Wednesday, February 17, 2010

CÓ MỘT HÀ NỘI KHÁC, TRONG TÔI

Có một Hà Nội khác, trong tôi
Nam Đan
17/02/2010 10:40 sáng
2 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=16273
Từ một làng quê vùng ngoại ô Thái Bình, bố tôi dắt díu vợ con vào Hà Nội kiếm sống. Vài năm sau mẹ tôi đau nặng, bố tôi bán tất cả những gì có được để chạy chữa cho vợ, nhưng bà vẫn qua đời. Bấy giờ tôi lên 7.
Một chiều nọ, bố dắt tôi dạo quanh phố rồi ra Bờ Hồ ăn kem. Tối đến, ông không dạy tôi làm toán như lệ thường, ông bảo tôi đi ngủ sớm. Sáng hôm sau, ông bỏ một ít áo quần và vài thứ lặt vặt vào trong tay nải, chào ông chủ nhà rồi dắt tôi ra bến tàu. Trong những thứ mang theo có bức hình duy nhất của mẹ tôi gấp trong quyển toán pháp lớp 3. Trong hình, bà gầy gầy, tóc đổ suôn vai, mắt nghiêm đẹp và buồn bã.
Tàu khởi hành, giữa tiếng còi tàu rền vang, bố chỉ vu vơ: chỗ này là Ngã Tư Khâm Thiên, sắp tới là ga Văn Điển và ga Giáp Bát, chỗ này là nhà trọ của mình… và chỗ kia hình như là nghĩa địa, mẹ của bố con mình nằm ở trong ấy. Trời đổ mưa, Hà Nội nhòa dần rồi chìm khuất trong cơn mưa tầm tã.
Đấy là ngày chúng tôi giã từ Hà Nội. Và ký ức về Hà Nội của tôi cũng chỉ còn đọng lại có chừng ấy, trong mắt trẻ thơ.

Vào tới Sài Gòn, bố tôi kiếm được việc làm ngay. Tháng lương đầu tiên ông mua lại không biết của ai một cây đàn mandoline đã cũ. Ông nhờ ông hàng xóm dạy tôi 7 nốt nhạc và bắt tôi chơi cho kỳ được bài hát Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương. Tôi có hiểu gì đâu, bố bảo gì thì làm vậy. Hình như tôi có năng khiếu về đàn hát, nên chỉ tháng sau tôi đã chơi được bài hát ấy.
Buổi tối trong căn nhà thuê nền đất mái lá, dưới ánh đèn điện vàng vọt, tôi vừa đàn vừa đọc to các nốt nhạc. Bố tôi hát theo, giọng khàn khàn mà rưng rưng ngậm ngùi hơi rượu: Hà Nội ơi! Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo mầu theo gió chơi vơi…
Xong bài hát ấy, bố còn bắt tôi học những bài khác nữa, bài nào cũng có những ca từ nói về miền đất đầy hoài niệm mà chúng tôi vừa rời bỏ.
Xa rồi đất Bắc thân yêu, Tây Hồ nước vẫn trong veo, lên đường dứt áo xa nhau Hà Nội ơi…
[1]
Hay,
Buồn nhìn về xa xôi, Hà Nội ơi đã xa thật rồi
Mịt mùng ngàn trùng khơi, thành phố cũ lắng sau núi đồi
Đâu Thăng Long năm xưa, cùng tháp cũ rêu phai mờ
Còn tìm đâu nên thơ, cành liễu úa rũ bên ven hồ....
[2]
Và,
Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về, lòng khách tha hương, vương sầu thương. Nhìn em mờ trong sương khói…
[3]

Từ đó, tôi là thằng bé Bắc kỳ di cư chuyên trị những ca khúc viết về Hà Nội. Tôi hát, rồi thấy như Hà Nội đang ngấm dần vào máu mình, một cơn say đằm đằm dài suốt đời người.
Tôi lớn dần, rồi tôi già đi. Giấc mơ hồi hương xem vậy mà ngày càng xa thêm vời vợi. Tôi xa Hà Nội thời thơ dại, rồi tôi xa luôn Sài Gòn, xa tít tắp, xa Việt Nam.
Đến khi hiểu được niềm đau của con người phải lìa bỏ quê hương, lìa bỏ nấm mồ người mình thương yêu, tha phương kiếm sống, thì bố tôi đã không còn. Cây đàn mandoline cũng đã mục nát. Ông chết trước ngày thống nhất nên không được một lần về thăm quê, thắp nén hương cho vợ và gia tiên như đã tự hẹn với lòng. Tôi liên lạc với những người bà con xa thì được biết ngôi mộ sơ sài của mẹ tôi cũng đã bị dời đi đâu mất rồi, không thể tìm được.

Tôi đọc đâu đó rằng con người có một bản năng gọi là bản năng huyễn ngã (instinct of self-delusion), hay nôm na là loại bản năng tự huyễn hoặc chính mình. Bản năng này của tôi, riêng về Hà Nội, có vẻ như rất mạnh. Hơn thế nữa, nó còn được tô điểm bởi những trang tiểu thuyết, những bài thơ, lời nhạc nói về Hà Nội, hết của Tự Lực Văn Đoàn đến nhóm Sáng Tạo… khiến tôi càng ngày càng có thêm nhiều huyễn tưởng về miền đất ấy. Dường như tất cả những chi tiết trong không khí văn hóa đó đều nói về một Hà Nội của người bỏ Hà Nội mà đi, hay một Hà Nội của người chưa từng sống hay chưa từng đến Hà Nội. Một Hà Nội nhìn lại, hay nhìn về, từ miền Nam – rồi nhìn về từ những nơi xa hơn nữa, từ mọi miền tha hương trên thế giới.

Ở miền Nam đó, Hà Nội trong lòng tôi không phải là một địa danh, là thủ đô của một quốc gia, nhưng là bóng dáng người tình cũ với bao vẻ yêu kiều, mà đôi khi tôi lẫn lộn nó với những cô gái tôi gặp trong đời. Ở miền Nam đó, mùi hoa sữa trong trí nhớ tất nhiên không thơm nồng nàn như được tả trong các trang văn, mà nó là một thứ mùi vừa bí mật vừa hài hước. Từ đó, tôi biết trò chơi với trí nhớ con người là một trò chơi có khi đau đớn, nhưng đầy cám dỗ và ngoạn mục.

Có những lần nhớ bố mẹ, nhớ tuổi thơ, tôi ôm ghi-ta hát lại bài hát năm lên bảy tuổi: Đâu Thăng Long năm xưa cùng tháp cũ rêu xanh mờ… thì lập tức có tiếng nói của một kẻ vô hình: Rêu xanh thì bẩn quá. Người ta đã cạo sạch bằng máy rồi, sơn lại mới toanh.

Tôi lại hát: Hà Nội ơi… tóc thề thả gió lê thê… lập tức có tiếng cười khì khì: Tóc thề ư? Đừng có mà mong. Bây giờ các tiệm uốn tóc mọc lên có cả nghìn. Các cô gái Hà Nội bây giờ nhuộm tóc vàng, tóc xanh, tóc bạch kim, tóc tém, tóc lông nhím, có cô còn cạo trọc trông rất ngổ ngáo nữa kia.

Tôi cáu lắm, nhưng vẫn tiếp tục mơ mòng: Hà Nội ơi! Thanh bình tiếng guốc reo vui… thì tiếng nói ấy khinh khỉnh: Không còn đâu các cô tân thời đi guốc hoa ngồi xe kéo, bảo phu xe kéo dạo quanh Bờ Hồ mà mơ mộng. Các cô ấy bây giờ đã thành các cụ bà đi dần vào cõi lú lẫn; còn các cô thời hậu hiện đại này thì đi những đôi giày hàng hiệu giá bạc triệu, bán cả đời anh với cái đàn của anh đi thì cũng chẳng mua được một chiếc, chứ đừng hòng cả đôi.

Tôi thua rồi. Tôi bỏ cây đàn xuống, ngâm nga những câu thơ hào hoa của Quang Dũng:
Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Mơ về Hà Nội dáng kiều thơm

Im lặng, có tiếng thở dài.
Tôi lại đọc những câu thơ óng ả mượt mà của Nguyễn Đình Thi:
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em.
Lần này tiếng nói của kẻ vô hình có vẻ xúc động, ngậm ngùi: Tội anh quá. Em Hà Nội bây giờ thơm lắm. Nhưng em không còn thơm mùi hoa cỏ nữa, em thơm nước hoa sang trọng. Anh không biết Hà Nội bây giờ sành điệu như thế nào đâu!

Bạn hẳn đã đọc Thiền. Chắc bạn hiểu cuộc tranh cãi của tôi với kẻ vô hình kia giống cuộc tranh cãi của Đức Phật và Mục Đồng. Nó là cuộc chiến của Mộng và Thực. Nó kéo dài từ khi ta có trí khôn đến giờ hấp hối.
Qua hình ảnh và báo chí, tôi thấy Hà Nội hiện đại được xây dựng rất nguy nga, thay đổi từng giờ từng phút, nhưng tôi biết vẫn có những Hà Nội được dựng lên trong từng hồn người, những người ở miền Nam, và sau này – những người xa đất nước – những Hà Nội đó dường như bất biến với thời gian và những biển dâu thay đổi của lịch sử. Những Hà Nội đó được vẽ lên bởi tranh của Bùi Xuân Phái; bởi thơ của Quang Dũng, của Nguyễn Đình Thi; bởi nhạc của Hoàng Dương, của Lam Phương, của Đỗ Nhuận, của Vũ Thành; bởi văn của Vũ Bằng, của Thạch Lam, của Mai Thảo, của Thanh Tâm Tuyền, của Vũ Khắc Khoan… Đấy là những Hà Nội đằm thắm u hoài nhưng tuyệt đẹp, trong hoài niệm của người di cư vào Nam.
Hà Nội này có thứ ngôn ngữ riêng mà ngày nay chắc chẳng còn mấy ai sử dụng hay nhớ đến nữa. Chẳng hạn, cảnh sát người Việt thì gọi là đội xếp Ta, cảnh sát người Pháp thì gọi là đội xếp Tây, gởi điện tín thì gọi là đánh dây thép, coi phim thì gọi là xem xi-nê, ăn nhà hàng thì gọi là ăn cao lâu…
Rồi có lần tôi gặp lại Hà Nội ở mái tóc của một cô bạn. Tóc của cô dài quá lưng và óng mượt. Tôi hỏi có phải đó là tóc thề, Hà Nội thề với ai? Cô cười không nói. Nhưng ở khuya Sài Gòn đó, tôi tất tả chạy tìm cho được hai trái chanh để Hà Nội gội mái tóc mình.
Lại còn Hà Nội của những ngày kinh hoàng chìm trong bom đạn… những Hà Nội đổ nát mà tôi vắng mặt, tôi đứng ngoài nó.

Bố tôi không về Hà Nội được, còn tôi? Vì sao tôi vẫn co ro trong mùa đông Bắc Mỹ tuyết giá ngập trời này mà mơ mòng một khoảng trời thu trong vắt? Tôi vẫn chưa muốn về. Vì sao vậy? Vì một lý do nghe có vẻ thật vô lý và buồn cười: tôi sợ vỡ mộng.
Tôi không về Hà Nội cũng chỉ vì tôi muốn Hà Nội đẹp mãi với những cơn huyễn tưởng trong tâm hồn mình. Vì sợ vỡ mộng nên tôi không muốn về Hà Nội. Bạn bảo tôi dở hơi? Ừ, thì tôi hứa, có lúc nào đó tan cơn dở hơi thì tôi sẽ trở về. Về với Hà Nội.
Về với Hà Nội của thời ấu thơ, nơi mẹ tôi qua đời, nơi bố dắt tôi đi ăn kem Bờ Hồ đêm cuối cùng, hay về với tiếng còi tàu giã từ rền mãi trong tâm tưởng. Tôi vẫn tin rằng Hà Nội này mới đẹp, mới đáng yêu, mới thật, là của tôi.
Tôi đang ngủ mơ chăng?
Có lẽ vậy.
Nhưng hãy khoan, khoan đánh thức tôi dậy. Vì có khi đang trong cơn mộng lâu dài đến hơn nửa đời rồi, con người thức dậy cũng chẳng để làm chi.

© 2010 Nam Đan
© 2010 talawas

-----------------------------------------

[1] Ca từ của nhạc sĩ Trọng Khương
[2] Ca khúc Tình cố đô của nhạc sĩ Lam Phương
[3] Ca khúc Giấc mơ hồi hương của nhạc sĩ Vũ Thành



No comments: