Tuesday, March 23, 2010

90% MẠI DÂM NỮ ĐẾN TỪ ĐBSCL

Hơn 90% mại dâm nữ tại TP.HCM đến từ ĐBSCL

23/03/2010 17:10

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201013/20100323171009.aspx

(TNO) Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cả nước có khoảng 29.300 người bán dâm, hoạt động tập trung chủ yếu ở các khu đô thị, thành phố lớn, khu du lịch... trong đó, TP.HCM là "điểm nóng" của tệ nạn này.

Hôm nay (23.3), Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH đã có buổi hội thảo phân tích Thực trạng và giải pháp phối hợp phòng chống tệ nạn mại dâm, phòng chống buôn bán người trên địa bàn TP.HCM và ĐBSCL.

Các cơ quan chức năng nhìn nhận tình hình hiện nay, mại dâm nơi công cộng tuy có dấu hiệu giảm bề nổi nhưng "công nghệ" trá hình tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn mới. Chúng biến tướng thành các đường dây "gái gọi" hoặc "phục vụ" trá hình trong các quán cà phê, nhà hàng karaoke, bar, vũ trường, cơ sở xông hơi, xoa bóp hoặc "show hàng" trên internet...

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều đối tượng bán dâm là người nước ngoài, mại dâm nam, các tổ chức bán dâm kết hợp với sử dụng ma túy, buôn bán phụ nữ ra nước ngoài với mục đích mại dâm, nô lệ tình dục.

TP.HCM là một trong các tỉnh, thành phố có tình hình phức tạp về mại dâm và là "điểm nóng" của cả nước. Đây cũng là đầu mối của nhiều đường dây mại dâm liên tỉnh, tổ chức mại dâm với quy mô lớn.

Ước tính, trên toàn TP.HCM có gần 5.000 đối tượng bán dâm (chiếm 17% so với cả nước), trong đó chỉ có 800 người có hồ sơ quản lý. Đối tượng bán dâm đa số là người từ khu vực ĐBSCL đến hoạt động (chiếm 94,23%).

Ngoài ra, TP.HCM cũng được xác định là địa bàn trọng điểm về buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Với vai trò trung chuyển nên bọn tội phạm sử dụng các thủ đoạn xảo quyệt, núp bóng dưới nhiều hình thức để tổ chức các đường dây dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về nhập cư tại TP.HCM làm ăn, sinh sống để buôn bán ra nước ngoài.

Chính công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh chưa chặt chẽ; thiếu các quy hoạch quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan, vượt quá khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng. Việc phòng chống tệ nạn xã hội ở địa bàn biên giới cũng chưa được chú trọng.

Hiện nay, việc xử lý hành vi vi phạm của những đối tượng tổ chức môi giới xem mắt cô dâu trái pháp luật chỉ áp dụng ở mức xử lý vi phạm hành chính, chế tài rất nhẹ với mức phạt từ 1 - 3 triệu đồng.

Sở LĐTBXH TP.HCM đã đề nghị Trung ương sớm ban hành Luật phòng chống buôn bán người với những quy định, điều chỉnh cụ thể về phạm vi, đối tượng. Đây sẽ là cơ sở pháp lý giúp bảo vệ những nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài lẫn trong nước và xử lý hành vi buôn người nghiêm khắc hơn.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm tư vấn, tham vấn về vấn đề kết hôn, kết hôn với người nước ngoài ở các tỉnh thành để nâng cao hiểu biết cho phụ nữ, tránh sự lợi dụng của bọn tội phạm mại dâm, buôn người.

Bộ LĐTBXH đã giao cho Sở LĐTBXH TP.HCM thực hiện đề án phòng chống mại dâm trong tình hình mới để trình Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Trung Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh, phòng chống tệ nạn xã hội, mại dâm và buôn bán người trên địa bàn TP.HCM và ĐBSCL là một nhiệm vụ quan trọng của ngành. Cùng với sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ thương mại thì mại dâm đang ngày càng phát triển mạnh hơn, biến tướng phức tạp và khó quản lý hơn. Vì vậy, vấn đề này cần được phối hợp xử lý chặt chẽ và mạnh tay của các cơ quan ban ngành.

Nguyên Mi

.

.

.

No comments: