Sunday, February 28, 2010

VIẾT VỀ MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC

Viết về Một Người Yêu Nước

Nguyễn Ngọc Huy

01/03/2010

http://danluan.org/node/4305

.

(tặng Joyce Anne Nguyen, tác giả bài “Thế Nào Là Yêu Nước?”)

.

Tôi tiến, hãy theo tôi; tôi lùi, hãy bắn tôi; tôi chết, hãy trả thù cho tôi. Tôi không phải là thần thánh, tôi chỉ là một người bình thường, tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc, một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.” --- Ngô Đình Diệm, cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

.

Tác giả hai câu nổi tiếng ở trên từng bị (và có lẽ còn đang bị) nhiều người Cộng Sản và một số người ngây thơ cho là "con rối" hay một người chịu sự điều khiển của Mỹ. Thế nhưng một số tài liệu mật của chính quyền Mỹ đã được công bố do hết thời hạn bảo mật, xác định chính quyền Mỹ đã ủng hộ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 của các tướng làm phản để loại bỏ tổng thống Ngô Đình Diệm, bởi vì ông không tán thành chính sách can thiệp vào Việt Nam của Mỹ. Vị tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc đó cho rằng nếu Mỹ đưa quân vào Việt Nam thì Cộng Sản Liên Xô và Trung Quốc sẽ tăng cường sự hổ trợ cho Cộng Sản Việt Nam và chiến tranh sẽ khốc liệt hơn - Việt Nam sẽ trở thành bãi chiến trường của quốc tế cho hay phe Cộng Sản và Tự Do quyết chiến, tổn thất về nhân mạng và nguyên khí quốc gia của Việt Nam sẽ là nặng nhất trong các nước tham chiến. Chính quyền Mỹ thì cho rằng quân đội của nó có khả năng dứt điểm nhanh chóng quân Cộng Sản, và làm cho Việt Nam Cộng Hòa sẽ thoát khỏi sự đe dọa của khối này. Hậu quả của cuộc đảo chánh là tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết vào hôm sau, khi đã bị bắt và đang chịu trói không có khả năng phản kháng hay thoát thân.

Lịch sử đã cho thấy chiến tranh Việt Nam thật sự "leo thang" hay gia tăng cường độ khi Mỹ đổ quân vào nước này. Lịch sử đã cho thấy Mỹ bị "sa lầy" trong cuộc chiến Việt Nam hay không thể dứt điểm nó nhanh chóng như họ từng kiêu hãnh cam đoan với Việt Nam Cộng Hòa. Một sự sa lầy dài 20 năm kể từ khi họ bắt đầu đưa các đơn vị tác chiến chính thức sang Việt Nam năm 1965 (2 năm sau cái chết của vị tổng thống họ Ngô) cho đến khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975. Mỹ đã thua tại Việt Nam, và theo tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, giáo sư kinh tế đại học Howard, cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ đã "tháo chạy" và cho đến nay nhiều người Mỹ vẫn coi đó là một sự nhục nhã. Về tổn thất của dân tộc và đất nước Việt Nam thì người Việt Nam rõ ràng nhất, những hậu quả đó đến nay ta vẫn còn thấy trên đất nước này.

Phải chết nhiều triệu nhân mạng, và mất một miền Nam Việt Nam vào khối Cộng Sản để nhiều người nhận ra rằng tổng thống Ngô Đình Diệm đã có cái nhìn thật sáng suốt về tình hình Việt Nam thời đó. Và những việc vị này đã làm là thật sự lo nghĩ cho lợi ích của đất nước và dân tộc Việt Nam, đúng như câu nói của ông. Nhưng cho đến hiện tại, gần 47 năm sau cái chết của người tổng thống không may mắn, đôi khi tôi vẫn thấy vài bài viết mới phê rằng ông là người bất tài hay chỉ là con rối của chính quyền nước ngoài. Tôi cho rằng những bài viết như vậy đã lờ đi những sự thật và những tài liệu có độ tin cậy khá cao như những tài liệu của chính quyền Mỹ. Vài tác giả đã dùng những lập luận và suy đoán cá nhân rồi đi đến kết luận.

Nhưng mà trách sao được họ! Ngay cả chính quyền Mỹ thời đó với nhiều tiền của để thu thập thông tin làm thống kê sau đó phân tích chúng cho việc xét đoán, với những nhân vật ưu tú như phó tổng thống Lyndon Johnson, ngoại trưởng Dean Rusk và bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara đều không nghĩ rằng sự việc sẽ như ông Ngô Đình Diệm đã suy xét. Họ đã không thấy sự sáng suốt hay tài năng của tổng thống họ Ngô. Riêng về tổng thống Kennedy, tôi nghĩ có lẽ ông ta cũng có cái nhìn như tổng thống Diệm, vì theo Johnson, ông Kennedy đã có ý định rút khỏi Việt Nam, thế nhưng người này cũng đã bị bắn chết chỉ 20 ngày sau cái chết của ông Diệm, trong một vụ ám sát. Khi lên làm tổng thống, ông Johnson đã thay đổi những chính sách của Kennedy đối với Việt Nam theo hướng ngược lại.

Với xét đoán thông thấu của tổng thống họ Ngô về thời cuộc của đất nước thời đó, với những việc làm của vị này mà tôi đã nêu ra trong những phần trên, và với việc người đó mất đi tính mạng trong khi cố gắng thực hiện những việc kia, tôi hoàn toàn tin tưởng ông Ngô Đình Diệm đã thật sự "một lòng hiến dâng đời tôi [ông ấy] cho đất nước và dân tộc."

Viết từ Connecticut, hoàn thành lúc 3:50 rạng ngày 27 tháng 2 năm 2010.
_____________________________

Độc giả có thể viếng thăm blog của tác giả Nguyễn Ngọc Huy tại địa chỉ http://nguyenngochuy1983.blogspot.com

.

.

.

No comments: