Wednesday, February 24, 2010

HÃY SUY NGHĨ CHO KỊP THỜI ĐẠI

'Hãy suy nghĩ cho kịp thời đại'

Bùi Tín

Thứ Tư, 24/02/2010

http://danluan.org/node/4286

Nguồn : Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC

.

Gửi Dân Luận bản gốc của cuộc phỏng vấn nhà báo Bùi Tín đăng trên số 31 vừa qua. Phía Trước thấy Dân Luận đã đăng bài "Chế độ đàn áp dân, chui vào tròng "Bắc thuộc" không thể tái tạo Hào khí Thăng Long", có lẽ đã trích lại từ Thông Luận và một số blog khác. Bài này không phải là bản gốc, nhờ Dân Luận sửa và trích nguồn lại dùm Phía Trước.
Cảm ơn Ban biên tập Dân Luận.
Chúc năm mới nhiều thành công và nhiều độc giả mới.
BBT Phía Trước

------------------------------------

.

Bước sáng thập kỷ mới của thế kỷ 21, Việt Nam xôn xao nhiều dự án cho Đại lễ Nghìn năm Thăng Long vào những tháng sắp tới. Nhân dịp này, Tạp Chí Thanh Niên Phía Trước đã có cuộc trao đổi với nhà báo tự do Bùi Tín* tại Paris về đề tài thú vị này.

Phía Trước: Xin chào nhà báo Bùi Tín. Xa đất nước đã 20 năm, Hànội còn trong ký ức của ông như thế nào?

Bùi Tín: Hànội rất thân thiết với tôi. Một phần lớn nhất cuộc sống của tôi là ở Hànội. Cả tuổi trẻ và trưởng thành của tôi là ở Hànội. Tôi sống những ngày sôi sục Tháng Tám 1945 ở Hànội. Tôi cũng sống cùng Hànội dưới những thảm bom B52 tháng 12-1972.

Hồ Hoàn kiếm, Hồ Tây, màn sương nhẹ mùa thu, làn gió Đông Bắc se lạnh, ánh nắng trên hồ sen Chùa Một cột, hương hoa sữa thoang thoảng bên hồ Ha-le đường Nguyễn Du… là những hoài niệm da diết suốt 20 năm nay của người tha hương.

Phía Trước: Những điểm nào khiến Hànội nổi bật hơn hẳn những thủ đô khác?

Bùi Tín: So với những thủ đô cũ: Hoa lư ở Ninh Bình, Phụng Hoàng Trung Đô ở Nghệ an, Huế và Sài gòn, Thăng long – Đông Đô – Hà nội luôn chiếm ưu thế vì có vị trí địa lý nổi trội, ở trung tâm đồng bằng sông Hồng Hà, ở giữa cái nôi mà dân tộc Việt sinh thành từ thời cổ đại, lại là kinh đô huy hoàng của những triều đại thịnh trị , từ triều Lý sang triều Trần đến triều Nguyễn – Quang Trung, với những chiến công hiển hách chống xâm lược phương Bắc cũng như chống thực dân Pháp sau này.

Riêng Gò Đống Đa giữa Hànội đã là một di tích oanh liệt quý giá về đánh đuổi quân bành trướng dành lại quyền sống độc lập tự chủ cho dân tộc trường tồn.

Phía Trước: Ông nghĩ thế nào về vai trò của việc xây dựng bộ mặt Hà nội trong tiến trình phát triển của nước ta?

Bùi Tín: Hànội mấy chục năm qua đã thay đổi nhiều lắm. Nhất là 20 năm gần đây, một số cao ốc mọc lên, đường sá mở rộng, xe ô tô, xe gắn máy nhiều thay xe đạp, ngã ba, ngã tư… thoáng đãng nhưng mặt khác Hànội trở nên chật hẹp, giao thông ùn tắc, không khí bụi bậm, môi trường ô nhiễm.

Tuy Hànội có thay đổi nhiều nhưng vẫn nặng về tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu nhìn xa trông rộng theo hướng dân tộc và hiện đại. Về kiến trúc, những công trình mới vẫn ít ỏi, nhạt nhẽo, chưa vượt lên nổi những công trình thời Pháp của nửa thế kỷ trước. Phủ Toàn quyền nay là Phủ Chủ tịch, Trường Albert Sarraut nay là trụ sở cơ quan trung ương Đảng Cộng sản, Trường Bảo hộ nay là trường Chu Văn An, Viện bảo tàng Finot nay cũng là viện bảo tàng, cầu Long Biên vẫn cho cả đường bộ và xe lửa, Thư viện Trung ương, Viện Pasteur, Nhà Hát Lớn… Một loạt biệt thự thời Pháp và khu phố cổ vẫn là những giá trị kiến trúc độc đáo quý giá.

Vì nghèo kiến thức, vốn văn hoá thấp, khinh thị trí thức và vì quốc nạn tham nhũng – do chính nhà nước dung dưỡng – nên chính quyền đã thất bại rõ rệt trong xây dựng thủ đô to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như họ từng hứa hẹn với dân, dù chiến tranh chấm dứt đã hơn 30 năm.

Phía Trước: Ông nhận định Hànội hiện nay như thế nào về hạ tầng kiến trúc cũng như về kiến trúc thượng tầng?

Bùi Tín: Trên đây là về hạ tầng cơ sở, có thể nói chính quyền cộng sản đã thất bại. Mấy năm nay họ đề ra việc xây dựng một loạt công trình kỷ niệm “Ngàn năm Thăng Long”, nào là những tượng đài Thánh Gióng, An Dương Vương, Lý Thái Tổ, Cách mạng tháng Tám, Toàn quốc Kháng chiến, Hà nội Thành phố vì Hoà bình… Rồi Công viên Ngàn năm Thăng long, Tháp Ngàn năm, Bảo tàng Hànội, Thư viện Hànội, sang cải tạo cả dòng sông Tô lịch, cải tạo sông Lừ và sông Sét, dựng cầu văn hóa qua sông Hồng… Lại còn dựng một bộ phim lịch sử cực lớn về Lý Công Uẩn, vừa trữ tình (!), vừa hòanh tráng(!), ghi nhận công khai sáng triều đại của vua Lý Thái Tổ…

Bày vẽ nhiều nhưng xem ra lực bất tòng tâm, đã vào năm kỷ niệm mà chưa việc nào ra trò. Nhiều nhà văn hoá trong nước phải kêu lên là quá ôm đồm, bôi bác, để đến tháng 10 này đành phải “tạ lễ với tiền nhân”, “xin lỗi với mai sau” vì kế hoạch đầu voi đuôi chuột không ra làm sao cả.

Sẽ lại như nửa thế kỷ Chiến thắng Điện Biên Phủ (1955-2005), bức tượng hoành tráng 700 tấn đồng, dựng lên sau ba tháng đã tụt bệ, nghiêng lún, các mối hàn chắp nối nứt nẻ, rã rời, chảy nước vàng nước xanh như bệnh hoạn. Lý do đơn giản vì làm ăn tắc trách, cấu véo quỹ công, dùng toàn đồng phế thải thay cho đồng nguyên chất. Đây như một chứng tích của thời nhố nhăng tệ hại, không có cách gì khắc phục hay xoá bỏ, nay phá đi thì tiếc mà để lại cũng không ổn.

Bộ phim lịch sử hoành tráng về Lý Công Uẩn om sòm một hồi trong dư luận nay bỗng im re. Vì có quá nhiều bất cập từ kịch bản đến đạo diễn, diễn viên, trang phục, quay phim.. Đến nay bộ phim chưa xuất bản nhưng đã có khá nhiều chê trách, lai căng, nửa Á nửa Âu, pha Ta pha Tàu, lại lai Đại Hàn. Cuốn cùng chẳng giống ai mà chi tiêu đến vài chục triều đô la!

Chính đó là một nét tiêu biểu cho thượng tầng kiến trúc, cho nền văn hóa của thời đại, cho đạo lý dưới chế độ cộng sản. Thất bại này còn kinh khủng hơn thất bại về hạ tầng cơ sở.

Con người Hànội, thanh niên Hànội, phụ nữ Hànội, kẻ sĩ Bắc Hà nói chung không còn lịch sự, thanh lịch, trang nhã, thông tuệ, là tinh hoa dân tộc như xưa. Chế độ chủ nghĩ xã hội đã thất bại nặng nề trong xây dựng con người mới; học thuyết đấu tranh giai cấp, nền chuyên chính vô sản cổ xuý đối lập bạn, thù, ta đã phá nát đạo lý dân tộc, tiêu huỷ nền nếp gia phong.

Đến thời đổi mới, tệ sùng bái vật chất, đô la, hưởng thụ và tệ tham nhũng, mánh mung, phong bì, đút lót, hối lộ do chính bộ chính trị dung dưỡng, làm gương, đã tạo nên “nếp sống mới”, do CCCCC (con cái các cụ cả) dẫn đầu thực hiện. Đó là các cô cậu mở mồm là văng tục, sống sa hoa, bệ rạc, ích kỷ hại nhân, coi pháp luật là giấy loại, coi đạo lý là đồ xa xỉ.

Thanh niên Hànội được Đảng Cộng sản giáo dục đang dẫn đầu trong xây dựng con người mới XHCN. Họ từ khắp nơi trong toàn quốc đổ về Hànội theo chân ông bà cha mẹ là đảng viên, viên chức ít nhiều quyền thế, được ưu tiên đăng ký hộ khẩu nội thành và nghiễm nhiên trở thành công dân thủ đô (theo thống kê, hiện người gốc gác Hànội chỉ còn chiếm có 7% số dân). Vậy thì còn đâu là Thủ đô thanh lịch, nền nã thuở xa xưa. Còn đâu là phong cách sống “thương người như thể thương thân”, “chị ngã em nâng”, “miếng khi đói bằng gói khi no”,”nhiễu điều phủ lấy giá gương”, mà người thủ đô luôn nuôi dưỡng, làm gương cho cả nước.

Cũng không còn như xưa, khi ánh sáng từ thủ đô toả sáng ra mọi địa phương, từ phong trào Đông kinh Nghĩa thục, từ Nhà Khai trí Tiến Đức, từ Nhà Ánh Sáng cho dân lao động, từ Bình dân Học vụ cho người mù chữ ở khắp nơi.

Phía Trước: Một Hànội trong tương lai trong thế kỷ này, theo ông, có thể được hình dung như thế nào?

Bùi Tín: Theo tôi, Hànội chỉ có thể bật dậy trong một chế độ dân chủ thật sự, khi mỗi người công dân thủ đô là một công dân tự do, nghĩa là có đầy đủ quyền công dân. Trước hết là quyền tự do tư tưởng, tư do ngôn luận trong đó có tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do lập hội, trong một chế độ dân chủ đa đảng ổn định, trọng luật pháp.

Không có gì xấu và hại hơn là một chế độ tự cho là cách mạng, tự nhận là của nhân dân lại không trả lại cho dân quyền tự do. Dưới thời phong kiến và thực dân, Thủ đô Hà nội còn có báo chí tự do như Trung Bắc tân văn, Đông pháp, Thời báo, Phụ nữ thời đàm, Thanh Nghị, Khoa học thường thức…đều do tư nhân xuất bản. Nay chỉ toàn là báo của đảng, mà tờ báo chính thống của đảng lại mang cái tên Nhân dân, thật là mỉa mai!

Phía Trước: Hiện người dân khắp nơi tại Việt Nam đang náo nức đón chào kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long, theo ông làm thế nào để lễ kỷ niệm có nhiều ý nghĩa?

Bùi Tín: Mọi người đón chờ, nhưng không có nhiều niềm vui và hứng khởi đâu. Vì cuộc sống còn có nhiều khó khăn. Chênh lệch giàu nghèo chưa bao giờ mở rộng như hiện nay, có thống kê nói bậc lương nhà nước chênh lệch là 1/7, nhưng thực tế thu nhập chênh lệch đến 1/100 và hơn nhiều nữa. Như một thứ trưởng bộ tài chính vốn lương bổng đã cao, chỉ có một chân trong ban quản trị công ty nhà nước SCIC – State Capital Investment Corporation – mà năm 2009 nhận thêm 900 triệu đồng!

Ngay tại thủ đô, giáo dân bị coi là công dân loại 2. Chính quyền huy động công an, dân quân dùng chất nổ phá tan thánh giá dựng trước nghĩa trang gíáo dân ở Đồng Chiêm, đánh bị thương linh mục và nhà báo, rồi loan tin là do đồng bào tự động di dời thánh giá! Rồi vụ xử án qua loa các chiến sỹ dân chủ giữa thủ đô vài tuần trước. Đây rõ là sự nhạo báng công lý, nhạo báng lòng yêu nước, khi cái “tội lớn nhất” của các bị cáo là đã lên án bọn bành trướng chiếm đất, biển và đảo nước ta và lên án chính quyền đã tỏ ra mềm yếu, ươn hèn đến mức ô nhục!

Có nhà văn hoá nào, anh chị em trí thức thủ đô nào tin rằng các công trình kỷ niệm sắp tới sẽ là những công trình nghệ thuật thật sự có giá trị? Hàng chục những tượng đài, vườn hoa, bài hát, điệu múa, bộ phim, vở kịch … rồi sẽ chỉ ở mức loàng xoàng. Vì ở thời buổi giá trị đảo điên, người thực tài không được trọng dụng, kẻ mánh mung luồn cúi luôn trúng quả, thì bi kịch tượng đài Điện Biên Phủ sẽ có cơ lắp lại nhiều lần.

Niềm vui lớn trong dịp này sẽ chỉ dành cho các vị chức sắc trong thành uỷ và uỷ ban nhân dân (!) thủ đô, ngành văn hoá thông tin và các tay chân bộ hạ tha hồ chia nhau thật hào phóng ngân sách hàng nghìn tỷ đống, cùng với những cuộc nhậu nhẹt ồn ào phung phí.

Tôi chỉ muốn nhắn các bạn trẻ thủ đô thật sự yêu nước Việt, thương dân Việt, hãy tỉnh táo suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình, tham gia vào việc đổi mới đất nước, phục hưng thủ đô. Hãy nghe những ý kiến xây dựng chân thành của các chuyên gia Đại học Harvard Mỹ, của bốn nghìn trí thức trong mạng Bauxitvn.info, Viện IDS vừa giải thể nhưng vẫn bền gan…rằng vấn đề sinh tử của Việt Nam giờ đây không phải là đổi mới điểm này hay chính sách kia. Điều cần thiết là phải đổi mới hẳn hệ thống chính trị, kinh tế và văn hoá, từ hệ thống độc đoán sang hệ thống dân chủ, từ hệ thống độc đảng sang hệ thống đa đảng trong ổn định và luật pháp, từ hệ thống phản dân chủ, phi dân chủ sang hệ thống tự do, từ hệ thống kín, tập trung sang hệ thống mở, minh bạch, công khai, từ hệ thống Mác-Lénin (học thuyết đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản) sang hệ thống dân chủ và dân tộc…

Các bạn trẻ hãy suy nghĩ cho kịp thời đại, hãy nhận rõ chủ nghĩa xã hội hiện thực theo học thuyết Mác là sai lầm lịch sử lớn nhất trong thế kỷ XX. Học thuyết Mác phá sản triệt để với sự tan rã của phe XHCN, sự tan vỡ của Đảng Cộng sản Liên xô và sự giải thể của Liên bang Xô viết ở thế kỷ trước.

Các bạn hãy ghi rõ vị thế của Việt Nam ta hiện nay theo thống kê của Liên Hợp Quốc. Về mức sản xuất theo đầu người, tự do của công dân, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tính công khai, minh bạch, chống tham nhũng, chăm sóc sức khỏe cho xã hội, chất lượng giáo dục, sáng tác phát minh trong khoa học và công nghệ, Việt Nam đều đứng dưới thứ 100 trong 189 nước của thế giới.

Các bạn hãy ghi nhớ kỹ những thứ hạng không vẻ vang ấy!

Nguyên nhân cơ bản là con người Việt Nam chưa tự do, dân tộc Việt Nam bị cắt cụt cánh. Một con người mất tự do là mất nhân phẩm, mất tự tin. Một con người mất tự do chỉ là một hạt cát.

Một con người tự do là một con người mà tư duy mọc cánh, là con người có thể phát triển toàn diện, để mỗi người là một ngôi sao lấp lánh tài năng và trí tuệ. Đưa một đất nước từ độc đoán lên tự do và dân chủ là đưa lên cao hơn một nấc thang văn hóa, kịp với đà tiến của thời đại, vươn lên hàng ngũ những quốc gia tiên tiến.

Chỉ khi ấy mới có thể nghĩ và nói đến phát triển bền vững với tốc độ cao, đến công bằng và bình đẳng xã hội, đến phồn vinh và hạnh phúc cho toàn dân, đến “ra khơi” và “bay cao, bay xa” đến những chân trời vô tận. Nếu không, chỉ là ảo tưởng, lừa dối, mỵ dân. Chỉ có khi ấy thủ đô Thăng Long mới mang hết ý nghĩa sâu xa là Rồng Vàng Việt Nam cuốn mình bay lên những tầng cao luôn mới.

Cuối cùng tôi muốn nêu một nét lịch sử. Lý Công Uẩn lên ngôi Lý Thái Tổ, dời đô, khai sáng triều Lý trên cơ sở loại bỏ Lê Long Đĩnh mang danh Lê Ngoạ Triều cực kỳ truỵ lạc, dâm ô, gian ác (từng giết anh ruột là Lê Long Việt, giành ngôi Vua, phong một lúc 4 vợ là Hoàng hậu, róc mía trên đầu nhà sư để mua vui, chỉ nằm dài khi thiết Triều, trị vì 4 năm, bị giết khi 24 tuổi …). Khi ấy triều Lê đã phơi bày tất cả sự suy đồi thối nát, lòng dân đòi hỏi một sự đổi đời triệt để, một thay đổi Triều đại. Cuộc dời đô mang tính lịch sử sang trang tràn đầy hứng khởi mà kỷ niệm Nghìn năm lúc này khó lòng diễn đạt nổi, dù chỉ là trong muôn một.

Mong có dịp kể chuyện thay đổi triều đại từ triều Tiền-Lê sang triều Lý với các bạn trẻ. Cám ơn các bạn.

Phía Trước: Cảm ơn nhà báo Bùi Tín đã chia sẻ những tâm tình rất quý báu đến các bạn trẻ. Phía Trước mong sẽ có dịp tiếp tục những cuộc phỏng vấn thú vị tương tự trong tương lai gần.

.

Nhóm Cộng tác viên PHÍA TRƯỚC thực hiện
©Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC

.

Chú thích: Bùi Tín (sinh năm 1927) là một nhà báo độc lập, hiện là cộng tác viên cho VOA cũng như nhiều tờ báo có uy tín khác của người Việt ở nước ngoài. Ông đã từng là phó tổng biên tập của báo Nhân Dân, đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, tỵ nạn chính trị từ năm 1990 tại Pháp, xem thêm tại wikipedia về cuộc đời của ông. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông viết sau khi ra nước ngoài là Hoa xuyên tuyếtMặt thật. Cuốn Hoa xuyên tuyết được có mặt trong nhiều danh sách tài liệu tham khảo của các dự án nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam

.

Download TCPT 31 - 1000 NĂM THĂNG LONG
Bản PDF – HD
Bản PDF – Standard
Bản PDF – Mini

.

.

.

No comments: