Wednesday, February 17, 2010

MẠI DÂM Ở CAM BỐT: NẠN NHÂN LÀ PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM VIỆT NAM

Mãi dâm ở Campuchia: phần lớn nạn nhân là phụ nữ và em nhỏ người Việt Nam…
Lê Ngọc Tú
17/02/2010 8:16 chiều
Chưa có phản hồi.
http://www.talawas.org/?p=16360

Ngày 8/2/2010, trên CNN đăng bài
Man goes undercover to combat child sex slavery. Bài viết kể về cuộc hành trình của nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ, Aaron Cohen, người đi khắp nơi để giúp đỡ các nạn nhân của ngành công nghiệp tình dục, đặc biệt là những bé gái, hoàn lương và có cuộc sống mới.
Anh đặt chân tới khắp nơi trên thế giới, từ Sudan tới Nicaragua rồi Israel. Nhưng với anh, vấn đề buôn người ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt phức tạp nhất. Cohen nói: “Tôi xếp Campuchia đứng cùng Ấn Độ như một trong những địa điểm tồi tệ nhất diễn ra các hoạt động mua bán dâm”. Cohen kể lại những câu chuyện đau buồn mà anh đã chứng kiến trong cuộc hành trình của mình.

Bài viết này được dịch và đăng trên ngoisao.net ngày 9/2/2010, với tiêu đề:
Người đàn ông đi ‘cứu rỗi’ các cô gái bán dâm”, nhưng bản dịch bỏ qua một đoạn trong bản gốc mà tôi cho là quan trọng:
A bad problem getting worse – Một vấn nạn tồi tệ trở nên tồi tệ hơn
Theo tổ chức phi chính phủ End Child Prostitution, Abuse and Trafficking (ECPAT – Tổ chức nhằm chấm dứt nạn mại dâm, lạm dụng và buôn bán trẻ em), có một phần ba lao động tình dục ở Campuchia là trẻ em. Các tổ chức chính phủ, bao gồm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đang gây áp lực lên các nước như Campuchia nhằm hành động nhiều hơn để chấm dứt nạn dịch nô lệ thời hiện đại.
“Chúng tôi đang tiến một bước lớn trong cuộc chiến chống nạn buôn người. Nhưng đó là một vấn đề lớn, chúng tôi biết như vậy,” Đại sứ lưu động CdeBaca, người đứng đầu văn phòng giám sát và chống buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. “Bạn có các ước tính số người trong tình trạng nô lệ trên khắp thế giới và đó là bất kỳ con số nào từ mốc dưới là 12.3 triệu người theo Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc – cho đến mốc trên là 27 triệu người. Con số này xuất phát từ một nghiên cứu do tổ chức Free the Slaves (Tự do cho người nô lệ) thực hiện. Nhưng 12,3 triệu là một con số cơ sở mà mọi người đều đồng ý ít nhất rằng có nhiều người trong tình trạng lao động khổ sai, và như thế cũng đã quá nhiều.”
Trong báo cáo toàn diện năm 2009 về buôn bán người, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Campuchia vào danh sách cần theo dõi mức 2. Xếp hạng này có nghĩa là chính phủ Campuchia không tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu cho việc xoá bỏ nạn buôn bán người, nhưng đang nỗ lực để xóa bỏ.
“[Ở Campuchia] Số nạn nhân đang gia tăng, còn số lượng các vụ truy tố, khởi tố lại đi xuống so với năm trước”, ông CdeBaca nói. “Bản báo cáo cho thấy rằng bất chấp các nỗ lực tổng thể, chính phủ đã không thể hiện đủ sự tiến bộ trong kết án và trừng phạt những kẻ phạm tội buôn bán người hoặc bảo vệ cho các nạn nhân buôn người.”
Campuchia được xếp loại là một quốc gia, điểm đến cho du khách nước ngoài mong muốn tình dục trẻ em, với các báo cáo ngày càng tăng về đàn ông châu Á đi du lịch sang Campuchia để làm tình với các trinh nữ vị thành niên. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy phần lớn nạn nhân của nạn buôn bán người tại Campuchia là các phụ nữ và thiếu nữ người dân tộc Việt Nam bị buộc mãi dâm trong các nhà thổ và quán bar karaoke.

Ngày 02/04/2009, tôi đọc một bài viết trên RFA về
Thiếu nhi Việt Nam trong mạng lưới mại dâm ở Kampuchia.
Bài viết thuật lại cuộc hành trình của Linh mục Martino. Cũng giống như Cohen, linh mục dấn thân vào những hang ổ tối tăm ở Kampuchia để tìm hiểu và cứu giúp các nạn nhân là những nô lệ tình dục như Jonty. Linh mục đi vào các động mại dâm do người Việt Nam làm chủ, các trẻ em bị bán cho các động đó cũng toàn là người Việt Nam cả.
…“30 đôla một em”, và “các em bảo là được 5 đôla sau một lần đi khách với giá 30 đôla như vậy”… Những bé gái từ 10 đến 15 tuổi… Các em không biết tiếng Anh, chỉ biết những từ rất tục tĩu để dùng trong vấn đề quan hệ thân xác mà thôi…
Đó là câu chuyện thật, và quá sức đau buồn về tệ nạn mại dâm thiếu nhi ở Campuchia mà đa số nạn nhân là các em gái Việt Nam trong độ tuổi cắp sách đến trường.
Trong bài viết trên ngoisao.net, mẹ Jonty đã buộc phải bán cô con gái nhỏ của mình, vì nợ nần và nghèo đói.

Cách đây không lâu, chùm bài
Ăn bám… trẻ em trên báo Tuổi trẻ, có lẽ đã làm nhiều độc giả phải thương khóc cho những đứa trẻ bị “người lớn” bóc lột sức lao động. Những người lớn, trong đó có cả bố mẹ của những đứa trẻ đó, là những kẻ “chăn dắt” chuyên nghiệp.
Lao động trẻ em: Cái gốc là nghèo đói. Vấn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em: phải chăng một lần nữa nghèo đói là ngọn nguồn?
Chúng ta đã đau lòng khi liên tiếp nghe tin phụ nữ Việt Nam xếp hàng để trai Hàn tuyển vợ; Một website nước ngoài đã đưa hình ảnh phụ nữ Việt Nam với những lời quảng cáo hết sức phô: “Gái Việt Nam còn trinh”, “Gái Việt Nam thích lấy chồng Singapore/Malaysia/Hồng Kông”…

Trên Chongqing Evening News, hôm 26/01/2010, đã đưa tin
, trai nghèo Trung Quốc tìm vợ Việt Nam.
Ngày 09/07/2009,
Vietnamnet đưa tin “Từ năm 2005 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1.600 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em. Cơ quan chức năng đã xác định 3.000 đối tượng có liên quan và 4.300 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bán qua biên giới”.

Dẫn chứng ra như vậy, tôi chỉ muốn nhắc lại lời cảnh tỉnh về một thực trạng đau lòng.
Chúng ta đã nỗ lực, nhưng có thể nỗ lực chưa đủ… Chúng ta đã rung hồi chuông nhắc nhở lương tâm và nhận thức, nhưng có thể nó vẫn chưa đủ ngân vang…
Đó là đôi lời tôi muốn gửi đến ngoisao.net nói riêng và người Việt Nam nói chung.

© 2010 Lê Ngọc Tú
© 2010 talawas




No comments: