Thursday, February 25, 2010

BỨC TRANH XÁM XỊT CỦA CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Bức tranh xám xịt của chính trị Việt Nam

Như Hà
Đăng ngày 25/02/2010 lúc 03:50:50 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4616

Cứ mỗi độ xuân về, mọi người trong chúng ta đều làm hai việc. Một là điểm lại năm cũ qua đi, để thấy cái được cái mất, cái hay cái dở, trăn trở với cái chưa làm được theo ý mình, theo thời cuộc theo yêu cầu của cuộc sống. Hai là đề ra những dự định, dự đoán cho một năm mới có nhiều thuận lợi hay khó khăn trong đời sống thường nhật.

Trong lĩnh vực chính trị cũng vậy. Những người quan tâm hay những kẻ được cho là “ham hố”trong hoạt động chính trị chắc cũng có tâm trạng như vậy. Là một người có những quan tâm nhất định đến vấn đề chính trị, kẻ viết bài này nhân dịp đầu năm mới Canh Dần có một vài nhận xét nho nhỏ gửi đến quí bạn đọc, nêu lên thực trạng chính trị VN 2009, để từ đó đưa ra bức tranh tổng thể cho chính trị VN. Nhìn lại toàn cảnh bức tranh là để nhìn lại cho rõ một yếu tố sống còn của dân tộc, nếu muốn có một Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững. Bức tranh hiện nay gồm hai tuyến của cuộc đấu tranh dân chủ giữa hai phe, một bên là đảng CSVN nắm trong tay nhà nước, quân đội và quyền cai trị đất nước, còn phía bên kia bao gồm các tổ chức đảng phái, các cá nhân những nhà hoạt động chính trị trong và ngoài nước.

Điểm lại các sự kiện diễn ra trong năm 2009, người ta thấy nổi bật lên việc một loạt các nhà hoạt động dân chủ bị bắt bớ hồi giữa năm và cuối năm được đưa ra xét xử với những mức án nặng nhẹ khác nhau tùy theo mức độ thành khẩn hay ngoan cố. Đi kèm với sự kiện trên là việc họ ra tay trấn áp tôn giáo, điển hình là vụ giáo xứ Đồng Chiêm với việc huy động lực lượng công an đập phá cây thánh giá biểu tượng thiêng liêng của người công giáo.

Nhận xét về tình hình các sự kiện diễn ra nêu trên, nhiều học giả cũng như các tờ báo có tiếng như BBC, RFA, VOA... đã đưa ra nhiều nhận định. Nào là phân tích “tâm tư tình cảm” của giới lãnh đạo Ba Đình, những chỉ dấu như mở đợt càn quét để dọn đường chuẩn bị cho đại hội đảng đầu năm 2011 sắp tới. Hay như nhận định phe bảo thủ trong nội bộ đảng CS đã thắng thế, trong đó không loại trừ những kẻ tích cực bảo vệ chế độ để thể hiện lòng trung thành, nhằm leo lên những bước thang quyền lực trong nhiệm kỳ tới, vân vân.

Ngoài việc phân tích sự kiện năm 2009, các học giả còn nhận thấy sau khi tổ chức thành công hội nghị APEC và vào được WTO, thì đảng CSVN lại quay ra và từng bước đàn áp PTDC ngày càng khốc liệt hơn, thủ đoạn, qui mô và triệt để hơn. Cuối cùng họ đều cùng thống nhất một quan điểm chung là không bao giờ có chuyện đa đảng hay dân chủ tại Việt Nam.

Đó là nhận xét của những kẻ ngoài cuộc, những ông bà mắt xanh mũi lõ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Còn những người trong cuộc cùng sinh ra một bọc thì có những nhận xét gì? Cho đến giờ này tôi chưa được đọc hay được nghe những nhận xét của đồng bào mình về các sự kiện trên mà chỉ được đọc và nghe các phản ứng rất rời rạc và đơn lẻ của một vài nhà dân chủ trong nước trước hành động độc tài của đảng CSVN mà thôi.

Vì vậy, cùng với các nhận định trên tôi đặc biệt quan tâm đến nhận định cuối cùng của những “chuyên gia” nước ngoài về việc đảng CSVN sau khi đã đạt được mục đích chính trị thì quay ra đàn áp PTDC. Rõ ràng, đằng sau những thủ đoạn chính trị đó, người ta thấy rõ một điều là đảng CSVN, đã có những thủ đoạn, những toan tính rất tinh vi, được soạn thảo rất bài bản trong việc đối phó với áp lực quốc tế, đồng thời cho thấy áp lực quốc tế là một trọng lực đáng kể. Trong thời gian diễn ra các sự kiện trên, áp lực quốc tế đã làm chùn bước những toan tính, giảm nhẹ và làm bớt đi những ngón đòn khủng bố đàn áp PTDC, tạo điều kiện cho các nhà dân chủ hoạt động dễ dàng hơn.

Ngoài những sự kiện chính thì việc đảng CSVN đã núp dưới danh nghĩa nhà nước, cuối năm tổ chức cuộc họp găp mặt Việt Kiều cũng là sự kiện đáng chú ý. Sự kiện này chứng tỏ họ đã có phần lấn lướt phe dân chủ hải ngoại, cho dù cuộc gặp mặt có thành công hay có nhiều người về tham dự hay không

Tất cả những nhận định trên cũng đều là giả định do các nhà phân tích đưa ra, thực hư ra sao, nội tình bên trong đảng CSVN như thế nào cho đến nay vẫn chưa có một thông tin nào được cho là đáng tin cây. Đây cũng là bài học cho phe đối lập rút tỉa ra một điều hết sức quan trọng trong vấn đề bảo mật: Tuy đảng CSVN đang nắm quyền cai trị đất nước, những bước đi của họ luôn giữ được bí mật cần thiết làm cho đối phương khó lòng phán đoán để đề ra phương án đối phó. Đây cũng là một trong muôn vàn yếu tố cần có để so sánh giữa hai phe hiện còn quá chênh lệch.

Một điều làm tôi ngạc nhiên là ngay đến cả các “chuyên gia” phân tích cũng chỉ tập trung chú ý phân tích đến các hoạt động của đảng CS như một đối tượng chính, để phán đoán xem các chiều hướng tốt xấu cho môi trường chính trị Việt Nam. Họ không hề nhắc nhở phân tích tới các hoạt động của phe dân chủ, ngoài việc mô tả mấy người bị bắt như những người bất đồng chính kiến, muốn thể hiện quyền tự do căn bản cá nhân.

Đó là điều đáng để mọi người suy ngẫm, là ngoài phản ứng của quốc tế, thì phản ứng của phe dân chủ là hết sức yếu ớt, chỉ lẻ tẻ manh mún, chưa gây được bất cứ dấu ấn nào để tác động đến sự chú ý của các học giả, cộng đồng quốc tế hay người dân trong nước, chứ đừng nói gì đến việc mảy may gây áp lực cho phe cộng sản.

Không bao giờ có chuyện đa đảng hay dân chủ tại Việt Nam, nếu...

Đúng vậy! Đó là nhận định chung của các nhà phân tích quốc tế: nếu cứ tình trạng này diễn ra, nếu các hoạt động đối kháng cứ nhỏ lẻ manh mún, nếu các cá nhân các tổ chức vẫn bị phân tán theo kiểu đèn nhà ai nhà nấy rạng. Nếu cứ quen thói trông chờ ỷ lại vào cộng đồng quốc tế lên tiếng, trông chờ vào quốc hội Hoa Kỳ, hay nghị viện Châu Âu biểu quyết dự luật này nghị quyết nọ và nếu cứ mong chờ vào cái luận điệu chỉ có người cộng sản mới lật đổ được cộng sản.

Một điều đáng buồn là phe dân chủ bao gồm cả trong và ngoài nước thì trong nước bị khủng bố và đàn áp bắt bớ đã đành, còn hải ngoại lại quá yếu ớt cho dù các hoạt động đó mang màu sắc gì đi nữa, như yểm trợ hay hỗ trợ đều không gây được bất cứ tiếng vang nào.

Lạc đề và lạc điệu...

Nếu nói các hoạt động đấu tranh dân chủ cho VN của người hải ngoại là yếu ớt, nhỏ lẻ và lẻ tẻ chưa hẳn đã đúng. Cái yếu ớt nhỏ le manh mún là do yếu tố chủ quan gây nên. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung chưa có một chính nhân nào có đủ tầm vóc, xứng đáng được tin cậy để gánh vác đại nghiệp, do chưa tìm ra cái bí quyết, cái đầu mối của một quy trình phức tạp mà rất ít người nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Người ta ước tính hiện nay có hơn 500 các tổ chức đảng phái, hội đoàn và hàng trăm website, blog đang hoạt động có tính chất chính trị. Trên các show điện tử có hàng trăm room chủ yếu của người Việt hải ngoại đang hoạt động. Tất cả đều diễn ra ồn ào và đều tập trung vào một mục đích là muốn giải trừ chế độ độc taì là đảng CSVN và có na ná một kịch bản như nhau là lập ra các tổ chức hội đoàn đảng phái, lấy việc chửi bới lên án CS để tranh giành ảnh hưởng, tạo dấu ấn với cộng đồng là chủ yếu. Các hoạt động có liên hệ với trong nước cũng chủ yếu là lấy các thông tin để đưa lên các phương tiện có tính chất tố cáo giật gân theo kiểu “kiếm câu chuyện làm quà” là chính.

Có một thời gian, người ta quyên tiền gửi về nước để yểm trợ cho cá nhân các nhà bất đồng chính kiến, cho những dân oan, với mong muốn sẽ tiếp sức cho họ trong cuộc đấu tranh giải thể CS. Nhưng kết quả của kiểu yểm trợ trên không khác gì viên đạn bọc đường đã bắn gục không ít người trong nước. Cũng may hậu quả của nó để lại không ảnh hưởng nhiều tới phong trào dân chủ nói chung.

Một kiểu đấu tranh nữa cũng làm nhiều người phải trăn trở! Vẫn theo nếp nghĩ bị phụ thuộc từ thời VNCH để lại, người ta chỉ trông chờ vào áp lực của công đồng quốc tế, tổ chức, chính phủ các quốc gia có ảnh hưởng tới VN, như Liên Hợp Quốc hay Hoa Kỳ chẳng hạn. Nhiều cách lập luận rất vô lối và tức cười, rằng họ đòi hỏi hoặc chỉ trích quốc hội hay tổng thống Hoa Kỳ, đã im lặng hoặc không làm gì được để “cứu” các nhà dân chủ bị đàn áp. Trong khi đó nếu có ai hỏi sao họ không lên tiếng ủng hộ các nhà dân chủ bị đàn áp, thì họ tảng lờ và viện ra lý do người của tổ chức naò tổ chức đó phải có trách nhiệm. Hoặc giả họ lập luận nhiệm vụ của họ là yểm trợ cho các nhà dân chủ chứ không phải “cứu” những người bị bắt, họ đã dấn thân thì phải biết chịu đựng, biết hy sinh... Gần như là đã xảy ra tình trạng đèn nhà ai nhà nấy rạng. Người của tổ chức naò tổ chức đó tự lo lấy. Hiếm có trường hợp hiệp thông đoàn kết giữa các tổ chức với nhau trong việc lên án đòi trả tự do cho các nhà dân chủ bị bắt.

Cách hoạt động đấu tranh như vậy đã được cộng đồng người Việt áp dụng hàng chục năm qua, nhưng chưa có dấu hiệu khả quan, gây khó dễ cho đối phương. Rõ ràng với phương thức đấu tranh như vậy là họ đã bị lạc đề, lạc điệu theo kiểu bảo một đàng quàng một nẻo, chỗ ngứa không gãi lại gãi chỗ không. Nhưng họ cũng không chịu rút ra kinh nghiệm để thay đổi hay điều chỉnh phương pháp đấu tranh và đường lối hoạt động sao cho có hiệu quả. Hoặc có thay đổi nhưng chuyển biến rất chậm chạp. PTDC vẫn trong tình trạng bế tắc, chưa tìm ra con đường khả dĩ cho nền dân chủ VN trong tương lai.

Nói chung, bức tranh chính trị Việt Nam hiện nay vẫn mang màu sắc xám xịt, u tối toàn phần theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mảng tối mờ ảo bên phe CS thì vẫn đang phủ một lớp sương mờ ảo khó lường. Mảng tối xám xịt của phe dân chủ thì có chiều hướng ảm đạm, chưa thấy tia sáng hy vọng dù chỉ le lói.

Đó là sự thật khách quan rất nhiều người đã nhận thấy. Nhưng ít có ai dám can đảm nói nên sự thật để né tránh làm ngơ, hoặc giả có nhận ra nhưng thiếu quyết tâm để tìm ra nguyên nhân và sửa chữa. Thậm chí một số người vẫn bị huyễn hoặc do họ tự tưởng tượng ra, cứ lớn tiếng cho rằng PTDC vẫn đang lớn mạnh phát triển rầm rộ! Xin đừng chết chìm trong sự vinh quang hão, cũng như người có bệnh phải biết bệnh của mình mới mong chữa khỏi bệnh. Nếu cứ tự cho là mình khoẻ mạnh, khư khư che giấu bệnh của mình, thử hỏi có thể che giấu mãi bệnh đó được không? Trước sau gì rồi mọi người sẽ biết thì than ôi căn bệnh đó khó lòng chữa khỏi.

Người ta chỉ thực sự lớn mạnh khi dám dũng cảm nhìn nhận ra những khiếm khuyết để tự sửa mình.Có như thế mới mong được mọi người thành tâm góp ý để tìm ra phương thuốc chữa bệnh hiệu quả. Có như vậy mới mong có sự thành công như ý muốn .

.

Hà Nội, mùng 4 tết Canh Dần
Như Hà

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: