Thursday, February 25, 2010

ĐẢNG NÊN ĐỨNG Ở ĐÂU ? (Phần 1)

Đảng nên đứng ở đâu? (Phần 1)

Trân Văn, phóng viên RFA

2010-02-25

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Where-Vietnam-Communist-Party-should-stand-TVan-part-1-02252010104445.html

Đảng CSVN cần đứng ở vị trí nào trong tương quan với tổ quốc và dân tộc? Câu hỏi này tuy không mới nhưng vẫn là vấn đề đang được quan tâm và bàn luận sôi nổi.

.

Không đơn thuần là khẩu hiệu

Tuần trước, chuyên mục Tuần Việt Nam của báo điện tử VietNamNet đăng bài “Chụp ảnh khẩu hiệu Tết”, của ông Hữu Thọ. Cho dù trong bài viết vừa đề cập, ông Hữu Thọ chỉ kể chuyện ông đã suy nghĩ ra sao, rồi chuẩn bị tinh thần, phương tiện như thế nào để có thể chụp được ảnh của một khẩu hiệu, song bài “Chụp ảnh khẩu hiệu Tết” của ông Hữu Thọ vẫn thu hút được sự quan tâm của rất nhiều độc giả cả trong lẫn ngoài Việt Nam, đặc biệt là của giới trí thức.

Tại sao? Ông Hữu Thọ kể rằng, hàng năm, trước khi Tết đến, ông thường được những cơ quan mà ông đã từng làm việc, mời dự các buổi họp mặt cuối năm. Có lẽ vì ông đã từng nắm giữ nhiều trọng trách như: Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Trợ lý Tổng Bí thư Đảng CSVN, Tổng Biên tập báo Nhân Dân,... mà lại quyết tâm chụp cho bằng được ảnh một khẩu hiệu, treo tại một trong những cơ quan mời ông họp mặt cuối năm, nên câu chuyện trở thành đặc biệt.

Theo lời ông Hữu Thọ, Tết năm ngoái, ông đã từng thấy khẩu hiệu đặc biệt ấy nhưng vì không mang theo máy ảnh nên ông không chụp được. Cũng vì vậy, năm nay, ông phải chuẩn bị sẵn máy ảnh, dù không chắc rằng, khẩu hiệu này vẫn còn nội dung như năm ngoái, để ông có thể chụp vài tấm làm kỷ niệm.

Nội dung của khẩu hiệu khiến ông Hữu Thọ bận tâm và phải dụng nhiều công như vậy là gì. Đó chỉ là: “Mừng xuân, mừng đất nước, mừng Đảng”.

Cứ như ông Hữu Thọ kể thì cho dù trật tự “xuân – đất nước – Đảng” là hợp lý song chỉ có khẩu hiệu ở báo Nhân Dân mới theo trật tự này từ năm ngoái tới năm nay. Còn những khẩu hiệu vẫn giăng đầy Hà Nội vào dịp Tết thì theo một trật tự khác: “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới”.

Ông Hữu Thọ tâm tình: Không biết từ lúc nào, cơ quan nào hướng dẫn, hoặc tự phát nhưng sau đó thành nếp quen, một khẩu hiệu bao trùm trong ngày Tết các năm là:“Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới”. Đã thành thói quen thì rất khó sửa và có thể có vấn đề tế nhị cho nên không tiện sửa vì nói trái đi có thể bị hiểu lầm. Nhưng dù sao, khẩu hiệu đó cũng có gì gờn gợn: Sao lại đặt Đảng trước dân tộc, trái với tư tưởng Hồ Chí Minh? Nghĩ thế nhưng nhiều người không tiện nói.

Tâm tình của ông Hữu Thọ khiến người ta ngạc nhiên. Tại sao, Điều 4 của Hiến pháp hiện hành xác định, Đảng CSVN “đại biểu trung thành cho quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc”, đồng thời xác định: Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chưa kể ở Điều 2, Hiến pháp khẳng định: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà chỉ với một khẩu hiệu, cho dù nội dung tạo cảm giác “gờn gợn” mà vẫn không “tiện nói”, không “tiện sửa”, kể cả khi nội dung đó cho thấy, Đảng đã và đang chễm chệ nằm trên cả dân tộc, trên cả “tư tưởng Hồ Chí Minh” mà Đảng vẫn xiển dương, yêu cầu mọi người “học tập và làm theo”?

.

Vì đã quen ở trên tất cả

Lãnh đạo Đáng CSVN có thấy sự vô lý và trái lẽ đó không? Ông Hữu Thọ bảo rằng có. Ông kể, cuối thập niên 1990, trước khi bước vào thiên niên kỷ mới, Ban Tư Tưởng Văn hoá Trung ương có thông báo về nội dung của khẩu hiệu đón Tết năm 2000 là: “Mừng xuân, mừng đất nước, mừng Đảng”.

Điều này cho thấy: Có sự sửa đổi quan trọng bằng văn bản: đặt đất trời, tự nhiên lên trước, rồi đến đất nước dân tộc, rồi mới đến Đảng. Khẩu hiệu ban hành hợp lý, hợp tình cho nên không ai phản ứng khác, nhưng sau Tết, nghe phản ánh cũng chỉ có ba, bốn địa phương thực hiện, khi hỏi lại thì được biết không phải phản đối, khác ý gì mà chỉ vì thói quen thôi. Thế rồi quan sát trong thực tiễn thì phổ biến lại quay về nếp cũ không hay...

Có lẽ cũng cần nhắc lại, thời điểm “có sự sửa đổi quan trọng bằng văn bản: đặt đất trời, tự nhiên lên trước, rồi đến đất nước, dân tộc, rồi mới đến Đảng” như ông Hữu Thọ kể là thời điểm chính ông Hữu Thọ đang đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Tư Tưởng Văn hoá Trung ương. Năm sau, ông Hữu Thọ được điều động làm công việc khác và nội dung khẩu hiệu đã từng làm rất nhiều người “gờn gợn” vẫn theo trật tự cũ: Đảng ở trên tất cả!

Bàn về khẩu hiệu theo trật tự: xuân trước, rồi tới đất nước, kế đó mới là Đảng, ông Hữu Thọ viết rằng: Không ai dám nghĩ viết như thế là coi nhẹ Đảng vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng ta do dân tộc sinh ra”. Đặt Đảng lên trên đất nước là trái với tinh thần khiêm tốn của Đảng ta, trái với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ông bảo: Khẩu hiệu đúng như thế, có lý như thế mà lại mới thì thật lạ. Có thể vì vậy mà ông phải chụp ảnh khẩu hiệu. Ông giải thích: Để ghi nhớ và cũng mong phổ biến tới nhiều cơ quan, địa phương và nhiều người, khi nghĩ về dân tộc, về Đảng.

.

Vậy công chúng và trí thức nghĩ gì về tương quan tổ quốc, dân tộc và Đảng? Mời quý vị đón xem bài kế tiếp.

.

Theo dòng thời sự:

Đảng là “đại biểu trung thành” cho ai? (phần 1)

Đảng là “đại biểu trung thành” cho ai? (Phần 2)

Những “vấn đề” của Đảng cộng sản Việt Nam

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: