Wednesday, August 21, 2024

HÔM NAY 20-8, NHÀ BÁO HUY ĐỨC TRÒN 62 TUỔI (Phạm Xuân Nguyên / Báo Tiếng Dân)

 



Hôm nay 20-8, nhà báo Huy Đức tròn 62 tuổi

Phạm Xuân Nguyên

20/08/2024

https://baotiengdan.com/2024/08/20/hom-nay-20-8-nha-bao-huy-duc-tron-62-tuoi/

 

Hôm nay (20/8/2024) nhà báo Huy Đức tròn 62 tuổi. Nhà báo Huy Đức bị bắt tạm giam đúng 2 tháng 20 mươi ngày.

 

Trong thời gian Huy Đức bị mất tự do đó, người nhà (cụ thể là con gái) chưa được gặp Huy Đức, chỉ được gửi đồ 3 lần/tháng gồm quần áo và thức ăn (từ 3kg trở xuống). Nghe nói, sắp hết lệnh tạm giam lần 1 có thể gia đình sẽ được cho gặp Huy Đức. Mong là thế.

 

Hôm nay nhà báo Huy Đức tròn 62 tuổi. Tôi lại đưa lên bức ảnh hai chúng tôi nằm trên thuyền trong một chuyến đi về địa danh lịch sử Vũ Quang (Hà Tĩnh) thăm di tích kháng chiến của nhà nho cần vương chống Pháp Phan Đình Phùng (1847 – 1896).

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/08/2-14.jpeg  

Ảnh: Nhà báo Huy Đức (áo đen) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Nguồn: Phạm Xuân Nguyên

 

Từ một bậc đại quan của nhà Nguyễn, Phan Đình Phùng đã trở thành một anh hùng dân tộc. Năm 1894, một người đồng châu đồng quận của ông là Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải (1850 – 1933) theo lệnh Toàn quyền De Lanessan viết thư dụ hàng Phan Đình Phùng, nhưng đã bị cụ cự tuyệt.

 

Cụ Phan nói rõ trong thư trả lời là tình thế đất nước như vậy làm người sĩ phu yêu nước thương dân thì phải hành động: “Cố nhân với đệ cùng nòi giống châu Hoan, cố nhân ở nơi xa ngoài ngàn dặm còn biết nghĩ tới cố hương, huống chi đệ lại là tai nghe mắt thấy luôn luôn? Chỉ vì cảnh thế bắt buộc, sức chẳng theo lòng, dù giúp cũng không cách gì giúp được! Ví bằng cố nhân đã hiểu và nghĩ tới đó, lại đem cảnh ngộ của đệ rồi tự đặt thân vào mà nghĩ suy cho kỹ thì cái tâm sự của đệ, tự khắc trông thấy rõ ngay, lọ cần đệ phải nói lắm thêm rườm!

 

Dòng máu và khí phách này của Phan Đình Phùng có ở Huy Đức.

 

Sinh nhật Huy Đức hôm nay tôi nhớ tới bài thơ của nhà thơ Nga E. Evtushenko (1933 – 2017) viết cho sinh nhật mình, có đoạn ứng được cho người đang trong trại tạm giam B14 (Hà Nội):

 

mẹ sinh con nhưng không thể cho con

– giàu có, vinh quang

mẹ chỉ cho con quý nhất có một điều

– là tài không biết sợ

mẹ đã bế con lên mở toang cửa sổ

về phía bóng cây, về hướng chim trời

mẹ hôn con

làm con mở mắt nhìn

cho con bú

rồi cho con giấy bút

dạy con sống thẳng lưng mà bước

có vậy thôi

rồi mẹ tiễn lên đường.

(Bằng Việt, dịch)

 

Hôm nay nhà báo Lê Đức Dục ở Đông Hà (Quảng Trị), một người em, người bạn thân thiết của nhà báo Huy Đức, đã thao thức từ hôm qua để viết một bài thơ “chúc mừng sinh nhật một ông anh”. Bài thơ giọng cảm khái, nói không chỉ cảm xúc của Dục, mà cả của tôi và tôi tin là của nhiều người khác nữa. Tôi đã xin phép Dục đưa bài thơ đó lên đây để mừng tuổi 62 tròn của Huy Đức.

 

Những công thần còn tru di tam tộc

Những ngai vàng sai nhịp phải nhập kho

Những lịch sử còn viết đi viết lại.

Phải ngàn năm mới định giá một cơ đồ.

Nhưng đời sống con người chỉ thế

60 năm là hết mịa đời người

Những con chữ gồng lên làm giao hưởng.

Đâu có ngờ vài tuần đã vội rơi…

Ai cũng chọn cho mình phần êm ấm

Và đều tin nắn dòng được sử gia

Nhưng có câu “lòng dân biết cả”

Quan nhất thời, dân vạn đại, ha ha…

Đừng an ủi lòng dân theo bánh vẽ

Hãy nhìn vào y phấn tảo đường xa

Vô sở hữu nhưng tận cùng lẫm liệt

Giữa trùng vây bao bọc nỗi sơn hà…

 

Trưa nay, chúng tôi, những bạn bè của Huy Đức, sẽ có cuộc rượu mừng sinh nhật người bạn của mình. Chắc Huy Đức cũng sẽ cảm biết được.

 

Hà Nội, 20/8/2024

pxn

 

58 BÌNH LUẬN   

 






No comments: