Friday, February 26, 2010

CHÍNH QUYỀN ÂM MƯU BÁN TRẺ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ

Chính quyền âm mưu bán trẻ em dân tộc thiểu số
EarthTimes News

Thanh Khiêm dịch

26-02-2010

http://www.dcvonline.net/php/index.php

.

Hà Nội- Trên vùng đồi núi đá vôi cao chót vót phân ranh biên giới Lào Việt, bà Cao Thị Thu ngồi chồm hỗm trên nền đá trong căn nhà của gia đình bà, van lơn: “Làm ơn làm phước mang trả lại hai đứa con gái của tôi.” Đã hơn 3 năm kể từ khi các viên chức chính quyền đến bản làng của bà Thu và đề nghị một cơ hội cho hai đứa con gái của bà - Cao Thị Lan, 3 tuổi, và Cao Thị Lương, 8 tuổi - được nuôi dạy tại tỉnh lỵ. Nhưng không phải vậy, chúng đã bị bán ra nước ngoài làm con nuôi.

Ôm chặt các tấm hình của các bé gái, mà vốn trớ trêu thay, đã được chụp ngay tại nhà bà nhằm gới đến cho các gia đình nhận con nuôi ở ngoại quốc – nỗi đau chia lìa của người mẹ mất con hôm nay vẫn còn nhói buốt như ngày cuối cùng bà Thu được nhìn thấy chúng.

“Tôi buồn và lo quá,” người mẹ 35 tuổi than thở. “Tôi không biết bây giờ chúng ở nơi nào. Tôi không biết chúng có sống gần nhau hay mỗi đứa một ngã. Lẽ ra chúng phải được ở đây với gia đình, thay vì cả ngàn dặm xa xôi với những người xa lạ.”

Bé Lan và Lương trong nhóm 13 đứa trẻ bị bắt đi từ một bộ lạc nhỏ và lạc hậu nhất tại Việt Nam - bộ lạc người Chứt (còn gọi là Rục), miền thượng du . Mấy tháng sau chúng đã được bán làm con nuôi cho các gia đình tại Ý và Mỹ, với số tiền lệ phí khoảng 10,000 USD một đứa.


Công an đã mở một cuộc điều tra khi nhận được khiếu nại của cha mẹ các em, rằng con cái họ đã bị cho làm con nuôi mà không hề có sự đồng ý của họ. Tuy vậy dân làng e rằng đó chỉ là hình thức nhằm bao che và xoa dịu, và vì vậy họ mong muốn các chính phủ nuớc ngoài tham gia vào cuộc. Cho đến nay mọi lời thỉnh cầu đến các nhà ngoại giao như rơi vào khoảng không.

Vào tháng Chín năm 2006 những viên chức chính quyền từ Đồng Hới, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình, đến thăm bộ lạc nhỏ bé chỉ có khoảng 500 người này.

Gia đình các em cho biết, họ đã chọn 13 đứa trẻ, tuổi từ 2 đến 9, và hứa là sẽ nuôi nấng các em tại một cơ sở xã hội nuôi dạy trẻ em tại Đồng Hới và sẽ trả các em về sau khi hoàn tất việc học cũng như huấn nghệ.

Các phụ huynh, tất cả đều nghèo và mù chữ, đã đồng ý và cũng được chở đi cùng với các đứa trẻ đến Đồng Hới, nơi họ đã ký giấy cam kết bằng lòng cho chính quyền địa phương được quyền chăm sóc con cái họ.

Bốn tháng sau, vào dịp Têt Âm lịch năm 2007, bà Thu đến thăm các con. “Chúng nó nom khỏe mạnh nhưng chúng nhớ tôi quá! Chúng nói, ‘Mẹ ơi, hãy dẫn chúng con về,” bà nhớ lại.

“Tôi không thể chịu nỗi khi thấy chúng quá sức buồn, vì vậy tôi quyết định đem chúng về. Tôi bồng chúng trên tay ra khỏi nhà trẻ và hướng về phía bến xe – nhưng các nhân viên bảo vệ đã chận tôi lại và bảo rằng tôi không thể đem chúng đi.”

“Các viên chức trong nhà trẻ nói rằng tôi đã ký giấy tờ thỏa thuận và buộc phải để chúng lại cho họ nuôi dưỡng. Tôi bật khóc và rất lấy làm bất bình, tuy vậy vì tin họ nên tôi ra về một mình.”

Một năm sau – chỉ thời gian ngắn trước Tết năm 2008 – bà Thu lại đến Đồng Hới để thăm con. Khi đến nơi bà được cho biết là cả hai đứa con gái của bà đã được cho làm con nuôi ra nước ngoài.

“Bọn họ đã lừa tôi, họ bảo rằng các đứa trẻ sẽ trở về bản làng khi xong việc học. Nhưng họ đã bán chúng như bán gia súc.” Bà Thu, người còn có ba đứa con nữa, cho biết.

Tin tức về số phận của các đứa trẻ loan truyền nhanh chóng tới các bản làng của người Chứt khi các phụ huynh khác cũng phát giác ra rằng con họ cũng đã bị bán ra ngoại quốc làm con nuôi. Ngay cả vài gia đình cũng được trao các tấm ảnh của con họ chụp với các cha mẹ nuôi.


Tại tỉnh lỵ Đồng Hới, bà Lê Thị Thu Hà, giám đốc nhà trẻ đã nuôi 13 đứa bé, xác nhận rằng một cuộc điều tra của công an đã được tiến hành liên quan đến “vụ việc” các trẻ em người Chứt bị bán làm con nuôi ra nước ngoài.

Bà Hà, người mới vừa thay thế cựu giám đốc Nguyễn Tiến Ngữ - người trách nhiệm trong vụ “con nuôi”, khăng khăng cho biết: “Tất cả giấy tờ pháp lý của vụ “con nuôi” đều đúng thủ tục. Nó đã được chấp thuận bởi sở tư pháp và sở xã hội của tỉnh và các giấy tờ đó đã được hoàn thành với sự đồng ý của các phụ huynh người Chứt.”

“Lực luợng công an địa phương đã bắt đầu điều tra trước đó vài tháng, khi các gia đình kiên trì khiếu nại. Chúng tôi hy vọng cuộc điều tra sẽ hoàn tất và kết quả sẽ được công bố vào quí đầu của năm 2010.”

Cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất, các đứa trẻ đã xa cách cha mẹ của chúng hơn bốn năm. Mặc cho những lời kêu nài gởi đến trong vòng hai năm qua, cả hai tòa đại sứ Hoa Kỳ lẫn Ý đều không cứu xét đến nỗi niềm của cha mẹ các em.

Nhà nhân chủng học Peter Bille Larsen, người từng làm việc tại vùng biên giới, đã khuyến cáo các tòa đại sứ vào đầu năm 2008 và đã gặp trở ngại bởi sự ù lì. Ông ta lý luận rằng các đứa trẻ nên được trả về với gia đình bất kể thời gian lâu đến đâu đi nữa.

“Tôi luôn ước ao gặp lại các con tôi cho dù chúng bị đưa đi đến tận chân trời góc biển,” ông ta nói, gạt phắt cái ý tưởng cho rằng các đứa bé sẽ có đời sống tốt hơn khi sống với các gia đình giàu có ở phương tây.

Khi được hỏi vì sao các nhà ngoại giao tại Hà Nội hình như không có hành động nào để giúp cho các gia đình nạn nhân, ông Cesare Bieller, đại diện lãnh sự quán Ý tại Hà Nội nói rằng tòa đại sứ của ông không có thẩm quyền trong việc điều tra sự vụ.

Tuy vậy, ông ta nói thêm, “Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của công việc bạn đang làm và chúng tôi hy vọng câu chuyện của bạn sẽ được lưu ý đúng mức với tầm quan trọng của nó.”

@ DCVOnline



Nguồn: Vietnam's hill tribe children 'stolen' for adoption , By dpa, EarthTimes, 23 Feb 2010

.

.

.

No comments: