Saturday, September 14, 2024

CHÂU ĐÌNH AN, NGƯỜI VIẾT 'QUỐC CA' CHO NHỮNG THUYỀN NHÂN (Tuấn Khanh / Saigon Nhỏ)

 



Châu Đình An, người viết ‘quốc ca’ cho những thuyền nhân

Tuấn Khanh/SGN

September 13, 2024 : 1:07 PM

https://www.nguoi-viet.com/sai-gon-nho/chau-dinh-an-nguoi-viet-quoc-ca-cho-nhung-thuyen-nhan/

 

Nhạc sĩ Châu Đình An cùng với tác phẩm của mình “Đêm chôn dầu vượt biển” có thể coi là tinh thần và hình tượng rõ nét về một thế hệ người Việt đã chọn ra đi vì tự do. Thậm chí có người đã ví bài hát lừng danh của ông là bài “quốc ca” của những người vượt biển.

 

Ông sinh ngày 30 Tháng Năm 1954 tại Huyện Lệ Thủy, Tỉnh Quảng Bình – Việt Nam. Mồ côi cha lúc 9 tuổi, mồ côi mẹ lúc 13 tuổi, Châu Đình An từ sớm đã tự lập để sống và trôi nổi theo vận nước đang chiến tranh. Những năm tháng cam go, khốn khó đã cho Châu Đình An nhiều xúc cảm về xã hội, đất nước và tình yêu con người, được ghi lại bằng âm nhạc. Ông di cư vào Nam Tháng Bảy năm 1954

 

Tự học nhạc năm 16 tuổi, ông bắt đầu viết nhạc năm 1974. Sau Tháng Tư 1975, nhạc sĩ Châu Đình An vượt biển và được định cư ở Hoa Kỳ ngày 30 Tháng Mười năm 1980. Ông sinh hoạt âm nhạc từ năm 1980 tại Mỹ, viết trên 300 ca khúc, xuất bản 8 album Châu Đình An. Ông tốt nghiệp kỹ sư thâu âm (Recording Engineer) tại Fullsail University, Orlando, Florida năm 2006.

 

Ông được coi là một trong những nghệ sĩ đến Mỹ với hai bàn tay trắng, thành đạt và dựng lại cuộc đời của mình, là một hình tượng đáng kính trọng của thế hệ người Việt tự do định cư ở Hoa Kỳ. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/09/unnamed-4-780x587.jpg

Nhạc sĩ Phạm Duy cùng nhạc sĩ Châu Đình An (Hình tác giả cung cấp)

 

*Nhắc về tác phẩm Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, bất cứ ai là người lênh đênh trên biển hay đưa người nhà ra đi, đều coi bài hát này là một trong những tâm tình âm thầm của mình, hay còn gọi là bài tâm ca của những người vượt biển. Thưa nhạc sĩ có thể nói cho biết đôi điều về ca khúc này mà ông ghi nhớ.

 

- Ca khúc Đêm Chôn Dầu Vượt Biển tôi viết ra, là tâm tình kể lại một cách trung thực về thực trạng chung của đất nước Việt Nam sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, và cũng là câu chuyện thật của chính tôi khi mua và gánh những thùng dầu đó, để có đủ nhiên liệu cho chuyến vượt biển tìm tự do vào Tháng Ba năm 1980.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy là người đầu tiên nghe bài hát này. Còn nhớ lúc đó ông đã khen ngợi tôi có nét nhạc lạ và ý tưởng mới, rồi ông đề nghị đưa ca khúc này vào một chương trình thâu âm. Hay nói cách khác, chính ông là người hướng dẫn tôi vào con đường sáng tác nhạc. Sau đó Ban Việt Ngữ đài VOA (Tiếng Nói Hoa Kỳ) do ký giả Lê Văn là Trưởng Ban Việt Ngữ chọn bài Đêm Chôn Dầu Vượt Biển và các bài của tôi làm một chủ đề phát thanh về Việt Nam năm 1981 và được nhiều sự đồng cảm.

 

Trong bài hát, có câu “Anh chôn, chôn mối tình chúng mình.” Đó là cảm nhận đáng nhớ nhất khi mình bỏ lại tất cả để ra đi tìm sự sống trong cái chết của cuộc hành trình vượt biển gian nan. Còn chuyện đáng nhớ cụ thể thì đã kể trong câu chuyện mua dầu, gánh dầu rồi.

 

 

*Nhiều người nhận định rằng khi ra đi và định cư ở một vùng đất mới, cảm hứng sáng tác tàn lụi dần. Có những văn nghệ sĩ gần như bị bế tắc về xa quê hương và không còn làm gì được. Thưa, nhạc sĩ có lâm vào tình trạng như vậy hay không, vì rất ngạc nhiên là thấy lâu nay ông vẫn tiếp tục sáng tác mới và sinh hoạt thường xuyên?

 

- Không. Tôi không có bế tắc về nguồn cảm hứng. Tôi vẫn viết đều và môi trường sống tại hải ngoại giúp tôi có một cái nhìn xác thực và thực tế. Thứ nhất là tạo dựng cho mình vững vàng về tài chính để có thể sinh hoạt âm nhạc mà không bị gò bó vì điều kiện tiền bạc chi phí. Thứ hai đi học ngành thu âm và thu nhận những cái mới để trang bị kiến thức về kỹ thuật, về thay đổi hình thái cũng như nét hay của âm nhạc Tây Phương nhưng vẫn giữ được nét riêng của Việt Nam mình. Những điều này chắp cánh cho âm nhạc của mình được khai sinh mà không bị gặp phải những khó khăn như bế tắc vì không có môi trường phổ biến. Do vậy, với phòng thu âm riêng của mình (không làm thương mại) chủ yếu tôi thực hiện và sản xuất các bài hát của mình viết ra gửi đến người nghe qua mạng lưới truyền thông xã hội.

 

 

*Nhiều người nhận thấy kể từ khi định cư tại Hoa Kỳ, các hoạt động của ông dường như rất độc lập và ông cũng ít tham gia các chương trình thương mại của các trung tâm ca nhạc, ông có thể nói thêm về điều này?

 

- Tôi thích con đường độc lập và không bị gò bó vào khuôn mẫu của thương mại âm nhạc. Chỉ vì tôi đã làm việc trong phòng thu âm của nhạc sĩ Tùng Giang, là phòng thu âm đắt khách nhất vào thập niên 80. Tôi thấy các anh chị em nghệ sĩ xếp hàng chờ để được anh Tùng Giang “o bế” album của mình. Họ phải phụ thuộc vào một người “có quyền như thế” trong nghề như vậy.

 

Tôi đã nuôi chí sẽ lập một phòng thu âm để thâu cho chính tôi và viết ca khúc theo cảm hứng của mình. Nhờ thế tôi đã có trên 200 bài hát, và đã phát hành khoảng 80 bài rồi. Hiện nay, tôi cũng được các ca sĩ trong nước hợp tác làm Music Video các bài hát của tôi. Những người trẻ hát rất tốt như ca sĩ Thành Đạt, Ôn Vĩnh Quang, Chu Thúy Quỳnh, A Páo và còn nữa… cũng đang thực hiện để thu âm, thu hình các ca khúc mới này. Còn việc ít tham gia các trung tâm thì cũng có lý do là vì tôi không ở Little Saigon, là nơi mệnh danh “thủ đô của người Việt Nam tại Mỹ.” Nhưng mới đây từ năm 2023, tôi cũng đã tham gia Trung Tâm Thúy Nga Paris By Night với vai trò là một người dẫn chương trình, sau khi nhà văn MC Nguyễn Ngọc Ngạn nghỉ hưu.

 

 

*Kể từ khi ra đi cho đến nay, định cư ổn định ở Hoa Kỳ, ký ức “đêm chôn dầu vượt biển” của ông đã là một kỷ niệm ngủ yên, hay giai điệu vẫn nhắc ông nhớ về quê hương một thuở của mình? Ông ra đi đã là trọn vẹn hay vẫn còn để lại điều gì tiếc nuối ở quê nhà?

 

- Ca khúc Đêm Chôn Dầu Vượt Biển là một phần đời máu thịt của tôi. Quê hương Việt Nam là tổng thể yêu thương của đời tôi. Tôi mong là còn sức khỏe để có lúc còn về thăm quê hương và tìm lại nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, đó là Lệ Thủy, Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình. Và vẫn ao ước nếu chết thì được chôn cất nơi mình sinh ra.

 

VIDEO :

Đêm Chôn Dầu Vượt Biển - Duy Khánh | Huyền Thoại Nhạc

https://www.youtube.com/watch?v=6J8TqZ-Hmdc

 

*Về âm nhạc, ông nhận thấy ở hải ngoại sinh hoạt này phát triển như thế nào, điểm lại trong quá khứ và thời điểm hiện nay?

 

- Trong giai đoạn đầu của đời sống tị nạn 1975-1990 thì rõ ràng âm nhạc phát triển mạnh với đề tài nhớ quê hương và sự phản kháng mà chúng ta biết đến là nhạc sĩ Phạm Duy với Bầy Chim Bỏ Xứ, rồi Nguyệt Ánh, Việt Dzũng và Phong Trào Hưng Ca Việt Nam. Vài năm sau đó là đến sự trỗi dậy của những tình ca thuần túy.

 

Gia đình nhạc sĩ Nguyễn Lâm với Mây Bốn Phương là một điển hình làm trỗi dậy nhạc tình ca của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 với hàng loạt băng nhạc do Mây Bốn Phương sản xuất với ca sĩ Phi Khanh, Quốc Thái, Nguyễn Lâm. Nhạc sĩ Đức Huy cũng cho ra đời các tình khúc của ông thời bấy giờ, tuy giống như con nước ngược dòng trong lúc các dòng nhạc hoài hương mạnh mẽ, nhưng các bài của Đức Huy trở thành hit song như Người Tình Trăm Năm, Khóc Một dòng sông, Và Con Tim Đã Vui Trở Lại đã được đón nhận. Rồi theo đó, các Trung Tâm âm nhạc rầm rộ mở ra, như Thanh Lan, Giáng Ngọc, Làng Văn, Mây Bốn Phương, Trường Hải, Đời, Tùng Giang, Dạ Lan, Asia, Thúy Nga, Mây, Vân Sơn, Tình Music, Diễm Xưa, và còn nữa không kể hết được, là những trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc bên cạnh các đĩa nhạc hát Karaoke bùng phát mạnh mẽ trong khoảng thập niên 80 đến 90.

 

Tôi được nhìn thấy sự xuất hiện của hai Trung tâm văn nghệ lớn của người Việt hải ngoại chuyên sản xuất và phát hành nhạc qua video là Thúy Nga Paris By Night và Trung Tâm Asia được khán giả say mê chờ đón các sản phẩm trước khi phát hành, chính vì thế mà có những sáng tác âm nhạc mới ra đời qua hai trung tâm này.

 

Cho đến khi sự xuất hiện “phi mã” của nền công nghiệp Internet bùng phát dữ dội và người ta xem miễn phí qua mạng xã hội, thì vô hình trung đã làm các trung tâm âm nhạc nói trên, từ từ cáo chung vì không còn bán được các sản phẩm âm nhạc, dẫn đến bế tắc như hiện nay. Các trung tâm âm nhạc đóng cửa, chỉ còn lại Trung Tâm Thúy Nga nhưng sự sản xuất bị chậm lại rất nhiều vì, cung ứng có, nhưng nhu cầu thu hoạch để tồn tại thì không.

 

Hiện nay, sáng tác âm nhạc ở hải ngoại gần như đứng lại vì các nhạc sĩ viết ca khúc không có môi trường và điều kiện phát hành các ca khúc của mình. Do vậy tình trạng hiện nay các ca khúc mới không có chỗ xuất hiện để tạo bước đột phá cho sự phát triển âm nhạc tại hải ngoại. Lúc này, lớp tiền bối đã ra đi, lớp trẻ thì thiếu môi trường về văn hóa, ngôn ngữ và chất xúc tác để sáng tác nữa.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/09/unnamed-5.jpg

(Hình tác giả cung cấp)

 

 

*Còn một cái nhìn về âm nhạc trong nước, thưa ông?

 

- Trong nước tình hình âm nhạc thuận lợi hơn ở hải ngoại rất nhiều, vì số đông khán giả của cả một đất nước gần 100 triệu dân luôn có nhu cầu cung ứng và tiêu thụ. Các chương trình ca nhạc của các nhà sản xuất và các ca sĩ thường xuyên được thực hiện. Dòng nhạc thính phòng, và các show âm nhạc thi tuyển tìm kiếm nhân tố mới đã thuận lợi cho việc phát triển âm nhạc một cách dễ dàng. Kể từ khi chính quyền nới rộng sự kiểm duyệt và cho phép các sinh hoạt âm nhạc thuần túy không chạm đến các vấn đề chính trị, thì nền âm nhạc trong nước thay đổi nhanh chóng. Những chương trình âm nhạc điển hình như Game Show “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” là một thí dụ cho thấy vận dụng sáng tạo của các tài năng cho một ca khúc trình diễn thành công. Và điều khác, là khán thính giả trong nước sống ngoài cơm áo gạo tiền ra, họ không thể sống thiếu âm nhạc được. Bởi vì âm nhạc tự thân nó là xoa dịu, an ủi và làm lành thương tích của tâm hồn.

 

 

*Sau 50 năm, sự hòa hợp hòa giải của chính sách “kiều bào” từ chính quyền trong nước – chẳng hạn ở vấn đề văn hóa – theo ông đã có chuyển biến gì?

 

- Câu hỏi này có tính cách nhạy cảm ở chiều kích khác nhau. Là một nghệ sĩ sáng tác, tôi nói lên về cảm nghĩ thực sự của mình và tránh chạm đến sự tổn thương của lý tưởng chính trị. Nói về mức độ như thế nào trong việc kêu gọi hòa hợp hòa giải là việc của các nhà chính trị đối với thực trạng của đất nước chúng ta, do vậy tôi chỉ nói đến phạm vi tinh thần âm nhạc.

 

Trước hết, xác định âm nhạc không có biên giới. Không cần phải có thông hành passport mới đến được. Do vậy, cũng chính bởi âm nhạc đã hàn gắn người Việt trong và ngoài nước đến với nhau. Qua mạng lưới xã hội như Facebook, YouTube… thì sự phổ biến và tạo dần hình ảnh quen thuộc của các nghệ sĩ xa lạ, với các khoảng cách đó, đã dần trở thành quen thuộc. Qua việc các nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại biểu diễn và ngược lại các nghệ sĩ hải ngoại về nước sinh hoạt ca hát trong ngành giải trí, đã cho thấy, người ta không chạm đến các vấn đề chính trị, mà chỉ sinh hoạt các vấn đề âm nhạc mà thôi. Rồi, khoảng cách nghi ngờ, xa lạ, dần thu hẹp và người ta nhận ra một điều, âm nhạc đã mang các khác biệt, các nghi ngờ, các lạnh lùng, xa cách gần lại với nhau. Rồi giới trẻ của cả hai phía hải ngoại và trong nước không còn cảm thấy nặng nề khi cùng sinh hoạt trong môi trường âm nhạc. Các chương trình giải trí như Gameshow, âm nhạc truyền hình trong nước trên mạng YouTube đã cho người ở hải ngoại nghe, xem cũng không còn thấy xa lạ, không còn thấy khoảng cách. Ở một phạm vi nào đó, theo tôi, điều này đã có phần chữa lành vết thương tâm hồn nhau.

 

 

*Nhưng ngay cả trong âm nhạc, giới trẻ trong nước và giới trẻ hải ngoại dường như suy nghĩ cũng có sự khác biệt?

 

- Tất nhiên khác biệt nhiều. Suy nghĩ của giới trẻ hải ngoại trong một môi trường sung túc về kinh tế và thoáng đạt về suy nghĩ, mạnh dạn bày tỏ chính kiến về chính trị cũng không bị để ý hoặc bị theo dõi. Giới trẻ hải ngoại hiện nay được học hành đến nơi đến chốn, và cảm thấy an toàn khi cầm trong tay mảnh bằng tốt nghiệp để chọn cho mình một nghề tiến thân trong xã hội.

 

Thế hệ trẻ Việt Nam tại Mỹ đã có những vị tướng lãnh trong quân đội Hoa Kỳ, giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại cũng có những vị dân cử trong Quốc Hội Hoa Kỳ, có những người thành công trong ngành khoa học, thương mại và văn hóa. Suy nghĩ của giới trẻ Việt hải ngoại là suy nghĩ của một công dân Mỹ, bởi vì họ sinh ra và lớn lên trong môi trường Mỹ, do vậy họ là người Mỹ gốc Việt mà thôi. Và chính những tài năng này, họ phục vụ cho quê hương Hoa Kỳ của họ cho dẫu họ biết gốc gác của mình là người đến từ Việt Nam. Đó là sự khác biệt trước hết, còn suy nghĩ của giới trẻ Việt trong nước thì tôi xin không có ý kiến.

 

 

*Theo ông, nửa thế kỷ trôi qua, sự khác biệt, mâu thuẫn và thù hận có thay đổi không giữa hai khối Việt Kiều và chính thể CSVN trong nước hiện nay?

 

- Khác biệt vẫn còn đó vì môi trường và nếp sống khác nhau. Mâu thuẫn vẫn còn đó, nhưng phần lớn người Việt ở Mỹ chỉ muốn sống với thực tại, là sự bình an sau chiến tranh và nhiều xáo trộn thay đổi. Thù hận chỉ được thể hiện khi sự khơi dậy các tồn đọng của sự bất mãn về chính kiến và tôn giáo. Còn không thì nó như mặt nước đứng lại êm đềm bên trên, dưới đáy sông, nước vẫn chảy.

 

 

*Văn hóa Việt ở hải ngoại hôm nay, đi cùng với giới trẻ lớn lên trên đất Mỹ ra sao, dưới cái nhìn của ông?

 

- Giới trẻ Việt hải ngoại cho dù gọi là trở thành người bản xứ khi họ sinh ra và lớn lên trên xứ người, nhưng quan trọng nhất là sự giáo dục của gia đình, mà theo tôi, đó là sự giáo dục dạy dỗ và tôn giáo của từng gia đình khi nuôi con mình đã giữ lại nguồn cội.

 

Hiện nay, ở hải ngoại các đền chùa, các nhà thờ, các cộng đồng người Việt vẫn tổ chức Tết cổ truyền dân tộc và các nghi lễ thờ phượng phong cách Việt Nam, đã là dấu ấn đậm nét nhất trong tâm thức văn hóa của lớp trẻ sau này. Các nghi thức đám hỏi, đám cưới theo cách Việt Nam vẫn là nền tảng và giá trị đạo đức thảo hiếu với ông bà cha mẹ. Một khi thảo hiếu trong gia đình có được, thì sự thảo hiếu với dân tộc và đất nước cố hương, sẽ là động lực giúp cho họ tìm hiểu về nguồn cội Việt Nam, cho dù có 50 năm hay 100 năm sau thì sự mất gốc sẽ khó xảy ra. Lý tưởng sống của giới trẻ là thành công về mọi mặt, và mong cho quê hương được bình an, dân tộc được phát triển xứng tầm với các nước tiên tiến trên thế giới.







No comments: