Tuesday, September 17, 2024

HARRIS vs TRUMP : GIỮA NHÁY & TRỪNG (Nguyễn Hoàng Văn / Diễn Đàn Thế Kỷ)

 



Harris vs Trump: giữa nháy và trừng

Nguyễn Hoàng Văn

September 13, 2024

https://diendantheky.net/nguyen-hoang-van-harris-vs-trump-giua-nhay-va-trung/

 

Thật là lạ khi chẳng tổ chức truyền thông Mỹ nào buồn so sánh tần suất nháy mắt của ông Donald Trump và bà Kamala Harris trong cuộc tranh luận ngày 10/9/2024 trong khi sự chênh lệch này có thể cho biết ai sẽ trở thành tổng thống. 

 

Tôi cũng theo dõi cuộc tranh luận nhưng, do quá chú ý đến những gì hai ứng cử viên nói, đã không thể ghi nhận hết những gì hai con mắt của họ.. làm. Khó mà nhận ra ai nháy nhiều hơn ai và, tất cả, chỉ là mấy cảm nhận chung chung như những “biến động” khác thường ở hai con mắt của Trump: có lúc chúng nhắm nghiền lại, có lúc chúng mở to ra rồi, có khi, như lúc bà Harris đang trả lời cho câu hỏi đầu tiên, đảo qua đảo lại con ngươi, trông rất là… dealer, nghề cũ.

 

Bà Harris, theo nhiều bình luận gia, đã chiếm thế thượng phong. Bà đã vận dụng sở trường của một công tố viên để gài bẫy và tấn công trong những vấn đề nhạy cảm khiến ông Trump tỏ ra giận dữ, gay gắt. Trong khi bà cười cười thì ông Trump đanh mặt lại, và có cười, thì chỉ là những cái cười gằn v.v.  Mà ông Trump, dường như, vẫn chưa vượt thoát khỏi bóng ma của ông Joe Biden, tấn công đối thủ mới mà như thể tấn công vào đối thủ đã bỏ cuộc. Như thế, có thể nói, ông Trump đã thua trong cuộc tranh luận nhưng cần nhớ rằng năm 2016 ông ta từng thua bà Hillary Clinton khi tranh luận để rồi sau đó thắng cử nên, để chắc ăn, cái mà chúng ta cần là tốc độ nháy mắt, như một tín hiệu.

 

Đây không phải là chuyện đùa mà là một giả thuyết khoa học hẳn hoi, đã được thực chứng, của nhà tâm lý học Joseph Tecce, Giáo sư Đại học Boston. Nếu kẻ nháy mắt liên tục bộc lộ sự căng thẳng, thiếu thoải mái, đau nhức hay thậm chí là chán chường thì kẻ ít nháy mắt tỏ ra thoải mái, vui vẻ và tự tin hơn. [1] Mà giữa hai đấu sĩ thì, hẳn nhiên, kẻ vui vẻ tự tin bao giờ cũng có cơ may thắng cuộc hơn.

 

Bắt đầu với những biến cố chính trị thuộc loại “Người ngoài cười nụ/ Người trong khóc thầm” thì kẻ “khóc thầm” bao giờ cũng nháy liên tục. Như năm 1974, khi ông Richard Nixon đọc diễn văn từ chức để tránh cảnh bị Quốc hội đàn hặc vì vụ tai tiếng Watergate, ông đã nháy mắt liên tục. Rồi năm 1998, khi ông Bill Clinton thú nhận với nước Mỹ là ông đã lừa dối đất nước và lừa dối vợ mình trong vụ dan díu với cô Monica Lewinsky, ông cũng nháy mắt không ngừng.

 

Nhưng đáng nói hơn là các cuộc tranh luận và, mười bốn năm trước khi từ chức, lúc tranh luận với John Kennedy trong cuộc bầu cử năm 1960, ông Nixon đã nháy mắt rất nhiều so với đối thủ và sau đó ông thua.

 

Trong cuộc bầu cử 1980 thì ông Jimmy Carter thua sau khi… nháy nhiều hơn đối thủ Ronald Reagand trong cuộc tranh luận tay đôi. Bốn năm sau thì ông Reagan lại thắng, sau khi nháy ít hơn đối thủ Walter Frederick “Fritz” Mondale, nguyên là phó tổng thống dưới thời Carter.

Tương tự, năm 1988 ông George Bush nháy ít hơn ông Michael Dukakis và thắng, tuy nhiên bốn năm sau, 1992, ông lại nháy nhiều hơn ông Clinton và thua. Sau đó là ông Bob Dole trong cuộc bầu cử năm 1996: ông nháy nhiều hơn và do đó ông Clinton tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai.

 

Nếu tốc độ nháy hiệu nghiệm như thế tại sao báo chí Mỹ lại lười, chẳng chú tâm đến vận tốc nháy của hai đối chủ trong cuộc tranh luận vừa rồi?

 

Chẳng lẽ là do ông Allan Lichtman, Giáo sư môn lịch sử đương đại Mỹ tại American University, người đã rút tỉa ra “công thức” giúp dự đoán kết quả bầu cử tổng thống, đã… dự đoán cả rồi, khỏi cần để tâm đến những chuyện râu ria khác? [2]

 

Trong cuốn Keys to the White House (Chìa khoá bước tới Toà Bạch Ốc) xuất bản năm 1986, sử gia này đã đúc kết được “mẫu số chung” của các ứng cử viên thắng cuộc trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kể từ năm 1860 cho tới 1980. Đó là 13 “chìa khoá”, dựa trên 13 câu hỏi dành cho hai ứng cử viên với lời đáp là đúng hay sai, ai “đúng” nhiều hơn, kẻ đó sẽ thắng 

 

Bằng những “chìa khóa” này ông Lichtman đã, đi ngược hầu như toàn bộ các bình luận gia và các cuộc thăm dò, tiên đoán chính xác kết quả cuộc bầu cử năm 2016, khẳng định Donald Trump sẽ đánh bại bà Hillary Clinton.

 

Năm đó, trong khi ai cũng đều cho rằng bà Clinton sẽ thắng thì ông lại đi ngược dòng, viết trên tờ The Washington Post (23/9/2016) rằng bà Clintons sẽ thua bởi bà ra tranh cử để kế tục ông Barack Obama: lợi điểm của Obama là lợi điểm của bà, khuyết điểm của Obama cũng thành khuyết điểm của bà. Theo ông Lichtman thì chính phủ Obama đã “không đạt nhiều thành tích đáng kể trong chính sách đối nội và đối ngoại” trong khi bản thân bà Clinton vướng nhiều tai tiếng, do đó sẽ thua khuôn mặt mới Donald Trump.

 

Bây giờ, là những chìa khóa cho cuộc bầu cử 2024:

 

1.    Tòa Bạch Ốc thu thêm ghế ở Hạ Viện trong cuộc bầu cử bán phần vừa rồi. Sai

 

2.    Ứng cử viên được đảng đề cử là tống thống đương nhiệm. Sai.

 

3.    Tòa Bạch Ốc không bị thách thức trong cuộc bầu cử sơ bộ. Đúng

 

4.    Có ứng cử viên thứ ba. Đúng

 

5.    Kinh tế phát triển mạnh trong giai đoạn ngắn hạn, Đúng

 

6.    Kinh tế tăng trưởng như là hai nhiệm kỳ qua. Đúng.

 

7.    Tòa Bạch Ốc đưa ra những thay đổi chính sách quan trọng. Đúng 

 

8.    Không có bất ổn xã hội. Đúng

 

9.    Không tai tiếng trong Tòa Bạch ốc. Đúng

 

10. Ứng cử viên của đảng cầm quyền có sức thu hút. Sai

 

11. Đối thủ là không có sức thu hút. Đúng (Trump chỉ thu hút giới MAGA, đa số dân Mỹ không ưa Trump.)

 

12. Tòa Bạch ốc có trải qua một thất bại lớn trong chính sách ngoại giao. Chưa có câu trả lời.

 

13.  Tòa Bạch ốc có thành tựu ngoại giao. Chưa có câu trả lời

 

Vấn đề đối ngoại khá phức tạp và những yếu tố này có thể đảo lộn bất ngờ vì chính quyền Biden đang dính vào cuộc chiến ở Trung Đông. Viết trên tờ The New York Times, Lichtman cho biết dẫu có thất bại ở hai điểm cuối thì Harris vẫn được tám điểm đúng và do đó có thể thắng. [2]

 

Bằng phương pháp trên ông Lichtman đã dự đoán chính xác kết quả của mọi cuộc tranh cử tổng thống kể từ năm 1984, trừ một lần, vào năm 2000, giữa ứng cử viên Al Gore và George W. Bush. Ông tiên đoán ứng cử viên Al Gore sẽ thắng thế nhưng cuối cùng cờ lại về tay Bush nhưng ông cho rằng mình không sai: kết quả cuối cùng cho thấy Al Gore có tổng số phiếu phổ thông cao hơn và Bush thắng là do vấn đề kỹ thuật.

 

Kỳ lạ thay, trên phương diện… nháy mắt, cuộc so găng Bush – Al Gore cũng lộn sòng tương tự.

 

Trong cuộc tranh luận vào tối 3/10/2000, ông Bush là người nháy mắt nhiều hơn, mỗi phút nháy 82 lần, trong khi Al Gore nháy mỗi phút 48 cái, theo đó người thắng phải là ông Al Gore. Nhưng nếu phân tích kỹ hành vi sẽ thấy ông Gore thể hiện nhiều dấu hiệu căng thẳng khác. Theo ghi nhận của Giáo sư Tecce thì ánh mắt ông Al Gore thường xuyên chĩa xuống và dầu nháy ít hơn, cú nháy của ông lại dài hơn, nhiều cú nháy mắt đôi hay nháy mắt nửa chừng!

 

Đó là chuyện xưa, còn bây giờ, với Trump thì, cả trên phương diện… nháy, con người này cũng tỏ ra khác thường.

 

Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ cái nháy mắt khét tiếng của Trump với Vladimir Putin khi mở màn cuộc họp báo chung sau cuộc mật nghị ở Helsinki ngày 25/6/2018. [3]

 

Đây là cuộc họp báo mà, tôi tin chắc, bất cứ người Mỹ tỉnh trí nào cũng lấy làm nhục về vị tổng thống của mình, kẻ đã bị Putin sử dụng như là con cờ. Một đề tài nóng bỏng mà các ký giả Mỹ chất vấn là kết luận của FBI và các cơ quan tình báo Mỹ, theo đó Nga đã can thiệp cuộc bầu cử 2016; khi một ký giả chất vấn là “Tổng thống tin các cơ quan tình báo quốc gia hay tin Putin”, Trump trả lời tỉnh bơ: “Tồng thống Putin nói sao thì tôi tin vậy”! [4]

 

Có vẻ như, trong cuộc gặp gỡ này, ông Trump đã bị ông Putin, một nhà tình báo chuyên nghiệp, thao túng dễ dàng, đúng như lời bà Harris trong cuộc tranh luận nói trên, rằng Trump là kẻ sùng bái các nhà độc tài, từng “trao đổi thư tình” với lãnh tụ Bắc Hàn và thân thiện với Putin, nhưng dễ dàng bị nhà độc tài này thao túng!

 

Bà Harris hoàn toàn có đủ tư cách để phán thế vì bà, chính bà, đã dễ dàng thao túng ông Trump trong cuộc tranh luận nói trên. Bà thả mồi để ông Trump…. bắt bóng, say sưa với những thuyết âm mưu nực cười đầy những tin sai (misinformation), tin xuyên tạc (disinformation) cùng tin ác ý (mal-information) hay những tiểu tiết vớ vẩn như đám đông tham dự các cuộc vận động mà quên rằng, lẽ ra, trong những giây phút hiếm hoi như thế, ông ta nên tập trung vào những chuyện quốc gia đại sự, nhất là những chuyện đang là thế mạnh của mình.

 

Có phải đó — những thuyết âm mưu đầy tin sai, tin xuyên tạc và tin ác ý — là lĩnh vực mà Trump tỏ ra tự tin nhất, do đó tần suất nháy mắt của ông ta cũng không cao hơn đối thủ là bao nên, nếu quan sát bằng mắt thường, khó mà phân biệt?

 

Nguyễn Hoàng Văn

 

---------------

Tham khảo:

1.    https://greensboro.com/eyes-have-it-expert-says-blinkers-are-losers-presidential-candidates-george-w-bush-and-al/article_2666bd9d-abb7-5717-be80-9592acabdd5c.html

2.    https://www.nytimes.com/2024/09/05/opinion/allan-lichtman-trump-harris-prediction.html

3.    https://edition.cnn.com/2018/07/26/politics/donald-trump-tariffs-putin/index.html

4.    https://www.bbc.com/news/world-europe-44852812

 






No comments: