộ để nâng điểm, bạo lực trong học đường với sự thờ ơ của thầy cô (phải chăng thầy cô thực sự không biết?). Xã hội cần một thời gian dài để thực sự thay thế các định nghĩa cũ với mới, nhưng sự vận động đó không phải tự nhiên mà có, mà phải có những nghiên cứu, những đánh giá thẩm định, những tác động tích cực từ xã hội.

Từ những điều trên đây, chúng ta cần phải thừa nhận rằng việc giáo dục các bộ môn khoa học xã hội trong nhà trường là điều cần thiết. Chấn chỉnh lại chương trình, cách viết sách giáo khoa, và cách dạy-học là một điều vô cùng cấp bách! Đây là một điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, tuy nhiên nếu không làm, thì những vụ bạo lực học đường, bạo lực trong gia đình và trong xã hội sẽ vẫn tiếp diễn với chiều hướng ngày càng tệ. Dân tộc Việt Nam ta sẽ không còn là một dân tộc anh hùng, bất khuất nhưng mến khách và giàu lòng nhân ái, mà sẽ trở thành đất nước của những cử nhân Chí Phèo, những bà cô Thị Nở. Từng là một học sinh, từng là một trong hàng ngàn những “con chuột biết chữ” để Bộ GD-ĐT làm thí nghiệm, tôi nhận thấy một vài nét như sau:

Chương trình học quá tải, nhồi nhét và mang nặng tính lí thuyết nhưng không mang ý nghĩa thực tiễn, ứng dụng. Sẽ có ý nghĩa gì khi cố nhồi nhét một nhà thơ những công thức đạo hàm, tích phân! Sẽ có ý nghĩa gì khi Bộ GD-ĐT yêu cầu học sinh phải học hết môn này đến môn nọ (Toán, Lí, Hoá, Sinh, Kỹ thuật, Nuôi trồng…) để rồi các công trình xây dựng dựa trên những kiến thức đó chỉ “bền” được trong vòng 3 tháng![1] Có bao giờ Bộ GD-ĐT hoặc các nhà giáo dục học đặt câu hỏi vì sao học sinh học càng ngày càng kém? Điểm thi tốt nghiệp, thi vào đại học các môn Sử, Địa, Văn cứ lần lượt từ trứng ngỗng 1, 2, 3, 4 bước đều? Chẳng phải vì cách học hoặc vì học sinh hay giáo viên, mà là vì kiến thức Bộ GD cố nhồi nhét vào đầu học sinh đã quá cũ, quá lạc hậu và vô nghĩa. Học làm gì khi về sau những kiến thức này sẽ chẳng bao giờ cần đến nữa?

Người viết sách không còn tham gia nghiên cứu và sách giáo khoa không mang tính tương tác với người học. Nếu tôi nhớ không lầm thì cuốn sách Hoá 11 (chương trình cũ) được thầy Đào Hữu Vinh viết thì phải. Tôi có mày mò và xin được cuốn sách Hoá từ mấy chục năm trước thầy Vinh viết để ôn luyện thi vào Đại học. So sánh giữa hai cuốn sách, kiến thức thì y sì, rất khô khan và khó hiểu. Trong khi đó, những cuốn sách của thầy Cao Cự Giác được viết theo phương pháp mới thì rất dễ hiểu, tính tương tác được cải thiện đáng kể (tuy chưa bằng được với các sách giáo khoa của nước ngoài, nhưng đó vẫn là sự cải thiện đáng kể). Các sách Vật Lí, Toán cũng vậy. Để so sánh, xin mời các bạn đọc hãy vào nhà sách, tìm đọc cuốn sách giáo khoa toán THPT (cấp 3) cũ và mới của NXBGD và cuốn sách cùng trình độ của Thạc Sỹ Lê Hồng Đức. Các bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt một trời một vực. Sách giáo khoa là cầu nối giữa tri thức nhân loại đến người học. Nếu không có sự tương tác thì coi như nước đổ lá khoai.

Các bộ môn khoa học xã hội bị bỏ xó, không được quan tâm. Xã hội dường như đang thờ ơ đến sự tồn tại của các môn khoa học xã hội. Nói đúng hơn, khoa học xã hội bị chúng ta coi thường một cách quá đáng; chúng ta đã và đang phải trả một giá quá đắt cho sự khinh thường này. Chúng tôi không được học về tâm sinh lí tuổi mới lớn, không được ai dạy bảo, dẫn dắt về sự phân biệt giữa tình yêu chân chính và phút nông nổi bốc đồng. Chúng tôi thật sự đã học được những gì từ các môn Văn học, Lịch sử, Địa Lý? Về Văn học, chúng tôi phải thuộc lòng hàng đống ngày tháng, năm sinh, lí lịch của một loạt các nhà văn, nhà thơ. Tôi đã phản ứng gay gắt với yêu cầu vô lí này, bởi ngay cả sinh nhật tôi nếu cả nhà không nhắc thì có lẽ tôi cũng chẳng nhớ, huống hồ phải thuộc lòng tiểu sử của người khác! Chúng tôi cảm nhận thơ ca qua những bài giảng của thầy cô, qua dàn bài chi tiết, các sách văn mẫu, v.v… Có khi nào chúng tôi có cơ hội thực sự lắng nghe con tim của mình đâu?

Về Lịch sử, khi có điều kiện học tập ở nước ngoài và được tiếp cận đến những nguồn tài liệu lịch sử của Việt Nam và nước ngoài, tôi mới nhận ra mình bị hố to. Trong cuốn sách giáo khoa lịch sử nhỏ bé mà đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, hầu như các nhà viết sách “không thèm” ghi ra những tư liệu lịch sử khoa học để người khác có thể tra cứu được. Nói lịch sử là khoa học, nhưng cách viết sách giáo khoa sử chẳng khác nào theo phong cách truyền miệng trong dân gian. Mà đã là truyền miệng, không chứng cứ thì tam sao thất bản là điều hiển nhiên, không có giá trị khoa học. Điều đáng sợ mà tôi học được từ môn Sử trong nhà trường là thói kiêu ngạo hợm hĩnh. Tôi đã từng tự hào, kiêu ngạo mù quáng một cách đáng xấu hổ. Thế đấy, lỗi đâu phải tại tôi, mà là tại sách giáo khoa. Chính nó đã ru ngủ tôi chìm vào men say của chiến thắng, coi trời bằng vung, coi nước mình là nhất nhưng thực chất là ếch ngồi đáy giếng!

Về Địa lí, có cái quái gì để học ở môn này? Ông thầy lớp tôi cho chúng tôi đậu hết vì theo thầy, sách giáo khoa hồi chúng tôi học là một cuốn sách bốc phét! Để xem sách giáo khoa mới viết như thế nào về Tây Nguyên!

Kinh tởm hơn, giáo dục hiện tại đào tạo người học thành những con người vô liêm sỉ. Tôi có nói quá không? Chính tôi, một lớp trưởng, một lớp phó học tập cũng đã cóp-pi bài trong giờ kiểm tra, cũng gian lận trong thi cử. Gian lận trong thi cử là điều mà học sinh nào cũng từng làm ở Việt Nam. Vô tình từ hành động đối phó với sự quá tải, chúng tôi đã tự biến mình thành những con người gian dối, gian manh. Chúng tôi đâu muốn như vậy, tuy nhiên, chính nền giáo dục đã đẩy chúng tôi xuống tận cùng của bờ vực thẳm. Ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân ơi, nếu ông còn có tâm thì xin ông hãy xem lại trách nhiệm của ông trước toàn dân, trước chúng tôi, những người học sinh. Ông nên xem lại chất lượng của chương trình giáo dục đến đâu mà ông đòi hỏi ở chúng tôi nhiều thế? Ông xem lại những quan chức trong ngành giáo dục có thực sự có tài, có tâm với giáo dục không? Ông nên kiểm điểm lại ngành trước khi đổ lỗi xuống học sinh, phụ huynh và toàn xã hội!

Chương trình sách giáo khoa mới đâu phải là không làm được. Kiến thức cơ bản 1+1=2 nơi nào chẳng giống nhau, tại sao chúng ta cứ phải đổi tới thay lui? Chúng ta có thể chấn chỉnh lại giáo dục (bằng chứng rõ ràng là rất nhiều học sinh ưa và tìm đọc sách tham khảo của các tác giả ngoài hơn là sử dụng sách giáo khoa). Chúng ta có thể làm được, nhưng chúng ta không làm. Xin được nói là chúng tôi đã sẵn sàng từ lâu rồi, vì chúng tôi mệt mỏi quá rồi. Chúng tôi chỉ cần một người có liêm sỉ dẫn dắt thôi.

Càng xem càng buồn khi thế hệ trẻ của VN như thế này đây:

______________________

[1]Nứt mặt cầu Thăng Long sau 3 tháng thông xe (Dân Trí)

.

.

No comments: