Saturday, August 3, 2024

NGA và PHƯƠNG TÂY TIẾN HÀNH CUỘC TRAO ĐỔI TÙ NHÂN LỚN NHẤT KỂ TỪ THỜI CHIẾN TRANH LẠNH (RFI)

 


NỘI DUNG :

 

Nga và Phương Tây tiến hành cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất từ thời Chiến Tranh Lạnh  

Chi Phương |Thu Hằng   -  RFI

.

Trao đổi tù nhân Nga - phương Tây: Thắng lợi ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ

Minh Phương  -  RFI

.

Trao đổi tù nhân: Thành công của Biden, lá bài bắt chẹt của Putin

Thu Hằng  -  RFI

 

==================================================

.

.

Nga và Phương Tây tiến hành cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất từ thời Chiến Tranh Lạnh  

Chi Phương |Thu Hằng   -  RFI

Đăng ngày: 02/08/2024 - 11:57   -   Sửa đổi ngày: 02/08/2024 - 16:06

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240802-nga-v%C3%A0-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-ti%E1%BA%BFn-h%C3%A0nh-cu%E1%BB%99c-trao-%C4%91%E1%BB%95i-t%C3%B9-nh%C3%A2n-l%E1%BB%9Bn-nh%E1%BA%A5t-t%E1%BB%AB-th%E1%BB%9Di-chi%E1%BA%BFn-tranh-l%E1%BA%A1nh

 

Nga và nhiều nước phương Tây hôm qua, 01/08/2024, đã tiến hành cuộc trao đổi 26 tù nhân, được coi là có quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. 

 

HÌNH :

Ngày 01/08/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin ra sân bay Vnukovo, gần Matxcơva, đón Vadim Krasikov, người bị Đức kết án chung thân và được trả tự do trong cuộc trao đổi tù nhân. © Mikhail Voskresensky / Sputnik / Kremlin Pool Photo via AP

 

Cuộc trao đổi diễn ra tại sân bay Ankara. Cơ quan tình báo MIT của Thổ Nhĩ Kỳ, nước đứng ra làm trung gian đàm phán, đã giám sát cuộc trao đổi, khi các tù nhân rời khỏi máy bay của Nga và được kiểm tra sức khỏe. Nhà Trắng xác nhận 16 người được Matxcơva trả tự do đã và đang trên đường trở về Hoa Kỳ và các nước châu Âu.

 

Trong số đó, đáng chú ý nhất là nhà báo Evan Gershkovich của báo The Wall Street Journal và Paul Whelan, giám đốc an ninh của một doanh nghiệp ở Michigan. Cả hai bị Nga cáo buộc làm gián điệp và phải đối mặt với án tù nhiều năm. Ngoài ra, một số chính trị gia thuộc phe đối lập Nga cũng được « ân xá », theo sắc lệnh của tổng thống Nga Vladimir Putin, như Ilya Yashin và Vladimir Kara-Murza. 

 

Đổi lại, 8 tù nhân Nga đã được phóng thích từ các nhà tù ở Hoa Kỳ, Na Uy, Đức, Ba Lan và Slovenia, trong đó có Vadim Krasikov, bị kết án chung thân ở Đức do đã sát hại một nhà đối lập Chechnya vào năm 2019 ở Berlin. Thủ phạm được cho là thuộc cơ quan tình báo Nga (FSB). 

 

Trong khi nhiều nước phương tây và các cơ quan Liên Hiệp Quốc hoan nghênh cuộc trao đổi tù nhân này, phía Nga, theo hãng tin Tass, mô tả những tù nhân mà Nga vừa trả tự do là « kẻ thù »« kẻ phản bội » và muốn những người này tránh xa nước Nga.

 

 

Tổng thống Mỹ Biden và phó tổng thống Harris ra sân bay đón những người được Nga trả tự do

 

Những công dân Mỹ được trao đổi tại Thổ Nhĩ Kỳ đã về tới Washington trong đêm qua. Trong bài phát biểu, tổng thống Joe Biden cảm ơn các nước đã tham gia quá trình đàm phán đầy khó khăn, phức tạp và đã đưa ra những quyết định táo bạo, dũng cảm khi thả những tù nhân Nga đang thụ án ở nước họ.

 

Thông tín viên RFI tại New York Loubna Anaki tường thuật :

 

« Họ được chào đón trong niềm vui vỡ òa và những tràng pháo tay. Người thân của họ và đích thân tổng thống Joe Biden cùng với phó tổng thống Kamala Harris chờ họ ngay dưới chân cầu thang. Người đầu tiên ra khỏi máy bay là cựu thủy quân lục chiến Paul Whelan, người đã sống 6 năm trong nhà tù ở Nga vì bị cáo buộc làm gián điệp. Người thứ hai đặt chân lên đất Mỹ là Evan Gershkovich, nhà báo của The Wall Street Journal, bị bắt cách đây hơn 1 năm cũng với cáo buộc làm gián điệp. Chỉ cách đây hai tuần, nhà báo này bị kết án 16 năm tù. Theo sau họ là nữ phóng viên song tịch Nga-Mỹ Alsu Kurmasheva và nhà đấu tranh người Nga có thẻ thường trú ở Mỹ Vladimir Kara-Mourza.

 

Buổi tiếp đón họ về nhà được truyền hình trực tiếp. Trước đó vài tiếng, tổng thống Joe Biden coi đây là « một ngày lịch sử, một ngày hạnh phúc ». Đối với tổng thống sẽ mãn nhiệm trong vài tháng nữa, thành quả này là một chiến thắng chính trị, cho dù một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa đặt câu hỏi về cuộc trao đổi tù nhân và thắc mắc liệu việc này có khuyến khích Nga tiếp tục bỏ tù các công dân Mỹ để biến họ thành lá bài mặc cả hay không ».

 

Quá trình đàm phán bí mật do tổng thống Mỹ Joe Biden điều phối diễn ra rất căng thẳng và kết thúc ngày 24/07. Một quan chức cấp cao của Mỹ, được AFP trích dẫn, kể lại : « Chỉ một giờ trước khi ra thông cáo (rút khỏi cuộc đua tái tranh cử vào Nhà Trắng), tổng thống đã gọi điện cho đồng nhiệm Slovenia để yêu cầu ông hoàn thiện những chi tiết cuối cùng và đúc kết thỏa thuận ».

 

-----------------------------------------------------------------------------------------

Trao đổi tù nhân Nga - phương Tây: Thắng lợi ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ

Minh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 02/08/2024 - 11:48    -   Sửa đổi ngày: 02/08/2024 - 16:08

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240802-trao-%C4%91%E1%BB%95i-t%C3%B9-nh%C3%A2n-nga-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-th%E1%BA%AFng-l%E1%BB%A3i-ngo%E1%BA%A1i-giao-c%E1%BB%A7a-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3

 

Hôm qua, 01/08/2024, cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và phương Tây đã diễn ra tại Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Thành công của cuộc trao đổi tù nhân lần này một phần chính là nhờ vai trò trung gian hòa giải của chính quyền tổng thống Erdogan. Trong thông cáo chính thức, Ankara gọi đây là một hoạt động “lịch sử”, được thực hiện hoàn toàn dưới sự điều phối của các cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

 

HÌNH :

(Ảnh tư liệu) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Ankara, ngày 13/05/2024. AP - Burhan Ozbilici

 

Phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cảm ơn đồng nhiệm Erdogan vì đã “nỗ lực bảo đảm việc trao đổi tù nhân diễn ra suôn sẻ.” Có thể nói cuộc trao đổi tù nhân này là một chiến thắng ngoại giao mang ý nghĩa quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia luôn cố gắng giữ thế cân bằng giữa Nga và phương Tây.

 

Từ Ankara, thông tín viên Anne Andlauer nhận định:

 

“Cuộc trao đổi tù nhân lớn này là một chiến thắng ngoại giao đối với chính quyền của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì nó diễn ra trên lãnh thổ nước này, dưới sự hòa giải và phối hợp của các cơ quan mật vụ. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO, nhưng vẫn giữ quan hệ mật thiết với Matxcơva sau khi Nga xâm lược Ukraina.

 

Dù thường bị chỉ trích vì chính sách ngoại giao “cân bằng” này, Ankara vẫn luôn bảo vệ quan điểm bằng cách khẳng định năng lực hòa giải giữa Matxcơva và phương Tây. Đây không phải là cuộc trao đổi tù nhân đầu tiên mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trong những năm gần đây. Trước đó nước này đã nhiều lần tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi tương tự giữa Nga và Ukraina.

 

Vào tháng 7 năm 2022, chính Ankara đã tham gia đàm phán thỏa thuận về ngũ cốc Ukraina, nhưng Nga sau đó đã rút khỏi thỏa thuận này. Việc Matxcơva rút khỏi thỏa thuận đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ rất thất vọng do nước này đang tìm kiếm một “cú đánh” ngoại giao mới để tái khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế và qua đó chứng minh với các đồng minh NATO tính đúng đắn của lập trường của nước này đối với với Nga. Một điều chẳng ai có thể phủ nhận được là cuộc trao đổi tù nhân lớn này, mà Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực quảng bá, đã hoàn toàn đạt được mục tiêu này.”

 

HÌNH :

Ngày 01/08/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin ra sân bay Vnukovo, gần Matxcơva, đón Vadim Krasikov, người bị Đức kết án chung thân và được trả tự do trong vụ trao đổi tù nhân. © Mikhail Voskresensky / Sputnik / Kremlin Pool Photo via AP

 

 

---------------------------------------------------------------------------------------------

Trao đổi tù nhân: Thành công của Biden, lá bài bắt chẹt của Putin

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 02/08/2024 - 15:14   Sửa đổi ngày: 02/08/2024 - 16:05

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240802-trao-%C4%91%E1%BB%95i-t%C3%B9-nh%C3%A2n-th%C3%A0nh-c%C3%B4ng-c%E1%BB%A7a-biden-l%C3%A1-b%C3%A0i-b%E1%BA%AFt-ch%E1%BA%B9t-c%E1%BB%A7a-putin

 

Mười sáu công dân của 5 nước phương Tây (Mỹ, Đức, Ba Lan, Slovenia, Na Uy) đổi lấy 10 người Nga và Belarus: Cuộc trao đổi tù nhân ngày 01/08/2024 được coi là lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Nhưng nhiều chính trị gia và giới quan sát quan ngại là thành công ngoại giao của tổng thống Mỹ, với sự hỗ trợ của các đồng minh, sẽ trở thành « lá bài » để tổng thống Nga Putin bắt chẹt.

 

HÌNH :

Tổng thống Vladimir Putin ra sân bay đón các tù nhân Nga được thả, sân bay Vnukovo, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 01/08/2024. © Mikhail Voskresensky / AP

 

Chỉ trong một ngày, sân bay Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) gợi lại hình ảnh cây cầu Glienicker Brücke nối Berlin và Postdam, nơi diễn ra các cuộc trao đổi tù nhân giữa hai khối Đông và Tây trong thời Chiến tranh lạnh. Theo điều tra của The Insider, được AFP trích dẫn, cuộc đàm phán trao đổi tù nhân được bắt đầu từ đầu năm 2022 để thuyết phục Nga thả nhà đối lập Alexei Navalny. Những diễn biến tiếp theo đã thay đổi hoàn toàn mục đích ban đầu của cuộc đàm phán.

 

Đức bị kéo tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán sau khi bắt giữ Vadim Krassikov, bị tình nghi là gián điệp của Tổng cục An ninh Liên bang Nga - FSB đã sát hại một cựu chỉ huy Chechnya ngay tại Berlin. Đức muốn đổi Vadim Krassikov lấy Alexei Navalny, sau đó qua đời ở trong tù, trong khi Matxcơva muốn đổi nhà báo Mỹ Evan Gershkovich, bị Nga cố tình bắt giữ làm « con tin ».

 

Đưa « con tin » về nhà: Thành công của Biden và Putin

 

Cuộc trao đổi tù nhân trước tiên là « thành công » của cả hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Nga. Tổng thống Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris, cùng với gia đình các tù nhân, đã đến tận chân cầu thang máy bay đón họ. Tổng thống Nga cũng trau chuốt hình ảnh đón những « người hùng » của đất nước trở về với hai hàng rào danh dự. Nhà nghiên cứu Lukas Aubin của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp - IRIS nhận định : « Cuộc trao đổi tù nhân này cho thấy Mỹ và Nga đã duy trì các cuộc đàm phán và họ vẫn đối thoại từ lâu ».

 

Không thể giúp Ukraina tái lập hòa bình từ nay đến cuối nhiệm kỳ (tháng 01/2025), ông Joe Biden muốn để lại một « di sản đối ngoại tích cực » cho Kamala Harris, người mà ông tin tưởng ủng hộ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Một quan chức ngoại giao Mỹ, được Reuters trích dẫn, đánh giá cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất từ nhiều thập niên qua là « một kỳ tích » chứng minh « nền ngoại giao thông minh mang lại kết quả ».Trao đổi tù nhân, kể cả con tin bị lực lượng Hồi Giáo Hamas bắt giam ở dải Gaza, được chính quyền Biden coi là ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại.

 

Đằng sau « thắng lợi ngoại giao » này, ông Biden còn gián tiếp khẳng định vai trò « điều phối khéo léo », bởi vì theo tổng thống  Mỹ, nhiều nước, nhất là Đức, đã có « đóng góp rất lớn ». Chính phủ Đức thừa nhận thả điệp viên sát nhân người Nga Vadim Krassikov là một « quyết định vô cùng khó khăn cho tư pháp Đức và sẽ gây nhiều chỉ trích », nhưng đó là « vì Mỹ và Đức có độ tin tưởng và lợi ích chung cao ». Việc lãnh đạo hai nước đạt được đồng thuận về trao đổi tù nhân với Nga cũng cho thấy « mối quan hệ song phương được cải thiện đáng kể » sau những rạn nứt dưới thời Donald Trump, theo nhận định của nhà cựu ngoại giao Mỹ Jeffe Rathke, hiệu trưởng Viện Mỹ-Đức, Đại học Johns Hopkins.

 

Nga sẽ lại bắt công dân phương Tây để mặc cả ?

 

Tuy nhiên, theo Reuters, cuộc trao đổi này chỉ mang tính « nhất thời ». Không có dấu hiệu nào cho thấy Matxcơva tìm cách cải thiện mối quan hệ với Washington và sẽ đàm phán về hòa bình cho Ukraina. Tổng thống Putin muốn kết thúc việc trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden để tránh phải đàm phán từ đầu với tân tổng thống Mỹ, vì ông Donald Trump, người có thể trở lại nắm quyền, từng tuyên bố « Chúng ta sẽ không trả gì hết ! »

 

Đây cũng là lý do để đảng đối lập Cộng Hòa Mỹ chỉ trích tổng thống Dân Chủ, như đã từng chỉ trích khi chính quyền Biden trao đổi Viktor Bout lấy ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner năm 2022. Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ, cho rằng việc trao đổi những công dân Mỹ vô tội với những tội phạm Nga bị giam ở Mỹ « chỉ cổ vũ cho chế độ (Putin) bắt giữ những con tin mới ». Đối với cựu quan chức quốc phòng Mỹ Ian Brzezinski, việc « các tù nhân được tự do là điều tuyệt vời », nhưng cách làm này càng khiến cho « việc bắt con tin trở thành thường xuyên và quy mô hơn ».

 

Trái với tuyên bố của thủ tướng Đức Olaf Scholz về « nghĩa vụ bảo vệ công dân Đức », tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế cho rằng những nhân nhượng của Berlin để lại « vị đắng » và « mở rộng thêm sự miễn trừ truy tố » cho Matxcơva. Còn theo nhật báo Bild, quyết định trao đổi tù nhân với điện Kremlin lại trở thành thông điệp gửi đến người dân Nga rằng « Putin là anh hùng ». Dù vậy, « đôi khi cũng phải bắt tay với ác quỷ », theo phát biểu của chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Đức Michael Roth, cùng đảng với thủ tướng Olaf Scholz.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

NGA - PHƯƠNG TÂY - TRAO ĐỔI TÙ NHÂN

Trao đổi tù nhân Nga - phương Tây: Thắng lợi ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ

.

NGA - PHƯƠNG TÂY - TRAO ĐỔI TÙ NHÂN

Nga và phương Tây tiến hành cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất từ thời Chiến tranh lạnh






No comments: