Friday, September 6, 2024

"LÃNH CHÚA" TẠI VIỆN Y DƯỢC HỌC DÂN TỘC TP.HCM (Nguyễn Nhơn / Blog RFA)

 



“Lãnh chúa” tại Viện Y dược học dân tộc TP HCM

Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.09.05

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/tyrant-at-hcm-city-traditional-medicine-hospital-09052024110058.html

 

Lai rai nhưng suốt mấy năm nay, gần như có hoài, là khiếu nại của các bác sĩ, điều dưỡng đang làm việc tại Viện Y dược học dân tộc TP HCM.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/tyrant-at-hcm-city-traditional-medicine-hospital-09052024110058.html/@@images/e525e931-2f03-4060-8dcd-dd49905a5c22.jpeg

Khu Khám và điều trị ban ngày Viện Y Dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh

 (Facebook/Viện Y Dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh)

 

Bỗng nhiên ngài “điếc”

 

Họ khiếu nại về việc Ban giám đốc Viện này ép người lao động đi… chơi hoặc tham gia các hoạt động phong trào của Viện rồi trừ ngày nghỉ phép; không cấp chứng chỉ thực hành chuyên môn cho bác sĩ-dược sĩ sau khi họ hoàn tất thời gian thực hành theo quy định, bắt nhân viên đóng góp ngày công cho đủ thứ phong trào vận động quyên góp, bị ép học quá nhiều buổi đào tạo chuyên môn không cần thiết và thu phí cao khiến tiền lương của họ teo tóp…

 

Trả lời báo chí, lãnh đạo Viện này cho biết họ cảm thấy “lạ và buồn” khi biết có các khiếu nại như thế, và nếu người lao động không tự nguyện tham gia các buổi đào tạo chuyên môn do Viện tổ chức thì “sau này đừng khóc” (báo Dân Trí, 22/8/2024).

 

Nhưng thực tế, những gì đã diễn ra tại Viện Y dược học dân tộc dưới sự lãnh đạo của Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng, Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Nguyễn Lộc còn gây sửng sốt hơn những gì đang được các nạn nhân phản ánh rụt rè với báo chí, hoặc khiếu nại với Sở Y tế.

 

Theo quy định, bác sĩ mới tốt nghiệp đại học phải có đủ thời gian khám bệnh, chữa bệnh (gọi là thực hành chuyên môn) liên tục 18 tháng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh (gọi chung là bệnh viện) phải cấp giấy xác nhận thời gian thực hành cho người đi thực hành để họ hoàn tất hồ sơ cấp giấy phép hành nghề. Chỉ khi có giấy phép hành nghề, bác sĩ đó mới được phép ký tên mình dưới đơn thuốc, phiếu khám bệnh, nghĩa là bắt đầu được độc lập khám, chữa bệnh. Quá trình tích lũy uy tín/danh tiếng của một thầy thuốc xem như chính thức bắt đầu từ điểm mốc này. Đi cùng với nó là những lợi ích thiết thân khác như mức thù lao trả cho công khám/chữa bệnh của bác sĩ, sự nổi tiếng thu hút khách hàng, khả năng thăng tiến trong hệ thống…

 

Quy định cấp giấy xác nhận thời gian thực hành là bắt buộc, Giám đốc bệnh viện buộc phải ký giấy này khi bác sĩ đã đủ thời gian thực hành.

 

Nhưng ở Viện Y dược học dân tộc TP HCM lại có một luật khác, to hơn cả Luật Khám chữa bệnh. Nó gọi là luật ông Lộc. Bác sĩ hoàn tất thời gian thực hành, làm hồ sơ xong, chờ dài cổ không thấy Viện cấp giấy xác nhận thời gian thực hành. Viện trưởng Huỳnh Nguyễn Lộc thích thì ký, không thích thì khỏi ký. Hỏi. Thì Viện không trả lời.

 

Không trả lời là làm sao?

 

Là không trả lời chứ còn là làm sao.

 

Là mặc kệ, anh hỏi cứ hỏi, tôi im lặng xem như chưa từng nghe. Có hỏi bao nhiêu lần đi nữa cũng xem như điếc.

 

Khi ông Lộc “điếc” đột xuất như vậy nghĩa là bác sĩ ấy không thể được cấp chứng chỉ hành nghề, vì hồ sơ không đủ các loại giấy tờ cần thiết.

 

Bấy giờ, bác sĩ ấy có hai lựa chọn.

 

Một là tiếp tục ở lại Viện làm việc và cố gắng không làm phật lòng Viện trưởng, hy vọng ngày nào đó ông ta sẽ đổi ý, cấp giấy xác nhận cho mình. Có xác nhận rồi, hoàn tất hồ sơ, lấy được chứng chỉ hành nghề thì bay. Bái bai Viện, đi tìm một nơi làm việc phù hợp với mình. Lựa chọn này có vẻ hợp lý nhất vì dù sao cũng đã mất 18 tháng thực hành ở Viện, không vi phạm bất cứ kỷ luật nào thì chẳng lẽ ông Lộc cứ giam xác nhận thực hành của họ mãi được sao?

 

Lựa chọn  thứ hai là dứt khoát bỏ luôn 18 tháng thực hành tại đây. Chọn lại ngay một bệnh viện khác để bắt đầu thực hành lại từ đầu. 18 tháng ở Viện Y dược học dân tộc TP HCM xem như… thí cô hồn, kính biếu bác Lộc, mong bác được hưởng trọn vẹn âm đức.

 

Sau khi chờ mỏi mòn một thời gian, đã có những bác sĩ/y sĩ rứt bỏ liên quan với Viện Y dược học dân tộc theo cách này. Họ chấp nhận tiếp tục bỏ thêm 18 tháng cùng với 18 triệu đồng đã nộp để đến một bệnh viện khác biết tuân thủ pháp luật và tôn trọng đồng nghiệp hơn. Xem như họ đã bị ông Lộc lừa, chiếm đoạt thời gian làm việc và tiền bạc của họ. Nhưng thà chịu đau một lần còn hơn ở lại tiếp tục dây dưa vì trong số những người cắn răng ở lại Viện làm việc chờ giấy xác nhận thời gian thực hành, vẫn có nhiều người đã 5 năm trôi qua vẫn chẳng biết mặt mũi cái giấy ấy ra làm sao. Họ vẫn khám chữa bệnh ở Viện, nhưng phải để cho một bác sĩ khác ký tên thay, cứ như làm việc lậu.

 

Lương và thu nhập của họ thì dĩ nhiên phải thấp hơn bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề, theo quy định.

 

Trong một chủ trương khác, ông Lộc đề ra quy định nếu muốn miễn nộp 18 triệu đồng thực hành thì phải ký cam kết làm việc với Viện trong vòng 5 năm tiếp theo, với lương 2 triệu đồng/tháng.

 

Một bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề mà phải làm việc với mức lương chưa tới phân nửa của bảo vệ cơ quan thông thường.

 

Nếu họ không đồng ý, ông Lộc có đủ sự lì lợm để lặp lại việc làm lơ.

 

Ra điều kiện để trả lương bác sĩ 2 triệu đồng/tháng

 

Thu nhập là vấn đề của nhân viên y tế làm việc tại Viện. Luật Khám chữa bệnh cho phép nhân viên y tế đã có chứng chỉ hành nghề được phép đi làm thêm bên ngoài, ngoài giờ làm việc tại bệnh viện để tăng thu nhập. Nhưng Viện Y dược học dân tộc lại không. Ông Lộc buộc nhân viên y tế ký cam kết không đi làm thêm tại bất cứ cơ sở khám chữa bệnh nào khác.

 

Cần biết rằng thu nhập từ việc đi làm thêm ngoài giờ là một khoản thu nhập đáng kể của nhân viên y tế, vì lương, thưởng của họ tại bệnh viện công rất thấp. Một bác sĩ chuyên khoa I đã làm việc 5 năm chỉ có mức lương khoảng 5-6 triệu đồng. Mức thưởng cho thành tích lao động tiên tiến, tại một bệnh viện Nhà nước kia, cho cả một khoa khoảng 30 nhân viên y tế trong suốt 6 tháng đầu năm vỏn vẹn 200.000 đ. Nên việc đi làm thêm ngoài giờ với nhân viên y tế là điều tuyệt đối hiển nhiên để họ còn có thể tiếp tục làm việc tại bệnh viện, sống được với nghề. Lãnh đạo nhiều bệnh viện còn tạo điều kiện để giúp nhân viên của họ kiếm thêm thu nhập bằng cách chính đáng như vậy.

 

Ngược lại, Viện Y dược học dân tộc TP HCM được cho là tìm mọi cách để giảm thu nhập của nhân viên. Ông Lộc có khá nhiều biện pháp kỳ quái và trái luật Lao động, như bắt buộc nhân viên đóng góp ngày công cho các phong trào ủng hộ công tác xã hội của Viện như đi khám bệnh từ thiện ở các nơi, mỗi lần là trừ hết một ngày công.  Việc này chỉ do các lãnh đạo khoa, phòng thông báo chứ nhân viên không được có ý kiến. Trong một số đơn khiếu nại, nhân viên đã liệt kê cho thấy trong chỉ trong hơn nửa năm nay,  trừ hết 9 ngày công.

Với thu nhập ọp ẹp tại Viện, còn bị cấm đi làm thêm thì số tiền bị trừ đó là một khoản lớn đối với các bác sĩ/điều dưỡng tại Viện.

 

Thậm chí những người đi tham gia hoạt động phong trào của Viện còn bị trừ những ngày tham gia đó vào số ngày nghỉ hàng năm. Nhưng nếu họ dám bất bình thì đừng hòng hy vọng được có việc làm tốt.

 

Thẳng tay cắt xén thu nhập của nhân viên, ông Lộc còn không tha đối với thời gian nghỉ ngơi của họ.

 

Viện thường xuyên tổ chức họp hành vào giữa trưa. Đây là khoảng thời gian nghỉ trưa hết sức quý giá của người lao động trước khi bắt đầu tiếp tục làm việc vào buổi chiều, chưa kể sau khi kết thúc ngày làm việc đó nhiều người còn phải trực đêm, rất cần giữ sức khỏe. Thế nhưng bất cứ lúc nào ông Lộc cũng có thể cướp đoạt giờ nghỉ ngơi của họ. Hậu quả thật thảm hại: trong thời gian họp hành, mọi người đều không được ăn trưa, nên khi cuộc họp kết thúc vào lúc bắt đầu giờ làm việc buổi chiều thì  các bác sĩ, dược sĩ… phải tranh thủ ăn trưa ngay tại phòng làm việc. Ấy thế nhưng họ cũng không thể ngồi ăn một cách đàng hoàng tử t, mà phải chui xuống gầm bàn, ăn một cách lén lút như trộm. Đó là vì quý Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng của họ thường xuyên đi kiểm tra bên ngoài các phòng làm việc và phòng bệnh, nếu thấy nhân viên ăn uống trong giờ làm việc, ông ta sẽ kỷ luật hoặc phạt. Mặc dù việc họ không được ăn trưa đúng bữa trong thời gian nghỉ là do những quyết định tùy tiện và bất nhân của ông ta mà ra.

____________

Tham khảo:

 

https://dantri.com.vn/suc-khoe/vien-y-duoc-hoc-dan-toc-tphcm-bi-nhieu-nhan-vien-khieu-nai-la-va-buon-20240821125050479.htm

 

https://thanhnien.vn/vien-y-duoc-hoc-dan-toc-tphcm-khong-cam-nhan-vien-y-te-lam-ngoai-gio-185240122165336438.htm

 

--------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

 

------------------------

Tin, bài liên quan

Blog

 

Ông bước vào đây để bác khám!

“Ời ta cũng bác sĩ ở Việt Nam, thu nhập 50 tỷ đồng/tháng”

Bánh trôi nước ơi, trong phong bì có gì?

Bác sĩ mới ra trường là cái bánh trôi nước

Các bệnh viện xin thôi “Tự chủ toàn diện” - Cảnh báo thất bại chính sách







No comments: