Saturday, February 27, 2010

TÔI VẪN LÀ TÔI GIỮA PHÒNG THẨM VẤN

Tôi vẫn là tôi giữa phòng thẩm vấn

Nguyễn Thượng Long
Đăng ngày 27/02/2010 lúc 04:56:58 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4623

.

Hơn 50 năm trước, ở tuổi hoa niên tôi đã bị hút hồn bởi những Nam Tước Phôn Gôn Rinh, tiểu thuyết tình báo nhiều tập của văn học Xô Viết, viết về những cuộc đấu trí giữa viên Thiếu Tá hồng quân trong vai một sĩ quan SS với cơ quan phản gián Giét ta pô của Đức Quốc Xã. Tôi cũng đã từng mê mẩn trước những trang hồi kí có tên Bất Khuất viết về những hoạt động của ông Nguyễn Đức Thuận, một TW Uỷ viên ĐCS Việt Nam được Đảng chủ động cài lại miền Nam để chuẩn bị cho những bước phát triển mới của chính trường Miền Nam sau Hiệp định Giơ ne vơ 1954. Cuốn sách đó một thời được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học hệ phổ thông 10 năm và đã từng được thế hệ tôi suy tôn như một mẫu mực nghệ thuật, một biểu tượng hoành tráng, một tượng đài vô song của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Có thể nói trong hành trang của thế hệ tôi ngày hăm hở lên đường ra trận ngoài mũ cối, dép râu, bộ Tô Châu, lương khô, sữa bột… có nguồn gốc Trung Quốc và khẩu AK 47 trên tay có xuất xứ Nga Xô…, không thể không kể tới những trang viết rực lửa cách mạng như cuốn Bất Khuất, một thứ hành trang tinh thần không thể thiếu của người ra trận những năm tháng đó.

Gần 50 năm đã trôi qua, giờ đây nếu ai hỏi tôi: Chương đoạn nào của cuốn Bất Khuất là hay nhất? Tôi xin thưa: Đó là chương viết về cuộc bắt giữ ông Thuận giữa đường phố Sài Gòn của một nhân viên an ninh có biệt danh Sáu đen và những cuộc thẩm vấn liên hồi dưới những đèn pha cực mạnh của các nhân viên an ninh trong Tổng nha Cảnh sát đô thành Sài Gòn dành cho ông Nguyễn Đức Thuận tại một căn phòng nằm gần Sở Thú Sài Gòn. Căn phòng ghê gớm đó có biệt danh Pecarande.

Thật trớ trêu, ngót 50 năm trước tôi thích cảnh nào thì nay trời trao cho tôi cảnh ấy. Đúng 8 h 30 sáng ngày 03/2/2010 tôi phải bước vào phòng thẩm vấn, một thứ Pecarande của chế độ mới ở số 6 đường Quang Trung Hà Đông - Hà Nội theo giấy triệu tập của Công An Hà Nội.

Khi cánh cửa phòng thẩm vấn khép lại, tôi biết tôi sẽ phải đối diện với hàng loạt câu hỏi và câu trả lời của tôi sẽ đem lại sự hiểu biết đúng đắn về tôi và cũng có thể lắm nếu tôi danh không chính, ngôn không thuận… họ sẽ hiểu sai về tôi, về tờ báo của chúng tôi và hệ luỵ sẽ đến với tôi là vô lường.

…Và thời gian đã trễ nải trôi trong tiếng máy ro ro êm êm của các thiết bị ghi âm, ghi hình đang chĩa vào tôi và tôi không nhầm một đường truyền audio đã được thiết lập nối liền phòng thẩm vấn tôi với một trung tâm ở đâu đó… mà trước máy sẽ là các sĩ quan cao cấp, các chuyên viên phân tích lời khai giám sát chặt chẽ từng lời khai, từng nét mặt của tôi trong từng thời điểm, từng tình huống.

Trong lúc cô thư ký có gương mặt của một cô giáo hơn là gương mặt của một sĩ quan an ninh đang hoàn thiện những thủ tục ban đầu cho một bản cung và các nhân viên an ninh khác trong phòng đang nghiêng ngả loang loáng chụp ảnh tôi từ mọi góc độ, tôi lơ đãng nhìn ra bên ngoài qua một khe cửa hẹp mà trong lòng man mác buồn. Nếu thực sự là một đời sống pháp quyền thì kể cả khi tôi đứng bên vành móng ngựa, tôi vẫn phải được đối xử như đối xử với người chưa có tội. Bụng bảo dạ, chuyện này cũng nhỏ thôi quan tâm làm gì, thế mà tôi lại buột miệng:

- Các quý vị đã quay, chụp tôi quá nhiều. Tôi có một đề nghị: Khi sử dụng các hình ảnh của tôi, xin quý vị chọn những hình ảnh nào phản ánh đúng con người tôi, xin đừng như báo ANTG số 815 ra ngày thứ tư ngày 10/12/2008 đã chọn hình ảnh thật bất xứng với tư chất của Thầy Giáo Nguyễn Đăng Mạnh để minh hoạ cho bài “Chất độc hại trong một cuốn hồi kí” của nhà nghiên cứu Thượng Nguyên. Ai đời, ông Nguyễn Đăng Mạnh, một Nhà Giáo Nhân Dân, Một nhà văn, một giáo sư văn chương, Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật cấp nhà nước, người đã góp sức đào tạo ra biết bao những Cử Nhân, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ văn chương…mà lại hiện diện trên mặt tờ báo có lượng độc giả đáng nể trong hình hài như một đầu gấu đầy chất bặm trợn! Biết đâu đấy, nay mai rồi sẽ có một bài báo của một ông Y ông Z nào đó có nhan đề: “Kẻ cơ hội chính trị Nguyễn Thượng Long đã cúi đầu nhận tội” (!?) kèm với một tấm hình tôi bơ phờ, ủ rũ như một kẻ bụi đời, một gã cô hồn trước mắt mọi người.

Đáp lại lời buột miệng của tôi, các nhân viên an ninh chỉ im lặng. Tôi cũng chẳng giận gì họ, thôi thì việc cấp trên giao cho họ thì họ cứ làm, việc tôi tôi làm và câu hỏi đầu tiên của viên Thượng Tá đã đưa tôi ra khỏi những tạp niệm xét cho cùng cũng là vô nghĩa giữa cõi thế gian đang bị lấp đầy bởi những điều phi lý này.

*


Hỏi: Trưởng thành từ các môi trường sư phạm, hoàn thành nghĩa vụ lao động trong công việc của người thầy, cuối đời lại vương nghiệp báo chí…! điều gì đã xẩy ra vậy?

Trả lời: Không biết có phải cuộc đời tôi là một dẫn chứng sinh động cho 4 cái nghề như có họ với nhau: Nhà văn, Nhà báo, Nhà giáo, Nhà nghèo không! Tôi đến với hoạt động báo chí là sự phát triển tự nhiên và tất yếu. Những người lần đầu gặp tôi đều nghĩ tôi là người làm báo, chẳng ai nghĩ tôi làm nghề dạy học. Có lẽ tôi sinh ra để cầm máy ghi âm, cầm máy ảnh chứ không phải là cầm phấn đứng trên bục giảng. Thế hệ tôi là thế hệ không được tự do khẳng định thiên hướng nghề nghiệp cho mình. Công bằng mà nói tôi cũng là một thứ hèn, đã cúi mặt chấp nhận tư thế “Nhà nước đặt đâu – Con dân ngồi đấy”. Trong cuộc chung sống với GD – ĐT suốt 40 năm tuy không phải là một cuộc “ hôn nhân vì tình yêu”, tôi vẫn tự hào là tôi vẫn giữ được phẩm hạnh của người cầm phấn trước học trò của mình.

Hôm nay ông hỏi điều gì đã xảy ra? Xin thưa, nếu ngành giáo dục đừng bộc lộ những gì là bất xứng, có lẽ tôi cũng tẻ nhạt như mấy ông giáo già ù lì nơi tôi thôi. Sự đời lại không như vậy, trước sự tụt dốc đến thảm hại của nghề cao quý, ngay từ giữa những năm 1990 tôi đã có hàng loạt bài viết cảnh báo về sự băng hoại của Giáo dục, tôi đã từng như “Con Thiêu Thân” trong nỗ lực tố cáo những dối trá trong thi cử của GD – ĐT Hà Tây. Tôi cũng đã từng quên mình nhảy ra bênh vực những “Con Thiêu Thân” khác lâm nạn trong các nỗ lực tương tự như những nỗ lực của tôi, những Đỗ Việt Khoa (Giáo viên Hà Tây), Edu Lê Đình Hoàng (Giáo Viên Nghệ An)… và tôi đã đến với báo chí trong những lộn xộn và láo nháo như vậy.

Hỏi: “Quá trình đến với BNS Tổ Quốc của ông đã diễn ra như thế nào? Ai đã đưa ông đến với những chức danh như thành viên của Ban biên tập, Phó tổng biên tập… Theo ông, tờ báo này là sản phẩm của ai? Ông nghĩ gì về tờ báo này?

Trả lời: Tôi nghĩ, nếu không có nhóm những nhà trí thức Việt Nam ở Pháp, những người có tấm lòng thành với đất nước thì không thể có tờ Tổ Quốc, mặc dù bộ phận TQ trong nước có những gương mặt trí thức nổi trội, những lão thành cách mạng bậc tiền bối, những cây viết chính luận xuất sắc…họ đã công khai ghi danh trong Ban cố vấn, trong Ban biên tập.

Còn tôi, tôi bắt đầu viết bài cho BNS Tổ Quốc lúc tôi mới rời ngành GD – ĐT để nghỉ hưu. Đó cũng là lúc ông Đỗ Việt Khoa giáo viên Địa Lý Hà Tây được VTV3 Đài truyền hình TW vinh danh là Người Đương Thời được cả nước yêu thích nhất 2006. Đó cũng là lúc Tân Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân xuất hiện trong ánh hào quang của một “minh chủ”, người có sứ mạng đạp phanh để cứu đoàn tàu GD lúc đó đang băng băng lao xuống vực thẳm bằng cuộc vận động “hai Không” (Không gian dối trong thi cử và không vị thành tích trong thi đua). Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi một thời gian ngắn sau thời điểm đó, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã mời ông Nhân tham chính trong cương vị một Phó Thủ Tướng trẻ tuổi và đầy tài năng. Tôi đến với BNS Tổ Quốc lúc báo chí chính thống không còn mặn mà với cuộc vận động hai không, hàng loạt tờ báo chính thống đã từng đăng tải loạt bài phanh phui những tiêu cực của GD – ĐT Hà Tây của tôi trong giai đoạn trước thì nay đều đồng loạt hờ hững với bài vở của tôi. Tôi đến với tờ Tổ Quốc trong linh cảm cay đắng rằng nếu tôi chưa về hưu thì không sớm thì muộn cả tôi cả Đỗ Việt Khoa sẽ bị hạ nhục và sẽ bị người ta “hành quyết” như hành quyết những kẻ tội đồ và “phát súng hai Không” của ông Nhân rồi cũng sẽ trở thành những gì tương tự như một điều lố bịch.

Như vậy, tôi đến với tờ Tổ Quốc có khác gì đâu một cuộc hẹn hò của định mệnh, như một tất yếu. Khi thấy tên mình trong BBT của tờ TQ, tôi không quan tâm lắm,vì theo tôi tờ TQ lúc đó chỉ là một thực thể ảo khi Việt Nam đã hoà nhập vào WTO với biết bao lời hứa của ĐCS với cộng đồng quốc tế về tự do ngôn luận, tự do báo chí cho Nhân Dân Việt Nam và khi internet đã len lỏi vào từng căn nhà, từng chiếc bàn làm việc thậm chí cả trong buồng ngủ của mỗi gia đình. Nhưng đến thời điểm TQ sắp ra đến số 60 thì cảm nhận của tôi về tờ TQ đã có khác, đặc biệt khi ông Giang nói với tôi:

Giai đoạn này tôi muốn dành thời gian cho việc hoàn thiện một số công trình thuộc chuyên môn của tôi và tôi cũng muốn hoàn thiện một số cuốn sách còn đang viết dở. Long giúp tôi trông nom tờ Tổ Quốc với cương vị là một phó tổng biên tập”.

Tôi vui vẻ chấp nhận lời thỉnh cầu của ông Giang không hề vì làm việc đó tôi sẽ được gì, tôi nhận công việc đó là vì lương tâm, lương tri tôi mách bảo: Đó là một tờ báo tốt. Như vậy tôi không hề bị động trong công việc của một Phó tổng biên tập tờ Tổ Quốc. Từ TQ số 60 trở đi tôi dốc sức cùng với các trí thức khác ở trong nước cũng như ngoài nước, những người có tấm lòng thành với đất nước và bằng kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình tôi cùng với mọi người nỗ lực đẩy lùi, loại bỏ những bài viết bất lợi cho dân tộc, bất lợi cho tiến trình đi đến Tự Do – Dân Chủ và Nhân Quyền cho người Việt Nam để tờ báo luôn luôn:

* Là tiếng nói ôn hoà thể hiện những suy tư và ước vọng của người Việt Nam.
* Là tờ báo không khơi gợi những hận thù, không tán thành bạo loạn, lật đổ.
* Là tờ báo dũng cảm đối diện với những vấn đề nóng, vấn đề gai góc, vấn đề được coi là nhậy cảm mà hơn 700 tờ báo chính thống trong nước đồng loạt né tránh.
* Là một kênh phản biện tích cực đầy tinh thần trách nhiệm để ĐCS , Chính quyền trong nước dựa vào đó mà có những điều chỉnh chính sách sao cho có lợi nhất cho đất nước, cho dân tộc.
* Là sự tập dượt cho người Việt Nam trong nước chuẩn bị bước vào giai đoạn ĐCS chấp nhận tự do ngôn luận, tự do báo chí cho Nhân Dân Việt Nam như những gì ĐCS đã hứa với cộng đồng quốc tế.
* Tờ BNS Tổ Quốc tiếp tục là tờ báo không đặt ra mục đích kinh doanh, không có chế độ nhuận bút, tất cả chỉ vì sự nghiệp nâng cao dân trí, vì sự thay đổi nhận thức cho người dân theo hướng văn minh và tiến bộ.

Hỏi: Trong tay tôi là BNS Tổ Quốc số 80, để ra được một số báo có 32 trang như thế này, Phó tổng biên tập đã có quá trình làm việc thế nào?

Trả lời: Tôi không biết giai đoạn trước, để ra được một số Tổ Quốc thì những người có trách nhiệm ngày đó đã xoay sở như thế nào?. Từ số 60 mà tôi làm việc với chức danh Phó tổng biên tập thì quá trình đó là:

- Tôi dành nhiều thời gian để đọc rất kĩ những bài mà các tác giả đã gửi vào Email của tôi, đọc kĩ các bài trên các trang mạng.

- Tuyển lựa những bài có lợi cho đất nước, có lợi cho Nhân Dân trong giai đoạn phấn đấu hướng tới Tự Do – Dân Chủ - Nhân Quyền.

- Với những bài có nội dung tốt nhưng có thể vì trạng thái tâm lý của người viết không ổn nên họ có những lời lẽ cực đoan, thì tôi biên tập lại để bài báo đó vẫn giữ được ý tưởng tốt của người viết mà lại tránh được những dị ứng không cần thiết của người đọc. Ví dụ: Một tác giả khá nổi tiếng, vì quá bức xúc trước thái độ sống dối trá đang trở thành một thứ hội chứng lây lan ra toàn xã hội đã viết: “Đu ma ba quân giả dối đời…”, tôi thẳng thừng xoá bỏ động từ quá dung tục đó và thay bằng : “Bá Ngọ ba quân giả dối đời…”. Câu chửi vẫn là một câu chửi, nhưng rõ ràng lọt tai người nghe hơn. Cũng bằng cách thức đó, tôi cùng với anh em biên tập làm việc cật lực để tờ báo tránh những rắc rối không cần thiết khi phải đối diện với những đề tài, những lĩnh vực được coi là nhậy cảm và sản phẩm báo chí của chúng tôi khi đến với người đọc phải sáng bừng là những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, là tấm lòng trong sáng, là thông điệp hoà bình của người viết muốn gửi đến người đọc và nhờ đó mối quan hệ của người viết và người biên tập là mối quan hệ của những người bạn với những người bạn dựa trên sự tin tưởng nhau.

- Khi đã tuyển chọn được một lượng bài cần thiết, tôi gửi Email cho các thành viên khác trong tờ báo để anh em cùng biên tập lại kĩ càng hơn rồi anh em đó lên khuôn một bản thảo. Sau khi bản chính thức được lên khuôn, anh em lại gửi qua Gmail cho tôi và ông Giang để chúng tôi đọc duyệt lần cuối cùng. trước khi chính thức FW đi các Email của bè bạn để cùng thưởng thức.

Với một quy trình làm báo hết sức thiện nguyện, hết sức có nguyên tắc, và cũng hết sức có trách nhiệm với cộng đồng như thế, tờ Tổ Quốc đã thực sự trở thành một sản phẩm báo chí được người đọc trong nước và ngoài nước đón nhận với thái độ trọng thị và tin tưởng. Tờ BNS Tổ Quốc cùng với nhiều kênh thông tin khác như IDS, Bauxit info… nhiều năm tháng qua đã làm xã hội Việt Nam ngày càng đậm nét dân sự hơn và chất trại lính của một xã hội toàn trị kiểu Stalin, Mao Trạch Đông và Pôn Pốt …đã ít nhiều nhạt nhoà và nứt vỡ.

Cuối 2008 một chiến dịch tổng lực của truyền thông được khởi động nhằm xoá sổ BNS Tổ Quốc. Hàng loạt báo “lề phải” tung ra những đòn đánh, những loạt bài bôi nhọ, miệt thị tờ báo của chúng tôi là tờ báo phản động của bọn cơ hội chính trị, bọn bất mãn, những nhà dân chủ yêu Đô la hơn yêu nước…(!?). Đến nay tôi tin rằng, số những “Sát Thủ” sẵn sàng xuống tay hạ sát tờ TQ theo kịch bản thô thiển như thế ngày càng ít đi và vào thời điểm này nếu vì một lí do nào đó họ buộc phải viết theo chỉ thị của ai đó thì nếu còn là người có lương tri… lương tâm họ sẽ phải cắn rứt.

Hỏi: Vì sao đến số 80 tờ TQ lại quay về cơ cấu nhân sự như từ số 1?

Trả lời: Theo tôi chuyện đó cũng không có gì là đặc biệt. Kể cả lúc tờ TQ ghi danh tôi là Phó tổng biên tập thì cũng chẳng bao giờ tôi coi tôi là nhân vật quan trọng của tờ báo, là yếu nhân của tờ báo. Câu hỏi này cơ quan an ninh nên đặt ra cho những người khởi xướng ra tờ báo thì hợp lý hơn.

Trong mắt tôi tờ Tổ Quốc chỉ là một tập hợp của một số trí thức cả trong nước, cả ngoài nước có tấm lòng thành thực với đất nước và dân tộc. Mọi người cùng nhìn nhau mà làm việc trên tinh thần thiện nguyện, tự giác và tôn trọng nhau. Theo tôi về phương diện nhân sự tờ Tổ Quốc không hề có vấn nạn chạy chọt quyền chức như hơn 700 tờ báo thuộc lề phải trong nước. Việc tờ Tổ Quốc giai đoạn này cơ cấu nhân sự chỉ có Ban cố vấn và Ban biên tập là hợp lý .

Hỏi: Tờ Tổ Quốc nay đã ra được 80 số trong hơn 3 năm, vấn đề tài chính của tờ báo đã được giải quyết như thế nào?

Trả lời: Tôi chưa bao giờ chủ trương tìm hiểu kĩ về chuyện này, nếu vào dịp cuối năm 2008, đầu 2009 không có chiến dịch đánh tờ Tổ Quốc của một loạt báo lề phải, tôi cũng sẽ chẳng biết gì về chuyện này.Tôi nhớ, để trả lời những chất vấn của nhiều người, giai đoạn đó ông Giang đã một lần hé mở: “ Nguồn tài chính cho tờ TQ là do 3 nguồn, gồm: Sự giúp đỡ của ông Nguyễn Gia Kiểng - một trí thức yêu nước ở Pháp, sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân (!?), Tiền bạc của ông Giang (!?)…” Ngay từ những ngày đầu đến với tờ TQ tôi đã biết tờ Tổ Quốc không có chế độ nhuận bút, không đặt ra mục đích kinh doanh nên không có cơ chế kế toán, không có động thái giải trình về thu chi hàng năm. Nếu ai muốn tìm hiểu kĩ càng về chuyện này xin hỏi ông Giang thì hợp lý hơn.

Hỏi: Ông có bao giờ nghĩ rằng, sự tồn tại của tờ TQ là sự tồn tại trái với Hiến pháp và Pháp luật của Việt Nam không?

Trả lời: Tôi không bao giờ nghĩ như thế. Nếu tôi nghĩ như thế tôi đã không tìm đến với tờ báo này. Tôi nghĩ rằng, những người làm báo TQ chỉ lúng túng khi nhà nước yêu cầu xuất trình giấy phép xuất bản. Tờ báo của chúng tôi không thể xin được thứ giấy này. Nhưng thay vì trình giấy phép, chúng tôi sẽ trình ra:

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM:


- Điều 53: Hiến pháp CHXHCN Việt Nam: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
- Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật

TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN (LIÊN HỢP QUỐC)


- Điều 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm, kể cả bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như sự tự do tìm kiếm, thu nhập truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.
- Điều 30: Không cho phép bất cứ một quốc gia nào, nhóm người hay một cá nhân nào được quyền tham gia vào bất cứ hành vi nào nhằm phá hoại bất cứ quyền và tự do nào nêu trong bản tuyên ngôn này.

CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ NHỮNG QUYỀN DÂN SỰ CHÍNH TRỊ ( LIÊN HỢP QUỐC BIỂU QUYẾT 1966 VIỆT NAM THAM GIA 1982)


- Điều 19: Mọi người có quyền giữ vững quan điểm mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do phát biểu quan điểm. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm dưới hình thức nghệ thuật hay mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
- Điều 5: Không một quốc gia nào, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền tiêu diệt những quyền tự do đã được Công ước thừa nhận hoặc để giới hạn các quyền tự do này.

Xung quanh chuyện này có người đã bắn tin đến tôi rằng: Những điều ông Long nói là đúng thôi, thế với Luật xuất bản và Luật báo chí thì những người làm báo TQ nghĩ gì? Tôi đã trả lời: Một đất nước thực sự là Pháp quyền – Pháp trị thì luôn luôn coi Hiến pháp là “Luật Mẹ”, mọi bộ luật, mọi đạo luật chỉ là “Luật con” & “ Luật con”có nhiệm vụ cụ thể hoá nội dung của “Luật Mẹ” để người dân có điều kiện thụ hưởng những gì mà Hiến Pháp đã quy định. Tôi nghĩ rằng, nhìn nhận sự hiện diện của tờ TQ có thể vận dụng cách nói của ông Luật Sư danh tiếng Lê Công Định, người vừa phải thụ án tù 5 năm tù giam: “ BNS Tổ Quốc, xét theo hành vi khách quan thì đó là tờ báo không có giấy phép !”có vậy thôi. Nói thật lòng với nhau, xã hội Việt Nam như bà Ngô Bá Thành đã từng thẳng thừng nói giữa Quốc Hội rằng: Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng khi thực thi người ta lại chỉ quen dùng luật rừng!”, thì những người làm báo TQ khi không có giấy phép nhưng lại rất đúng về Hiến Pháp, về Tuyên ngôn nhân quyền, về Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị…là điều hoàn toàn có thể lí giải được.

Hỏi: Tôi hỏi ông Long, nếu nhà nước yêu cầu BNS Tổ Quốc phải đình bản, Ông nghĩ gì?

Trả lời: Thưa ông ! Tờ TQ đứng vững được bấy lâu nay, trước hết là nhờ chất lượng bài vở của những người viết báo, sau đó mới là tôn chỉ, mục đích, tài năng và tấm lòng của những người làm báo. Khi tờ báo của chúng tôi đã được đông đảo các giới bạn đọc đón nhận bằng thái độ trân trọng thì chúng tôi cũng phải có trách nhiệm với họ. Chúng tôi buông bút một cách quá dễ dãi, người đọc sẽ nghĩ gì về chúng tôi? Nếu hôm nay nhà nước yêu cầu chúng tôi im tiếng, xin nhà nước cũng có một cái gì đó tương tự như Nghị Định 97 mà nhà nước đã đưa ra để giải quyết vụ IDS và chúng tôi sẽ hội ý nhau để có một giải pháp hợp lý.

Buổi sáng kết thúc bằng một tranh luận cũng rất ôn hoà giữa tôi và cô thư ký. Chẳng hiểu sao tôi không hề một lần nói tới cụm từ “Như thế những người làm báo Tổ Quốc chúng tôi đã vi phạm Hiến Pháp và Pháp luật”, vậy mà cụm từ đó lại xuất hiện trong biên bản? Tôi yêu cầu xoá bỏ cụm từ đó. Tôi chỉ công nhận BNS Tổ Quốc là tờ báo không có giấy phép , có vậy thôi.

*


Buổi chiều, viên Thượng Tá khệ nệ đặt trước mặt tôi ngót 30 tập bài viết đã xuất hiện trên tờ Tổ Quốc và yêu cầu tôi kí xác nhận bút tích của mình. Tôi thực sự bất ngờ về sức viết chỉ tính từ ngày tôi ra khỏi ngành giáo dục. Tôi lúi húi làm theo lời chỉ dẫn của cô thư kí xinh đẹp, kí vào từng trang viết, từng bài viết của mình vừa ngẫm nghĩ:

Trên con đường người Việt Nam đi tìm tự do ngôn luận, tự do báo chí như bất cứ một dân tộc văn minh nào khác, những người làm báo Tổ Quốc đã đặt được một cột mốc đáng tự hào và không thể phủ nhận. Tôi cũng không quên những gì đã đến với tôi trong những năm tháng qua. Quên sao được lời khuyên nhủ tôi kéo “cờ trắng” của một ông cũng có số má trên các trận chiến đánh võ mồm trên mạng, rồi cũng lại chính ông kễnh này đi đâu cũng rêu rao rằng: “An ninh nói với Moa, hãy tránh xa Nguyễn Thượng Long ra, ông ta đã đặt một chân xuống hố rồi! Vấn đề chỉ là công an bắt lúc nào thôi !”. Lại có một nhà đối kháng trong lúc hoang mang đã nhắc nhở tôi: “Rồi Công an sẽ bắt ông thôi !”. Tôi có thói quen không đối lời trước những lời tương tự, cũng là bởi: “Nếu tôi có tội với tổ quốc tôi thì “Lưới trời lồng lộng – Chạy đâu cũng không khỏi nắng”, và nếu tôi có lỗi với nhân dân đau khổ của tôi thì tội tôi đến đâu tôi chịu đến đó. Tôi không để ai phải chịu thay cho tôi. Điều giản dị đó có được trong tôi là vì trên mọi nẻo đường, trên từng suy nghĩ, tôi không là phiên bản của ai, tôi không a dua ai, nói leo ai, ăn theo ai”.

Đặt bút xuống mặt bàn sau khi kí xác nhận xong các tài liệu, các văn bản, tôi lơ đãng quan sát các nhân viên an ninh đang lặng lẽ tháo rỡ máy móc, thiết bị trong phòng thẩm vấn thì viên Thượng Tá an ninh chia tay tôi bằng một câu thật bất ngờ: “Sao ông không búi tó như hơn 2 năm trước chúng ta đã gặp nhau ?”. Tôi vui vẻ trả lời: “Thực ra tôi hợp với mái tóc như thế, phải cái là đám học trò tôi chúng lại cứ hay bắt chước. Năm đó tôi kỉ niệm một năm ngày “Rửa tay cất phấn”, đám học trò đến với tôi ông nào cũng búi tó như các hảo thủ, các lãng tử tìm nhau trên Lương Sơn Bạc. Lần đó tôi vô cùng bối rối trước bao nhiêu người. Người thông cảm thì không sao, kẻ ác khẩu dạng ông kễnh nọ bảo “Thầy nào trò ấy” (!?).

Suốt dọc đường về, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về câu hỏi lúc chia tay tôi của viên Thượng Tá an ninh đó. Tôi nghĩ ông ta cũng thật lòng mà hỏi cái chuyện tóc tai đó thôi, và thật may tôi cũng không buột miệng theo lối trình diễn đối kháng rất thời thượng thường thấy trong làng Dân Chủ ở Việt Nam giai đoạn này mỗi khi một số người phải đối diện với cơ quan an ninh. Việc tôi có giữ được là tôi trong phòng thẩm vấn hay không là phụ thuộc vào những gì mà tôi đã thể hiện trong cả ngày 3/2/2010 chứ đâu chỉ phụ thuộc vào một lời xét cho cùng cũng là vô thưởng vô phạt lúc giã biệt!

.

Những ngày Tết năm Hổ (Canh Dần 2010)
Nguyễn Thượng Long

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: