Monday, May 6, 2024

TỪ CUỐN SÁCH CỦA OCEAN VƯƠNG (Thái Hạo / Facebook)

 



Từ cuốn sách của Ocean Vuong

Thái Hạo

6-5-2024  04:41   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0vsdmvdVRNdsRBf9ziG3ZvkVc1Xb6ngGDkVHk5p8H5JViL9kEGzCUYhV6sLXqPEDGl&id=100059910855657

 

Sau khi phụ huynh tố giáo viên và nhà trường vì đã phát cuốn tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vuong cho học sinh lớp 11 đọc, bởi trong đó có những trang “nhạy cảm”, trần trụi” về “cảnh giường chiếu”, nó đã bị sở Giáo dục TPHCM ra lệnh thu hồi. Sự việc này là một “ca” rất đáng suy ngẫm về nhiều mặt trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam – từ tâm lý, văn hóa, giáo dục...

 

1.

Điều đầu tiên cần phải lưu ý, là “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là một tác phẩm văn học, chứ không phải là một cuốn sách về giáo dục giới tính hay một thể loại nào khác. Mà văn học thì có đặc trưng của nó, không ai đọc văn như đọc một trang báo để coi những chi tiết trong đó là xác thực, dù chúng rất chân thực. Một khi đã đi vào văn chương, tham dự vào chỉnh thể văn bản, chúng trở thành các “tín hiệu thẩm mỹ” với sự cách điệu, tính biểu tượng và ý nghĩa ẩn dụ của mình.

 

Những chi tiết, đoạn văn hay trang sách có cảnh giường chiếu kia không còn chỉ là cảnh giường chiếu. Điều này chỉ có thể được hiểu khi ta đã trang bị một cái vốn kha khá về nghệ thuật và với điều kiện ta phải đọc toàn bộ tác phẩm, nơi mà ở đó những chi tiết ấy được đặt vào văn cảnh, vào chỉnh thể của nó. Cắt rời vài đoạn của một cuốn sách vài trăm trang và xem xét như một đối tượng độc lập là cách làm do xuất phát từ sự thiếu hiểu biết đối với đặc trưng của văn bản văn học.

 

Cún Con, nhân vật chính của “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là một cậu trai gốc Việt, nhập cư vào Mỹ cùng với bà ngoại và mẹ mình. Họ đi và mang theo những ám ảnh của chiến tranh, mang theo sự thiếu hiểu biết và vật lộn nơi xứ người một cách đầy đau khổ để thích nghi và sống còn. Số phận của gia đình này mở ra cho chúng ta thấy một thân phận khác của những người nhập cư vào “giấc mơ Mỹ”: sợ hãi, bất lực, nhức nhối, thương tổn. Chưa hết, một ngày Cún Con phát hiện ra mình là người đồng tính. Từ đây cậu phải bắt đầu một hành trình mới giữa những định kiến, sỉ nhục và bạo lực: hành trình “mi muốn được là thật”. Và “Chỉ bằng cách sống sót vượt qua nó mới được nhận cái tên đó”. Nghĩa là một nỗ lực để sống sót giữa một hoàn cảnh đầy những đe dọa và hiểm nguy.

 

Năm 15 tuổi Cún Con gặp Trevor, một chàng trai Mỹ da trắng trên cánh đồng thuốc lá khi đi làm thuê cho ông của cậu ta. Cún Con tìm thấy tình yêu của mình với một người đồng giới. Một tình yêu ngơ ngác, đầy thách thức, khát khao, bạo lực và sự lãng mạn. Ở đó có những giằng xé, nghi ngờ, liều lĩnh và mạo hiểm. Nhưng cuối cùng họ đã vượt qua để được thành thật với chính bản thân mình. Cái khát khao “muốn được nhìn thấy” trong mắt một người khác tức là khát khao được thừa nhận, khát khao thành thật. Đây có lẽ là “cuộc chiến” khốc liệt nhất của Cún Con nơi đất khách. Sau tất cả, tình dục là rào cản lớn nhất đối với họ, là sự thách thức nghiệt ngã nhất để cậu thực hiện khát khao đó. Và cuối cùng, họ đã làm được: trong sự vụng về, đau đớn, lầy lội. Họ đã làm được, tức là bước qua khỏi ranh giới của định kiến và sự ruồng rẫy, ruồng rẫy không phải chỉ từ phía tha nhân mà còn khốn khổ ở chỗ, từ chính bản thân mình.

 

Trước khi gặp Trevor, Cún Con là người vô hình, vì không ai “nhìn thấy” cậu. Ý nghĩa cuộc đời con người bắt đầu từ khi nó được sống trong một người khác với sự thừa nhận, yêu thương, dâng hiến.

 

Đây không phải là chuyện tình dục, nó rộng hơn nhiều. Đó là hành trình đi tìm bản ngã, đi tìm “chính mình”, cũng tức là đi tìm tự do. Những chi tiết về cảnh làm tình trong truyện, nếu ta đọc nó trong chỉnh thể tác phẩm, sẽ tuyệt nhiên không hề gợi nên “khoái cảm” hay “kích thích” gì cả, nó chỉ mang đến một hình ảnh về sự quẫy đạp để vươn lên khỏi số phận mà làm người – làm một con người như chính nó đang mang.

 

Cún Con sống với một người bà bị tâm thần và một người mẹ mang những vết thương không thể chữa lành sau Chiến tranh Việt Nam. Dù mẹ yêu thương cậu vô bờ bến nhưng bà cũng là người đánh cậu một cách điên dại nhất. Bảy người bạn của Cún Con đã chết, trong đó có bốn người chết vì sốc thuốc. Cậu bị chế nhạo và khinh bỉ ở khắp nơi. Trong hoàn cảnh đó, sống đã là một thách thức. Nhưng Cún Con không cam chịu, cậu muốn được thừa nhận, và cậu đã làm điều đó bằng cách đến với tình yêu. Và cậu đã vượt qua bằng cách tan biến trong vòng tay Trevor.

 

Tình dục, trong hoàn cảnh và nỗ lực ấy, nó có dơ bẩn, xấu xa, đồi trụy? Ta phải thấy ở đó câu chuyện về thân phận, về ý chí sống và các giá trị nhân bản. Và ta có thể được đánh thức từ bên trong những sự bình đẳng, lòng bao dung; sự công bằng và lòng tôn trọng – đối với con người quanh ta.

 

Là cha mẹ, có khi nào ta chưa từng “nhìn thấy” con cái mình dù ngày ngày vẫn bên con? Là bạn bè, là người thân, là đồng loại, có khi nào ta chưa từng “nhìn thấy” những người quanh ta?. Đọc “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, tôi không thấy cần phải rủ lòng thương hại những nhân vật như Cún Con, ngược lại: khâm phục và thấy mình được dạy dỗ. “Hãy để mình cột cái bóng của mình dưới chân cậu và gọi đó là tình bạn, con nói với bản thân”. Thừa nhận bản thân và tôn trọng chính mình, đó là việc mà bất cứ ai cũng nên làm, nếu muốn sống như một con người trong tất cả chiều sâu và sự thiêng liêng của nó.

 

2.

Như đã nói, “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” không phải là sách về giáo dục giới tính, mang chủ đề ấy ra bàn, ngay cả để biện minh cho cuốn sách, cũng là điều buồn cười, dù ta có thể mang nó ra để nói về giới tính, nếu ta muốn.

 

Tôi không biết khi cuống cuồng đặt bút ký thu hồi cuốn sách, những người quản lý giáo dục ở TPHCM đã đọc nó chưa, hay chỉ vì “sợ dư luận”?

 

Tôi không trách người mẹ đã “tố” cô giáo và nhà trường, tôi cũng không phê phán những ai đã gay gắt với cô giáo, mỗi người cần có quyền nói lên suy nghĩ và cả nỗi lo lắng của mình. Tôi cũng không đứng vào phía chiến tuyến của những người bảo vệ, tôi chỉ muốn thấy những thảo luận – bình tĩnh được khi nói chuyện là tốt nhất, tất nhiên nếu bạn thấy giận dữ thì cũng hãy cứ việc giận dữ.

 

Trong giáo dục, chúng ta không thể đi đến mục tiêu bằng các mệnh lệnh hành chính. Ta đã hỏi cô học sinh lớp 11 kia chưa? Ta đã hỏi cô giáo chưa? Ta đã nghe những người có chuyên môn phát biểu chưa? Và ta có thể đủ sự hiểu biết để hồi đáp một cách bình đẳng, tôn trọng và bình tĩnh chưa?

 

Một cảnh sex trong một tác phẩm văn chương khiến cho cộng đồng và “những người có trách nhiệm” phải vội vã thu hồi vì nó “ảnh hưởng tiêu cực” đến học sinh 17 tuổi, vậy cảnh giết người trong Chí Phèo, cảnh tự tử trong Lão Hạc, cảnh bắn giết trên chiến trường trong văn học cách mạng, v.v. và v.v., tức là hầu hết những tác phẩm đều “có vấn đề” ấy trong sách giáo khoa, ta phải xử lý thế nào? Ra lệnh cắt bỏ hay tiêu hủy? Có nên tiếp tục duy trì lối ứng xử cộc cằn và thô lỗ ấy như trước nay người ta vẫn làm?

 

Có ai hỏi cô giáo xem, khi giao sách cho học trò về nhà đọc, cô đã kèm theo những hướng dẫn gì và nó nằm trong chương trình cụ thể nào, nhằm mục đích ra sao? Hay chỉ cư xử một cách hung hãn?

 

Việc quyết định đưa hay không đưa một cuốn sách cho học sinh đọc không phải là điều gì quá quan trọng, vấn đề ở chỗ người ta đã thảo luận thế nào về cuốn sách ấy để đi đến một lựa chọn. Đó là văn hóa, cái văn hóa sơ đẳng sẽ làm nền cho lớp trẻ trong việc đứng trước những cuốn sách hay các vấn đề xã hội. Cấm đoán không phải là cách, và tất nhiên thả nổi cũng không phải là cách. Thảo luận và/ để trao quyền và nhất là trao truyền một năng lực văn hóa cho lớp trẻ, vì rốt cuộc, chúng ta không thể cấm.

 

Ngày xưa cha ông ta từng tràn đầy tự tin mà “dạy” rằng: Làm trai chớ kể Phan Trần/ Làm gái chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều. Nếu bây giờ còn sống, chắc họ sẽ tự thấy mình buồn cười đến thế nào. Và, sau đó, suốt nhiều chục năm qua, tình trạng dung tục hóa trong tiếp nhận nghệ thuật đã chưa bao giờ dừng lại. Nếu chỉ nhìn thấy sự trần truồng mà không thấy số phận con người, bạn không thể đọc được, hoặc không thể chịu đựng nổi.

 

Tôi tin rằng, mọi nỗi sợ hãi đều sinh ra từ sự thiếu hiểu biết, lắm khi nó còn biến thành chứng hoang tưởng. Chúng ta đã chứng kiến sự kiện đốt sách ở miền Nam, chúng ta đã thấm thía những kiểm duyệt và thu hồi, chúng ta đã đau xé khi nhìn những người “viết dưới giá treo cổ”, chúng ta đã đọc trong sự ám ảnh trước những truyện kể và những tập thơ đi cửa sau từ trong tù ra..., ta còn định lặp lại điều đó đến bao giờ nữa? Nếu hiểu đặc trưng của văn học, nếu biết về mục tiêu giáo dục, nếu rành về giá trị của đối thoại, thì người ta đã có thể bình tĩnh và ứng xử một cách có văn hóa hơn chăng?

 

Xin không hiểu lầm, không phải tôi đang cổ vũ cho việc đưa cuốn sách ấy đến cho học sinh đọc. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, ta cần phải hiểu nó, và hiểu nhau. Và nếu chưa hiểu thì cần phải “nói chuyện” đường hoàng với nhau. Và sau đó, chọn hay không chọn chẳng còn là vấn đề quan trọng nữa, khi mọi thứ đã được “nói ra”. Giáo dục là con đường của đối thoại. Và không chỉ giáo dục, mọi chuyện đều có thể (và chỉ nên) giải quyết bằng đối thoại.

 

Nếu đọc “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” ta sẽ thấy rằng, nỗi đau khổ cuối cùng, và thành trì kiên cố nhất trong việc giam nhốt nỗi đau khổ ấy của nhân vật Cún Con, chính là việc không thể nói ra. Tác phẩm được viết dưới dạng những bức thư mà nhân vật chính gửi cho mẹ mình, một người mẹ không biết đọc. Cậu đã chọn hình thức ấy để kể câu chuyện của mình, riêng cái “thủ pháp” này thôi đã đủ khiến ta phải giật mình nhìn lại. Rằng có khi nào chính ta đang không thể cho người khác cơ hội được nói ra? Tại sao con cái ta đã không thể kể với ta những khó khăn thầm kín của chúng? Có phải vì ta đã không biết lắng nghe, hoặc vì ta đã không thể cho chúng một cảm giác an toàn, dù ta rất yêu thương?

 

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” được viết dưới dạng hồi ký/ tự truyện, có rất nhiều chi tiết gắn với cuộc đời tác giả mà ta có thể kiểm chứng, dù tất nhiên, không nên đánh đồng điều đó với nhân vật trong truyện. Nhưng, 15 tuổi có quan hệ đồng giới với người tình, một mình vật lộn để sống còn và sống “rực rỡ” trong sự giằng xé, ngoi lên, ngụp xuống. Có khi nào, trong khi ta đang cuồn cuộn phê phán nhà trường, thì ở nhà, con cái ta cũng đang phải một mình vật lộn như thế, hoàn toàn đơn độc và đau đớn, tất nhiên là với không chỉ vấn đề về giới tính? Và biết đâu, rủi con cái ta không có được cái may mắn “sống sót” và vượt lên như Cún Con trong truyện, lúc ấy dù ta có muốn nghe chúng nói, thì cũng không còn cơ hội nữa?

 

“Rốt cuộc, chúng ta chỉ ở đây có một lần” (lời nhân Cún Con).

 

Thái Hạo

 

.

149 BÌNH LUẬN  





No comments: