Thursday, February 25, 2010

ĐẢNG NÊN ĐỨNG Ở ĐÂU ? (Phần 2)

Đảng nên đứng ở đâu? (phần 2)

Trân Văn, phóng viên RFA

2010-02-25

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Where-Vietnam-Communist-Party-should-stand-%28part%202%29-TrVan-02252010124133.html

.

ĐẢNG NÊN ĐỨNG Ở ĐÂU ? (Phần 1)

.

Công chúng, đặc biệt là trí thức trong và ngoài nước nghĩ gì trước những băn khoăn của ông Hữu Thọ, nhân vật từng là Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Trợ lý Tổng Bí thư Đảng CSVN, Tổng Biên tập báo Nhân Dân,... về vị trí của Đảng trong tương quan với tổ quốc, dân tộc?

.

Cũng không đơn thuần là cách nói

Trước ông Hữu Thọ đã từng có một số người cho rằng, nội dung khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới”, chỉ ra nhận thức cũng như lối hành xử của tổ chức chính trị đang cầm quyền, về vị trí của họ trong tương quan với tổ quốc và dân tộc.

Tuy lãnh đạo Đảng CSVN vẫn bảo rằng, họ phục vụ cho quyền lợi của quốc gia và dân tộc nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy, họ muốn thiết lập và duy trì một trật tự, trái cả về lý lẫn tình. Đó là Đảng CSVN luôn nằm trên tất cả, từ tự nhiên đến tổ quốc, dân tộc.

Tham vọng này không chỉ thể hiện trong nội dung khẩu hiệu mà ông Hữu Thọ đã bàn. Nhân bài “Chụp ảnh khẩu hiệu Tết” của ông Hữu Thọ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, một giáo sư y khoa ở Úc, đã thử phân tích lối diễn đạt cũng như diễn văn của giới lãnh đạo Đảng CSVN về thứ tự Đảng, Nhà nước, Nhân dân trên blog của ông.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn: Đọc báo, nghe đài, xem tivi, chúng ta thường hay thấy những cái tít hay cụm từ như muốn nhắc cho người dân biết rằng Đảng CSVN là người làm chủ cao nhất của đất nước. Chẳng hạn “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội chúc thọ đồng chí Đỗ Mười” hay “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất cần những nhà báo có tâm, có tài”,...

Trong đó Đảng đứng đầu, rồi mới đến Nhà nước, sau đó là quân đội và cuối cùng là … nhân dân. Ngay cả công trạng cũng theo thứ tự đó, chẳng hạn trong thư của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: “Năm 2009 vừa qua, nhờ nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đất nước đã từng bước vượt qua khó khăn do những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh gây ra, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng”.

Để có thể nhận ra sự phi lý trong trật tự đã được xác lập tại Việt Nam, Tiến sĩ Tuấn đề nghị: Thử nhìn sang nước khác xem cách họ nói chuyện ra sao. Những ai từng ở các nước phương Tây đều biết rằng không có khẩu hiệu tuyên truyền theo kiểu Việt Nam. Vì thế, chúng ta không thể so sánh khẩu hiệu, mà phải so sánh diễn văn của các lãnh tụ. Ở Úc chưa bao giờ có một chính khách của bất cứ đảng chính trị nào - dù là đang cầm quyền hay đối lập - dám nêu những khẩu hiệu theo thứ tự như ở nước ta...

Hay nhìn sang bài diễn văn của các lãnh tụ Mỹ, chúng ta thấy họ không bao giờ nhắc đến đảng của họ, mà chỉ toàn là nation (quốc gia), people (nhân dân), freedom (tự do),…

Tiến sĩ Tuấn đã thử phân tích từ trong hai bài diễn văn, một của ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng CSVN nhân ngày Quốc khánh 2 tháng 9 và một của ông Obama nhân ngày ông này tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Mỹ thì thấy: Trong bài diễn văn 3974 chữ của ông Tổng bí thư, chữ Đảng xuất hiện 64 lần, Nhân dân 24 lần, Dân chủ 14 lần, Nhà nước 7 lần, Bác Hồ 3 lần, Tự do 1 lần. Còn bài diễn văn 2423 chữ của Obama thì không có một chữ nào dành cho Đảng Dân chủ. Nation (quốc gia) được đề cập nhiều nhất: 18 lần, America (nước Mỹ) 16 lần, People (nhân dân) 8 lần, freedom (tự do) 4 lần, nhưng không có democracy (dân chủ).

So sánh 2 bài diễn văn cho thấy, bên tổng thống Mỹ đặt quốc gia và nhân dân (nation, America và people) lên trên, còn bài của bác Mạnh thì Đảng là trên hết, sau đó mới đến nhân dân. Có lẽ những tần số này chính là câu trả lời cho câu hỏi của bác Hữu Thọ.

.

Quá lạc hậu về nhận thức?

Đó là những so sánh với đương đại, còn trong quá khứ, chẳng hạn với thời quân chủ chuyên chế? Lúc ấy, tương quan giữa vua với xã tắc ra sao? Dân chúng có vai trò như thế nào? Chúng tôi đã thử nêu những thắc mắc này với ông Hà Văn Thịnh, giảng viên khoa Sử của trường Đại học Khoa học Huế.

Ông Thịnh cho biết: Ngày xưa thì trung quân tức là ái quốc. Vua bao giờ cũng trên hết, Bây giờ thì không còn “quân” nữa, không còn vua nữa. Bây giờ “trung với Đảng, hiếu với dân”. Đảng bao giờ cũng đặt trước dân. Nói chung đó là sự phổ biến của toàn bộ khẩu hiệu hay là logic lộ trình của tư duy.

Trân Văn: Đối với các triều đại vua chúa Việt Nam trước đây, có giai đoạn nào, có minh quân nào mà họ có cách nhìn khác hơn về vai trò, vị trí của dân chúng? Đặc biệt là những chuyển biến trong nhận thức của chính họ không?

Ông Hà Văn Thịnh: Trong những minh quân của thời xưa mà tôi biết thì có lẽ có hai người xuất sắc nhất trong quan điểm đặt dân lên trước, khi nào cũng lấy dân làm gốc theo nghĩa đúng của nó, tức là để dân lên trước. Đó là Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi. Bao giờ cũng coi dân làm gốc, “quốc dĩ dân vi bản”, lấy dân làm gốc, đặt dân lên trước và chuyện gì cũng phải lo cho dân trước.

Trân Văn: Thưa anh, sự thay đổi, sự chuyển biến về mặt nhận thức như thế có phải là lý do khiến những nhân vật anh vừa kể sống mãi trong lịch sử không?

Ông Hà Văn Thịnh: Tất nhiên rồi! Người cầm quyền phải luôn luôn vì dân. Còn nếu họ ích kỷ thì chỉ làm lòng dân xa lánh. Đó là nguyên tắc. Thời nào cũng vậy thôi. Vấn đề là nói hay không nói thôi. Chỉ ích kỷ nghĩ đến mình thì cả dân tộc này sẽ xa lánh. Đó là điều chắc chắn.

Trân Văn: Với khẩu hiệu như người ta vẫn thường thấy vào mỗi dịp Tết ở tại Việt Nam thì tự thân cái trật tự đó có nói lên điều gì về mặt nhận thức không?

Ông Hà Văn Thịnh: Về nhận thức nó nói rằng điều đó là sai! Ví dụ, ngày xưa bác Hồ nói là “trung với nước, hiếu với dân” thì sau này người ta sửa lại là “trung với Đảng, hiếu với dân”. Đúng nguyên văn của bác Hồ là “trung với nước, hiếu với dân”. Nước - Dân, hai điều quan trọng đầu tiên.

Bây giờ đọc lại di chúc của Hồ Chí Minh thì khi bác nói về tình cảm của bác, bác để dân trước, đảng sau. Còn khi nói về sai lầm, mất đoàn kết thì bác nói về đảng trước, dân sau… Trong di chúc thể hiện rất rõ, đọc là thấy liền thôi, thấy ngay rằng những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch trước khi Người đi xa thì bao giờ cũng đặt dân lên trước.

Cho nên Xuân hay là Dân tộc thì rõ ràng phải đặt trước Đảng mới là đúng. Còn đặt như vậy rõ ràng là sai. Có lẽ đó là cách nhìn nhận chủ quan của tôi nhưng mà tôi nghĩ rằng nó không hợp lý bởi vì gì thì dân tộc cũng phải hàng đầu!

So sánh 2 bài diễn văn cho thấy, bên tổng thống Mỹ đặt quốc gia và nhân dân (nation, America và people) lên trên, còn bài của bác Mạnh thì Đảng là trên hết, sau đó mới đến nhân dân.

TS. Nguyễn Văn Tuấn

Cũng đem thực tại so với lịch sử ở khía cạnh tư tưởng, ông Vũ Đình Trọng, Tổng Thư ký Việt Herald, một tờ nhật báo ở Nam California, Hoa Kỳ, nhận xét: Trước Công nguyên hơn 300 năm, nghĩa là cách nay gần 2400 năm, vào thời nhà Chu ở Trung Quốc, Mạnh Tử - một trong những ông tổ của Nho giáo - đã từng chủ trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, tạm dịch “dân là qúy nhất, kế đến là quốc gia, rồi mới tới vua”.

Bây giờ, nhìn lại Việt Nam, nghe diễn văn của các nhân vật lãnh đạo, xem các khẩu hiệu kiểu như “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước”, người ta ngạc nhiên, không hiểu vì sao, khi nhân loại đã sống hết thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 mà nhận thức của họ vẫn còn quá lạc hậu?

Việc tuyệt đối hóa vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt tổ chức chính trị này trên cả dân tộc, quốc gia là sự thóa mạ những tuyên bố khác của chính họ, chẳng hạn như cần phải học tập tư tưởng của ông Hồ Chí Minh, hoặc họ là một Đảng, một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”.

.

Theo dòng thời sự:

Đảng là “đại biểu trung thành” cho ai? (phần 1)

Đảng là “đại biểu trung thành” cho ai? (Phần 2)

Những “vấn đề” của Đảng cộng sản Việt Nam

Đảng nên đứng ở đâu? (Phần 1)

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: