Có phải hội chứng
Stockhom xuất hiện tại Hà Nội?
*Đặng Đình Mạnh
*Chuyện
Vỉa Hè | Ngưởi Việt Online
August
11, 2024
Trong khá
nhiều clip phát đi từ trong nước, không thông qua hệ thống truyền thông chính
thức do chế độ chi phối, chúng ta bắt gặp cảnh cả hàng đoàn người xếp hàng để
được vào viếng linh cữu ông Nguyễn Phú Trọng.
Tương
tự, trong nhiều clip khác, lại thấy hàng ngàn người dân đứng suốt dọc hai bên vệ
đường chờ đoàn xe tang đi qua. Họ vẫy tay như chào vĩnh biệt người thân thích của
mình, xen lẫn, cả tiếng khóc òa, nức nở kêu “Bác ơi…” khi chiếc xe tải quân đội
kéo khẩu pháo có linh cữu ông Nguyễn Phú Trọng, phủ lá cờ đỏ trên đó. Ngay cả
nhà thờ họ của ông Trọng ở quê Lại Đà, Đông Anh cũng vậy, cổng chưa mở, người
dân đã tự động xếp hàng sẵn chờ vào lễ trước bàn thờ có di ảnh của ông.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/VN-Nguyen-Phu-Trong-dan-tien-dua-LinhPham-AFP-072624-1536x1024.jpg
Hàng
chục ngàn cán bộ đảng viên tại Hà Nội đứng dọc đường khi quan tài ông Nguyễn
Phú Trọng đi qua. (Hình: Linh Phạm/AFP/Getty Images)
Chúng
ta có lý do chính đáng để không tán thành chế độ Cộng Sản lẫn ông Nguyễn Phú Trọng.
Không chỉ thế, chúng ta càng muốn tất cả người dân đồng tình, chia sẻ chung với
nhau về điều ấy. Tuy vậy, qua những clip được xem kể trên, thì thật ra, cũng
không hề bất ngờ khi rất nhiều người dân ở thủ đô đã tiếc thương, khóc tiễn ông
Trọng một cách rình rang và mùi mẫn như vậy.
Vì
lẽ, nếu hiểu điều gì đã tác động lên người dân, nhất là đối với người dân thủ
đô như vậy trước nghịch lý: Tại sao ông Trọng, người dành cả đời để gây tan
hoang đất nước, khiến thế giới văn minh khinh khi, các giá trị nền tảng của một
quốc gia như chính trị, pháp luật, tài chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…
đều bị phá hủy, đạo đức, dân khí suy đồi đến tận đáy, bất công, tham nhũng tràn
lan… Nhưng lại được tôn sùng đến mức như vậy khi qua đời?
Tất
nhiên, nhiều lý do dễ hiểu đã được người dân công khai đưa ra, như tin nhắn của
công an buộc người dân phải đến viếng hoặc ra đường tiễn đưa đám tang ông Trọng.
Hoặc các “hoạt náo viên” đứng giữa đám đông làm cò mồi hát quốc ca… Thể hiện sự
tác động của chế độ, buộc người dân phải thể hiện thái độ đau buồn trước cái chết
của ông Trọng.
Điều
này không thể làm chúng ta không liên tưởng đến hai phiên bản tương tự, cũng
trong thể chế Cộng Sản độc tài đã từng biết: Ở Liên Xô cũ và Bắc Hàn.
Ở
Liên Xô cũ, trong những sự kiện có sự phát biểu của lãnh tụ, nếu lãnh tụ chưa
có lời yêu cầu ngừng vỗ tay, thì tiếng vỗ tay của công chúng tham dự sẽ kéo dài
mãi không bao giờ dám chấm dứt. Dĩ nhiên, không một ai trong số những người
tham gia sự kiện ấy dám cả gan đi ngược lại với số đông bằng cách không vỗ tay
hoặc ngủ gật cả!
Ở
Bắc Hàn, nhưng ở mức độ tệ hại hơn gấp nhiều lần. Trong nhiều thước phim hiếm
hoi mà chúng ta được xem chính thức, thì mỗi khi cha con họ Kim, Kim Jong-Il hoặc
khi Kim Jong-Un xuất hiện, thì người dân xứ này, kể cả đàn ông, quân nhân lại
nhảy chồm chồm lên, tay đấm ngực thình thịch rồi òa khóc nức nở. Bất chấp thực
tế nghịch lý về việc ba đời họ Kim đã bần cùng hóa người dân Triều Tiên của họ
thậm tệ đến mức nào, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Nhiều
chuyên gia đã dẫn ra một số nguyên nhân để giải thích về hiện tượng này, họ cho
rằng:
Người
dân phải đối phó với sự trừng phạt của chính quyền nếu không bày tỏ sự phấn
khích, ngưỡng mộ khi lãnh tụ xuất hiện;
Người
dân bị thiếu thông tin và bị tẩy não, nên đã tin vào bộ máy tuyên truyền của
chính quyền rằng lãnh tụ là người thuộc dòng dõi phi thường từ ngọn núi truyền
thuyết Ashfall, đã đưa Triều Tiên trở thành quốc gia hàng đầu của thế giới. Cho
nên, họ đã bày tỏ sự phấn khích, ngưỡng mộ khi lãnh tụ xuất hiện;
Hiệu
ứng tâm lý từ đám đông lan truyền đến từng người dân khi tham gia sự kiện có sự
xuất hiện lãnh tụ;
Chưa kể rằng,
có chuyên gia đã dẫn ra “Hội Chứng Stockholm,” cho đấy là nguyên nhân. “Hội Chứng Stockholm”
là một thuật ngữ y tế để chỉ một trạng thái tâm lý, trong đó, con tin hình
thành mối quan hệ tình cảm với kẻ bắt cóc trong thời gian bị giam cầm.
Những
cảm xúc nói trên của “nạn nhân” thường được xem là vô lý vì họ đang nhầm lẫn
hành vi hành hạ với lòng tốt của kẻ bắt cóc, mặc cho những nguy hiểm, sự hành hạ
mà họ đã phải trải qua. Một trong những giả thiết giải thích sự tồn tại của “Hội
Chứng Stockholm” được dựa trên lý thuyết của nhà phân tâm học Anna Freud: Sự đồng
cảm của nạn nhân với kẻ hành hạ là cách mà nạn nhân phản ứng với nỗi đau mà họ
đang phải trải qua.
Bằng
cách đồng hóa bản thân với kẻ hành hạ, bản ngã của nạn nhân được bảo vệ. Khi
đó, nạn nhân chia sẻ chung những suy nghĩ, thái độ và giá trị với kẻ hành hạ,
“tạm quên mất” rằng mình đang bị đe dọa.
“Hội
Chứng Stockholm” còn giúp cho nạn nhân gia tăng khả năng sống sót. Một vài đặc
điểm của người mang hội chứng này xuất hiện lần lượt như sau: Đồng cảm với kẻ bạo
hành, có cảm xúc tiêu cực đối với người giải thoát, giúp đỡ kẻ bạo hành và
không muốn bị giải thoát khỏi kẻ bạo hành. Trong hoàn cảnh đó, dĩ nhiên, người
lâm vào trạng thái tâm lý này chẳng bao giờ nhận mình đang rơi trong “Hội Chứng
Stockholm” cả.
Tên
gọi “Hội Chứng Stockholm” về trạng thái tâm lý này xuất phát từ vụ cướp tại
Ngân Hàng Kreditbanken, thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Bốn nhân viên ngân hàng bị
giữ làm con tin từ ngày 23 đến ngày 28 Tháng Tám, 1973. Trong khoảng thời gian
này, nạn nhân bắt đầu phát triển gắn bó về mặt cảm xúc với kẻ bắt cóc, từ chối
sự trợ giúp từ chính quyền rồi đứng ra bảo vệ kẻ bắt cóc trước truyền thông và
giới cảnh sát sau khi được giải thoát sau sáu ngày giam cầm.
Nhà
tội phạm học, tâm thần học Nils Bejerot, với tư cách chuyên gia tâm thần học
tham gia trong cuộc điều tra vụ cướp tại Ngân Hàng Kreditbanken là người đầu
tiên sử dụng thuật ngữ “Hội Chứng Stockholm.” Sau đó, nhà tâm thần học Frank
Ochberg là người đưa ra định nghĩa đầy đủ hơn về “Hội Chứng Stockholm.”
Sự
giải thích về hiện tượng xã hội tại Liên Xô cũ, Bắc Hàn cũng là lời giải thích
dành cho xã hội Việt Nam lúc này vì hoàn cảnh hết sức tương đồng. Người dân
cùng là nạn nhân phải sống trong thể chế độc tài chuyên quyền của Cộng sản. Nên
những thói hư, tật xấu phát sinh từ chế độ cũng hoàn toàn giống nhau, đại loại:
Kiêu căng, hợm mình, tô hồng lãnh tụ, giả dối, xu nịnh, tham tàn vô độ…
Các
bà mẹ Bắc Hàn mỗi khi gặp lãnh tụ độc tài Kim Yong Un phải khóc nức nở vì cảm động.
Không khóc bị coi là phản động. (Hình: Thông tấn Triều Tiên)
Với
ông Nguyễn Phú Trọng, hệ thống tuyên truyền khổng lồ của chế độ đã bơm thổi, tô
hồng ông ấy như một lãnh tụ vĩ đại, trong sạch, yêu nước, thương nòi. Ông đặt
ra công cuộc đốt lò để diệt trừ quan tham. Tin tức về những quan chức cao cấp bị
khởi tố, bắt giữ, khi xét xử đều nói “Xin lỗi bác Trọng!” củng cố thêm cho người
dân xác tín vào những giá trị đó.
Cho
nên, khi ông ấy qua đời, đã để lại sự tiếc thương cho họ. Hơn nữa, bày tỏ sự tiếc
thương, cũng là cách sinh tồn tự nhiên, giúp cho họ cảm thấy an toàn về tâm lý
trước một chế độ tàn ác, phi nhân mà họ không thể thoát ra được.
Tất
cả các điều kể trên, bao gồm cả trạng thái tâm lý “Hội Chứng Stockholm” đều có
thể là nguyên nhân giúp giải thích thái độ thương tiếc và cả khóc lóc của một số
người dân Hà Nội trong đám tang của ông Nguyễn Phú Trọng, người đã giành cả đời
gây bần cùng hóa xứ sở, trong đó, bao gồm cả những người đã khóc tiễn trong đám
tang của ông ấy. [kn]
No comments:
Post a Comment