Tuesday, September 17, 2024

TUYÊN BỐ CHUNG HOA KỲ - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU VỀ ĐÀI LOAN : HÀ NỘI KHÔNG NÊN BỎ QUA (Trần Hiếu Chân / Blog RFA)

 



Tuyên bố chung Hoa Kỳ - EU về Đài Loan: Hà Nội không nên bỏ qua

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân
2024.09.16

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/us-eu-statement-about-taiwan-09162024114309.html

 

Tại “Đối thoại Hoa Kỳ - Liên minh châu Âu (EU)” lần thứ 7 về Trung Quốc, các bên đã đưa ra sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Loan và lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell và Tổng thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu Stefano Sannino đã đồng chủ trì Cuộc Đối thoại Hoa Kỳ-EU và “Tham vấn Hoa Kỳ - EU về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” từ 9—10/9/2024. Hoàn toàn khác với Hội thảo trước đó 10 ngày tại Hà Nội nhằm “Tổng kết 40 năm Ngoại giao Việt Nam thời kỳ Đổi mới”, sự kiện ấy đã không hề có bất cứ một dư âm quốc tế nào.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/us-eu-statement-about-taiwan-09162024114309.html/@@images/8877210f-095a-470e-bd3f-e19e6a53ae98.jpeg

Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (thứ ba từ trái sang) chụp hình cùng với lính hải quân nhân chuyến thăm một đơn vị phòng không ở đảo Bành Hồ (Penghu) của Đài Loan hôm 6/9/2024   (WALID BERRAZEG / AFP)

 

Nhìn từ Đài Bắc

 

Hoa Kỳ và EU họp liên tục trong hai ngày 9—10/9 nhằm khẳng định đánh giá chung của các bên về Trung Quốc, đặc biệt đến chính sách của Bắc Kinh với Đài Bắc. EU và các quốc gia thành viên từ lâu đã có quan hệ rộng khắp và toàn diện với các đối tác của mình tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo—Pacific), một khu vực trải dài từ bờ biển phía đông của châu Phi đến các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngày nay, Indo—Pacific trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi mà quá trình phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch đang diễn ra trên nền bất ổn về địa-chiến lược trong khu vực gia tăng. Các cuộc bàn thảo vừa qua nhằm đánh giá về chiến lược nói chung của Hoa Kỳ và EU liên quan đến Trung Quốc, cũng như không gian Indo—Pacific, khu vực giờ đây có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế toàn cầu. Trong tuyên bố mới nhất nói trên, Hoa Kỳ và EU nhấn mạnh đến nhu cầu hòa bình ở Eo biển Đài Loan, phản đối những thay đổi đơn phương đối với "nguyên trạng", nhất là đe dọa thay đổi thông qua vũ lực (1). Hoa Kỳ và EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giao tiếp với Trung Quốc trong khi tham gia vào cạnh tranh công bằng và theo đuổi ngoại giao vì lợi ích chung.

 

Hoa Kỳ và EU đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, nhấn mạnh rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào cũng phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Hai bên cũng đề cập đến các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là ở Tây Tạng và Tân Cương, và kêu gọi hợp tác với Văn phòng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Các bên cũng cam kết chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc và nêu lên mối quan ngại về việc xói mòn quyền tự chủ của Hồng Kông. Lên án các hành động của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, Hoa Kỳ và EU đã trích dẫn tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp, đặc biệt là liên quan đến Philippines. Hoa Kỳ và EU tái khẳng định phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 tại The Hague có lợi cho Philippines và chống lại Trung Quốc là có tính ràng buộc. Đáng tiếc, đã không hề có bất cứ một đoạn nào bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.

 

Tuyên bố còn nhấn mạnh sự hợp tác liên tục giữa Hoa Kỳ và EU về an ninh của Indo—Pacific, bao gồm các hoạt động hàng hải chung và một cuộc họp bàn tròn sẽ được tổ chức tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Cả hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ kinh tế cân bằng và công bằng với Trung Quốc, và cam kết tiếp tục giải quyết các thách thức do các chính sách và hoạt động phi thị trường của Trung Quốc gây ra. Tuyên bố cho biết Hoa Kỳ và EU có ý định tiếp tục giảm thiểu rủi ro bằng cách giảm sự phụ thuộc và các điểm yếu trong các lĩnh vực chiến lược. Báo cáo cho biết thêm rằng việc thao túng thông tin nước ngoài cũng là một mối đe dọa liên tục đòi hỏi phải tiếp tục làm việc với các đối tác Indo—Pacific để xây dựng hệ sinh thái thông tin tự do và phục hồi. Cuộc đối thoại lần thứ tám tiếp theo sẽ được tổ chức sang năm 2025 tại Washington DC (2).

 

 

So sánh với Hà Nội

 

Tại Đài Bắc, từ 20/5/2024, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức đã làm lễ nhậm chức để trở thành Tổng thống Đài Loan. Kết quả này do cử tri Đài Loan hoàn toàn phớt lờ áp lực của Trung Quốc, dồn phiếu cho đảng cầm quyền nhiệm kì tổng thống thứ ba. Trong khí đó, tại Hà Nội, từ 22/5/2024, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng tuyên thệ giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Khác nhau căn bản ở đây là, ông Lại Thanh Đức được người dân bầu thông qua lá phiếu của mình. Còn ông Tô Lâm thì sáng 22/5, được 472/473 đại biểu Quốc hội chấp thuận (bằng bấm nút), thay ông Võ Văn Thưởng buộc phải từ chức hơn hai tháng trước đó. Trong trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế, Tổng thống Lại Thanh Đức tuyên bố, trong bang giao với Trung Quốc nói chung, cũng như trong trao đổi thương mại, giáo dục nói riêng, phải dựa trên sự tôn nghiêm và bình đẳng. Bắc Kinh phải thừa nhận sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và phải chân thành trong hợp tác với chính phủ hợp pháp do nhân dân Đài Loan bầu ra. Khi Trung Quốc và Đài Loan hợp tác với nhau, hai bên phải có niềm tin chung để nâng cao phúc lợi của người dân ở hai bờ eo biển, hướng tới mục tiêu hòa bình và thịnh vượng chung trong tương lai (3). “Tôn nghiêm và bình đẳng…” Ông Lại không “nổ”, nhưng quả là “miệng kẻ sang có gang có thép…” Đại diện cho gần 25 triệu dân, khí phách thật đáng nể!

 

Ngoại giao Đài Loan có một bước chuyển ngoạn mục từ kỷ nguyên Thái Anh Văn sang kỷ nguyên Lại Thanh Đức, tuy cả hai đều cùng trong một đảng cầm quyền – Đảng Dân Tiến (DPP). “Ngoại giao kỹ thuật số” và “Đài Loan tham gia thiết kế vi mạch, sản xuất tấm bán dẫn, đóng gói và thử nghiệm dây chuyền cuối…” sẽ tạo ra “những tiếng cồng lớn” từ nền ngoại giao Đài Bắc. Lại Thanh Đức không ấn định “khởi điểm lịch sử mới”, mà chỉ nhắc lại “4 cam kết” nhất quán trước nay: “Không nhượng bộ - Không khiêu khích - Duy trì hiện trạng - Thực hiện đầy đủ trách nhiệm”. Tổng thống Lại Thanh Đức cho biết đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Đài Loan gánh vác trách nhiệm vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, mang lại lợi ích cho hòa bình thế giới. Không ngẫu nhiên, EU và Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan không thể tách rời đối với an ninh và ổn định quốc tế. Mỹ và EU thúc giục Trung Quốc kiềm chế ở Eo biển Đài Loan và xung quanh Đài Loan; bày tỏ sự phản đối đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng, nhất là bằng vũ lực. Tất cả bày tỏ sự ủng hộ đối với sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế (4).

 

Từ Hà Nội, giới quan sát nhận ra rằng, di sản ngoại giao gần ba nhiệm kỳ của cố TBT Nguyễn Phú Trọng, với “ngoại giao cây tre”, đã không được chính giới ngoại giao Việt Nam nhắc đến trong cuộc Hội thảo suốt hơn ba giờ đồng hồ, ít nhất không thấy trên truyền thông trong nước. Thậm chí bản thân TBT—CTN Tô Lâm cũng bỏ qua, thì làm thế nào để thế giới “suy tôn” nó như một giá trị lâu bền và định hướng nhất quán? Trong khi đó, ngay tại Hội thảo nói trên, ông Tô Lâm buộc phải công nhận một thực tế khách quan: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại…” TBT—CTN chỉ rõ “đất nước đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” (5). Được biết, ông Tô Lâm sắp có một loạt họat động “ngoại giao nguyên thủ” tại New-York, kể cả cuộc hội kiến Tô Lâm—Biden. Hy vọng, TBT—CTN Việt Nam sẽ giản lược các khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” và “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (do Trung Quốc dẫn dắt)” tại các cuộc hội kiến ấy (6). Và nếu Hà Nội giã từ được “ngoại giao cây tre”, giảm thiểu được chính sách ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, một ngày nào đó, hy vọng, Hoa Kỳ - EU cùng thế giới tiến bộ sẽ có những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ đối với Hà Nội khi thế giới đồng thanh lên án hành động chèn ép Việt Nam của Trung Quốc trên Biển Đông. Mong lắm thay!

 

__________

Tham khảo:

(1) https://www.taipeitimes.com/News/front/archives/2024/09/13/2003823711

(2) https://www.taipeitimes.com/News/front/archives/2024/09/13/2003823711

(3) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458,459,461,462&post=254146

(4)https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2024/754446/EXPO_STU(2024)754446_EN.pdf 

(5) https://dav.edu.vn/hoi-thao-khoa-hoc-tong-ket-40-nam-ngoai-giao-viet-nam-thoi-ky-doi-moi/

(6)https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/us_vn_reconciliation_non_market_economy-08072024113022.html

 

-------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của  Đài Á  Châu Tự Do

* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.

 

-------------------

Tin, bài liên quan

Blog

·        Điều ASEAN cần làm lúc này để tránh xung đột quân sự ở Biển Đông

·        Việt Nam cần làm gì trước việc Philippines yêu cầu mở rộng thềm lục địa

·        Trung Quốc khiến cả châu Á lao vào cuộc chạy đua vũ trang

·        Vì sao ASEAN im lặng trước căng thẳng ở Biển Đông

·        Biển Đông: Philippines mạnh mẽ, Việt Nam cầm chừng

 

 

 




No comments: