Wednesday, February 24, 2010

NHỮNG TIẾNG NÓI CHO CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Những tiếng nói cho công bằng xã hội

Khánh An, phóng viên RFA

2010-02-23

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Voices-on-social-justice-campaign-KhAn-02232010213723.html

Tổ chức Nhân lực Quốc tế vừa phát động phong trào “Những tiếng nói cho công bằng xã hội”. Đây là một trong những sự kiện toàn cầu nhằm đánh dấu ngày ngày Quốc tế về Công bằng Xã hội 20/2.

Công bằng xã hội

Vào ngày 20/2, Tổ chức Nhân lực Quốc tế, Liên Hiệp Quốc cùng với cộng đồng quốc tế vinh danh ngày Quốc tế về Công bằng Xã hội lần thứ hai và phát động chiến dịch “Những tiếng nói cho công bằng xã hội”. Chiến dịch nhằm thu thập nhiều tiếng nói, ý kiến và quan điểm khác nhau trên toàn thế giới về ý nghĩa của công bằng xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Tổng giám đốc của Tổ chức Nhân lực Quốc tế, ông Juan Somavia nói về ý nghĩa và lý do phát động chiến dịch:

“Tôi cho rằng công bằng xã hội chính là nền tảng của một xã hội tốt. Đó là sự tôn trọng công bằng và các phẩm giá mà tất cả chúng ta cùng làm vì ích lợi chung trong sự tiến bộ và phát triển. Tiếc rằng điều đó không tồn tại trong xã hội hiện nay mà chúng ta phải chiến đấu để có nó. Khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp càng làm cho cuộc chiến của chúng ta trở nên khó khăn và cấp bách hơn. Chúng ta cần phải lên tiếng để cổ động, quảng bá cho một xã hội công bằng hơn. Diễn đàn này chính là cơ hội để làm điều đó.”

Trong ngày đầu tiên phát động chiến dịch, đã có những tiếng nói tiên khởi được đưa lên trang mạng Youtube và một số các trang mạng xã hội khác. Trong đó bao gồm tiếng nói của những nhân vật nổi tiếng như Tổng thư ký Liên hiệp Thương mại Quốc tế (ITUC) Guy Ryder, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Pascal Lamy, Nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan…

Nói về công bằng xã hội, Nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cho rằng:

“Công bằng xã hội, theo tôi, là nỗ lực của tất cả chúng ta trong việc nhạy bén với nhu cầu của người khác, đoàn kết và cảm thông với nhau. Chấp nhận thực tế là chúng ta sẻ chia với nhau trên một hành tinh, với nguồn năng lượng giới hạn mà chúng ta phải cậy dựa vào để sống. Điều quan trọng là mỗi cá nhân chúng ta đều thực hành điều này và các chính sách an sinh xã hội cũng thế.

Tôi tin rằng công bằng xã hội nghĩa là mọi người đều có cơ hội bình đẳng trong việc khai thác và sử dụng các tài nguyên. Ai cũng có quyền được giáo dục, quyền sử dụng các phương tiện y tế hay được bảo vệ sức khỏe. Đúng là tất cả các điều trên tùy thuộc vào chính phủ của mỗi quốc gia. Nhưng trong tinh thần đoàn kết, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau. Đó là lý do tại sao chiến dịch này ra đời.”

Con người và việc làm

Theo nhận định của các chuyên gia, khủng hoảng kinh tế đã làm cho vấn đề công bằng xã hội trở nên tồi tệ hơn. Hàng loạt nhân công bị sa thải. Hàng triệu người bị mất nhà cửa, công việc, tiền bạc và trở thành trắng tay chỉ sau một đêm. Nhiều chính phủ có bỏ tiền ra để kích thích kinh tế nhưng số tiền đó không hoàn toàn đến tay các nạn nhân nhưng hầu hết rơi vào túi các ngân hàng và những tổ chức tài chính. Quan niệm về công bằng xã hội trong hoàn cảnh hiện tại, theo các chuyên gia, là tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn và cung cấp cho tất cả mọi người phương kế sinh nhai.

Tổng giám đốc Tổ chức Nhân lực Quốc tế Juan Somavia cho rằng:

“Một trong những cách tốt nhất để có được công bằng xã hội là vấn đề tử tế: phẩm giá trong công việc, phẩm giá con người, gia đình yên ấm và cộng đồng hữu hòa.”

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu lên sự cần thiết phải cải tổ sâu các hệ thống ngân hàng và tài chính, phải chú ý nhiều hơn đến nhân lực trẻ và dành ưu tiên để phát triển kỹ năng cho họ. Các tổ chức tài chánh quốc tế và từ thiện phải nhận thấy quyền lợi của các nước đang phát triển trong việc tạo ra các chính sách lao động tốt hơn mà không phải phụ thuộc.

Nói tóm lại, để có được công bằng xã hội trong thời điểm hiện tại, cần lấy con người và công ăn việc làm làm trung tâm.

Theo dòng thời sự:

LHQ cảnh báo nạn thất nghiệp toàn cầu

Czech trợ giúp lao động nước ngoài bị thất nghiệp

Cuộc khủng hoảng kinh tế của thế kỷ

Những quan điểm khác nhau về sự nghèo khó của nông dân ĐBSCL

Bao giờ người nông dân hết nghèo

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments: