Wednesday, February 24, 2010

KHÔNG CÒN BÌNH AN CHO NHỮNG ĐƯÁ CON CỦA MARX, NHƯNG...

Không còn bình an cho những đưá con của Marx, nhưng

Trần Thị Hồng Sương
Đăng ngày 24/02/2010 lúc 04:46:14 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4614

Nhân đọc bài “Không còn bình an cho những đứa con của Marx” của một người tên là Nguyễn Hữu Liêm

Không còn bình an cho những đứa con của Marx. Tuy vậy, không thể rơi tõm “nguyên con“ vào chủ thuyết vô thần và chủ nghĩa duy vật cực đoan. Những người CS sử dụng học thuyết Karl Marx đã không có đủ trí tuệ để có suy xét đối chiếu lý thuyết với thực tế và chọn lọc tư duy nhân bản hơn làm cương lĩnh điều hành và phát triển đất nước. Tệ nhất trong chủ nghĩa Karl Marx và CS là dùng bạo lực dày xéo nhào nặn con người để chứng minh học thuyết triết học Karl Marx và phiên bản dị dạng của cá nhân Mao Trạch Đông là phải đúng. Hegel cũng sai nhưng được CS áp dụng để coi chiến tranh là biện pháp giữ vai trò chủ trong biện chứng “ông chủ và nô lệ” của Hegel. Còn vũ khí là phương tiện ngoại thân giúp một đứa trẻ mạnh hơn lực sĩ mạnh nhất, khôn ngoan nhất khi đứa bé có súng! CS đã dùng những tư tưởng này để hình thành nên học thuyết mang đầy tính phi nhân và gây chiến tạo ra các hồng vệ binh Angka sát nhân như một ‘nhiệm vụ thiêng liêng‘ với đảng CS!

Triết lý là suy tư sâu thẳm về mọi mặt của đời người, về bản chất sự sống, về vũ trụ bao quanh, về thế giới siêu nhiên và thân phận con người trong cuộc hiện sinh trên trái đất và trong vũ trụ bao la đó. Nhưng triết lý khác tôn giáo là chỉ nhận diện chân lý như nó hiện hữu chứ không nhận nhiệm vụ tìm ra con đường hạnh phúc cho con người. Tôn giáo dùng óc tưởng tượng suy nghiệm tìm ra con đường đi đến hạnh phúc viên mãn cho đời người: thoát tục, diệt dục, cầu xin ân điển của Thiên Chúa, thánh Alah...!

Triết gia thời Khai sáng được đánh thức tư duy rộng mở, bước qua các giáo điều, can đảm nhìn nhận chân lý, nhưng triết lý chưa là chân lý vì vẫn còn là những dòng suy tưởng chưa được chứng nghiệm. Triết lý đưa ra vạn nẻo suy tư về thế giới nội tại và ngoại thân, giúp con người cân nhắc chọn lựa xây dựng nhân sinh quan-thế giới quan-vũ trụ quan, con người có thể tham khảo kho kiến thức đó để đưa ra định hướng các chính sách xã hội... Người ta gọi luật hôn nhân phản ảnh triết lý về tình yêu nam nữ và đơn vị nhỏ nhất của cộng đồng là gia đình. Luật ‘một vợ một chồng’ có từ suy nghiệm đó là mô hình để có gia đình hạnh phúc bình đẳng nam nữ. Trái lại đạo Hồi cho phép có ‘bốn vợ’ nhằm thoả mãn mong muốn đàn ông...

Con đường khoa học thực nghiệm là tiến trình khởi đi từ ý tưởng - tranh luận phê phán - thí nghiệm - kết luận. Triết học là ý tưởng - tranh luận phản biện - cuộc sống là phòng thí nghiệm - hiệu quả xã hội là chứng nghiệm suy ra kết luận. Nếu bỏ qua quy trình ‘tranh luận - đối chiếu - chứng nghiệm và thay đổi’, triết học thành giáo điều như Mao tuyển hay xác tín tôn giáo, bất di bất dịch, không cần thẩm định, không chịu thay đổi.

Giáo điều khiến nhà nước thần quyền Hồi giáo biến dân chúng thành tín đồ ngoan đạo để chứng minh... có Thánh Alah! Giáo điều khiến nhà nước CSVN biến dân chúng thành con tin, không được tiếp cận quyền lực xã hội mà bị khai thác để cung cấp đặc quyền cho thiểu số nhỏ đảng viên như thời quân chủ phong kiến.

Khi thành kẻ hiếu chiến, cướp giật tài sản, tóm thâu quyền lợi vật chất và tinh thần dù dưới chiêu bài đẹp đẻ nào, vẫn là chống lại nhân loại, thì những đứa con của Marx sao có thể bình an?

Nói về “vô thần - hữu thần” không chỉ có Hegel và Karl Marx (1818-1883) -Engels mà còn một trường phái cận đại của triết gia Immanuel Kant (1724-1804) trước Marx cả trăm năm mới được coi là nhà triết học minh triết, khám phá ra chân lý mà Marx Engels không có được .

Rõ ràng cuộc sống chưa được khám phá hết do tri thức còn hạn chế của con người. Hãy thử nghĩ về việc mỗi con người chúng ta vô hình trước người khác về mặt tư tưởng! Con người như thế là đang sở hữu một phần bí ẩn là ‘tư tưởng vô hình vô dạng’ suy ra cũng có thể có ‘linh hồn’ thuộc đời sống tâm linh. Phần tâm linh này luôn quan trọng hơn, có giá trị cao hơn rất nhiều thể xác, nhưng chưa được khoa học chứng minh định hình dáng dấp và giải thích công năng kỳ diệu đó một cách thoả đáng. Nhiều tôn giáo cho đó là vầng sáng quanh đầu có màu sắc khác nhau tùy kẻ hiền hay người ác! Phật giáo cho linh hồn tồn tại sau khi chết và sẽ tái sinh vài ngàn kiếp, tu tập góp phần công đức, thành người minh triết và cuối cùng ai cũng thành Phật ! IQ cao thấp, thông minh hay trì độn, trong quan niệm Phật giáo, chính là độ già trẻ tính bằng số kiếp luân hồi...

Chúng ta đang có môt thế giới vật chất vô hình, đang sống cùng với bao nhiêu là làn sóng truyền thanh, truyền hình, sóng siêu âm, tia phóng xạ hay vật thể vô hình xuyên tường, xuyên qua hầu hết vật chất kiên cố... Vì vậy ngoài vật chất mắt chúng ta quan sát được cùng với các thiết bị hỗ trợ quan sát thì đó thế giới trong suốt đó không hề trống rỗng mà còn có nhiều yếu tố tồn tại ngoài tầm nhìn ngoài cả phát kiến khoa học, khiến chúng ta chưa biết hết. Do vậy không thể hoàn toàn bác bỏ sự hiện hữu của siêu nhiên vì thế giới vô hình đó nếu có sự tồn tại của linh hồn thì thế giới siêu nhiên vẫn có thể không xa. Tính bất tử của linh hồn, tính vô biên của vũ trụ hoặc sự tồn tại của thượng đế dù chưa thể chứng minh song cũng chưa thể bác bỏ.

Hiểu vô thần hữu thần kiểu dân gian, đánh đồng hủ tục mê tín với triết học Phật giáo và tôn giáo chính thống để rồi dùng bạo lực cách mạng đấu tranh bằng cách phá chùa, đập tượng Phật, dẹp nhà thờ phân biệt giáo dân như CS Hà Nội thời 1945-1975 và Campuchia thời diệt chủng... là những kẻ ngu xuẩn nhất trần đời !

Đành rằng tôn giáo nối tiếp tiến trình văn minh từ cỗ đại có nhiều khoảnh khắc sai lầm cực đoan như đầu thế kỷ 18, với các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, thuyết giảng sự trừng phạt khủng khiếp của Chúa để đe doạ con người như bài giảng “Tội nhân trong tay Thiên Chúa đang thịnh nộ” mang tính nguyền rủa cực đoan của Jonathan Edwards, một mục sư Thanh giáo (chống lại sự tách rời giáo hội La Mã của Anh giáo) tại Enfield, Connecticut, năm 1741, nhấn mạnh đến sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những người khước từ ân điển của Thiên Chúa. Khi nghe giảng, nhiều người đã kinh hãi la khóc. Người dân Israel là đối tượng bị nguyền rủa do không tin vào Chúa đã bị Thiên chúa giáo coi là bội nghịch. Ai dám chắc diệt chủng Do Thái của Hitler sau này không có ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo cực đoan?

Sự cực đoan đã làm trí thức Âu Mỹ gần 300 năm trước, chợt nhận ra họ không có tự do tư tưởng vì sự bao trùm mang tính khủng bố tinh thần của các giáo điều Thiên Chúa giáo.

Các nhà truyền bá phúc âm và các nhà thuyết giáo hiện nay, khác hơn rất nhiều, tiếp nhận thêm chất liệu từ cuộc sống, nay giáo sĩ Thiên Chúa chỉ thích trình bày với thính giả của mình về tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa thể hiện qua Chúa Giê-xu cứu chuộc. Cầu nguyện cho hoà bình và sự bình an cho con người. Nhờ có thay đổi đó Thiên Chúa giáo mới tồn tại. Mê tín dị đoan, thần giáo xúc phạm sinh mệnh con người như cúng tế trinh nữ đều tuyệt diệt theo dòng văn minh. Dù thế giới siêu nhiên có hay không thì tôn giáo với các giáo sĩ biết chuyển biến theo hướng văn minh, đang là nhu cầu tâm linh của cuộc sống.

Immauel Kant là triết gia khai sáng, được đánh thức khỏi “giấc ngủ giáo điều” ra khỏi sự kinh sợ quyền lực còn đang nằm trong tưởng tượng của thế giới siêu nhiên, nhưng ông là người còn muốn lưu giữ niềm tin cho phần tâm linh của con người.

Về ba vấn đề tranh luận gai góc miên man, một là sự tồn tại hay không tồn tại của Thượng đế, hai là tính bất tử của linh hồn và ba là sự tự do, khi không chứng minh được cũng không bác bỏ được thì phải cần đến niềm tin. "Tôi đã phải gác tri thức qua một bên để có chỗ cho niềm tin" (Immanuel Kant). "Ông lão Lampe phải có một Thượng đế, vì nếu không thì con người đáng thương này không thể hạnh phúc được”...( một cách khôi hài để nói về quan điểm của Kant)

Như vậy chúng ta hiểu rằng, đứng ở góc độ nhân bản, lấy con người làm mục tiêu, và khi có niềm tin vào đấng thiêng liêng, con người hạnh phúc hơn, thì cần tôn trọng tôn giáo như một yêu cầu của cuộc sống. Triết học vẫn làm phần việc của mình là đi tìm chân lý nhưng chấp nhận sự song hành của tôn giáo với mục đích mang đến hạnh phúc niềm tin cho con người... Thật sự có Thượng đế và Thượng đế tạo ra người hay Người tạo ra Thượng đế bằng niềm xác tín không chứng minh của mình, để giải thích một cách ổn thoả sự hiện hữu của mình, đều không quan trọng bằng việc có Thượng đế thì con người vui sống hơn, sống tử tế với nhau hơn !

Immanuel Kant cũng thấy chiến tranh gây ra nhiều đau khổ nhất, ông tìm cách đề ra những điều kiện để kiến tạo một nền “Hoà bình vĩnh cửu“ (Perpetual Peace) .Sau 1945 các nước bị đô hộ lần lượt mau chóng trở thành nước độc lập nằm trong Liên Hiệp Anh, Liên hiệp Pháp theo tư tưởng Hoà bình vĩnh cửu (Perpetual Peace) của Immanuel Kant. Phát triển theo kiểu Cộng Đồng Châu Âu như hiện nay có Quốc hội Châu Âu là hình thức của Hoà bình vĩnh cửu. Cuộc hội thảo tháng 10.2008 có mục đích tìm mối liên hệ của tổ chức toàn cầu là Liên Hiệp Quốc ở thế kỷ 21 với hình thức Hoà Bình Vĩnh Cửu khu vực. Liên Hiệp Quốc được thành lập do ý chí của một số cường quốc có quyền phủ quyết. ‘Hoà bình vĩnh cửu’ là nền tảng của hoà bình cho tương lai không phải do ý chí của các thế lực lớn mà dựa vào sự chiến thắng của các giá trị của nền cộng hoà, hiệu quả kinh tế hài hoà, có mối quan hệ chính trị giửa các nước dân chủ kiểu mới và hợp tác liên tục qua một ‘liên minh của các nước tự do’. Hoà bình thế giới được xây dựng trên cơ sở các quốc gia độc lập, tương tác kinh tế kiểu sống còn và một tổ chức quốc tế đa dạng nhưng không mang tính toàn cầu cao như Liên Hiệp Quốc.”.. (Theo: Pubantz, Jerry. Immanuel Kant’s Perpetual Peace and the United Nations in the 21st Century”(Hoà bình thế giới của và Liên Hiệp quốc trong thế kỷ 21 ). Immanuel Kant Paper presented at the annual meeting of the Western Political Science Association, Marriott Hotel, Portland, Oregon, Mar 11, 2004)

Chính trị CS càng độc tài, đồng tiền CS càng rất ngọt ngào với doanh nhân theo chân CS.

Trên đây là đôi ba ý nghĩ nhân khi đọc bài viết của một người tên là Nguyễn Hữu Liêm về Karl Marx. Nhưng còn một vấn đề ‘liên quan sanh tử’ hơn, thiết thực hơn, đó là vấn đề VK kinh doanh ở VN!

Triết học và lịch sử là hai mảng kiến thức không thể thiếu để gánh vác vai trò dẫn đường có ảnh hưởng đến tha nhân như các nhà chính trị. Ông Nguyễn Tất Thành là con cừu đầu đàn dẫn đầu nhưng xác nhận mình vô ý thức về triết học mà chỉ làm theo Mác Lê và Mao. Ông đã dẫn dắt cả đàn cừu Cộng Sản Hà Nội lao theo vào chiến tranh, để lại lịch sử bi thảm cho đất nước. Khi nền tảng tư tưởng lốm đốm, không học qua các trường phái triết học và các định nghĩa triết học cách có hệ thống, thì mỗi người hiểu theo một cách và làm theo cách của mình hiểu. Giáo trình trường đảng chính trị Nguyễn Ái Quốc không khác kinh Coran chỉ chuyên chú dạy học thuyết Marx Lenin, không tranh luận dù cho đến nay chưa có mô hình nào thành công!

Với tư duy Khai sáng rộng mở, trí thức Mỹ đưa vào cuộc sống “Giấc mơ Mỹ “(American Dream) công bằng nhân bản cho dân chúng trong nước và ‘Hoà bình vĩnh cửu’ cho thế giới, trong khi CS dẫn con người đến chiến tranh và tạo ra xã hội đầy bất công...

Có thể riêng những người CS chỉ biết có Karl Marx mới cảm thấy “một không khí triết học đã trở nên trống vắng và không còn mang cao vọng lớn lao” như ông Liêm nói, nhưng đó là do họ lạc đường vào sa mạc vắng vẻ chứ chưa bao giờ triết học có sự “trống vắng” và hết mang cao vọng kiếm tìm chân lý cuộc sống.

Triết học giúp ta nhìn vấn đề sâu sắc đến bản thể sự việc. Chẳng hạn như về lòng yêu nước: “Không phải sinh ra là người VN thì đương nhiên có ý thức quốc gia Việt Nam. Phải có trải nghiệm về quốc gia mới có ý thức quốc gia. Nghĩa là phải có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan”.

Do vậy trong chính trị người đại diện dân phải sống cùng nơi dân cư trú có quốc tịch VN. Những người như ông Nguyễn Hữu Liêm không thể tin có ý thức quốc gia khi hoàn toàn sống ở Mỹ, sẽ không thể nào hình thành ý thức quốc gia đúng nghĩa. Ông Liêm cũng như vài người Việt Kiều khác có đủ quyền lợi, thậm chí rất ưu tiên nhưng không có trách nhiệm, không gắn bó tương lai phải sinh sống ở Việt Nam mọi thứ không thành là vấn đề. Triết học duy lý không nhìn nhận cảm xúc là con đường dẫn đến chân lý. Cảm xúc thường dẫn đến sai lầm. Cho nên về cảm xúc ông có thể có như sinh lòng yêu vài quan chức có chức năng chiêu dụ, hài lòng với hình thức đối xử trân trọng nhà nước CSVN, ông lầm tưởng là ông đang yêu nước, thật sự giống như những người CSVN ông yêu điều ưu tiên mình được hưởng và sẽ làm gì đó để nắm giữ! Có thể ông không gian manh, ông giỏi khoa học, nhưng ông lầm lẫn trong đời sống, nếu ông không nghĩ thật sâu xa trước khi làm, thì ông là những người như nhà bác học E. Schrodinger (1956) nói đến. Nhà bác học E. Schrodinger viết: Có một hiện tượng kỳ quái là nhiều người thông minh, rất giỏi về khoa học thiên nhiên nhưng có một quan niệm triết học thật ấu trĩ, một quan niệm chậm tiến và què quặt không thể tưởng tượng được!

Về thực chất, quốc gia Việt Nam chỉ là nơi để lợi dụng và làm chủ người khác một cách hợp pháp, qua tay nhà cầm quyền không tôn trọng dân quyền. Nhà cầm quyền muốn qua ông làm quảng cáo để duy trì nền chính trị vi phạm nhân quyền đó! Đó là một hợp đồng ma quỷ không văn tự chỉ được ngầm hiểu.

Ông Liêm nghĩ gì khi mình được mời dự phiên toà mà thân nhân bạn bè những người muốn bày tỏ sự không đồng tình không được tham dự? Xét về triết lý. ông đã tước đoạt một cách hợp pháp, nhưng vô nhân đạo, bất công quyền được biết về thân nhân mình và quyền bày tỏ bất đồng! Ông nghĩ thật sâu thật kỹ sẽ thấy rõ.

Tôi vừa mừng cũng vừa rất lo khi biết ông Liêm viết về triết học và giàu cảm xúc. Tuy nhiên nếu học triết lý kiểu người CS dạy trong các trường đảng Nguyễn Ái Quốc thì chỉ là một mớ giáo điều sai lầm càng khiến con người thành bảo thủ. Những gì tôi viết về ý thức quốc gia, chỉ mới là chương trình triết học nhập môn, là giáo trình trường Đại học văn khoa tôi đã đọc thêm để bổ sung kiến thức khoa học thực nghiệm của mình. Tôi cảm nhận được một điều chung rằng, để có tư duy sâu sắc, phải đọc qua các tư tưởng của các nhà triết gia.

Triết gia đào sâu suy nghĩ! Tuy nhiên vì chưa có mô hình thực tế kiểm chứng nên triết gia như Karl Marx cũng có những sai lầm trầm trọng và có những tư duy huỷ diệt như việc khuyến khích dùng “bạo lực” sát nhân để áp đặt trấn áp thay đổi các thể chế chính trị thay vì là một “chuyển biến hoà bình”!

Giết người thì cái xã hội CS thiết kế ra dành cho ai? Xin thưa, Khmer Đỏ đã muốn sát hại hết dân ‘Khmer không CS’ như một trận ‘tận thế’ để thiết lâp lại một nhà nước với những con người hoàn toàn khác. Không có cái chết nào được nền văn minh chấp nhận là cần thiết, cho nên ngày nay người ta cố gắng tăng cường giáo dục, cung cấp cuộc sống căn bản, nhu cầu thiết yếu và bỏ án tử hình!

Khi Trung Quốc mua tín phiếu Mỹ, dân TQ hãnh diện vô cùng vì tưởng mình giàu, đang cho Mỹ vay, không hề hiểu là còn nhiều lãnh vực khoa học công nghệ cao Trung Quốc không nắm công nghệ để đầu tư phát triển như không gian, công nghệ Nano. Về xã hội như học vấn, TQ không chịu đầu tư, để cưỡng bách giáo dục hết lớp 12 như Mỹ, không có như chương trình mang đậm tính công bình và trách nhiệm như chương trình ‘No child left behind : Không có trẻ nào bị bỏ quên’.

Trung Quốc thích làm chuyện mang đậm tính ‘thể diện’ kiểu người nghèo thích đeo vàng. Vàng tuy không chứng minh giá trị song cũng có tác dụng quảng cáo với số người nghèo vật chất lẫn trí tuệ mà số đó không ít ở VN, Trung Quốc. Cho nên thứ trưởng Trung Quốc, được CS Trung Quốc cho lên tiếng dạy bảo ông Obama ở Hội Nghị Copenhagen là hàm ý thâm hiểm Trung Quốc coi bản thân ông Obama là người da màu cấp thấp, nước Mỹ đang phải vay nợ, không phải kẻ ngang cơ để Hồ Cẩm Đào phải bận tâm! Ông Triết nhà ta cũng muốn làm ‘kẻ cả’ động viên ông Obama mà thâm ý là phân hoá nội bộ nước Mỹ (!). Những người phê bình chủ trương phân biệt sắc tộc lại không hề kính trọng ông Obama như người Mỹ trắng bỏ phiếu cho ông Obama. Vậy ra ai mới là người phân biệt màu da trong khi Mỹ đúng ra chỉ phân biệt đẳng cấp và giá trị ?

Còn nhớ khi Ông Bảo Đại mời Nguyễn Tất Thành hợp tác, ông ta cũng ứng xử như vậy, là cho cấp thư ký quèn đi họp ! Không lạ, vì những người mang mặc cảm dốt thua sút thường có cách ứng xử cực kỳ vô giáo dục và kiêu ngạo thế đó ! Họ cũng dễ thành kẻ giết người như tâm lý kẻ sát thủ trường học do mặc cảm thua sút hay đánh bom khủng bố do mặc cảm bị rẻ khinh, thích thấy người khác phải đau khổ phải đổ máu!

Khi thế giới, nhất là Mỹ, chào đón Trung Quốc, bắt tay CSVN họ cũng sòng phẳng trấn an và không giấu niềm hy vọng chắc chắn sẽ có thay đổi chính trị kèm theo. Nay thì trái hẳn, khi kinh tế khởi sắc họ dùng kinh tế làm lý do để càng độc tài hơn để bảo vệ đặc quyền như Vua. Nước Mỹ và mọi người đã hoàn toàn thất vọng, song tiền CS vẫn rất ngọt ngào vì CS có cả tỉ người làm nô lệ để khai thác và nuôi dưỡng quyền lực!

Tâm lý chủ nô của CS không dễ chịu buông tha dân tộc mình. Họ sẽ tiến ngang hàng nước Mỹ về trữ kim do thu vén hết của dân, còn dân chúng TQ, VN thì trong xã hội hiện tại vẫn không thoát thân phận nô lệ nghèo khổ đến bán thân vì chỉ còn một ‘tư sản’ tuyệt đối và duy nhất là xác thân mình, hoàn toàn khác người dân Mỹ.

Lòng tự cao CS vô cùng quái đản, nhưng tiền CS rất ngọt ngào nên vẫn được chào đón, dù bất công vô đạo mà nhiều người vẫn muốn dự phần ! CS biến cả tỉ dân mình thành nô lệ làm giàu cho CS cái giá dân Trung Quốc và VN phải trả là vô cùng khủng khiếp, vô cùng đáng thương!

Trần Thị Hồng Sương

© Thông Luận 2010

.

.

No comments: