Sunday, August 4, 2024

NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỪA CHẾT, TÔ LÂM ĐƯỢC 'BẦU' LÀM TỔNG BÍ THƯ (Người Việt Online)

 



Nguyễn Phú Trọng vừa chết, Tô Lâm được ‘bầu’ làm tổng bí thư

Người Việt Online

August 3, 2024

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/ong-trong-vua-chet-to-lam-chinh-thuc-duoc-bau-lam-tong-bi-thu/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một ngày sau khi blogger Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin “số 2 lên thay số 1,” Trung Ương Đảng “lập tức” họp bất thường và “bầu” ông Tô Lâm, chủ tịch nước, làm tân tổng bí thư đảng CSVN.

 

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 3 Tháng Tám, ông Tô Lâm, 67 tuổi, được bầu làm người đứng đầu đảng “với số phiếu đạt tuyệt đối.” Đáng nói, ông Tô Lâm giành được cái ghế “quyền lực nhất đảng” chỉ chưa đầy nửa tháng sau khi ông Nguyễn Phú Trọng, cố tổng bí thư, qua đời.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/VN-To-Lam-tong-bi-thu-0-1536x1024.jpg

Ông Tô Lâm, tân tổng bí thư đảng CSVN, chủ tịch nước, trong buổi họp báo ở Hà Nội hôm 3 Tháng Tám, ngay sau khi được Trung Ương Đảng “bầu.” (Hình: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

 

Ngoài ra, ông Tô Lâm cũng mới chỉ ngồi ghế chủ tịch nước “chưa nóng đít,” vỏn vẹn 73 ngày. Trong lúc tất cả các bản tin hôm 3 Tháng Tám đưa tin ông Tô Lâm có ghế mới nhưng không cho biết liệu có ai thay ông này làm chủ tịch nước, bà Hương Trà lại loan tin trên trang cá nhân: “Nhất thể hóa 2+1, Việt Nam sẽ chỉ còn Bộ Tam thay vì Bộ Tứ !?”

 

Bài đăng này ám chỉ ông Tô Lâm ngồi luôn hai ghế tổng bí thư và chủ tịch nước, thay vì chịu nhường lại ghế sau cho ông Lương Cường, thường trực Ban Bí Thư, như bài đăng một ngày trước.

 

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, tự “Cô Gái Đồ Long,” được coi là nguồn tin khả tín về chính trường Việt Nam, vì bà từng đưa tin sớm về cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng cũng như việc ông Võ Văn Thưởng (chủ tịch nước), bà Trương Thị Mai (thường trực Ban Bí Thư kiêm trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương) mất ghế hồi mấy tháng trước.

 

Trước khi bà Trà loan tin, giới quan sát cho rằng sau khi ông Trọng chết, cuộc đấu giành ghế tổng bí thư chỉ diễn ra giữa hai ứng viên mạnh nhất hiện nay là ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, thủ tướng.

 

Chuyện “nhất thể hóa” của đảng đã có tiền lệ khi ông Trọng giành hai ghế cao nhất sau khi ông Trần Đại Quang, cố chủ tịch nước, qua đời, trước khi chịu nhường lại ghế chủ tịch nước cho ông Nguyễn Xuân Phúc hồi năm 2021.

 

Theo nhận định của giới quan sát, cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là sự khởi đầu cho những cái “chết” khác – đấy là cái “chết” dành cho các nhóm quyền lực do ông Trọng dựng lên.

 

Người đầu tiên có lẽ là Đại Tướng Lương Cường. Lẽ ra, ông Lương Cường phải là người tạm nắm quyền tổng bí thư thay ông Trọng, theo điều lệ đảng. Tuy nhiên, ông Cường đã bị ông Lâm loại ra rìa, xem như, ông Lương Cường hết cơ hội để kế thừa quyền lực của Tổng Trọng để lại.

 

Ông Tô Lâm nắm thâu tóm hết quyền ông Trọng để lại, điều đó có nghĩa là, ông sẽ là trưởng tiểu ban nhân sự Đại Hội 14, và là bí thư Quân Ủy Trung Ương. Sau khi an táng ông Trọng, quyền lực của ông Lâm sẽ được nâng lên gấp bội, và bàn cờ chính trị Việt Nam sang trang mới.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/VN-To-Lam-tong-bi-thu-2-1536x1024.jpg

Ông Tô Lâm (thứ hai từ trái), tân tổng bí thư đảng CSVN, tại cuộc họp Ban Chấp Hành Trung Ương đảng hôm 3 Tháng Tám. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)

 

Chính trường Việt Nam trong những tháng qua, liên tục đảo chiều quá nhanh. Từ khi ông Tô Lâm nổi lên “làm phản,” cho đến khi thâu tóm hết quyền lực vào tay, chỉ trong vòng bốn tháng. Giới quan sát quốc tế cũng từng tiên đoán chính tình Việt Nam đi theo chiều hướng này sau khi ông Trọng chết.

 

Ông Tô Lâm được nhìn thấy đang thâu tóm quyền lực bằng thứ “bạo lực cách mạng” bên trong nội bộ đảng. Theo dự báo của giới quan sát, trong thời kỳ hậu Nguyễn Phú Trọng, chính trường Việt Nam sẽ tiếp tục xảy ra thanh trừng mạnh mẽ dưới vỏ bọc tiếp tục công cuộc “đốt lò.”

 

Với quyền lực ngày một lớn, với tham vọng quá lớn, ông Tô Lâm sẽ đẩy các “địch thủ” còn lại vào thế phải chiến đấu, mang tính sống còn, nếu không muốn “vào lò ông Lâm.”

 

 

Tô Lâm cam kết tiếp tục “đốt lò,” đối ngoại như cũ

 

Ông Tô Lâm nói với các ủy viên trung ương là ông sẽ không thay đổi gì cả mà chỉ “kế thừa” những gì do ông Trọng để lại.

 

Hãng tin Reuters thuật lại cuộc họp báo của ông Tô Lâm cho hay ông sẽ tiếp tục chống tham nhũng cũng như không thay đổi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm vừa chết. Đồng thời cố gắng thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mà đảng đã đề ra.

 

Tại cuộc họp báo ngày 3 Tháng Tám, tiếp ngay sau cuộc họp Trung Ương Đảng, ông Tô Lâm nói rằng: “Thời gian tới, công tác chống tham nhũng sẽ được tiếp tục quyết liệt. Cá nhân tôi cảm thấy may mắn là đã có nhiều kinh nghiệm chống tham nhũng khi tôi còn ở Bộ Công An,” Reuters dẫn lại.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/VN-To-Lam-tong-bi-thu-3-1536x1024.jpg

Ông Phạm Minh Chính (thứ ba từ phải), thủ tướng, và các lãnh đạo đảng, nhà nước chúc mừng ông Tô Lâm (thứ ba từ trái), chủ tịch nước, được bầu làm tổng bí thư đảng CSVN. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)

 

Việt Nam là một trong một số nước ở Á Châu được giới đầu tư lựa chọn đặt cơ sở sản xuất khi họ đa phương hóa chuỗi cung ứng toàn cầu để tránh bị trở ngại từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung không biết khi nào ngừng lại. Nhưng từ hai năm trở lại đây, Việt Nam rơi vào vòng xoáy của những cơn lốc chính trị nội tại tiếp theo những vụ tham nhũng khủng khiếp bị phơi bày từ đại dịch COVID-19.

 

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, một mặt lôi ra trước ánh sáng những quan chức và đảng viên cấp cao và trung cấp, câu kết với nhau, không phải chỉ ở một cơ quan, mà chằng chịt quấn quýt với nhau tại nhiều bộ, ngành, từ trung ương xuống tới các địa phương. Nhưng đồng thời chiến dịch này cũng cho toàn dân biết đảng Cộng Sản mục ruỗng, sâu mọt lên đến cấp cao nhất.

 

Việt Nam cho tới nay không có một lãnh đạo nào nắm trọn quyền lực độc tôn như kiểu ông Vladimir Putin tại Nga, ông Tập Cận Bình tại Trung Quốc. Quyền lực chính trị tại Việt Nam nằm ở tập thể Bộ Chính Trị nhưng tổng bí thư cũng là người tiếng nói cao nhất trong các quyết định. Đó là lý do ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư đảng nhiệm kỳ thứ ba, tức “ngoại lệ,” trong khi điều lệ đảng quy định chỉ có hai nhiệm kỳ.

 

Là con của một đại tá giám đốc công an, ông Tô Lâm cũng theo nghiệp cha và đi lên trong hệ thống dọc ngành công an với chức vụ cao nhất của ngành, tức bộ trưởng Công An và hàm đại tướng. Khi ông Nguyễn Phú Trọng chết, nhiều nhà phân tích cho rằng ông Tô Lâm sẽ thu gom quyền hành vào một tay mình.

 

Tuy nhiên, cho tới nay người ta chỉ mới biết ông ta chính thức ngồi “một đít hai ghế” cho đến khi có đại hội đảng đầu năm 2026. Còn sau đó, có gom luôn cả hai ghế làm một cho tới về sau được không, còn tùy vào những chuyện đấu đá ngầm trong nội bộ đảng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/VN-To-Lam-tong-bi-thu-5-1536x872.jpg

Từ trái, các ông Lê Minh Khái, Đặng Quốc Khánh, Chẩu Văn Lâm, Nguyễn Xuân Ký. (Hình: Tuổi Trẻ)

 

 

Tô Lâm vừa làm tổng bí thư, 4 ủy viên Trung Ương bị cho thôi chức

 

Chỉ vài giờ sau khi đảng công bố ông Tô Lâm, chủ tịch nước, được “suy tôn” làm tổng bí thư, đã có bốn ủy viên Trung Ương đột ngột bị cho thôi chức.

 

Theo báo VNExpress hôm 3 Tháng Tám, bốn người này gồm ông Lê Minh Khái, phó thủ tướng; ông Đặng Quốc Khánh, bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường; ông Nguyễn Xuân Ký, bí thư Quảng Ninh; và ông Chẩu Văn Lâm, bí thư Tuyên Quang.

 

Trong số này, ông Đặng Quốc Khánh là người bị rò rỉ tin đồn về việc mất ghế từ ít nhất nửa tháng trước.

 

Đáng nói, thông cáo của Văn Phòng Trung Ương Đảng công bố cho thôi chức bốn quan chức nêu trên nhưng chỉ ghi lý do chung chung rằng họ “vi phạm các quy định của đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.”

 

Tương tự các trường hợp “ngã ngựa” trước đây, cả bốn ông đều “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân” và “tự nguyện làm đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công.”
Nhiều khả năng cả bốn quan chức bị kỷ luật do “các sai phạm trong quá khứ.”

 

Việc mất chức ủy viên Trung Ương chỉ là thủ tục trước khi bốn ông bị mất ghế trong chính phủ và tỉnh ủy.

 

Không rõ sự việc nêu trên có liên quan gì đến tuyên bố của ông Tô Lâm ngay khi ông này vừa “được bầu” làm tổng bí thư: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được đẩy mạnh theo phương châm không ngừng nghỉ, không có vùng cấm…”

 

VNExpress cho hay, tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị mới, ông Tô Lâm nói mình “rất may mắn” khi “bám sát ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm” và “đã có những kinh nghiệm nhất định [về chống tham nhũng].”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/VN-To-Lam-tong-bi-thu-4-1536x1024.jpg

Ông Tô Lâm (phải) họp báo ở Hà Nội hôm 3 Tháng Tám, ngay sau khi được Trung Ương Đảng “bầu” làm tổng bí thư đảng CSVN, vẫn giữ cả ghế chủ tịch nước. (Hình: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)

 

Một số người cho rằng ông Tô Lâm nắm hồ sơ tham nhũng của rất nhiều đồng đảng. Điều này vừa là lợi thế nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi vì đồng đảng của ông sẽ không ngồi yên để cho ông “cạo đầu” hay “lột da.” Trước nay, chưa có tiền lệ là một “trùm” công an lên làm tổng bí thư đảng cho đến khi ông Tô Lâm làm được việc này.

 

Reuters dẫn một số chức sắc đảng và giới ngoại giao cho biết, hiện đang có các bàn luận trong nội bộ đảng là có nên đưa một nhân vật khác lên làm chủ tịch nước để ông Tô Lâm chỉ giữ ghế tổng bí thư hay không. Một nhà ngoại giao xác nhận với Reuters là các cuộc bàn luận vẫn tiếp diễn.

 

Nếu ông Lâm nắm quyền hành cả hai chức vụ và với quyền lực to hơn, ông ta có thể ngày một trở nên độc tài hơn, tương tự như ông Tập Cận Bình. Nếu điều đó xảy đến, sẽ không còn cái kiểu quyết định các chính sách từ “dân chủ tập trung” ở thượng tầng nữa.

 

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng ôm luôn chức chủ tịch nước gần ba năm (sau khi ông Trần Đại Quang, cố chủ tịch nước, chết ngày 21 Tháng Chín, 2018) cho tới đại hội đảng đầu năm 2021 đưa ông Nguyễn Xuân Phúc vào vai trò này. (N.H.K & NTB) [qd]






No comments: