Thursday, February 25, 2010

BẮC KINH TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH CHIẾN TRANH CYBER

Bắc Kinh tăng cường sức mạnh chiến tranh cyber

Willy Lam

Trần Ngọc Cư dịch

26/02/2010 1:42 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=16598

.

Mặc dù cơn thịnh nộ về những cuộc tấn công mạng nhắm vào Google đã lắng dịu phần nào, nhưng cuộc đối đầu Mỹ-Trung về vấn đề an ninh Internet nói chung và về chiến tranh kỹ thuật số toàn cầu được dự kiến là sẽ gia tăng cường độ trong tương lai.

Sự kiện này đặc biệt rõ nét trong bối cảnh quan hệ song phương của hai nước đang trở nên tồi tệ vì những vấn đề từ giá trị của đồng nhân dân tệ đến việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Và sự kiện sau đây còn có ý nghĩa hơn nữa: bất chấp những chỉ trích của Washington nhắm vào việc Bắc Kinh kiểm duyệt Internet cũng như những đợt tấn công cyber xuất phát từ Trung Quốc nhắm vào các mạng lưới của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và các công ty đa quốc, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn dồn những nguồn lực chưa từng thấy cho việc tăng cường sức mạnh chiến tranh cyber vốn đã rất đáng sợ của họ.

Khâu nghiên cứu và phát triển (research and development) trong lãnh vực tác chiến mạng (net-based combat), bao gồm gián điệp và phản gián trên không gian cyber, được trình bày nổi bật trong Kế hoạch Ngũ niên Thứ 12 (2011-2015) do cả chính phủ trung ương và Quân đội Giải phóng Nhân dân cùng soạn thảo. Chủ tịch nước kiêm tổng tư lệnh quân đội Hồ Cẩm Đào đã xác định công tác phát triển sức mạnh chiến tranh điện tử là ưu tiên hàng đầu của các lực lượng an ninh-quốc phòng trong thập niên tới. Nhiều chính sách ưu tiên cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp điện toán và điện tử chuyên về nghiên cứu và phát triển trong các lãnh vực liên quan đến an ninh của công nghệ thông tin (IT security). [Từ đây, IT là chữ viết tắt của “công nghệ thông tin”.]

Kể từ thập niên 1980, những xí nghiệp này đã từng chia sẻ nguồn lực và dữ liệu với các đơn vị liên hệ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, Lực lượng bán quân sự Cảnh sát Võ trang Nhân dân, Bộ An ninh Nhà nước (Ministry of State Security), và Bộ Công an (Ministry of Public Security).

Có hai động cơ chủ yếu đằng sau nỗ lực phát triển sức mạnh chiến tranh kỹ thuật số cực kỳ tham vọng của ban lãnh đạo Đảng Cộng sảnTrung Quốc. Động lực thứ nhất là nhằm thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ, một cường quốc được coi là dẫn đầu khá xa trên chiến trường ảo (the virtual battlefield) của thế kỷ 21. Giáo sư Phương Tân Hưng (Fang BinXing), hiệu trưởng Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh và là một trong những chuyên viên mạng hàng đầu của Trung Quốc, nhận xét: “Hoa Kỳ hiển nhiên là cường quốc số một về khả năng tấn công và phòng ngự trên không gian cyber”.

Ông Phương cho rằng “Hoa Kỳ giữ ưu thế tuyệt đối về [năng lực tác chiến liên quan đến] chiến tranh qui ước, trên ngoại tầng không gian, cũng như trên mạng”. Ông còn thêm rằng năng lực của Trung Quốc trong lãnh vực này vẫn còn “rất lạc hậu”.

Báo đài Trung Quốc đã truyền đi khá ồn ào về việc Hoa Kỳ thành lập vào năm ngoái một bộ chỉ huy mạng (cyber-command) trong quân đội. Tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc trích dẫn một chuyên viên Giải phóng quân bày tỏ mối quan ngại về một dạng thức đế quốc cyber của Mỹ (American cyber-imperialism). “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giữ quyền ‘tự do hành động’ của mình [trên mặt trận cyber] không cần đếm xỉa đến nỗi bất an của các nước khác”, chuyên viên IT quân sự này đã phát biểu như vậy.

Theo đại tá Đới Húc (Dai Xu), Trung Quốc không thể chần chờ thêm nữa trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhằm đuổi kịp các cường quốc cyber như Mỹ và Nga. “Chúng ta phải nâng những cuộc điều binh trên mạng lên mức độ chiến lược”, Đới Húc, một bình luận gia quân sự nổi tiếng, đã nói như vậy. “Trước hết chúng ta phải bắt tay vào các công tác thực tiễn như phát triển phần cứng và phần mềm đồng thời nuôi dưỡng nhân tài”. Đới Húc vẽ ra viễn ảnh là nhiên hậu Trung Quốc phải thành lập một sư đoàn cyber Giải phóng quân hoàn chỉnh và có tầm cỡ như Quân đoàn II Đại pháo (the Second Artillery Corps), hiện nay là các lực lượng tên lửa của Trung Quốc.

Động lực thứ hai đằng sau việc Bắc Kinh ra quân trong không gian cyber bất chấp mọi qui luật là nhằm bảo vệ “chủ quyền IT” của Trung Quốc. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho rằng Trung Quốc là nạn nhân thảm hại nhất của những vụ tấn công trên mạng. Năm ngoái, tin tặc đã làm tê liệt 42.000 website đồng thời trung bình mỗi tháng có đến 18 triệu máy vi tính bị virus tấn công chớp nhoáng đến ngưng hoạt động. Nghiêm trọng hơn nữa, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc sẵn sàng phản công những gì mà họ cho là âm mưu của các chính phủ và tổ chức phương Tây nhằm làm tràn ngập không gian cyber bằng các tư tưởng “tự do tư sản” và chống lại chủ nghĩa xã hội.

Theo ủy viên hội đồng nhà nước Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), “Internet đã trở thành một phương tiện chính, qua đó các thế lực thù nghịch thực hiện âm mưu xâm nhập và phá hoại”. Mạnh Kiến Trụ, cũng là Bộ trưởng Bộ Công an, nói thêm rằng kẻ thù của Trung Quốc đang “tăng cường khả năng phá hoại [trật tự xã hội chủ nghĩa]” xuyên qua xa lộ thông tin. Người đứng đầu ngành công an nhấn mạnh tính khẩn trương của việc thành lập một chương trình “ngăn ngừa và kiểm soát” hoạt động 24-giờ/một ngày nhắm vào mọi phương hướng để chống lại việc xâm nhập trên mạng.

Mặc dù những vấn đề liên quan đến an ninh nội bộ và tình báo tại Trung Quốc được bao phủ trong màn bí mật, những đường nét rộng lớn trong sách lược của Bắc Kinh nhằm tăng cường sức mạnh chiến tranh điện tử của mình là khá rõ rệt. Vào đầu năm 2009, các giới chức thẩm quyền của đảng và nhà nước đã gia tăng ngân sách nhằm tuyển dụng các sinh viên ưu tú vừa tốt nghiệp trong các ngành như điện toán, kỹ sư, toán học và ngoại ngữ.

Các đơn vị nghiên cứu nằm dưới quyền của Bộ An ninh Nhà nước và Bộ Công an thường xuyên đăng quảng cáo trên các trang mạng chính phủ cũng như tư nhân nhằm tìm kiếm các kỹ sư phần mềm và các chuyên viên về an ninh công nghệ thông tin. Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu Thứ nhất của Bộ Công an, vốn có đến 1.200 nhân viên, vừa phát động một chiến dịch tuyển dụng chuyên viên trên qui mô lớn. Ngoài ra, các sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ và tại nhiều nước khác trong năm qua đã lợi dụng tình trạng suy thoái kinh tế ở Phương Tây nhằm tuyển dụng hằng trăm sinh viên Trung Quốc vừa tốt nghiệp từ các phân khoa điện toán nổi tiếng nhất tại các đại học phương Tây. Những tài năng công nghệ thông tin này thường được hứa hẹn những đồng lương khá cao theo chuẩn quốc tế cùng với những triển vọng thăng tiến tươi sáng.

Cũng có bằng chứng cho thấy rằng nhiều cơ quan công an và tình báo quân đội Trung Quốc đang tuyển dụng bọn tin tặc làm kỹ sư phần mềm và chuyên viên an ninh mạng. Sự kiện này diễn ra bất chấp cả lời tuyên bố tháng trước của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, rằng Trung Quốc sẽ tích cực tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại những đe dọa đối với an ninh mạng lưới Internet. Người phát ngôn bộ này nói rằng “Trung Quốc mong muốn hợp tác với các nước khác trong việc truy nã bọn tin tặc”.

Mới năm ngoái đây, Trung Quốc sửa đổi một đạo luật nhằm buộc tội hình sự những hành vi tin tặc, với mức hình phạt có thể lên đến bảy năm tù ở. Tuy vậy, người ta vẫn thường thấy các quảng cáo tìm kiếm những tay tin tặc lành nghề và “đáng tin cậy” trên các website tuyển dụng của Trung Quốc. Hơn nữa, còn có rất nhiều giai thoại được lưu hành trong cộng đồng IT Trung Quốc về việc các bộ ngành an ninh quân đội hoặc nhà nước đang tuyển dụng “các tin tặc yêu nước” (patriotic hackers).

Theo tường trình mới đây về khả năng chiến tranh kỹ thuật số của Trung Quốc, một tường trình được Ủy ban Duyệt xét các Vấn đề Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung có trụ sở tại Washington ủy nhiệm soạn thảo, thì các đơn vị an ninh nhà nước và quân đội Trung Quốc đã và đang tuyển dụng “nhiều phần tử trong cộng đồng tin tặc Trung Quốc”. Bản tường trình tháng Mười 2009 này đưa ra một số “trường hợp về sự hợp tác khá rõ ràng giữa những tay tin tặc xuất chúng và các cục an ninh dân sự của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”.

Ngoài việc thành lập các quan hệ cộng sinh (symbiotic relations) với những ban nghiên cứu và phát triển trong những xí nghiệp quốc doanh, các ban ngành Nhân dân Giải phóng Quân và cơ quan an ninh-nhà nước đang tìm kiếm sự hỗ trợ của các hãng công nghệ thông tin tư nhân. Trong một chuyến tham quan của chúng tôi tại một số xí nghiệp viễn thông ở mạn đông tỉnh An Huy vào cuối năm 2009, ủy viên hội đồng nhà nước Mạnh Kiến Trụ đã kêu gọi hàng chục ngàn công an mạng hãy tăng cường hợp tác với các công ty hoạt động trong các lãnh vực điện tử và công nghệ thông tin.

“Chúng ta phải vận dụng các thành quả nghiên cứu và phát triển [trong nước] về công nghệ thông tin (IT) nhằm cung ứng một sự yểm trợ kỹ thuật hùng hậu cho hệ thống ngăn ngừa-và-kiểm soát của chúng ta”, Mạnh Kiến Trụ đã nói như vậy với các cán bộ công an cấp cao đang tháp tùng ông ta. Một sự kiện khác cũng có ý nghiã là, trong khi đến thăm thành phố Thượng Hải tháng trước, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi các chuyên viên IT trong xí nghiệp nhà nước cũng như tư nhân hãy “đạt được những khám phá mới trong các ngành công nghệ cốt lõi” của khu vực chiến lược này. Hồ Cẩm Đào tuyên bố: “Chúng ta phải giành một vị trí nổi bật trong ngành viễn thông toàn cầu bằng cách đạt cho bằng được các công nghệ đặt cơ sở trên công trình nghiên cứu và phát triển quốc nội [tại Trung Quốc].

Một điểm độc đáo khác trong chiến thuật cyber của Trung Quốc là một số lượng đông đảo gồm các “ông hoàng con” – tức thân nhân của các bộ cấp cao – những người có trách nhiệm trong lãnh vực nhạy cảm của an ninh mạng. Chẳng hạn, Tiến sĩ Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng), phó hiệu trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đầy uy tín và là trưởng nam của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, trên mười năm nay vẫn là một nhân vật chủ chốt trong việc hình thành các chiến lược bảo vệ chủ quyền IT của Trung Quốc.

Mặc dù có những tường trình về sự khác biệt quan điểm chính trị giữa Hồ Cẩm Đào và Giang Miên Hằng, nhưng vai trò nổi bật của Giang Miên Hằng rõ ràng là không hề suy giảm. Từng tốt nghiệp kỹ sư điện ở Đại học Bucknell tại Pennsylvania (Hoa Kỳ), Giang Miên Hằng là một trong những cán bộ cấp cao tháp tùng Hồ Cẩm Đào trong chuyến tham quan các nhà máy IT ở Thượng Hải. Sự hăng hái tham gia của các ông hoàng con có lẽ còn là một yếu tố khác nữa hỗ trợ cho sự phát triển nhanh chóng các kỹ năng chiến đấu điện tử của Trung Quốc.

Theo Giải phóng quân Nhật báo, một cơ quan ngôn luận chính thức, các chuyên gia Trung Quốc vạch rõ rằng có chừng khoảng 88.000 nhân viên công nghệ thông tin Mỹ, gồm 5.000 chuyên gia chiến tranh điện tử, đang phục vụ trong những đơn vị trực tiếp nằm dưới quyền hay liên hệ với bộ chỉ huy mạng của Lầu năm góc. Những chuyên gia IT Trung Quốc cũng lôi kéo sự chú ý đến sự thể là, mặc dù chính quyền Barack Obama cắt giảm chi tiêu về các vũ khí cực kỳ hiện đại như chiến đấu cơ phản lực F-22, nhưng ngân sách dành cho chiến tranh cyber đã gia tăng rõ rệt.

Người ta hiểu rằng các ban ngành an ninh-nhà nước cũng như quân đội Trung Quốc một phần nào đã sử dụng mô hình Mỹ trong nỗ lực tăng cường cơ sở chiến tranh mạng và an ninh mạng của Trung Quốc. Với sự kiện là xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc rất có thể vẫn còn kéo dài nếu không muốn nói trở nên tồi tệ hơn vì các vấn đề như thương mại, Đài Loan và Tây Tạng, cuộc cạnh tranh gay gắt dọc theo xa lộ thông tin có thể cộng thêm một chiều hướng bất ổn mới vào quan hệ giữa siêu cường duy nhất trên thế giới và quốc gia đang vươn dậy nhanh chóng gần như chuẩn bị làm một siêu cường.

Willy Lam là chuyên gia về tình hình Trung Quốc, nghiên cứu trưởng của Jamestown Foundation, một cơ quan nghiên cứu tình hình Á-Âu (Eurasia), Nga, Trung Quốc, và mạng lưới khủng bố toàn cầu. Từng cộng tác với Asiaweek, South China Morning Post, và các trụ sở CNN tại Châu Á-Thái Bình Dương. Tác phẩm mới nhất: Chinese Politics in the Hu Jintao Era: New Leaders, New Challenges (Chính trị Trung Quốc trong thời đại Hồ Cẩm Đào: Lãnh đạo mới, thử thách mới).

.

Nguồn: http://www.atimes.com/atimes/China/LB09Ad01.html

.

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

.

.

.

No comments: