Friday, February 26, 2010

VIỆN VIỆT HỌC 10 NĂM GIỮ GÌN VĂN HÓA VIỆT

Viện Việt Học qua mười năm gìn giữ văn hóa Việt Nam

Nguyên Huy/Người Việt

Thursday, February 25, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=108918&z=3

Ngày mai Thứ Bảy, 27 tháng 2, Viện Việt Học sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập tại trụ sở của viện trên lầu khu thương xá Seafood World trên đường Brookhurst thuộc thành phố Westminster. Buổi kỷ niệm sẽ diễn ra qua một số sinh hoạt văn học nghệ thuật. Trước hết là cuộc triển lãm các sách và tài liệu hiếm quí, tác phẩm của các giáo sư và của ban giáo sư viện cùng là các ấn phẩm do cơ sở xuất bản Việt Học ấn hành. Ðồng thời cuộc triển lãm cũng có trưng bày hoa lan của nghệ nhân Ngô Long, con của cố nghệ sĩ Ngô Bảo. Bên cạnh đó còn trưng bày một số tranh của họa sĩ Doãn Quốc Vinh, trưởng nam của nhà văn Doãn Quốc Sỹ và một số tranh lụa của Tú Duyên và tranh mộc bản Việt Nam.

.

Viện Việt Học (http://www.viethoc.com/) được thành lập từ trên 10 năm nay do lòng thiết tha đến sự gìn giữ và triển khai văn hóa VN của một số các bạn trẻ được các vị giáo sư nhân sĩ trong cộng đồng hết lòng hỗ trợ. Khi viện được hình thành thì các vị giáo sư danh tiếng của đại học miền Nam như: Giáo Sư Nguyễn Ðình Hòa, Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Cao Hách, Trần Ngọc Ninh, Lê Văn, Nguyễn Khắc Hàm... đã lần lượt thay nhau giữ chức viện trưởng hoặc trong Hội Ðồng Quản Trị của viện để xây dựng viện. Mục đích của viện như các giáo sư đã nhắc nhở cho tuổi trẻ tham gia việc điều hành viện là “phải gìn giữ, phát huy và triển khai văn hóa Việt Nam để bảo tồn tinh hoa của dân tộc và tiến lên cho hợp với trào lưu của thế giới. Ðó là mối ưu tư chung của toàn thể nhân dân VN.”

.

Ðể thực hiện được mục đích này các vị giáo sư đã đóng góp công trình của mình qua những buổi thuyết trình, những lớp học mà các vị trực tiếp giảng dạy, những tác phẩm nghiên cứu giá trị của mình trong suốt mười năm qua. Nay thì nhiều vị đã khuất bóng nhưng Giáo Sư Trần Ngọc Ninh dù đã trên 80 tuổi vẫn còn ở lại với viện và còn trực tiếp giảng dạy một số lớp về văn học của viện.

.

Với uy tín của các vị giáo sư trong viện, học giả nhiều nơi trên thế giới đã về cộng tác với viện như Giáo Sư Nguyễn Thế Anh ở Pháp, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích ở Virginia, các nhà nghiên cứu văn hóa Việt như Giáo Sư Nguyễn Thuyết Phong ở WDC, Giáo Sư Trần Gia Phụng ở Canada, v.v... cũng thường xuyên về thuyết trình những đề tài về công trình nghiên cứu văn hóa Việt rất giá trị của mình.

.

Theo cô Kim Ngân, trong ban Ðiều Hành Viện từ những ngày đầu, hiện nay viện đang có những lớp về ngữ pháp tiếng Việt do Giáo Sư Trần Ngọc Ninh dạy gần 2 năm nay, các lớp Thí Ðiểm Việt Ngữ I và II do các bạn trẻ đến phụ trách dưới những chỉ dẫn về phương pháp mới giảng dậy tiếng Việt của các giáo sư của viện đã nghiên cứu, sao cho thích hợp với hoàn cảnh trẻ Việt sinh sống ở hải ngoại. Viện còn có những lớp Việt Anh-Anh Việt do Giáo Sư Nguyễn Chính Long phụ trách. Những lớp học này của Giáo Sư Long là học chuyên biệt cho những người ở trình độ trung cấp trở lên. Song song còn có những lớp trên mạng về Văn, Sử Ðịa VN nữa.

.

Với những hoạt động có tầm mức quan trọng cho tiếng Việt, văn hóa Việt như kể trên nhưng viện lại không có được một trợ cấp nào trong suốt 10 năm nay của chính phủ liên bang cũng như tiểu bang. Vẫn theo cô Kim Ngân cho biết thì có ba nơi đã từng đôi lần hỗ trợ cho Viện là Wells Fargo Bank, Hội Hoàng Tộc, ông Phạm Tuân con của học giả Phạm Quỳnh khi viện tổ chức sưu tập và in lại Tạp Chí Nam Phong. Riêng Tổng Hội Sinh Viên hàng năm sau hội chợ Tết thường giúp cho viện khoảng 1,500 Mỹ kim. Ngoài ra các giáo sư trong viện những lần ra mắt sách, số tiền bán được sách thường các giáo sư cũng để cho viện làm tiền điều hành. Mọi thiếu hụt thường do các thành viên trong viện từ ban điều hành cho đến các giáo sư đều sẵn lòng bù lấp.

.

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập viện, ban Ðiều Hành Viện cũng tổ chức một bữa tiệc vui tại nhà hàng Hoàng Sa (Paracel Seafood) vào lúc 5.30 Chủ Nhật, 28 tháng 2, để đồng hương cùng viện có dịp gặp gỡ trao đổi cũng như hỗ trợ trực tiếp cho những hoạt động của viện. Vé bảo trợ là 30 Mỹ kim mỗi người.

Mọi liên lạc, quí độc giả có thể gọi: 714-458-6881 (Ngọc Dzung), 714-595-5763 (Minh Hồng), 714-312-9773 (Hoàng Lan), 909-896-0335 (Thai Lang), 310-704-0667 (Kim Ngân).

.

.

.

No comments: