Friday, February 26, 2010

LỢI ÍCH CỦA MỸ Ở BIỂN ĐÔNG

LỢI ÍCH CỦA MỸ Ở BIỂN ĐÔNG

Phạm Thùy Trang

Thứ sáu, 19 Tháng 2 2010 23:00

http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/652-li-ich-ca-m-bin-on

(Phạm Thùy Trang) Các giới ở Mỹ gần đây cho là lợi ích của Mỹ bị đe dọa do tranh chấp biển Đông leo thang đồng thời quan tâm hơn tới sự cải thiện lực lượng hải quân của Trung Quốc trong khu vực. Do đó, đã có ý kiến cho rằng chính sách “không can dự” của Mỹ không còn hoàn toàn bảo vệ lợi ích của Mỹ tại biển Đông, Mỹ cần dính líu hơn vào khu vực này. Mỹ dường như đang thay đổi từ “không can dự” tới “can dự một phần” trong chính sách đối ngoại với các nước ven biển và ASEAN tại biển Đông.

.

********

.

Biển Đông là vùng biển lớn thứ hai thế giới, với diện tích 648.000 km2. Vùng biển bao gồm nhiều tuyến đường biển quan trọng nối giữa Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, châu Phi, Trung Đông và các nước Đông Á khác. Hầu hết các nhiên liệu được vận chuyển từ Trung Đông và châu Phi tới Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều phải đi qua biển Đông. Nếu xảy ra xung đột vũ trang ở biển Đông, tuyến đường biển này bị cắt đứt thì lợi ích của hầu hết tất cả các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Mỹ, cũng sẽ bị ảnh hưởng bất lợi.

Bru-nây, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Việt Nam và đảo Đài Loan đều tuyên bố quyền chủ quyền đối với các vùng nước lãnh thổ và thềm lục địa ở biển Đông. Trung Quốc, đảo Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a, đảo Đài Loan và Bru-nây tuyên bố chủ quyền một phần, Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa. Khoảng 45 đảo thuộc quần đảo Trường Sa bị chiếm đóng bởi các lực lượng quân sự của các nước tuyên bố chủ quyền, trừ Bru-nây. Các nước tranh chấp tại biển Đông tuyên bố chủ quyền dựa trên quy tắc thềm lục địa, vị trí địa lý hay cơ sở lịch sử. Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982 ghi rõ các nước ven biển có quyền tuyên bố quyền chủ quyền trong vòng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Ngoài vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, các nước ven biển còn phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp khác như cướp biển, ô nhiễm môi trường, quản lý nguồn cá. Một nửa số các vụ cướp biển trên thế giới diễn ra ở khu vực Đông Nam Á.[1] Biển Đông cũng là một khu vực có nhiều lợi ích an ninh cạnh tranh nhau. Để bảo vệ lợi ích của mình, các nước có tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đang tích cực tìm kiếm giải pháp để giải quyết các vấn đề, tránh hành động quân sự, và thúc đẩy cơ chế thiết lập hòa bình giải quyết tranh chấp thông qua hợp tác.

Dính líu của Mỹ trên biển Đông

Biển Đông là một điểm nóng ngay cả với Mỹ. Các công ty nước ngoài trong đó có Mỹ được cho phép khai thác dầu khí đã bị vướng vào tranh chấp giữa những nước tuyên bố chủ quyền.[2] Trong nhiều thập kỷ gần đây, va chạm quân sự ở biển Đông ngày càng gia tăng và liên quan tới cả lực lượng của Mỹ. Năm 1995, Trung Quốc đụng độ với Phi-lip-pin tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Một vài thành viên của Quốc hội Mỹ đã đưa ra nghị quyết kêu gọi Mỹ ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngày 10/5/1995, Chính quyền Clinton đã tuyên bố chống lại việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, nhưng lại không nêu tên Trung Quốc trong tuyên bố.[3]

Trong vài tháng gần đây, tàu Mỹ và Trung Quốc đã có khoảng 5 vụ đụng độ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 8/3/2009, diễn ra vụ đụng độ hải quân giữa tàu chiến hạm của Hải quân Mỹ Impeccable và 5 tàu Trung Quốc tại biển Đông. Trong vụ việc này, Mỹ đã buộc tội Trung Quốc có hành động quân sự hung hăng tại biển Đông và quấy rối tàu chiến hạm của Mỹ trong vùng biển quốc tế. Đồng thời, Mỹ cũng gọi đây là hành động nguy hiểm, và vi phạm luật quốc tế và cho biết “hành động của Trung Quốc là có cân nhắc”.

Trong môi trường quốc tế hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc muốn “xây dựng mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện… để giải quyết những thách thức chung và nắm lấy cơ hội chung”,[4] và “chia sẻ lợi ích chung”[5]. Chính quyền Obama cần sự hợp tác của Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Trung Quốc cũng cần xây dựng quan hệ tốt với Mỹ để tiến tới mục tiêu chính trị quốc tế của mình. Vì vậy, hai nước Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết êm thấm các vụ việc trên.

Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo rằng các cuộc đụng độ tương tự như vậy sẽ không xảy ra trong tương lai.

Lợi ích của Mỹ tại biển Đông

Lợi ích của Mỹ tại biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong một báo cáo gần đây, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: (1) Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; (2) Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; (3) Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; (4) Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; (5) Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; (6) Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ.[6] Những lợi ích này luôn được duy trì cho dù chính quyền Mỹ có thay đổi. Mỹ gia tăng dính líu vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng là để phục vụ các lợi ích kể trên.

Lợi ích tự do hàng hải

Tự do hàng hải là lợi ích then chốt và cũng là lợi ích kinh tế và an ninh quan trọng nhất đối với Mỹ. Biển Đông là tuyến đường thương mại quan trọng nhất và Mỹ coi tuyến đường này là vùng nước quốc tế cho phép tàu thuyền quân sự và thương mại tự do qua lại. Một phân tích của Mỹ nêu “Mối đe dọa đối với tự do hàng hải qua biển Đông sẽ phá vỡ nghiêm trọng đến kinh tế khu vực. Sự tăng trưởng của kinh tế và an ninh của Mỹ phụ thuộc vào việc duy trì tự do hàng hải với cả tàu buôn và tàu quân sự”.[7] Mỹ luôn ủng hộ tự do hàng hải trên thế giới, bao gồm cả biển Đông, và có lợi ích tại các tuyến đường biển trong khu vực và do đó quan tâm đến việc giải quyết hòa bình tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng khác.

Quan ngại sâu sắc về căng thẳng tại biển Đông, Joseph Nye khi còn là trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về an ninh quốc tế cho biết “Nếu xảy ra hành động quân sự tại quần đảo Trường Sa và cản trở tự do trên biển, thì Mỹ sẽ chuẩn bị ứng phó và đảm bảo tự do hàng hải được tiếp tục”.[8]

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, hạm đội 7, hiện đang đóng tại Nhật Bản, Ha-oai và Xinh-ga-po do tướng Robert Willard chỉ huy hoạt động trên một vùng biển rộng từ Thái Bình Dương của Mỹ tới Ấn Độ Dương. Hạm đội bao gồm 180 tàu thuyền, 1.500 máy bay, và 125.000 thủy thủ, khoảng 50 đến 60 tàu của hạm đội qua lại tại vùng biển này hàng ngày.[9]

Lợi ích kinh tế và an ninh

Các đảo có tranh chấp tại biển Đông được cho là chứa một trữ lượng dầu với các ước tính khác nhau. Biển Đông được xác định là một trong 10 vùng biển có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới.[10] Từ năm 1972, các công ty dầu khí phương Tây đã khai thác và khám phá trữ lượng dầu mỏ lớn trong khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuộc khảo sát đầu tiên của Phi-lip-pin về dầu mỏ ở quần đảo Trường Sa diễn ra ngoài khơi tỉnh đảo Palawan năm 1976. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, trữ lượng dầu mỏ ở biển Đông khoảng 7 tỷ thùng dầu, trong khi Trung tâm khảo sát địa chất Mỹ ước tính tổng trữ lượng dầu mỏ bao gồm cả những nguồn năng lượng đã được khám phá và tiềm tàng ở ngoài khơi biển Đông khoảng 28 tỷ thùng.[11] Trung Quốc tuyên bố trữ lượng có thể lên tới 200 tỷ thùng, đủ để cung cấp cho Trung Quốc 1 đến 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 25% lượng tiêu thụ dầu mỏ hàng ngày của Trung Quốc hiện nay là 8 triệu thùng.[12]

Nền kinh tế Mỹ đã bị tổn thương nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2008. Giá dầu trên thế giới đã có lúc lên tới đỉnh điểm ở mức 145 đôla/thùng hồi tháng 7/2008, và chạm đáy ở mức 34 đôla/thùng tháng 12/2008. Hiện tại giá dầu đang dao động trong khoảng 65-75 đôla/thùng. Mặc dù Mỹ đã phát triển các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng gió, mặt trời… nhưng dầu mỏ đến nay vẫn là nguồn năng lượng tiêu thụ chính của Mỹ, nên Mỹ vẫn cần nguồn năng lượng tại biển Đông.

Tuy nhiên, trữ lượng dầu mỏ ở biển Đông vẫn chưa được xác định chắc chắn và vẫn còn ở mức thấp. Với tốc độ giá dầu ngày càng tăng như hiện nay, tình hình tranh chấp tại biển Đông có thể căng thẳng hơn nếu người ta tìm thấy bằng chứng về trữ lượng dầu mỏ đủ cho mục đích thương mại.[13]

Lợi ích quân sự

Biển Đông là tuyến đường giao thông quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Mỹ nhằm đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như chống hải tặc và khủng bố, đặc biệt tại eo biển Malacca. Mỹ đã đưa ra “Sáng kiến an ninh hàng hải khu vực” hồi tháng 4/2004 nhằm phát triển quan hệ đối tác với các nước trong khu vực có khả năng kiểm soát và ngăn chặn các mối đe dọa hàng hải thông qua luật quốc tế và trong nước.[14] Sáng kiến này có thể cho phép Mỹ đưa lực lượng hải quân tới eo biển Malacca để ngăn chặn khủng bố, hải tặc, buôn lậu ma túy và người. Tuy nhiên, sáng kiến an ninh của Mỹ bị Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a phản đối, vì các nước này khẳng định an ninh tại eo biển Malacca là trách nhiệm của các nước ven biển.

Mỹ duy trì các căn cứ quân sự tại Nhật Bản và Phi-lip-pin nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Phi-lip-pin, từ đó củng cố lợi ích và khẳng định vị thế của Mỹ ở biển Đông. Sau khi Mỹ và Phi-lip-pin ký “Hiệp định trao đổi quân sự giữa hai nước” năm 1995, hạm đội 7 của Mỹ đã được phép neo đậu lại tại các cảng của Phi-lip-pin ở biển Đông.

Chính sách của Mỹ đối với vấn đề biển Đông

Chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương được duy trì nhất quán trong nhiều năm và đường lối chính sách này vẫn sẽ tiếp tục dưới thời chính quyền Obama.

Chính sách đối ngoại của Mỹ tại biển Đông tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh, Mỹ muốn thấy sự phát triển chứ không phải là xung đột vũ trang xảy ra tại biển Đông. Mỹ cũng muốn duy trì quan hệ cân bằng với các nước ven biển ở khu vực. Ngoài ra, Mỹ coi Đông Nam Á rất quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ cuối chiến tranh lạnh, Mỹ đã tìm kiếm quyền kiểm soát Đông Nam Á để giành lợi thế địa chính trị với mục tiêu ngăn cản sự nổi lên của các cường quốc khác.

Trong một thời gian dài, Mỹ duy trì chính sách “không can dự” vào các tranh chấp ở biển Đông. Từ sau chiến tranh Lạnh, Mỹ bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới xung đột tại biển Đông khi các tranh chấp tuyên bố chủ quyền tại khu vực và các hoạt động đơn phương của các nước ven biển để hỗ trợ lập trường đang tăng lên.[15] Mỹ không ủng hộ bất kỳ bên nào trong các tranh chấp, nhưng tin rằng các nước này nên giải quyết bằng phương pháp hòa bình.

Mỹ luôn cho rằng “Vấn đề quyền chủ quyền hàng hải giữa các nước, đặc biệt khi có những bất đồng, phải được các nước thiết lập theo Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc” nhưng quan điểm của Mỹ đối với Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc khá phức tạp. Đây đã từng là một vấn đề gây tranh cãi của nội bộ Mỹ trong một phần tư thế kỷ. Quốc hội Mỹ ủng hộ Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc và Tổng thống Clinton đã ký công ước này năm 1994. Nhưng Công ước này chưa được Thượng viện thông qua vì cho rằng công ước sẽ gây rủi ro cho lợi ích của Mỹ, như việc thỏa thuận xung đột, quyền khai thác tài nguyên tại vùng nước sâu, và quyền hành hợp pháp của bộ máy quan chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc.[16]

Sau vụ tranh chấp tại bãi đá Vành Khăn giữa Trung Quốc và Phi-lip-pin tháng 2/1995, chính quyền Clinton đã phản ứng thận trọng và lặp lại quan điểm chính sách lâu nay trong vấn đề biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ phản đối mạnh mẽ việc đe dọa hay sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền của bất kỳ nước nào. Mỹ không đứng về phía bất kỳ nước nào đang có tuyên bố tranh chấp và mong muốn ủng hộ giải pháp hòa bình trong tranh chấp tại biển Đông. Mỹ cũng quan ngại sâu sắc tới các tuyên bố hàng hải hay hạn chế hoạt động hàng hải tại biển Đông không tuân theo luật quốc tế.

Củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác

Để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ củng cố quan hệ với đồng minh như Nhật Bản và Phi-lip-pin để triển khai lực lượng quân sự, đảm bảo an ninh khu vực và vị thế tại biển Đông. Liên minh an ninh Mỹ-Nhật, đang hoạt động liên kết với ASEAN, có thể thúc đẩy một giải pháp lâu dài tại biển Đông.

Mỹ khuyến khích các nước châu Á phát triển quan hệ an ninh đa phương. Để giải quyết với vấn đề tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quân sự với Phi-lip-pin và ủng hộ nỗ lực xây lực cơ chế đa phương của ASEAN.[17]

Tăng cường quan hệ với Trung Quốc

Mỹ quan ngại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, ngân sách quân sự ngày càng tăng, các hoạt động kinh tế và quân sự để khẳng định chủ quyền trong khi phủ nhận chủ quyền của các nước khác. Nhưng đồng thời Mỹ tăng cường quan hệ với Trung Quốc, hợp tác khai thác dầu khí để bảo vệ lợi ích kinh tế, chống hải tặc để bảo vệ an toàn hàng hải ở biển Đông. Mỹ còn muốn tăng cường hợp tác hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm duy trì an ninh ở châu Á- Thái Bình Dương và biển Đông.

Gần đây xảy ra liên tiếp các vụ đụng độ giữa tàu hải quân Mỹ và Trung Quốc tại khu vực biển Đông, gay gắt nhất là vụ đụng độ hồi tháng 3/2009. Đô đốc Timothy J. Keating, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ điều trần trước Ủy ban quân lực của Thượng viện cho biết Mỹ đã đi đầu trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng mối quan hệ này không được như mong muốn. Ví dụ như việc Trung Quốc ngừng hoạt động trao đổi quân sự giữa hai nước do Mỹ công bố bán vũ khí cho Đài Loan.

Ủng hộ và khuyến khích ASEAN

Mỹ ủng hộ và khuyến khích ASEAN hợp tác để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông, duy trì ổn định trong khu vực. Mỹ đã phát triển một cơ chế hợp tác chính thức giúp hài hòa cả hai bên dựa trên luật quốc tế như Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc, và cơ chế này được tin là sẽ tối thiểu hóa các căng thẳng. Mỹ muốn các bên tạo ra môi trường ổn định và hòa bình. Mỹ cũng dự định bắt đầu tiến trình tiến tới gia nhập Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN, can dự vào tiến trình Thượng đỉnh Đông Á. ASEAN có vị trí rất quan trọng đối với Mỹ và là nòng cốt chủ chốt trong cơ chế hợp tác khu vực đang nổi lên tại châu Á nơi Mỹ có cam kết sâu sắc.[18]

ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ngày 4/11/2002. Đây là văn bản chính trị chính thức đầu tiên liên quan đến biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Mỹ đánh giá DOC là một văn kiện không có sự ràng buộc để giải quyết tranh chấp nhưng có tác dụng giúp các bên học cách kiềm chế và tôn trọng tự do hàng hải và trên không. DOC và COC nếu được xây dựng chỉ có tác dụng làm giảm căng thẳng, thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc, chứ chưa phải là một cơ chế quản lý hiệu quả và ngăn chặn các xung đột tiềm năng.

Tóm lại, các giới ở Mỹ gần đây cho là lợi ích của Mỹ bị đe dọa do tranh chấp biển Đông leo thang đồng thời quan tâm hơn tới sự cải thiện lực lượng hải quân của Trung Quốc trong khu vực. Đô đốc Timothy J. Keating cho biết động thái chiến lược gần đây của lực lượng hải quân Trung Quốc thể hiện tham vọng của nước này. Do đó, đã có ý kiến cho rằng chính sách “không can dự” của Mỹ không còn hoàn toàn bảo vệ lợi ích của Mỹ tại biển Đông, Mỹ cần dính líu hơn vào khu vực này. Mỹ dường như đang thay đổi từ “không can dự” tới “can dự một phần” trong chính sách đối ngoại với các nước ven biển và ASEAN tại biển Đông.


[1] Jakarta Post, ngày 22/10/2003. Theo báo cáo của hội đồng ASEAN về hợp tác chống cướp biển diễn ra tại Medan, In-đô-nê-xi-a, thì có 42 vụ tấn công của cướp biển tại eo biển Malacca năm 2002.

[2]Regional Conflict and Resolution,” Country Analysis Briefs, tháng 3/2008, http://eia.doe.gov/emeu/cabs/South_China_Sea/RegionalConflictandResolution.html

[3] Shirley Kan, “U.S.-China Military Contacts: Issues for Congress,” CRS Report for Congress, ngày 5/10/2005.

[4] Hillary Rodham Clinton, Ngoại trưởng Mỹ, “Remarks After Her Meeting With Chinese Foreign Minister Yang Jiechi”, ngày 11/3/ 2009, http://www.state.gov/secretary/rm/2009a/03/120284.htm

[5] “Said Chinese Foreign Minister Yang Jiechi, Under the Influence: Challenging China with Cooperation,” World Politics Review, ngày 23/3/2009, http://www.worldpoliticsreview.com/article.aspx?id=3485

[6] Ralph A. Cossa, Brad Glosserman, Michael A. McDevitt, Nirav Patel, James Przystup, Brad Roberts, “The United States and the Asia-Pacific Region: Security Strategy for the Obama Administration”, tháng 2/2009, pp.10, 15.

[7] Ralph A. Cossa, “Security Implications of Conflict in the South China Sea: Exploring Potential Triggers of Conflict”, A Pacific Forum CSIS, tháng 3/1998, tr. 7.

[8] B.Raman, Institute For Topical Studies, Chennai, “Chinese Territorial Assertions: The Case of the Mischief Reef”, Jan. 14, 1999, http://www.southchinasea.org/docs/Chinese%20Territorial%20Assertion%20The%20Case%20of%20the%20Mischief%20Reef.htm

[9] Robert Willard, “Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thăm Việt Nam: Ưu tiên hợp tác cứu trợ thảm họa”, Tiền Phong, ngày 11/3/2009, http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=154769&ChannelID=5

[10] Mohamed Jawhar bin Hassan, “Disputes in the South China Sea: Approaches for Conflict Management” in D. da Cunha (ed.) Southeast Asian Perspctives on Security, Singapore, Seng Lee Press, 2000”, tr. 100.

[11]Oil & Natural Gas”, Country Analysis Briefs, tháng 3/2008, http://eia.doe.gov/emeu/cabs/South_China_Sea/OilNaturalGas.html

[12] Peter Navarro, “China stirs over offshore oil pact”, Asia Times, ngày 23/7/2008.

[13] Ralf Emmers, “The de-escalation of the Spratly dispute in Sino-Southeast Asian relations” in “Security and International Politics in the South China Sea”, op cit., tr. 137.

[14] http://www.globalsecurity.org/military/ops/rmsi.htm

[15] ARF annual security outlook “The United States”. http://www.aseansec.org

[16] Edwin Meese, III, Baker Spring, and Brett D. Schaefer, “The United Nations Convention on the Law of the Sea: The Risks Outweigh the Benefits”, The Heritage Foundation, ngày 16/3/2007, http://www.heritage.org/research/internationalorganizations/wm1459.cfm

[17]America: Adjustment in Foreign Policy”, Vietnam News, Reference No 10-2002, tr. 55-56.

[18] Secretary Clinton said in her first visit to the ASEAN Secretariat, James B. Steinberg, “Engaging Asia 2009: Strategies for Success”, Deputy Secretary of State, Bureau of Deputy Secretary, Remarks At National Bureau of Asian Research Conference, Washington, DC, April 1, 2009, http://www.state.gov/s/d/2009/121564.htm

Phạm Thùy Trang, Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu quốc tế số tháng 6 năm 2009

Tin mới hơn:

QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA VÀ VẤN ĐỀ PHÂN ĐỊNH BIÊN GIỚI BIỂN TẠI VỊNH THÁI LAN[21/02/2010 18:23]

BIỂN ĐÔNG: TÌM KIẾM MỘT DÀN XẾP PHÁP LÝ MỚI NHẰM TĂNG CƯỜNG ỔN ĐỊNH, HÒA BÌNH VÀ HỢP TÁC[19/02/2010 23:21]

.

Tin cũ hơn:

"Gác tranh chấp, cùng khai thác" kiểu Trung Quốc[22/01/2010 11:33]

TRANH CHẤP TRUNG QUỐC – PHI-LIP-PIN LIÊN QUAN ĐẾN DẢI ĐÁ NGẦM VÀNH KHĂN NĂM 1995 - 1999[14/01/2010 12:34]

ASEAN, Trung Quốc và Tuyên bố ứng xử các bên tại Biển Đông[14/01/2010 09:08]

Tương quan lực lượng quân sự tại Biển Đông[08/01/2010 15:18]

.

.

.

No comments: