Tuesday, August 20, 2024

LÝ DO THỦ TƯỚNG FUMIO KISHIDA TỪ CHỨC và TRIỂN VỌNG CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN (Linda Sieg / Foreign Policy)

 



Lý do Thủ tướng Fumio Kishida từ chức và triển vọng chính trị Nhật Bản

Linda Sieg  |   Foreign Policy  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

19/08/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/08/19/ly-do-thu-tuong-fumio-kishida-tu-chuc-va-trien-vong-chinh-tri-nhat-ban/

 

Thêm một thủ tướng khác từ chức và kỷ nguyên liên tục thay đổi lãnh đạo có thể sẽ quay trở lại.

 

 

Khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida rời nhiệm sở vào tháng tới, ông sẽ để lại một Nhật Bản có liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ và quan hệ nồng ấm hơn với Hàn Quốc. Nhưng di sản trong nước của ông lại không vững chắc như vậy, vì công chúng đã nổi giận với cách ông điều hành nền kinh tế và vẫn còn những câu hỏi chưa được giải đáp về cách để tài trợ cho khoản chi ông đã hứa nhằm củng cố quân đội và vực dậy tỷ lệ sinh đang giảm sút.

 

VIDEO :

Lý do Thủ tướng Fumio Kishida từ  chức và triển vọng chính trị Nhật Bản  

https://www.youtube.com/watch?v=Lo6bohKkMYM

 

Cách đây ba năm, khi lãnh đạo các phe phái của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, bao gồm cả các cựu thủ tướng, quyết định chọn Kishida thay vì đối thủ nổi tiếng hơn của ông làm nhà lãnh đạo tiếp theo và theo đó làm thủ tướng, họ đã đánh cược rằng kinh nghiệm và phong cách xây dựng sự đồng thuận của ông sẽ vượt trội hơn so với hình ảnh mờ nhạt của ông trước công chúng.

 

Kishida, hiện 67 tuổi, đã lãnh đạo đảng một cách mạnh mẽ trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2021 và giữ vững sự kiểm soát của liên minh của ông tại thượng viện Quốc hội Nhật Bản trong năm sau đó. Tuy nhiên, một loạt các vụ bê bối trong đảng và sự thất vọng của công chúng trước tình trạng giá cả tăng cao do đồng yên yếu đã khiến tỷ lệ ủng hộ thủ tướng sụt giảm cùng với LDP.

 

Hôm thứ Tư ngày 14/08, vị cựu ngoại trưởng có thái độ ôn hòa này đã thừa nhận rằng thời gian của ông không còn nhiều. Chịu áp lực từ các nhà lập pháp đảng lo lắng về triển vọng của họ trong cuộc bầu cử hạ viện được tổ chức vào cuối tháng 10/2025, Kishida tuyên bố sẽ không tham gia cuộc bầu cử lãnh đạo đảng vào tháng tới. Người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu đó cũng sẽ đảm nhiệm vị trí thủ tướng nhờ sự kiểm soát của liên minh do LDP lãnh đạo trong quốc hội.

 

Trong cuộc họp báo nơi ông công bố quyết định của mình, Kishida nói, “Trong kỳ bầu cử lãnh đạo này, cần phải cho mọi người thấy rằng LDP đang thay đổi và là một LDP mới.”

 

Tuy nhiên, việc Kishida từ chức cũng đánh dấu sự quay trở lại với giai đoạn thay đổi chóng mặt, vốn là đặc trưng của giới lãnh đạo Nhật Bản trước thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Kishida đã trở thành thủ tướng thứ hai của Nhật Bản kể từ khi Abe từ chức vào năm 2020, sau nhiệm kỳ lịch sử kéo dài gần 8 năm với tư cách là thủ tướng tại vị lâu nhất của đất nước. Abe vẫn duy trì ảnh hưởng cho đến khi bị ám sát trong lúc vận động tranh cử vào tháng 7/2022. Người tiền nhiệm của Kishida, Yoshihide Suga, đã rút lui chỉ sau một năm nhậm chức, khi không còn được ủng hộ do cách ông xử lý đại dịch COVID-19.

 

Việc ghế thủ tướng Nhật Bản bị thay đổi liên tục đã diễn ra sau những cải cách hồi thập niên 1990, trong đó nâng cao vai trò của thủ tướng và đảng phái trong các cuộc bầu cử, khiến các nhà lập pháp phụ thuộc nhiều hơn vào mức độ ủng hộ của người lãnh đạo của họ. Abe, trong nhiệm kỳ thứ hai kéo dài của mình, và người tiền nhiệm Junichiro Koizumi (Thủ tướng Nhật từ năm 2001 đến năm 2006) là những trường hợp ngoại lệ chứng minh quy luật này.

 

Kishida từng là thành viên cốt lõi trong nội các của Abe, giữ chức ngoại trưởng, nhưng khi ngồi vào ghế thủ tướng, ông đã hứa sẽ xây dựng một “chủ nghĩa tư bản mới” nhằm phân phối của cải quốc gia một cách công bằng hơn và thúc đẩy tăng trưởng, như một giải pháp thay thế cho “Abenomics” đặc trưng của sếp cũ – tập trung vào chi tiêu tài chính, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, và cải cách cơ cấu.

 

Các nhà phê bình cho rằng chủ nghĩa tư bản mới của Kishida chưa bao giờ thực sự thành công. Jesper Koll, một nhà kinh tế học và đại sứ toàn cầu của Monex Group, một công ty tư vấn đầu tư, nhận định: “Đúng là có những thay đổi nhỏ, nhưng nếu anh nhìn kỹ hơn, thì nó chỉ là chi tiêu tài chính nhiều hơn, và cho đến gần đây, là việc bổ nhiệm một người cam kết duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài hơn làm thống đốc Ngân hàng Nhật Bản.”

 

Những chính sách đó đã có tác động vượt ra ngoài Nhật Bản. Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda đã gây chấn động thị trường toàn cầu vào tháng trước khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm qua, và ra tín hiệu sẵn sàng tăng chi phí vay hơn nữa do triển vọng lạm phát đạt mục tiêu 2% trong thời gian dài.

 

Kishida cũng ép buộc các công ty thực hiện đợt tăng lương lớn nhất trong 30 năm – 5,1% đối với các tập đoàn lớn – nhưng mức tăng lương này vẫn không theo kịp lạm phát do đồng yên yếu. Koll nói: “Không có cảm giác vui vì lạm phát đã đẩy giá lên cao.”

 

Trong lúc người dân Nhật Bản phải vật lộn với giá cả tăng cao, họ lại phải đối mặt với một vụ bê bối sâu rộng trong LDP, khi hàng chục nhà lập pháp của đảng đã chuyển lợi nhuận từ các sự kiện gây quỹ sang các quỹ đen không được báo cáo. Sự việc này xảy ra ngay sau khi công chúng phẫn nộ trước mối liên hệ của đảng với Giáo hội Thống Nhất (Unification Church) – vốn bị nhiều nhà phê bình và cả kẻ ám sát Abe cho là một giáo phái. Cả hai vụ bê bối đều liên quan phần lớn đến các thành viên của phe LDP mà trước đây do Abe đứng đầu. Ông vốn là người mà Kishida đã dựa vào để giành chiến thắng trong vòng hai cuộc đua lãnh đạo đảng vào năm 2021.

 

LDP – và bản thân Kishida – đã bị chỉ trích nặng nề vì không chịu trách nhiệm về vụ bê bối gây quỹ. Những nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin của công chúng bằng cách trừng phạt một số nhà lập pháp và sửa đổi luật kiểm soát quỹ chính trị bị đánh giá là chưa đạt yêu cầu cần thiết.

 

Jeff Kingston, giám đốc chương trình Nghiên cứu Châu Á của Đại học Temple, Nhật Bản, cho biết: “Kishida muốn làm nhiều hơn nữa, nhưng LDP nói ‘không, đó sẽ chỉ là những hành động vô nghĩa’ và công chúng đã nhìn thấu điều đó”.

 

Những nỗ lực của Kishida nhằm thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ, hàn gắn quan hệ với Hàn Quốc – vốn đã bị rạn nứt từ lâu bởi những mối thù trong thời Thế chiến II – và tăng cường chi tiêu quốc phòng, trong khi nới lỏng các giới hạn xuất khẩu vũ khí đã giúp ông nhận được sự khen ngợi từ Washington. Tháng 12/2022, Tokyo đã đề ra mục tiêu mới về chi tiêu quân sự trong 5 năm tới: 43 nghìn tỷ yên, gấp 1,5 lần mức hiện tại. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về nguồn tài trợ, bao gồm cả việc tăng thuế trong tương lai, vẫn còn mơ hồ. Và tương tự là cam kết của Kishida về việc tăng gấp đôi chi tiêu cho việc chăm sóc trẻ em vào đầu những năm 2030, để nâng cao tỷ lệ sinh đang giảm ở Nhật Bản.

 

Năm ngoái, những dự đoán về việc tăng thuế trong tương lai gần đã khiến vị thủ tướng đeo kính bị các nhà phê bình trên mạng đặt biệt danh là “kẻ tăng thuế bốn mắt,” ngay cả khi ông hứa sẽ cắt giảm thuế thu nhập một lần ở mức 40.000 yên mỗi người. Việc giảm thuế có hiệu lực từ tháng 6 nhưng vẫn không thể ngăn được tỷ lệ ủng hộ Kishida sụt giảm, xuống còn 25% trong tháng này.

 

Sau một chuỗi thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương, hồi kết đã đến với Kishida. Ông đã không giành được sự ủng hộ từ các đối thủ nặng ký trong đảng, những người đang có quan hệ căng thẳng với ông vì cách ông xử lý vụ bê bối quỹ đen.

 

Lãnh đạo mới của đảng sẽ được các đảng viên bầu chọn trong cuộc bỏ phiếu vào tháng tới, vào một ngày chưa được ấn định. Nhưng còn phải chờ xem liệu mức độ ủng hộ của công chúng dành cho LDP sẽ thay đổi như thế nào. Đảng đối lập chính vẫn bị LDP bỏ xa, và chưa thể tìm ra cách hợp tác với các đảng đối lập khác, theo đó làm giảm áp lực lên LDP trong việc chọn ra nhà lãnh đạo được lòng dân nhất.

 

Việc giải thể, ít nhất là trên danh nghĩa, của hầu hết các phe phái LDP để đối phó với vụ bê bối gây quỹ, có khả năng làm giảm vai trò của họ trong việc phân bổ quỹ tranh cử và các chức vụ chủ chốt, khiến cho việc dự đoán trở nên đặc biệt khó khăn. Sự ủng hộ của các phe phái là chìa khóa để giành chiến thắng trong các kỳ bầu cử lãnh đạo đảng trước đây.

 

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, 67 tuổi, người thường xuyên chỉ trích phe chính thống của LDP, và đã từng bốn lần tranh cử chức chủ tịch đảng, hiện đang đứng đầu danh sách trong các cuộc khảo sát truyền thông về các ứng viên được người dân ủng hộ, nhưng ông lại ít được các nhà lập pháp ưa chuộng. Tiếp đến là cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, 43 tuổi, theo sau là Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono, 61 tuổi, người đã thua Kishida lần trước.

 

Các ứng viên tiềm năng khác bao gồm Tổng thư ký LDP Toshimitsu Motegi, 68 tuổi, người có thứ hạng thấp trong các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ, nhưng lại có kinh nghiệm đảm nhiệm một số chức vụ trong nội các. Một số ứng viên nữ bao gồm Bộ trưởng An ninh Kinh tế diều hâu Sanae Takaichi, 63 tuổi, và Bộ trưởng Ngoại giao kín tiếng Yoko Kamikawa, 71 tuổi. Cựu Bộ trưởng An ninh Kinh tế Takayuki Kobayashi, 49 tuổi, đã nhận được sự chú ý từ các nhà lập pháp quan tâm đến một gương mặt mới.

 

Việc một nhà lãnh đạo mới có hồi sinh được vận may đang lụi tàn của LDP hay không còn phụ thuộc vào việc ai sẽ thắng cử, và bằng cách nào, cũng như phụ thuộc vào cuộc đấu tranh của đảng đối lập chính trong việc thuyết phục công chúng rằng họ có thể nắm quyền. Koll nhận xét “Nếu đó là một cuộc bầu cử được dàn xếp và người ta chỉ chọn một cựu quan chức nghĩ rằng mình xứng đáng được bầu, thì sự phục hồi sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn,” đồng thời nói thêm rằng một sự thay đổi thế hệ có thể làm tăng tỷ lệ ủng hộ và châm ngòi cho một cuộc bầu cử sớm.

 

------------------

Linda Sieg là nhà báo ở Tokyo. Bà đã đưa tin về chính trị, kinh tế, và các vấn đề xã hội của Nhật Bản tại Reuters ở Tokyo trong hơn ba thập kỷ, gần đây nhất là ở phóng viên trưởng mảng chính trị.

 

Nguồn: Linda Sieg, “Japan’s Public Didn’t Buy Fumio Kishida’s New Capitalism,” Foreign Policy, 15/08/2024

 

 





No comments: