Monday, September 2, 2024

CHIẾN SĨ PHẠM ĐỨC CƯỜNG KỂ CHUYỆN BIỆT CÁCH DÙ LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT (Lâm Hoài Thạch / Người Việt)

 



Chiến sĩ Phạm Đức Cường kể chuyện Biệt Cách Dù Lực Lượng Đặc Biệt

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

August 31, 2024 : 5:22 PM

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/chien-si-pham-duc-cuong-ke-chuyen-biet-cach-du-luc-luong-dac-biet/#google_vignette

 

WESTMINSTER, California (NV) – Như bao thanh niên miền Nam Việt Nam khác trong thời loạn lạc, chàng trai Phạm Đức Cường nhập ngũ năm 1962, Khóa 14 Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, và ra trường ngày 15 Tháng Sáu, 1963, với cấp bậc chuẩn úy. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đặt tên cho khóa Khóa 14 là Khóa Nhân Trí Dũng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/CCB-Pham-Duc-Cuong-1-1-1536x1048.jpg

Ông Phạm Đức Cường (trái) và phu nhơn cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong Đại Hội Thiết Giáp VNCH, California. (Hình: Phạm Đức Cường cung cấp)

 

Sau này, Trường Võ Khoa Thủ Đức được gọi là Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, hay Trường Bộ Binh Thủ Đức. Chỉ huy trưởng trường Thủ Đức lúc đó là Đại Tá Phan Đình Thứ, hiệu là Lam Sơn.

 

 

Phục vụ trong Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt

 

Chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt tại Westminster, một thành phố trung tâm của Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, ông Phạm Đức Cường kể:

 

“Trước khi ra trường hai tháng, tôi đã có tên trong danh sách về Binh Chủng Thiết Giáp. Lúc đó Đại Úy Mã Sanh Nhơn vào quân trường Thủ Đức để tuyển chọn các tân sĩ quan về Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Đại Úy Nhơn mặc quân phục của Lực Lượng Đặc Biệt trông rất oai phong đã cho tôi có ý muốn về phục vụ cho binh chủng này.”

“Tôi đến chào kính và hỏi Đại Úy Nhơn: ‘Thưa đại úy, tôi đã có tên trong danh sách về Thiết Giáp, vậy tôi có thể đổi sang đơn vị Thám Sát 77 của Lực Lượng Đặc Biệt được không? Đại Úy Mã Sanh Nhơn mới trả lời: ‘Việc này thì phải sưu tra về lý lịch của anh kỹ lưỡng rồi mới trả lời với anh được.’ Đến khi ra trường, thay vì tôi về Binh Chủng Thiết Giáp thì tôi vẫn được về Lực Lượng Đặc Biệt, theo sự nguyện vọng của tôi với Đại Úy Nhơn.”

 

Trước đó, ngày 15 Tháng Ba, 1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra quyết định thành lập Lực Lượng Đặc Biệt trên cơ sở của Sở Khai Thác Địa Hình và hai đơn vị tác chiến là Liên Đoàn Biệt Kích 77 và 31. Về nguyên tắc, Lực Lượng Đặc Biệt thuộc Bộ Quốc Phòng, có quy mô tương đương cấp lữ đoàn, nhưng trên thực tế, tổng thống có toàn quyền điều động đơn vị này thông qua một cơ quan chỉ huy trực tiếp là Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, mà thực chất chính là Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt, do Đại Tá Lê Quang Tung làm chỉ huy trưởng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/CCB-Pham-Duc-Cuong-1-2-1536x1083.jpg

Ông Phạm Đức Cường (bìa phải) và gia đình trước năm 1975. (Hình: Phạm Đức Cường cung cấp)

 

Sau cuộc đảo chính 1963, Lực Lượng Đặc Biệt nhiều lần tổ chức lại. Phòng 45 đặc trách các toán Biệt Kích Nhảy Bắc được tách ra. Giữa năm 1965, các Liên Đoàn được giải tán, cơ cấu chỉ huy Lực Lượng Đặc Biệt được tổ chức theo cơ cấu tương tự như của Biệt Kích Hoa Kỳ để dễ phối hợp hoạt động. Trong lúc này, các toán Biệt Kích hoạt động trong nội địa, khác với các toán Biệt Kích Lôi Hổ đang hoạt động ngoài biên giới trên cả bốn vùng chiến thuật.

 

Riêng các Đại Đội Biệt Kích Dù Biệt Lập được kết hợp thành Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù, vẫn chịu dưới sự chỉ huy của Lực Lượng Đặc Biệt, vẫn giữ vai trò xung kích, ứng cứu cho các toán Biệt Kích nội địa. Ngoài ra, vai trò hoạt động Biệt Kích Hoa Kỳ và đồng minh tại Đông Nam Á có thay đổi, do bàn giao giữa CIA và MACV, nhằm phối hợp các hoạt động biệt kích trên vùng lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

 

Chuẩn Úy Phạm Đức Cường vào trình diện Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt gần Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH. Lúc đó Đại Tá Lê Quang Tung là chỉ huy trưởng của Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt.

 

Sau đó, ông Cường  phải chờ đơn vị cho ông đi thụ huấn khóa Nhảy Dù và khóa học về ngành Lực Lượng Đặc Biệt, để được chính thức trở thành một quân nhân của Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt.

 

“Khi tôi vào Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt thì tôi chưa có gia đình, vì biết cuộc đời lính trong binh chủng rất nguy hiểm đến tính mạng. Những chuyến công tác của chúng tôi thường xuyên xâm nhập vào nơi đóng quân của địch ngoài biên giới tại miền Nam, và cũng có thể chúng tôi xâm nhập vào lãnh thổ của Bắc Việt. Vì thế, tôi sợ khi mình tử trận thì tội nghiệp cho vợ con. Lý do đó nên tôi không muốn lập gia đình sớm,” ông cho biết thêm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/CCB-Pham-Duc-Cuong-1-3-1688x2048.jpg

Ông Phạm Đức Cường và vợ tại California. (Hình: Phạm Đức Cường cung cấp)

 

 

Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù và Trung Tâm Hành Quân Delta

 

Tháng Sáu, 1965, MACVSOG, cơ quan đặc trách của MACV về hoạt động đặc biệt, đã tổ chức Trung Tâm Hành Quân Delta, mật danh B52, chịu trách nhiệm phối hợp với Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt chỉ huy các hoạt động thám báo và phá hoại. Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù là đơn vị phối hợp làm lực lượng xung kích ứng cứu cho Trung Tâm Hành Quân Delta.

 

Lúc bấy giờ, các toán Biệt Kích Delta hỗn hợp Việt-Mỹ, do các quân nhân Mỹ làm trưởng toán sẽ xâm nhập vào đường mòn Hồ Chí Minh và các căn cứ do địch quân kiểm soát trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam để xác định vị trí đóng quân của đối phương, thu thập tin tức tình báo chiến lược, giám sát kết quả oanh kích của Không Quân Hoa Kỳ, tập kích, phá hoại các cơ sở hậu cần của địch.

 

Khi về đơn vị, Chuẩn Úy Cường cũng đã tham dự nhiều trận chiến, có những trận mang lại cho quân ta những niềm vui và cũng có những lúc, quân mình cũng thấy rất hụt hẫng vì đồng đội bị chết quá nhiều.

 

Ông Cường nhớ lại: “Năm 1964, lúc đó tôi đang phục vụ tại Liên Đội Biệt Cách Dù gồm có nhiều đại đội, thì tôi là trung đội trưởng của Trung Đội 2. Liên Đội Biệt Cách Dù được lệnh đi hành quân xâm nhập vào Chiến Khu D của Việt Cộng. Những trung đội khác thì được lệnh đi về hướng nào, thì chúng tôi không biết. Nhưng riêng về bốn trung đội chúng tôi thì xuất phát từ Nhà Bè, lên tàu Hải Quân VNCH đưa đến vùng hành quân.”

 

“Ba giờ sáng thì bốn tàu Hải Quân, loại tàu có cửa phía mũi tàu, mà có người gọi là ‘tàu hả mồm,’ rất tiện cho việc chuyển quân và đổ quân. Bốn chiếc tàu này đưa bốn trung đội của Biệt Kích đi vào vùng hành quân theo sông Bình Dương. Lúc đó, tôi là trung đội trưởng Trung Đội 2. Theo đúng kế hoạch hành quân thì Trung Đội 1 sẽ lên tàu số 1, Trung Đội 2 sẽ lên tàu số 2, Trung Đội 3 sẽ lên tàu số 3, và Trung Đội 4 sẽ lên tàu số 4. Vì thế, đúng ra trung đội chúng tôi phải lên tàu số 2, nhưng ông Thiếu Úy Hương, thâm niên hơn tôi, mới lệnh cho Trung Đội 2 của chúng tôi lên tàu số 1. Và Trung Đội 1 của Thiếu Úy Hương lên tàu số 2,” ông nhớ lại.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/CCB-Pham-Duc-Cuong-1-4-1536x1081.jpg

Mũ Xanh Lực Lượng Đặc Biệt Phạm Đức Cường (phải) trong Đại Hội Tình Báo 101 VNCH năm 2003 tại California. (Hình: Phạm Đức Cường cung cấp)

 

Theo ông Cường kể, lúc tàu đang tiến đến khu vực để tìm bãi cho Biệt Kích đổ bộ, vì ban đêm và sương mù dày đặc nên khó trông thấy bờ cho tàu ủi bãi để các chiến sĩ đổ bộ lên bờ. Tàu chạy khoảng hai tiếng thì gần đến điểm tàu cho Biệt Kích lên bờ. Nhưng vì trời còn tối, sương mù dày đặc nên các chiến sĩ Hải Quân khó nhận dạng để cho tàu chạy vào bãi gần bờ. Thêm vào đó, phần khúc sông này cỏ lau, sậy mọc đầy dưới bờ sông và rất cao.

Lúc đó, chiếc tàu số 2 chưa được vào gần bờ mà thủy thủ đoàn tưởng là tàu đã đến gần bờ sông rồi, nhưng thật ra thì tàu còn cách bờ rất xa. Vì hiểu lầm như thế, nên lệnh của thuyền trưởng cho ‘hả mồm tàu’ để Trung Đội 1 đổ bộ.

 

“Thật là khủng khiếp, khi tàu số 2 vừa cho cửa bửng đầu tàu hạ xuống thì nước tràn vào rất nhanh, khiến các anh em chiến sĩ của Trung Đội 1, khoảng 30 người, trở tay không kịp. Lý do là vì mỗi quân nhân đã trang bị súng đạn và lương khô để đi hành quân bảy ngày, mang tất cả trên mình nên rất nặng, nên tất cả họ đã chết vì ngộp nước. Chỉ còn thủy thủ đoàn còn sống sót vì họ không mang nặng trên người,” ông Cường bùi ngùi kể.

 

Ông Cường kể tiếp: “Sau đó, ba trung đội còn lại được ủi bãi an toàn, và công việc đầu tiên là lo tìm kiếm xác của đồng đội mình đã tử thương vì bị ngộp nước. Lúc đó ba trung đội chúng tôi còn lại không còn tinh thần để chiến đấu một cách hăng say nữa. Thà rằng anh em chúng tôi chết khi đụng trận với địch quân, thì cái chết đó là cái chết vinh quang, còn đằng này anh em đồng đội chúng tôi bị chết chìm dưới nước khi chưa chạm địch, thì cái chết này thật là oan uổng.”

 

Sau đó, Đại Tá Lam Sơn, lúc đó ông ta là tư lệnh phó Biệt Khu Thủ Đô, vẫn ra lệnh cho chúng tôi, và những đại đội khác cũng đang hành quân như chúng tôi ở nhiều điểm tiến quân khác phải tiến vào Chiến Khu D của địch. Trên đường hành quân vào Chiến Khu D của địch thì đơn vị chúng tôi cũng đụng vài vụ lẻ tẻ. Nhưng không bao lâu thì Đại Tá Lam Sơn lệnh cho ba trung đội chúng tôi ngưng hành quân, và được trở về đơn vị, còn những cánh quân khác thì vẫn tiếp tục tiến vào Chiến Khu D của địch quân.” (Lâm Hoài Thạch) [qd]






No comments: