Tuesday, August 20, 2024

THẾ GIỚI HÔM NAY : 19/08/2024 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 19/08/2024

The Economist 

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

19/08/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/08/19/the-gioi-hom-nay-19-08-2024/

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Israel để thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Ngay sau khi ông đến, Hamas đưa ra tuyên bố cho rằng đề xuất chấm dứt giao tranh mới là quá gần với lập trường của Israel. Theo cơ quan y tế địa phương, lực lượng vũ trang Israel đã giết chết ít nhất 21 người trong các cuộc không kích vào Gaza hôm Chủ Nhật.

 

Không quân Ukraine cho biết đã phá hủy một cây cầu thứ hai ở tỉnh Kursk. Động thái này là nhằm gây khó khăn cho nỗ lực tăng viện của Nga, sau khi Ukraine vượt biên đánh vào Kursk hôm 6 tháng 8. Trước đó, Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Ukraine đang “tăng cường” và “mở rộng” các vị trí của họ trên lãnh thổ địch.

 

Donald Trump phản pháo lại các kế hoạch kinh tế của Kamala Harris tại một cuộc mít tinh ở Wilkes-Barre, Pennsylvania. Ông Trump cáo buộc phó tổng thống bắt người Mỹ phải trả “thuế lạm phát Kamala Harris.” Trước đó vào thứ Sáu, bà Harris đã gọi kế hoạch áp thuế cao đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của ứng viên Cộng hòa là “thuế Trump.” Bà cũng hứa sẽ cấm hành vi “thổi giá” của các cửa hàng tạp hóa và giúp đỡ những người mua nhà lần đầu.

 

Ngân hàng trung ương Libya đã dừng mọi hoạt động sau khi giám đốc công nghệ thông tin của ngân hàng bị bắt cóc. Musab Msallem bị bắt khỏi nhà vào hôm Chủ Nhật. Ngân hàng đã tuyên bố sẽ không hoạt động trở lại cho đến khi ông được trả tự do. Tuần trước, ngân hàng đã bị những người đàn ông có vũ trang bao vây nhằm buộc thống đốc phải từ chức, theo Agence France-Presse.

 

Ngày càng có thêm nhiều cuộc biểu tình phản đối Nicolás Maduro, tổng thống độc tài của Venezuela. Ông Maduro vẫn bám víu vào quyền lực sau khi gian lận trong cuộc bầu cử tháng 7 và đã cố gắng dập tắt bất ổn bằng cách giam giữ hàng nghìn người biểu tình. María Corina Machado, chính trị gia đối lập được ủng hộ nhất, đã phát biểu trước đám đông lớn ở thủ đô Caracas rằng “chúng ta sẽ không rời khỏi đường phố.”

 

Cộng đồng Phát triển Nam Phi, một khối gồm 16 quốc gia, cảnh báo hạn hán đang gây ra tình trạng thiếu lương thực và khó khăn kinh tế cho gần 68 triệu người dân trong khu vực. Năm nay hạn hán trở nên khắc nghiệt hơn do El Niño. Malawi, Zambia, và Zimbabwe đã tuyên bố “tình trạng thảm họa.”

 

Nhân viên y tế trên khắp Ấn Độ đã tổ chức một cuộc đình công kéo dài 24 giờ để phản đối vụ cưỡng hiếp và giết hại một nữ bác sĩ thực tập ở Kolkata. Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, đại diện cho các bác sĩ, cho biết tất cả các dịch vụ không thiết yếu đã bị đóng cửa vào thứ Bảy. Trong một lá thư gửi cho thủ tướng Narendra Modi, hiệp hội yêu cầu phải có nhiều hành động hơn để bảo vệ nhân viên y tế khỏi bạo lực.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Tuần này sẽ diễn ra Đại hội của đảng Dân chủ Mỹ

 

Tâm trạng tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ Mỹ, khai mạc ở Chicago vào thứ Hai, sẽ lạc quan hơn nhiều so với một tháng trước. Với Kamala Harris thay vì Joe Biden dẫn đầu trong cuộc tranh cử năm nay, đảng cuối cùng cũng có một số động lực. Bà Harris đang có kết quả thăm dò tốt. Các tiểu bang mà ông Biden gần như chắc chắn sẽ thua, bao gồm Arizona và Bắc Carolina, giờ đây đã trở lại cuộc chơi. Dù được cho là đang đau khổ vì bị buộc phải nghỉ hưu, ông Biden sẽ có bài phát biểu mở đầu vào thứ Hai. Đến thứ Ba sẽ là Barack Obama. Và Nancy Pelosi, có lẽ là người có tác động nhất đến việc rút lui của ông Biden, sẽ phát biểu vào thứ Tư.

 

Dự kiến sẽ có một số cuộc biểu tình lớn phản đối chính sách của chính quyền đối với cuộc chiến của Israel ở Gaza. Những so sánh với năm 1968 do đó là điều dễ hiểu – năm ấy cũng ở Chicago, một phó tổng thống đảng Dân chủ đã được trao đề cử giữa các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Nhưng Gaza không phải Việt Nam. Hầu hết đảng viên Dân chủ không xem cuộc chiến là chủ đề hàng đầu.

 

Mỹ và Hàn Quốc tập trận

 

Vào thứ Hai, Mỹ và Hàn Quốc sẽ bắt đầu cuộc tập trận Ulchi Freedom Shield, một trong số nhiều cuộc tập trận được thiết kế để đảm bảo khả năng hợp đồng tác chiến của hai nước nếu Triều Tiên tấn công. Các cuộc tập trận bị thu hẹp quy mô vào năm 2018 khi Donald Trump và Moon Jae-in, khi đó là tổng thống của Mỹ và Hàn Quốc, tìm cách xích lại gần hơn với Triều Tiên. Đến năm 2022, khi chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đã thay đổi, diễn tập Ulchi quay về với quy mô ban đầu.

 

Các cuộc tập trận là nhằm vừa trấn an vừa chuẩn bị. Hàn Quốc từ lâu đã lo sợ Mỹ sẽ bỏ rơi họ trước người hàng xóm sở hữu vũ khí hạt nhân. Việc ông Trump có thể trở lại nắm quyền đã làm gia tăng những lo lắng đó. Những lời bàn tán về sở hữu vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc do đó trở nên phổ biến. Tuy vậy, tập trận chung sẽ không mô phỏng bất kỳ kịch bản nào liên quan đến một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên, dù phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc đã đưa ra khả năng này vào tháng 12. Có vẻ như sự trấn an cũng có giới hạn của nó.

 

Lãnh đạo Việt Nam thăm Trung Quốc

 

Sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời vào tháng 7, Tô Lâm trở thành lãnh đạo mới của Việt Nam. Ông hiện đang có chuyến thăm Trung Quốc, chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng bí thư. Ông sẽ tiếp tục chiến lược “ngoại giao cây tre” của người tiền nhiệm: khéo léo cân bằng quan hệ với các cường quốc. Cho tới nay cách tiếp cận linh hoạt này tỏ ra khá thành công. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã uyển chuyển định vị mình giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và, trong năm 2023, là quốc gia duy nhất đón cả tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm cấp nhà nước.

 

Hợp tác đường sắt là một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự khi ông Lâm gặp ông Tập và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc. Trung Quốc đã xây dựng đường sắt trên khắp Đông Nam Á, bao gồm cả nước láng giềng Lào, thông qua Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường. Người ta cho rằng ông Lâm muốn kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ xây dựng một tuyến tàu cao tốc đi đến biên giới Việt-Trung để giúp thuận lợi vận chuyển hàng hóa đến và đi từ đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội.

 

Các doanh nghiệp Mỹ và cam kết ngắn ngủi với ESG

 

Vào tháng 8 năm 2019, khi niềm tin của công chúng đi xuống, Business Roundtable, một câu lạc bộ của những chủ doanh nghiệp lớn nhất đất nước, đã công bố một bản ghi nhớ kêu gọi các công ty không chỉ làm việc vì lợi ích của các cổ đông mà còn vì lợi ích của toàn xã hội. ESG, viết tắt của các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị, từ đó đã trở thành từ viết tắt bị lạm dụng với mật độ kỷ lục.

 

Năm năm sau, lòng yêu nước của các công ty đã thay thế ESG. Đảng Cộng hòa và Dân chủ đang thúc đẩy các công ty tạo việc làm cho tầng lớp trung lưu trong khi cố gắng thuyết phục họ tham gia vào cuộc chiến thương mại tốn kém với Trung Quốc. Kỳ vọng của đảng Dân chủ đối với các công ty sẽ trở nên rõ ràng hơn tại đại hội toàn quốc bắt đầu vào thứ Hai. Một số ông chủ như Pat Gelsinger của Intel rất vui khi được hưởng các khoản trợ cấp nhằm xây dựng năng lực trong nước để cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng như vậy là thiển cận và sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của Mỹ theo thời gian. Mèo được nuôi bằng kem thì hiếm khi bắt được chuột.

 

 





No comments: