Tuesday, August 6, 2024

BANGLADESH : THỦ TƯỚNG TỪ CHỨC TRƯỚC ÁP LỰC CỦA SINH VIÊN (Thu Hằng / RFI)

 



Bangladesh : Thủ tướng từ chức trước áp lực của sinh viên

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 05/08/2024 - 14:19

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240805-bangladesh-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-c%E1%BB%A7a-sinh-vi%C3%AAn

 

Ngày 05/08/2024, thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã từ chức trước áp lực của đường phố. Tổng tư lệnh quân đội Waker-Uz-Zaman thông báo « sẽ thành lập chính phủ chuyển tiếp » và cố trấn an « đã đến lúc chấm dứt bạo lực » bắt nguồn từ phong trào biểu tình rầm rộ của sinh viên, thanh niên phản đối chính sách hạn ngạch tuyển công chức, được cho là ưu ái đối với con em của cán bộ chính quyền.

 

HÌNH :

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phát biểu trong cuộc gặp với các quan sát viên và nhà báo nước ngoài tại phủ thủ tướng ở Dacca, Bangladesh, ngày 08/01/2024. REUTERS - Mohammad Ponir Hossain

 

Tướng Waker-Uz-Zaman cho biết đã tham vấn tổng thống Mohammad Shahabuddin, tiếp xúc với các đảng đối lập chính và nhiều thành viên của xã hội dân sự, sau khi thủ tướng Sheikh Hasina được cho là đã lên một máy bay trực thăng của quân đội để sang Ấn Độ, theo nhiều cơ quan truyền thông Bangladesh.

 

Tổng tư lệnh quân đội cũng cho biết « sẽ không ban hành tình trạng khẩn cấp nếu tình hình được cải thiện » và kêu gọi « nhiệm vụ hiện giờ của sinh viên là giữ bình tĩnh và giúp đỡ » quân đội. Sau Chủ Nhật 04/08 đẫm máu với các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình khiến ít nhất 94 người chết và hàng trăm người bị thương, hàng chục nghìn người đổ về thủ đô Dacca sáng 05/08 và chiếm phủ thủ tướng.

 

Tượng của Sheikh Mujibur Rahman, người giúp Bangladesh giành độc lập và là cha của thủ tướng Sheikh Hasina, cũng bị người biểu tình trèo lên đập phá. Cầm quyền từ năm 2009 sau khi giữ nhiệm kỳ đầu tiên từ 1996-2001, thủ tướng Sheikh Hasina, 76 tuổi, bị phản đối vì đã cho tái lập hạn ngạch tuyển dụng công chức, bị bãi bỏ năm 2018. Hệ thống này bị người biểu tình phản đối vì ưu đãi con cháu của công chức trong khi thanh niên có bằng cấp và sinh viên khó tìm việc làm.

 

Kể từ cuộc khủng hoảng chính trị bùng nổ ngày 16/07, đã có hơn 300 người thiệt mạng trong các cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

BANGLADESH - BẠO LỰC

Bạo động ở Bangladesh : Ít nhất 115 người biểu tình thiệt mạng, 300 cảnh sát bị thương

 

BANGLADESH - BIỂU TÌNH CHỐNG CHÍNH PHỦ

Bangladesh : Cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình, tình hình ngày càng căng thẳng

 

 






No comments: