Tuesday, March 23, 2010

BẢN ĐỒ của NHIỀU CƠ QUAN NHÀ NƯỚC KHÔNG GHI HOÀNG SA-TRƯỜNG SA

Website của nhiều cơ quan nhà nước: Bản đồ chưa ghi Hoàng Sa, Trường Sa

X. Long – H. Giang – M. Quang – Vĩnh Hà

Đăng bởi bxvnpost on 24/03/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/03/24/website-cua-nhieu-co-quan-nha-nuoc-ban-do-chua-ghi-hoang-sa-truong-sa/#more-3437

Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ thông tin sai về quần đảo Hoàng Sa. Lập tức người dân Việt Nam trong nước và ngoài nước đều phẫn nộ, đòi tổ chức khoa học này phải đính chính; ngày 13-3, Chính phủ Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối. Bài báo sau đây trên báo Tuổi trẻ, lại cho thấy một sự thật khác, oái oăm và đáng phẫn nộ. Chính chúng ta lại có hành động cho thấy thiếu ý thức về chủ quyền của đất nước (1): trên trang web của hàng loạt cơ quan từ bộ đến tỉnh bản đồ Việt Nam không hề ghi tên Hoàng Sa và Trường Sa.

Cần nhớ một sự kiện: Ngay từ năm 2006, sau khi cục Bản đồ Quốc gia Trung Quốc đưa lên mạng internet và cho phép công chúng tải miễn phí các bản đồ được gọi là “đúng đắn về mặt chính trị”, trong đó ghi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc, ông Lê Dũng, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam khi ấy, đã bày tỏ phản ứng của Việt Nam trước vấn đề này (2). Đoàn Khắc Xuyên, trong bài báo Từ vụ bản đồ của NGS và Google…đăng trên Sài Gòn tiếp thị hôm qua (3), nhắc lại sự kiện này và cay đắng kêu lên: “Ấy thế mà việc làm đó của phía Trung Quốc vẫn không đánh thức được các cơ quan liên quan của Việt Nam nhằm cung cấp những bản đồ trực tuyến về Việt Nam cho mọi người quan tâm trên thế giới.”

Trong khi Trung Quốc đã là thành viên từ lâu của Tổ chức Thủy văn học quốc tế (International Hydrographic Orgnization – IHO) thì cho đến nay Việt Nam vẫn chưa gia nhập. Mà đây là tổ chức có thẩm quyền tiêu chuẩn hóa tên gọi địa lý ở tầm quốc tế. Nếu là thành viên của IHO, Việt Nam có điều kiện để yêu cầu ghi tên Hoàng Sa, Trường Sa –hay ít ra Paracels, Spartlys – như là các tên quốc tế. Việc chậm trễ gia nhập IHO một lần nữa cho thấy chúng ta chưa tận dụng được những khả năng hiện có để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Không chỉ đơn giản tuyên bố: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền và quyền hợp pháp của mình” là bảo vệ được chủ quyền đất nước. Và đừng nói là sự kiện các cơ quan nhà nước không ghi tên Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ Tổ quốc không liên quan gì đến câu nói “nổi tiếng” năm ngoái của ông Ba Náo: “Hoàng Sa, Trường Sa là bãi hoang chim ỉa”. Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa không thể giải quyết trong một ngày, thì việc nuôi dưỡng ý thức chủ quyền đất nước trong tâm hồn của mọi con dân Việt Nam, việc cung cấp sự thật lịch sử cho nhân dân thế giới, phải được tiến hành một cách có trách nhiệm, cần mẫn, bền bỉ và có chiến lược.

Bauxite Việt Nam

(1) Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ chủ quyền Quốc gia. (Theo điểm b khoản 4 điều 7 Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản của Bộ TT-TT)

(2) http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Viet-Nam-co-day-du-bang-chung-lich-su-de-khang-dinh-chu-quyen-hop-phap-cua-minh-doi-voi-hai-quan-dao-Hoang-Sa-va-Truong-Sa/20067/12729.vgp

(3) http://www.sgtt.com.vn/detail23.aspx?newsid=64524&fld=HTMG/2010/0321/64524

.

----------------------------------------

.

TT – Sau một cuộc rà soát bản đồ trên mạng, chúng tôi nhận thấy nhiều website có tên miền thuộc một số bộ, ngành như Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Môi trường đều đưa chưa đúng bản đồ VN, chưa có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ bộ đến tỉnh đều sai bản đồ

Theo ghi nhận ở website của dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa chỉ www.pedc.org.vn thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo, phần bản đồ VN dạng ảnh đưa rất đầy đủ về các tỉnh, thành phố, chi tiết 251 huyện thuộc các tỉnh nằm trong mục tiêu của dự án nhưng thiếu tên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn tại website của Bộ Giao thông Vận tải có địa chỉ www.mt.gov.vn, ở đường link địa chỉ www.rt.mt.gov.vn/gtnt2/02 Tieng Viet/02 Nganh Giao Thong/01 Ban do/Ban do Quoc gia/Ban_do_quoc_gia.htm, phần dự án giao thông nông thôn 2 có đính kèm năm bản đồ VN. Tại bản đồ đầu tiên giới thiệu những nét chính nông thôn VN chỉ đưa quần đảo Hoàng Sa, thiếu hẳn quần đảo Trường Sa trên bản đồ.

Trong bản đồ số 2 (theo thứ tự), thể hiện các xã nghèo và phần trăm các xã không có đường tại các tỉnh cũng đưa thiếu tên cả hai quần đảo trên. Một loạt bản đồ số 3, 4, 5 theo thứ tự trên trang web này cũng đưa thiếu tên cả hai quần đảo này.

Tại website của Bộ Giao thông Vận tải, trong đường link giao thông nông thôn, phần nội dung chính của chiến lược phát triển giao thông VN, phạm vi nghiên cứu được thực hiện cho cả nước cũng đính kèm một bản đồ VN, tuy nhiên tại bản đồ này cũng xảy ra tình trạng sai tương tự khi trên bản đồ phần khu vực ngoài biển Đông nhìn “trắng trơn”, thiếu tên cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Cùng tình trạng đưa bản đồ chưa đúng, tại website của Tổng cục Môi trường có địa chỉ www.nea.gov.vn, phần thể hiện bản đồ khu bảo tồn VN chỉ có tên quần đảo Hoàng Sa nhưng thiếu tên quần đảo Trường Sa. Riêng tại website có tên miền www.bacninh.gov.vn/Story/TT10Nam/TT10Nam/2007/1/7653.html thuộc tỉnh Bắc Ninh, toàn bộ bản đồ đưa trên trang web này đều không thể hiện cả hai quần đảo.

Sứ quán cũng chưa đúng

Không chỉ các cơ quan trong nước, các đại sứ quán VN tại nước ngoài cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tại đường link của website Đại sứ quán VN tại Ý (http://www.vnembassy.it/DSQVN_Viet_Bando_VN.htm), trên bản đồ VN đã đưa thiếu tên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên, như để lý giải cho tính “có thể không chính xác” này, góc phải của bản đồ có ghi dòng chữ bằng tiếng Anh rất nhỏ, tạm dịch là: Sự thể hiện về biên giới không nhất thiết có căn cứ đích xác. Tên (địa điểm) ở VN được ghi không dấu.

Với bản đồ VN của Đại sứ quán VN tại Mỹ, kể cả trong trang bằng tiếng Anh, các địa danh vẫn được ghi đầy đủ dấu tiếng Việt (http://www.vietnamembassy-usa.org/learn_about_vietnam/geography/maps/mainland_vietnam/) nhưng phần biển Đông chỉ thể hiện đến đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Toàn bộ phần biển có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị cắt khỏi hình ảnh bản đồ. Sự không thống nhất này tiếp tục thể hiện ở bản đồ của Đại sứ quán VN tại Úc có địa chỉ (http://www.vietnamembassy.org.au/img/vietnam-map.gif) khi địa danh được thể hiện bằng tiếng Việt không dấu và toàn bộ phần biển Đông có hai quần đảo của VN đều không được thể hiện.

Do sơ suất và đã gỡ bỏ

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối 19-3, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ Tuổi Trẻ, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo Trung tâm Công nghệ Thông tin của bộ kiểm tra.

Ông Công thừa nhận sau khi kiểm tra tại đường link về chiến lược phát triển giao thông VN đúng là đã có sai sót, tạo ra lỗ hổng khi đưa bản đồ VN nhưng không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ. Những sai sót này, ông Công khẳng định là sơ suất của cán bộ Trung tâm công nghệ thông tin của bộ khi đưa bản đồ lên. Riêng bản đồ có đường link thuộc dự án giao thông 2, ông Công cho biết đã chỉ đạo trung tâm này tiếp tục kiểm tra, nếu sai sẽ gỡ bỏ.

Theo ông Công, sau khi phát hiện sai sót trên bản đồ tại đường link về chiến lược phát triển giao thông VN, ông đã trực tiếp báo cáo bộ trưởng và tinh thần chỉ đạo của bộ trưởng là nghiêm túc tiếp thu để khắc phục sai sót, gỡ ngay bản đồ thể hiện thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời yêu cầu bộ phận chuyên môn tại Trung tâm công nghệ thông tin giải trình và kiểm điểm.

Liên quan đến bản đồ đưa thiếu quần đảo Trường Sa tại website có tên miền thuộc Tổng cục Môi trường, tổng cục trưởng Bùi Cách Tuyến xác nhận việc đưa bản đồ này từ ngày còn chưa thành lập tổng cục, lúc đó còn là Cục Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ông Tuyến khẳng định sau khi phát hiện sai sót trên đã chỉ đạo bộ phận công nghệ thông tin xử lý bằng cách gỡ bỏ bản đồ trên.

Đến 19g tối qua, khi chúng tôi vào lại các bản đồ chưa chính xác thuộc tên miền Bộ Giao thông Vận taaif, Tổng cục Môi trường đều đã được gỡ bỏ.

Do không nằm trong mục tiêu dự án!

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tự Ân – trưởng ban điều phối dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Giáo dục – đào tạo – xác nhận đúng là có một bản đồ VN thể hiện các huyện mục tiêu của dự án được đưa trên trang web của dự án. Bản đồ này không thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên, do mục đích hiển thị những huyện được triển khai dự án nên ở bản đồ này chỉ chú trọng đến những huyện đảo có dự án, như huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Ngoài Trường Sa, Hoàng Sa, cũng có một số huyện đảo khác như Cát Hải (Hải Phòng) không nằm trong chương trình mục tiêu của dự án nên không được hiển thị trên bản đồ.

Trước sự quan tâm của dư luận liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ban điều phối sẽ bổ sung ngay chi tiết Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo khác của VN vào bản đồ này.

X. Long – H. Giang – M. Quang – Vĩnh Hà

Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/369312/Website-cua-nhieu-co-quan-nha-nuoc-Ban-do-chua-ghi-Hoang-Sa-Truong-Sa.html

.

.

.

No comments: