Friday, May 10, 2024

THẤY GÌ QUA CHIẾN DỊCH ĐỐN TRỤ CỦA NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Nhiều tác giả / Thông Luận)

 



Thấy gì qua chiến dịch đốn trụ của Nguyễn Phú Trọng  

Nhiều tác giả

4/05/24

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/32791-h-y-gi-qua-chi-n-d-ch-d-n-tr-c-a-nguy-n-phu-tr-ng

 

NỘI DUNG :

 

Sự nghiệp cuối đời hay cụ Tổng đang múa võ sơn đông ?

Nguyễn Nhơn, RFA, 04/05/2024

.

‘Trò chơi Vương quyền’ : Việc bãi nhiệm Vương Đình Huệ và chính trường Việt Nam trong con mắt quốc tế

VOA, 03/05/2024

.

Địa chấn chính trị Việt Nam : Dồn dập đến bao giờ ?

BBC, 03/05/2024

 

.

Qua vụ ông Huệ, cần đánh giá lại "cách tấn phong chức danh" của Đảng cộng sản Việt Nam

RFA, 03/05/2024

 

.

Ông Nguyễn Phú Trọng và ‘trách nhiệm chính trị’

Lê Quốc Quân, VOA, 02/05/2024

 

.

Vương Đình Huệ bị loại mở đường cho nhiệm kỳ thứ tư của Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 30/04/2024

 

===============================================

.

Sự nghiệp cuối đời hay cụ Tổng đang múa võ sơn đông ?

Nguyễn Nhơn, RFA, 04/05/2024

Năm lãnh tụ của chính thể Việt Nam "được" cho thôi chức ngang xương, trong đó hai vị chủ tịch nước buộc phải rời ghế khi nhiệm kỳ chưa trọn 700 ngày. Một chủ tịch quốc hội với những phát biểu đầy trăn trở về chống tham nhũng vặt khi còn là Phó thủ tướng, rồi với tuyên ngôn hùng hồn"Tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng chính sách" khi chuyển lên ghế Phó Chủ tịch quốc hội. Hai phó thủ tướng, một từng là gương mặt sáng của ngoại giao, già dặn kinh nghiệm quan hệ với quốc tế, một từng một thời là thần tượng lãnh tụ của giới trẻ ; cả hai đều đang được xem là niềm hy vọng của chính trường Việt Nam.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53699592986_768d295c37.jpg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự lễ khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 15/1/2024 - Ảnh : Phạm Thắng

 

Còn nếu tính đến thứ, cục, vụ, bí thư, chủ tịch, phó bí, phó chủ… các cấp đã trước sau theo nhau vào lò thì có lẽ phải chẻ hết trúc núi Nam làm lạt mới đủ xỏ xâu hết được.

Diễn biến mới nhất của cuộc đốt lò kinh hồn mang tên Nguyễn Phú Trọng khiến cả trong nội bộ Đảng lẫn dư luận bề nổi của (có lẽ là) đại đa số người dân đều kính phục và tôn sùng ông Trọng như vị anh hùng chống tham nhũng quyết liệt nhất từ trước đến nay.

Thế nhưng, về cơ cấu trong Đảng, tất cả năm vị lãnh đạo thuộc loại cao cấp nhất nói trên đều là đảng viên thuộc quyền quản lý cao nhất và trực tiếp của Ban chấp hành Trung ương Đảng, mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vậy để cho công bằng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu khi năm vị ấy sai phạm chứ ?

À không, không thấy ai nói gì đến việc này cả.

 

Anh hùng không chịu trách nhiệm !

Ông Trọng là anh hùng chống tham nhũng ? Thế tại sao trong ba nhiệm kỳ của ông, có nhiều lãnh đạo cao cấp dính vào tham nhũng, hối lộ, bảo kê doanh nghiệp một cách bền vững và năm sau cao hơn năm trước đến vậy ? Uy tín của Đảng giảm sút nghiêm trọng đến vậy ?

Ông Trọng không làm tròn trách nhiệm người đứng đầu đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo trọn vẹn đất nước Việt Nam ? Thế tại sao ông lại làm được cái việc trước ông chưa từng vị tổng bí thư nào làm nổi, là nhốt đến chật nhà tù hàng đống quan chức cao cấp nhất cùng những gương mặt đen lẫy lừng nhất trong giới tài phiệt ?

Ông Trọng cũng là người thành công nhất trong việc khiến người dân Việt Nam mặc nhiên xem ông là người không thể bị nghi ngờ tham nhũng. Ai cũng có thể, riêng cụ thì không. Một người chống tham nhũng quyết liệt đến thế là người đã quyết chí đặt cược toàn bộ cuộc đời của mình cho sự nghiệp của Đảng của dân rồi. Nghi ngờ một tấm gương như thế có khác gì bôi bùn vào lửa ?

Nói tóm lại là anh hùng. Nhưng anh hùng không phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.

Đấy là mâu thuẫn lồ lộ, một nghịch lý mồn một nhưng được mặc nhiên chấp nhận.

Nhưng có lẽ cái tính chất lập lờ hai mặt, nửa nạc nửa mỡ, thấy dzậy mà hổng phải dzậy mới chính là đặc điểm của nền chính trị Việt Nam.

Bắt đầu cuộc chiến chống quan chức tham nhũng của mình, ông Trọng (cho thấy) quyết tâm triệt tận nọc tham nhũng. Phương pháp của ông Trọng là trừng trị quan chức tham nhũng, đồng thời kêu gọi và hô hào các quan chức của Đảng và Chính phủ làm gương, nêu cao đạo đức, danh dự, thanh liêm, trong sạch…Nhưng chính phương pháp này lại là một sự vô lý khác.

Ở mặt phải, nó chứng tỏ quyết tâm trừng trị lũ tham quan và cảnh cáo mối quan hệ đen truyền thống quan chức-thương gia. Nhưng ở mặt trái, nó phản ánh sự bất lực của chính chủ trương chống tham nhũng, đồng thời bộc lộ nguyên nhân bản chất của nạn tham nhũng. Vì nếu các quan chức bị vào lò đều là "những người được đào tạo và thử thách ở cơ sở, trải qua rèn luyện trong nhiều vị trí" như thông báo của Ban chấp hành Trung ương, mà vẫn có thể tham nhũng và bao che sai phạm đến thế thì hiệu quả của bộ máy Đảng cộng sản thật sự phải xem xét lại.

Nguyên nhân của tham nhũng ở Việt Nam thì ai cũng thấy : nó là mâu thuẫn giữa quy định về trách nhiệm/nghĩa vụ của cán bộ đảng viên với phúc lợi chính thức họ nhận được. Một bí thư, chủ tịch cấp tỉnh muốn phát triển kinh tế địa phương nhiều khi phải mạo hiểm với những chính sách và ý kiến chỉ đạo của nhiều nhân vật không liên quan và không chịu trách nhiệm. Chức vụ càng cao, hay ý thức muốn cống hiến càng cao thì sự mạo hiểm này càng thường xuyên và tăng độ nguy hiểm. Thế nhưng một cán bộ lãnh đạo bằng quyết định (mạo hiểm) và trí tuệ của mình có thể đem lại lợi ích chung cho địa phương, hoặc giúp doanh nghiệp thu lãi đến hàng ngàn tỷ đồng, còn bản thân họ chỉ được phép nhận đồng lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Là những chức vụ cao nhất như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đấy. Chứ hầu hết cán bộ cấp dưới lãnh năm bảy triệu là hết nước chấm.

Điều đó có công bằng không ?

Dĩ nhiên không công bằng. Ít nhất trong thâm tâm tuyệt đại đa số cán bộ đều nghĩ như thế. Còn những doanh nghiệp được hưởng lợi thì không cần nghĩ nữa, họ bù đắp sự bất công ngay bằng phong bì, hoặc bỏ vào thùng xốp…

Còn người dân (nói chung) thì thiết thực và sòng phẳng. Dân sẵn sàng chi tiền cho cán bộ để được giải quyết công việc ổn thỏa trong quy định của pháp luật. Với điều kiện là (cán bộ) ăn đúng mực thôi, nói suồng sã là ăn cơm rồi thì để cho người khác húp cháo với, và nhận tiền rồi thì làm việc theo đúng thỏa thuận. Đừng vì kiếm bánh mì mà vẽ rắn thêm chân, nhũng nhiễu hạch sách, nó mệt người và mất thì giờ lắm.

Thực tế xã hội Việt Nam đã vận hành như thế suốt mấy chục năm nay, bất kể các cuộc hô hào, các cao điểm chống tham nhũng hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác.

Thế nhưng Đảng dứt khoát không chấp nhận thực tế ấy.

Thế cho nên nó là điểm chết của toàn bộ các chủ trương chính sách chống tham nhũng từ xưa đến nay và từ nay đến mãi mãi về sau nữa.

 

Bọn phản động chúng bảo…

Bản chất của tham nhũng là lợi ích vật chất, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nêu cao ý thức đạo đức, danh dự, trách nhiệm với Đảng với tổ quốc với nhân dân… À cũng tăng lương cho công chức viên chức đầy, nhưng lương tăng chẳng bù với giá tăng.

Mà đói thì đầu gối phải bò. Vô số cán bộ đảng viên cấp dưới của đồng chí Tổng bí thư bò suốt ngày. Ngồi ở công sở vừa làm việc vừa bán hàng online. Có người bịt kín khẩu trang tránh bị đồng nghiệp nhận ra, rồi tan sở là chạy xe ôm công nghệ đến khuya. Có người bưng bê, rửa chén ở quán phụ người thân. Có người nhiều chữ hơn thì nhận làm dự án, viết luận án thuê, tham gia bất cứ công trình dự án chó chạy gà bay nào miễn có thù lao.

Những người khôn nhất thì đương nhiên bán chữ ký lấy tiền rồi.

Đấy là cái động cơ khổng lồ chi phối toàn bộ hành động của bộ máy nhà nước. Đem danh dự đảng viên hay sự gương mẫu để buộc nó quay ngược lại thì khác nào thổi hoa giấy ngược gió mà đòi nó phải trúng hồng tâm của tấm bia di động cơ.

Bắt, bắt, bắt… Cứ cho rằng người anh hùng Nguyễn Phú Trọng sẽ thực hiện được chí lớn cuối đời của ông là bắt sạch hết quan chức bẩn. Nhưng nỗ lực ấy cũng chỉ có thể khiến cỗ máy tham nhũng quay chậm lại một chút, rồi sau đó nó sẽ phục hồi quán tính, thậm chí còn quay nhanh hơn để bù lại những gì đã mất.

Tránh né mấu chốt này, vai trò và cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng không thể đạt hiệu quả thực sự như bộ máy truyền thông Nhà nước tung hô.

Còn cái bọn phản động thì ác mồm lắm. Chúng bảo : Cụ Tổng chỉ đang múa võ sơn đông thôi.

 

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 04/05/2024

 

*******************************

 

Trò chơi Vương quyền’ : Việc bãi nhiệm Vương Đình Huệ và chính trường Việt Nam trong con mắt quốc tế

VOA, 03/05/2024

Sự ra đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người thứ 3 trong ‘tứ trụ’ Việt Nam phải từ chức giữa nhiệm kỳ chỉ trong hơn 1 năm, đang cho thấy sự khủng hoảng về người kế nhiệm lãnh đạo Đảng và phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu cũng như đấu đá nội bộ trong Đảng, theo nhận định của giới quan sát và truyền thông quốc tế.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53699809648_83dce82738.jpg

(Từ trái qua) Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự một phiên họp bất thường của Quốc hội tại Hà Nội hôm 15/1/2024.

 

Ông Huệ chính thức thôi chức chủ tịch Quốc hội khi cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Việt Nam thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan này của ông trong cuộc họp bất thường lần thứ 7 của Quốc hội hôm 2/5. Trước đó một tuần, ông Huệ đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý cho thôi chức vụ theo "nguyện vọng cá nhân" của ông.

Việc từ chức của ông Huệ, người mới nhất trong 3 thành viên của ‘tứ trụ’ phải ra đi, cho thấy tình trạng bất ổn chính trị gần đây của Việt Nam trở nên trầm trọng hơn, trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng được mở rộng, và đặt ra câu hỏi về sự ổn định của đất nước, theo nhận định củaNew York Times.

Tương tự, tờWashington Post cũng cho rằng việc ông Huệ từ chức càng làm gia tăng tình trạng bất ổn ở Việt Nam, trích dẫn nhà phân tích của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, Nguyễn Khắc Giang, nói rằng "nó làm nổi bật sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường được ca ngợi về sự ổn định khi ba nhà lãnh đạo hàng đầu bị sa thải chỉ trong vòng một năm".

Chỉ hơn một tháng trước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng bị cho thôi chức với quy trình tương tự. Ông Thưởng kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, người cũng được cho là bị ép phải rời nhiệm sở khi chưa hết nhiệm kỳ vào tháng 1 năm ngoái.

Thông báo chính thức không nói rằng ông Huệ và ông Thưởng dính líu đến tham nhũng nhưng hai ông bị bãi nhiệm cùng một lý do là "vi phạm những điều đảng viên không được làm" và "làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước" giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng được mở rộng.

Ông Huệ từ chức sau khi trợ lý của ông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, bị bắt giam và khởi tố vì liên quan đến vụ án tham nhũng của tập đoàn Thuận An, còn ông Thưởng xin thôi chức ngay sau khi Bộ Công an khởi tố và điều tra vụ án "đưa nhận hối lộ" tại tập đoàn Phúc Sơn.

Tháng 1 năm ngoái, ông Phúc trở thành thành viên đầu tiên của "tứ trụ" phải từ chức vì "trách nhiệm chính trị" đối với những sai phạm và khuyết điểm của cấp dưới, trong đó có hai phó thủ tướng, liên quan đến các đại án tham nhũng trong thời gian đại dịch.

"Trong nhiều năm nay, nền chính trị ưu tú của Việt Nam, từng mờ án, khó hiểu đối với hầu hết người ngoài, và dường như thống nhất trong một loại chế độ chuyên chế khá thành công (về mặt duy trì sự cai trị độc tài đồng thời đạt được sự phát triển kinh tế), đã bị đảo lộn", nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR), Joshua Kurlantzick, viết trong mộtđăng tải blog trên trang web của viện nghiên cứu có trụ sở ở New York.

Sự ổn định chính trị đó dường như đang sụp đổ khá nhanh chóng ở Việt Nam, theo ông Kurlantzick, người có nhiều nghiên cứu tập trung vào các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu này nhắc đến việc 3 lãnh đạo trong hàng ‘tứ trụ’ của Việt Nam bị mất chức trong một thời gian ngắn cùng với việc các ông bà trùm tài chính có thế lực nhất ở quốc gia Đông Nam Á bị bỏ tù vì các vụ tham nhũng quy mô lớn, nổi bật là bà Trương Mỹ Lan – người bị kết án tử hình vào tháng trước.

Một số nhà chống tham nhũng có thể hoan nghênh việc từ chức của các lãnh đạo nhưng chưa rõ liệu liệu đây có phải là một nỗ lực chống tham nhũng hiệu quả trong nội bộ đảng cầm quyền hay là việc có quá nhiều lãnh đạo cấp cao nói chung tham nhũng dưới một hình thức nào đó đến mức các phe phái phải dùng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ kẻ thù của mình, theo nhận định của ông Kurlantzick.

Tương tự, nhà nghiên cứu Huỳnh Tâm Sáng của Quỹ Đài Loan NextGen cho rằng "những vụ bê bối tham nhũng và những vụ từ chức theo sau chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi xét đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam".

"Thứ nhất, các quan chức Đảng và nhà nước bị sa thải thường có quan hệ mật thiết với nạn tham nhũng và hành vi sai trái của cấp dưới. Thứ hai, những cuộc thanh trừng này có mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa thân hữu về kinh tế : một hệ thống trong đó chính trị và kinh tế gắn bó với nhau, dẫn đến sự lạm dụng quyền lực của các quan chức Đảng và chính phủ", ông Sáng, cũng là giảng viên của Đại học Quốc gia Việt Nam, viết trongbài phân tích trên The Diplomat.

Nhà nghiên cứu này cho rằng bầu không khí chính trị của Việt Nam "trở nên u ám hơn do sự sụp đổ gần đây của ông Thưởng và ông Huệ" và "điều này đặt ra một câu hỏi không thể tránh khỏi : ai sẽ bị ném vào lò tiếp theo ?"

Theo ông Sáng, "xung đột phe phái có thể đã nổ ra" sau khi hai trong số bốn ghế của ‘tứ trụ’ bị bỏ trống.

"Trong khi việc ông Phúc, ông Thưởng và ông Huệ từ chức có thể được coi là nỗ lực của Đảng nhằm giữ thể diện cho họ thì việc hạ cánh an toàn của những lãnh đạo này cũng làm tăng khả năng ‘Trò chơi Vương quyền’ của quốc gia này chuẩn bị nóng lên", nhà nghiên cứu của Quỹ Đài Loan NextGen nhận định trong bài viết.

Theo ông Sáng, với việc chỉ còn lại hai thành viên trên ‘ngai vàng’ – tức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính – khoảng trống quyền lực có thể sẽ "châm ngòi cho nhiều cuộc đấu đá nội bộ hơn trong Đảng".

Trong bài phân tích của mình, ông Sáng nói rằng khủng hoảng lãnh đạo ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhưng, theo ông, nguyên nhân gốc rễ "có lẽ là nạn tham nhũng trắng trợn và xung đột phe phái trong nội bộ Đảng cộng sản".

"Sự thống trị, thỏa hiệp, đồng thuận và thậm chí cả cạnh tranh, tất cả đều diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, chắc chắn sẽ đặc biệt gay gắt, vì cuộc đua giành các vị trí hàng đầu trước Đại hội Đảng tiếp theo vào đầu năm 2026 đã bắt đầu", ông Sáng nhận định.

Ông Trọng phát động chiến dịch "đốt lò" vào năm 2016, sau khi giành được nhiệm kỳ tổng bí thư Đảng lần 2 liên tiếp, vì cho rằng tham nhũng có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng cộng sản. Hàng nghìn đảng viên ở tất cả các cấp chính quyền đã bị cách chức, khai trừ khỏi đảng hoặc bị bỏ tù. Nhưng, theo New York Times, nhiều người đặt câu hỏi liệu một số mục tiêu này có phải là những cuộc thanh trừng chính trị trong một hệ thống chính trị khép kín hay không.

Cũng ám chỉ việc đấu đá quyền lực ở Việt Nam qua tiêu đề bộ phim về sự tranh giành ngôi vương thời trung cổ, "Game of Thrones", giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye,viết trên X, khi ông Huệ xin từ chức hôm 26/4, rằng "trò chơi vương quyền của Việt Nam đang tăng tốc".

Còn theo nhà nghiên cứu Kurlantzick, sự sụp đổ của ông Huệ, một nhân vật có ảnh hưởng trong giới lãnh đạo Việt Nam, người có thể đang trên đường lên tới vị trí tổng bí thư đảng – vai trò quyền lực nhất – càng làm phức tạp thêm cơ cấu quyền lực trong tương lai của chính trường Việt Nam.

"Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đương nhiệm của đảng, đã củng cố được quyền lực lớn, vô hiệu hóa phần lớn phong cách lãnh đạo theo kiểu đồng thuận trước đây. Nhưng ông đã lớn tuổi và thường trông yếu ớt khi xuất hiện trước công chúng", ông Kurlantzick nhận định trong đăng tải blog trên CFR.

Ông Trọng, 80 tuổi, đang lãnh đạo Đảng cộng sản trong nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ và đã phải chữa trị sau lần nhập viện vì bị đột quỵ khi đi công tác ở Kiên Giang vào năm 2019. Cả ông Thưởng và ông Huệ đều được cho là những ứng viên cho chức tổng bí thư để kế nhiệm ông Trọng.

Theo nhà nghiên cứu Kurlantzick, Việt Nam từng là "bậc thầy" trong việc lập kế hoạch chuyển giao lãnh đạo thì giờ đây dường như không có kế hoạch rõ ràng sau khi ông Trọng ra đi.

Còn ông Giang nhận định với Washington Post rằng "sự sụp đổ của ông (Huệ) sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng người kế nhiệm ở Việt Nam".

 

Nguồn : VOA, 03/05/2024

 

******************************

 

Địa chấn chính trị Việt Nam : Dồn dập đến bao giờ ?

BBC, 03/05/2024

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rời ghế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp bước. Ủy viên Bộ Chính trị Trần Anh Tuấn mất chức. Hàng loạt quan chức cấp tỉnh, bộ ngành vướng vòng lao lý. Những tháng đầu năm 2024, chính trường Việt Nam đang rung lắc dữ dội.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53699592981_dcd1651562.jpg

Chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao bị mất chức

 

Công cuộc "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã càn quét sâu rộng từ trung ương xuống địa phương và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong những ngày qua, trước các thay đổi về nhân sự được coi là chưa có tiền lệ, nhiều nhà quan sát mà BBC phỏng vấn đã chỉ ra những hạn chế trong công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng, rằng nó "không hiệu quả", thậm chí "thất bại" khi chỉ giải quyết phần ngọn trong khi cội rễ của tham nhũng nằm ngay chính trong nội tại Đảng cộng sản Việt Nam.

Bất chấp những nhận định về sự yếu kém trong khâu tổ chức cán bộ hay mối lo "ném chuột vỡ bình", "chiếc lò" của ông Trọng được dự đoán sẽ tiếp tục "cháy" mạnh ít nhất từ nay cho tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào năm 2026.

 

Cuộc ‘đốt lò’ ở thượng tầng

Tính tới nay, đã có năm ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41. Trong số này, có đến ba người bị buộc phải rời Bộ Chính trị trong năm 2024.

Cụ thể, ông Vương Đình Huệ đã chính thức bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội hôm 2/5, không lâu sau khi ông Võ Văn Thưởng chính thức mất chức Chủ tịch nước hôm 21/3.

Điều này khiến "Tứ Trụ" hiện chỉ còn hai "trụ" và Bộ Chính trị khóa 13 giảm xuống còn 13 ủy viên, so với con số 18 người vào đầu khóa hồi năm 2021. Sự hao hụt nhân sự ở nhóm quyền lực nhất đất nước được coi là chưa có tiền lệ.

Hiện hai ghế chủ tịch Quốc hội và chủ tịch nước đều đang bỏ trống.

Ông Huệ mất chức do phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, có lẽ liên quan đến thuộc cấp của ông là Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Hà, cũng là trợ lý của ông Vương Đình Huệ, đã bị khởi tố, tạm giam ngày 21/4 với cáo buộc liên quan đến vụ án Tập đoàn Thuận An.

Một ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Trần Tuấn Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, cũng đã bị cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 hôm 5/2/2024. Trước đó, về mặt đảng, ông đã được "cho thôi các chức vụ" Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vào ngày 31/1/2024 "theo nguyện vọng cá nhân".

Ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Võ Văn Thưởng, trong tháng 1/2023 cũng đã phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai đồng chí phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng ; hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự", theo Tạp chí Xây dựng Đảng.

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. Hai ông bị miễn nhiệm trong tháng 1/2023.

Hai bộ trưởng bị xử lý hình sự là ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cả hai ông đều bị xử lý liên quan đến vụ Việt Á.

Vào tháng 1/2024, ông Nguyễn Thanh Long đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, lãnh án 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

 

Cuộc ‘oanh tạc’ cán bộ cấp tỉnh

Lửa từ chiếc lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng không ngừng lan rộng tới các tỉnh thành. Hàng loạt lãnh đạo cấp tỉnh, trong đó có nhiều người thuộc diện "Trung ương quản lý", đã bị xử lý theo nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì có kỷ luật về mặt đảng, nặng thì khởi tố hình sự.

Mới đây nhất, tại kỳ họp bất thường hôm 2/5, Quốc hội Việt Nam đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Dương Văn Thái, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và là Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh này.

Trước đó, hôm 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái ; đồng thời tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông này kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

Ông Dương Văn Thái bị đề nghị khởi tố liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.

Liên quan tới tập đoàn Thuận An, nhiều người khác đã "vào lò".

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, đã bị bắt và khởi tố hôm 15/4 kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát. Một số quan chức tỉnh Bắc Giang cũng vướng vòng lao lý với cáo buộc liên quan đến Thuận An.

Ông Nguyễn Văn Thạo - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang ; ông Đàm Văn Cường - Phó Giám đốc ban ; và ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng ban đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", riêng ông Thạo bị điều tra thêm tội "Nhận hối lộ".

Tại Vĩnh Phúc, bí thư Tỉnh ủy tỉnh này là bà Hoàng Thị Thúy Lan đã bị khởi tố, tạm giam hôm 20/3 về tội "Nhận hối lộ" liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Bà Lan, là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, cũng đã bị Trung ương Đảng kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng và Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu.

Ở Lâm Đồng, ngày 2/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Mở rộng điều tra, C03 bắt giữ ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trên đây chỉ là một số gương mặt nổi bật trong danh sách rất dài các cán bộ, lãnh đạo cấp cao bị xử lý kỷ luật và khởi tố hình sự cho tới nay. Và danh sách này hẳn sẽ còn dài hơn trong thời gian tới, khi mà công cuộc "đốt lò" vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

'Lò' cháy đến đâu và bao giờ ?

"Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hồi năm 2017.

Tính từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021, con số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương Đảng quản lý bị kỷ luật đã lên tới khoảng gần 100 người. Con số này được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ hồi tháng 3/2024.

Khái niệm cán bộ "thuộc diện Trung ương quản lý" được dùng để chỉ những cán bộ do Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư quản lý. Danh sách này rất dài, cơ bản bao gồm cán bộ từ cấp chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, thủ trưởng cấp bộ hoặc tương đương, cho đến ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên "Tứ Trụ".

Trong giai đoạn 2012-2022, đã có gần 200.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự, theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (2024) chắc hẳn còn cao hơn nữa.

Hiệu ứng của chiến dịch này là khoảng 60.000 người từ chức chỉ trong khoảng thời gian 2021-2023, trong khi số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.

Như vậy có nghĩa những người còn lại phải "trong sạch như tuyết", "không chút tì vết", theo Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Úc.

Điều này liệu có khả thi ?

Chưa nói tới việc họ có thực sự liêm chính, Giáo sư Carl Thayer chia sẻ với BBC nhận định của ông rằng các phe phái trong đảng sẽ luôn tìm ra "tì vết" của nhau, hoặc ít ra cũng tìm ra "tì vết" thuộc cấp của họ.

Nghĩa là sẽ không có ai có khả năng trở thành một tấm gương sáng mẫu mực trong hệ thống Đảng cộng sản Việt Nam.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến và người đã có hàng chục năm quan sát chính trị Việt Nam, nói với BBC rằng vấn đề là phải "bắt trúng bệnh gốc" chứ không phải "bắt hết ông nọ đến ông kia".

"Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này", Tiến sĩ Quang A nói.

Ông Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền, nơi điều tra, công tố và tòa án hoạt động động lập với nhau và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần các cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước. Việt Nam hiện hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên "thì làm sao chống được tham nhũng", ông Nguyễn Quang A nói.

Không chỉ có vậy, công cuộc đốt lò của ông Trọng đã gây ra "một cuộc di cư hàng loạt của công chức" trong "nỗi lo sợ ngày càng tăng của những người còn lại về việc bị bắt", "dẫn đến tình trạng miễn cưỡng thực hiện trách nhiệm của mình trên diện rộng", theo ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của ISEAS – Viện Yusof Ishak (Singapore), trong một bài viết trên trang Fulcrum.

Hậu quả là "làm trầm trọng thêm những thách thức mà bộ máy quan liêu vốn đã quá tải phải đối mặt, biểu hiện ở tình trạng quá tải bệnh viện công, thiếu giáo viên và bác sĩ trầm trọng, chậm trễ phê duyệt dự án và xếp hàng dài để đăng ký phương tiện. Quan trọng nhất, nó đã làm giảm hiệu quả hoạt động của chính phủ vào thời điểm Việt Nam cần nhất".

Nguồn : BBC, 03/05/2024

 

*******************************

.

Qua vụ ông Huệ, cần đánh giá lại "cách tấn phong chức danh" của Đảng cộng sản Việt Nam

RFA, 03/05/2024

Ông Vương Đình Huệ đã chính thức bị miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 7 diễn ra hôm 2/5. Hiện, ông Trần Thanh Mẫn ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội được giao điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho đến khi bầu được Chủ tịch mới mà có khả năng sẽ được thực hiện tại kỳ họp quốc hội tới, dự kiến bắt đầu từ ngày 20/5.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53700633445_7a118698e0.jpg

Ông Vương Đình Huệ khi tuyên thệ nhận chức Chủ tịch Quốc hội hồi ngày 31/3/2021.  AFP Photo

 

Qua vụ việc của nguyên Chủ tịnh Quốc hội Vương Đình Huệ, các nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam và cả luật sư đều cho rằng quy trình, tiêu chuẩn bầu chọn Chủ tịnh Quốc hội của Việt Nam cũng chỉ là hình thức, bầu theo cơ chế "Đảng cử, dân bầu" chứ không được bầu bằng một cuộc bầu cử tự do.

 

Bầu chọn lãnh đạo của Việt Nam ra sao ?

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 3/5/2024 cho RFA biết ý kiến :

"Quốc hội về nguyên tắc là cơ quan đại diện cho nguyện vọng và quyền lực của nhân dân. Nó có chức năng giám sát và làm luật và như vậy nó là một cơ quan quan trọng trong việc định hình nên chính sách của quốc gia. Người lãnh đạo một cơ quan như vậy về nguyên tắc phải là một người có thực tài và có tâm, cái tâm muốn cống hiến vì sự phát triển của quốc gia".

Muốn chọn được những người giỏi vào làm lãnh đạo một cơ quan như quốc hội thì theo ông Vũ, trước hết cần có bầu cử, ứng cử tự do để chọn ra những đại biểu quốc hội xuất sắc. Từ những người đại biểu xuất sắc này, sau đó họ sẽ tự bầu ra một người lãnh đạo xuất sắc nhất, có tâm và uy tín nhất cho vị trí Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên ông Vũ nói tiếp :

"Đó là về mặt lý thuyết. Còn trong trường hợp của Việt Nam, những đại biểu quốc hội không phải là những người do dân bầu, mà họ được chính những cơ quan của Đảng cộng sản cơ cấu. Việc bỏ phiếu của người dân chỉ là hình thức. Vì vậy quốc hội gồm toàn những đại biểu do Đảng cộng sản cơ cấu và thường là những cán bộ cộng sản kiêm nhiệm. Một quốc hội yếu kém như vậy thì cho dù bầu theo kiểu nào thì nó cũng dẫn đến việc chọn ra những lãnh đạo kém cỏi".

Ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 3/5/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng, thật ra quốc hội Việt Nam không phải do người dân bầu ra, mà việc bầu đại biểu quốc hội chỉ là một vở kịch, biểu diễn để người dân nghĩ là Việt Nam có bầu cử.Ông Quân nói thêm :

"Trên thực tế các chức vụ đều đã được mua bán và sắp xếp sẵn từ trước khi bầu cử rồi. Còn ghế Chủ tịch Quốc hội thì cũng là do Bộ chính trị sắp xếp, chỉ định, chứ không có chuyện đại biểu quốc hội được bầu ra. Vì muốn có bầu cử thì phải có tranh cử. Trong khi đó đâu có ai tranh cử ở vị trí này, nếu có tranh thì chỉ là tranh giành, đấu đá chứ không phải tranh cử.

Tôi thấy tất cả những tiêu chuẩn của Chủ tịch Quốc hội chỉ là mị dân, họ đặt ra tiêu chuẩn để dân tưởng là Chủ tịch Quốc hội sẽ là người tài đức vẹn toàn. Nhưng chẳng có người tài đức nào tham gia vào đảng độc tài để tham nhũng, vơ vét của dân cả !"

 

Tiêu chuẩn nào ?

Ông Huệ hôm 26/4/2024, đã phải từ chức do "Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân". Tuy nhiên, dư luận cho rằng ông Huệ phải rời vị trí Chủ tịch Quốc hội do trước đó (hôm 21/4), trợ lý của ông là Phạm Thái Hà –Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã bị bắt.

Liệu vụ bê bối của nguyên Chủ tịnh Quốc hội Vương Đình Huệ có phải do quy trình giám sát lỏng lẻo hay còn gì khác ? Ông Trần Anh Quân nhận xét :

"Về mặt cá nhân ông Huệ thì vụ án này một vụ án tham nhũng, mà con mối chúa lại là người đứng đầu Quốc hội. Về mặt chính trị thì đây là chuyện đấu đá giành ghế qua chiêu bài chống tham nhũng. Vụ án này không tuân theo bất cứ một quy trình hay tiêu chuẩn nào, mà các phe nhóm đã tìm mọi cách để triệt hạ nhau. Đơn giản là phe ông Huệ thua thì ông Huệ bị phế truất. Vậy vẫn còn quá nhẹ, vì nếu làm đúng quy trình, đúng pháp luật của đại án tham nhũng thì ông Huệ phải bị hầu toà để chịu trách nhiệm hình sự".

Kỳ họp bất thường lần thứ 7 hôm 2/5/2024 cũng nhắc lại Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định, chức danh Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín, trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tiêu chuẩn để Ủy ban thường vụ Quốc hội căn cứ lựa chọn danh sách đề cử chức danh Chủ tịch Quốc hội được thực hiện theo Quy định 214-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Như vậy, chi tiết tiêu chuẩn, quy trình bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội không khác gì trước khi ông Vương Đình Huệ được chọn vào ghế Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Thay vì đánh giá về quy trình bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội hiện nay, thì theo luật sư Đặng Đình Mạnh, nên đánh giá cách tấn phong chức danh Chủ tịch Quốc hội theo cách mà Đảng cộng sản đang làm sẽ chính xác hơn. Luật sư Mạnh nói với RFA hôm 3/5 :

"Lúc này, tôi tin rằng mọi sự đánh giá đối với quy trình bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 đều chưa có cơ sở. Vì lẽ, trong hoàn cảnh chính trị Việt Nam hiện nay, chúng đều không được được áp dụng một cách đúng thẩm quyền và độc lập như là những văn bản của cơ quan lập pháp. Thực tế, chúng đều là những văn bản được vận dụng bởi sự lãnh đạo theo cách "cầm tay chỉ việc" của Bộ Chính Trị thuộc Đảng cộng sản Việt Nam.

Tuy rằng quốc hội được Hiến pháp quy định là cơ quan nắm giữ quyền lực cao nhất, thể theo đó, chức vụ Chủ tịch Quốc hội hoặc các chức danh đại biểu quốc hội cũng phải có thẩm quyền tương xứng. Thế nhưng, như chúng ta quan sát hoạt động của Quốc hội trong suốt nhiều thập kỷ qua thì đã thấy rõ. Hầu hết họ đều là đảng viên, họ được bầu theo cơ chế "Đảng cử, dân bầu" chứ không được bầu bằng một cuộc bầu cử tự do".

Do đó theo luật sư Đặng Đình Mạnh, Quốc hội được bầu theo tiêu chuẩn của Đảng cộng sản chứ không phải theo tiêu chuẩn của nhân dân. Chức danh Chủ tịch Quốc hội theo ông Mạnh cũng vậy, hơn nữa, chức danh ấy cũng bao hàm tư cách là một trong các thành viên đầy quyền lực của Bộ Chính trị. Ông Mạnh kết luận :

"Với cách tấn phong Chủ tịch Quốc hội như vậy, cho đến thời gian gần dây, khi xảy ra việc ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ mất chức, trong các thông cáo chính thức, thì phần đánh giá đều ghi rằng họ "được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở". Cho thấy, họ chính là sản phẩm thuần chất của chế độ, kể cả về tài, đức và bản chất tội phạm. Và đấy là cách tấn phong, hoặc nói theo cách nói của đảng là làm công tác nhân sự thất bại và đất nước phải trả giá cho sự thất bại đó".

 

Nguồn : RFA, 03/05/2024

 

********************************

.

Ông Nguyễn Phú Trọng và ‘trách nhiệm chính trị’

Lê Quốc Quân, VOA, 02/05/2024

Ngày 26/4 Trung ương Đảng đồng ý để ôngVương Đình Huệ "thôi giữ các chức vụ" với lý do ông Huệ đã vi phạm"Những điều đảng viên không được làm… và chịu trách nhiệm người đứng đầu", sau khi có vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà và những quan chức tập đoàn Thuận An.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53699809628_b9156cbd30.jpg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp của Quốc hội sáng 1/11/2023

 

Cũng tương tự như vậy, ngày 20/3/2024, ông Võ Văn Thưởng đã thôi giữ các chức vụ vì những lùm xùm liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn và các quan chức địa phương ở tỉnh Vĩnh Phúc. Trong tháng 1/2024, trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh buộc phải rời nhiệm sở.

Hơn một năm trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và 2 phó thủ tướng là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh cũng ngậm ngùi ra đi vì "chịu trách nhiệm chính trị". Bộ chính trị của Đảng cộng sản từ đầu nhiệm kỳ có 18 người nay chỉ còn lại 13.

 

"Trách nhiệm pháp lý" và "Trách nhiệm chính trị"

Trách nhiệm pháp lý, năng lực chịu trách nhiệm pháp lý và cơ sở truy cứu trách nhiệm pháp lý là những thuật ngữ pháp luật phức tạp. Nhưng tóm lại thì :Trách nhiệm pháp lý là hậu quả mà công dân phải gánh chịu khi vi phạm hoặc không thực hiện các hành vi mà pháp luật quy định.

Tuy vậy, không phải ai cũng phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý vì nó còn thể hiện ở"năng lực chịu trách nhiệm pháp lý". Một người được coi là không chịu trách nhiệm pháp lý khi :"Mắc bệnh tâm thần và không nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi".

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong pháp lý là cá biệt hóa trách nhiệm, nghĩa là ai làm người đó chịu, nhưng xã hội còn có nhiều loại trách nhiệm khác như :Trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị… thể hiện sự liên đới giữa các chủ thể với nhau.

Trách nhiệm chính trị là một khái niệm không rõ ràng và chưa có một văn bản nào quy định cụ thể nhưng gần đây nó được bàn thảo sôi nổi trên khắp các diễn đàn. Các cuộc bàn thảo kéo dài từ trung ương đến địa phương, từ đảng bộ tỉnh xuống chi bộ thôn. Nó còn xuất hiện trong mọi ngành nghề, lĩnh vực mà có nhân tố "đảng" lãnh đạo.

Trong một bài báo đăng trên báo Nhân Dân, tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng"Trách nhiệm chính trị là chế độ trách nhiệm đòi hỏi các quan chức chính trị phải có được sự tín nhiệm của nhân dân hoặc của những người đại diện cho nhân dân. Còn tín nhiệm thì còn chức quyền, hết tín nhiệm thì hết chức quyền".

Luật pháp và Đảng quy không có điều khoản nào phản bác cũng như ủng hộ quan điểm này của tiến sĩ Dũng, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam có Quy định số 08/QĐ-TW để về "Trách nhiệm nêu gương" và tại Điều 1 ghi rõ là "Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương", mà muốn nêu gương được thì phải có tín nhiệm. Vậy ai đo mức độ tín nhiệm ?

 

"Lấy phiếu tín nhiệm" và "Bỏ phiếu tín nhiệm"

Để đo mức độ tín nhiệm, Quốc hội dựa vàoNghị quyết số 85/2014/QH13 ban hành vào năm 2014 về việc"Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn".

Điều thú vị là Việt Nam luôn có cách làm "khác" với thế giới bằng những ngôn từ rất lạ mà đến các nhà ngôn ngữ học cũng phải đau đầu khó hiểu. Nghị quyết này của Quốc hội đưa ra 2 khái niệm : "Lấy phiếu tín nhiệm’ và "Bỏ phiếu tín nhiệm".

Trong "lấy phiếu" thì có 3 mức là :"tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp". Còn "bỏ phiếu" thì chỉ có 2 mức là :"tín nhiệm hoặc không tín nhiệm". Cùng một người, một sự việc có khi là "lấy phiếu" có lúc phải "bỏ phiếu".

Việc đo lường mức độ tín nhiệm thì luôn phải có 3 chủ thể tham gia :Nhân dân, Người thay mặt nhân dân (Quốc hội) và Đảng cộng sản.

Trong mối quan hệ tay ba này, Đảng đã đặt nhân dân ra ngoài cuộc chơi. Đảng thao túng toàn bộ Người đại diện của dân bằng việc cài cắmhơn 97% đảng viên làm Đại biểu quốc hội, rồi qua đó, Đảng giành lấy quyền quyết định vào những thời điểm nhất định, ai là người có tín nhiệm, ai là người không.

Đảng chưa bao giờ có một cuộc trưng cầu dân ý để xác định sự tín nhiệm của Đảng và sự đồng nhất giữa mong muốn của người dân và ý chí của Đảng. Sự tín nhiệm của nhân dân chưa chắc đã là sự tín nhiệm của Đảng ; ngược lại, sự bất tín nhiệm của nhân dân cũng có thể không nhất thiết là sự bất tín nhiệm của Đảng.

 

Độ tín nhiệm "mong manh"

Ví dụ như ông Võ Văn Thưởng đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước với số phiếu tín nhiệm rất cao (487/488 đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành). Ông Vương Đình Huệ thì 100% đại biểu tham gia tán thành bầu làm chủ tịch quốc hội.

Chúng ta còn nhớ hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi giữa 2 bên là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Ông nắm chặt tay Võ Văn Thưởng và nhân dân được dịp đồn đoán về một người kế vị cùng nghiên cứu "triết học Mác Lê Nin".

Sau khi ông Thưởng về vườn, nhân dân lại xôn xao về ông Vương Đình Huệ như là người có khả năng thay thế Tổng bí thư vì đã "cơ cấu từ lâu" và Chủ tịch Quốc hội thường là bước đệm để tiến lên chức Tổng bí thư, giống như ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Phú Trọng.

Cả hai ông đã đạt được phiếu tín nhiệm cao nhất để chọn làm Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội. Nhưng đây là sự tín nhiệm vô cùng mong manh vì không phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng thực sự của dân hoặc người đại diện của dân.

Bởi thế cho nên, chỉ một thời gian sau, Đảng lạicông bố  họ"vi phạm quy định và làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước". Mọi sự là do Đảng, thậm chí một số rất ít người trong Đảng.

Có rất nhiều lời đồn đoán phía sau nhưng xét về mặt hình thức thì không có một bằng chứng rõ ràng minh bạch nào được đưa ra. Nhân dân không có quyền và không có cách nào để xác định mức độ tín nhiệm thật đã có và quá trình mất tín nhiệm của các ông như thế nào.

Nhân dân chỉ biết một cách chắc chắn rằng chỉ đảng viên mới được làm quan chức, và chỉ có quan chức mới có quyền lực để tham nhũng và hiện naycàng chống càng tăng , càng phơi bày một thực tế suy đồi nghiêm trọng. Niềm tin về mức độ tín nhiệm như đang vữa ra từng mảng.

 

Pandora Box và hy vọng cuối cùng

Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọngxác định tham nhũng là giặc nội xâm  và quyết tâm đánh nó để tạo ra được sự "trong sạch" và vững mạnh cho đảng và chế độ. Sau hơn 13 năm cầm quyền, thực tiễn phơi bày ra trước mắt người dân rằng nỗ lực chống tham nhũng của ông là không khả thi.

Ông đã tự mở chiếc "Pandora Box" ra và nay thì nhân dân đã thấy thật sự bộ máy của Nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo là một tập hợp của những ổ tham nhũng lớn với sự băng hoại từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Trùm cuối được nhiều người xác định chính là thể chế và không bao giờ đập được chuột mà không vỡ bình vì chính cái bình đó là môi trường sinh ra chuột.

Một mặt, ta thấy "sự dữ" từ chiếc hộp Pandora do chính ông Trọng mở ra đang "bay là là" và phủ kín cả bầu trời vô minh, giống như bầu khí khuyển Hà Nội đang ô nhiễm nặng, đem đến viễn cảnh tồi tệ của tương lai dân tộc Việt Nam.

Nhưng mặt khác, thực tiễn cũng cho chúng ta những hy vọng giống như truyền thuyết về niềm hy vọng còn sót lại trong hộp Pandora. Chúng ta biết rằng tham nhũng luôn gắn liền"khuyết tật" của quyền lực và nếu giải quyết được thì có thể giúp quốc gia cất cánh.

Tham nhũng quan hệ hữu cơ với việc tạo dựng, tổ chức và sử dụng quyền lực. Vì vậy, nếu vì tương lai đất nước, Ông Nguyễn Phú Trọng nên tự nhận "Trách nhiệm chính trị", rồi cho phép tự do báo chí, mở rộng không gian dân sự, xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa chính sách, từng bước "nhốt quyền lực lại" trong một cơ chế "Check & Balance" (Kiềm chế và đối trọng) thì tự nó theo thời gian sẽ sửa chữa được khuyết tật của hệ thống.

Nếu được vậy, dân tộc Việt Nam sẽ tìm thấy niềm hy vọng để bình an đi tiếp vào tương lai.

 

Lê Quốc Quân

Nguồn : VOA, 02/05/2024

 

*******************************

.

Vương Đình Huệ bị loại mở đường cho nhiệm kỳ thứ tư của Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 30/04/2024

Chính trị nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam thời gian gần đây ắt hẳn khiến công chúng và giới quan sát kinh ngạc vì những diễn biến chưa từng có tiền lệ.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53699809633_22626e55f5.jpg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

 

Chỉ trong vòng 16 tháng đã có ba Ủy viên Bộ Chính trị hàng tứ trụ phải khăn gói ra đi theo một thủ tục đặc biệt gọi là "xin thôi". Quy trình này được Bộ Chính trị đưa ra từ tháng 11/2021 nhằm dàn xếp sự rút lui của các quan chức cấp cao nhất mà không phải áp dụng các hình thức kỷ luật Đảng bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Trong ba trường hợp này, vụ việc ông Nguyễn Xuân Phúc có vẻ dễ hiểu trong mắt công chúng. Ông Phúc được cho là để gia đình "dính" vào vụ Việt Á - một scandal tham nhũng trục lợi trên nỗi đau của dân chúng trong đại dịch Covid-19. Vụ việc vỡ lở, ông Phúc rút lui để chịu trách nhiệm chính trị cũng là điều hợp tình hợp lý.

Nhưng trường hợp ông Võ Văn Thưởng và mới đây nhất là ông Vương Đình Huệ lại khó hiểu với công chúng hơn rất nhiều khi hàng loạt câu hỏi được đặt ra và chưa hề được giải đáp.

Cứ cho là ông Thưởng mất chức vì để người thân nhận tiền của công ty Phúc Sơn thời ông làm Bí thư Quảng Ngãi cách đây 13 năm, còn ông Huệ phải ra đi vì vài chục năm qua để cho trợ lý Phạm Thái Hà mượn danh trục lợi từ doanh nghiệp, nhưng câu hỏi là phải chăng là tới giờ này các cơ quan kiểm soát của Đảng mới biết những điều này ? 

Đây là điều vô lý vì công tác kiểm soát nội bộ của các chế độ cộng sản luôn được ưu tiên hàng đầu do nhiều cơ quan cùng thực hiện nhằm kiểm chứng chéo lẫn nhau, bao gồm Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Cục Bảo vệ Chính trị Nội bộ thuộc Bộ Công an và cả Tổng cục II thuộc Bộ Quốc phòng. Đó là còn chưa kể đến Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương hoạt động rất tích cực dưới thời ông Trọng.

Thế thì, với những sai phạm cũ và kéo dài như vậy, vì sao ông Thưởng và ông Huệ có thể vượt qua những tiêu chí khắt khe đối với nhân sự cấp cao qua những kỳ Đại hội Đảng gần đây, để mà thăng tiến lên những vị trí cao nhất - hàng tứ trụ ?

Vì sao những sai phạm này không được đưa ra từ sớm, để chặn những nhân sự này thăng tiến từ đầu, mà đến tận 13 năm sau trong trường hợp ông Thưởng, hay như trường hợp ông Huệ là hàng chục năm sau ?

Câu trả lời đơn giản là vì người nắm quyền tối cao - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - muốn như vậy ?

Bằng cách này, và cứ thế này, chỉ trong khoảng hơn một năm nữa, tức là vào lúc Trung ương phải quyết định phương án nhân sự chủ chốt, sẽ không còn một lựa chọn khả dĩ nào khác ngoài ông Trọng cho vị trí Tổng bí thư, mặc cho hồ sơ sức khỏe và bệnh tình của ông.

Ông Trọng sẽ điềm nhiên tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 với lời biện bạch quen thuộc, rằng dù tuổi cao, sức yếu, năng lực có hạn, song không thể thoái thác nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó.

Nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng cũng sẽ được hợp thức hóa bằng việc sửa đổi Điều lệ Đảng - lần đầu trong 15 năm - ở kỳ Đại hội tới đây. Việc sửa đổi này được chính ông Trọng công bố lần đầu tiên vào tháng 2 năm nay và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu điều khoản giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh Tổng bí thư sẽ được gỡ bỏ.

Dĩ nhiên có người sẽ cho rằng ông Trọng không cần phải hao tâm tổn trí loại bỏ các thành viên tứ trụ khác như vậy. Với quyền lực hiện tại, nếu muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4, ông Trọng cứ thế mà ngồi lại vì rất ít ai dám thách thức vị trí của ông.

Tuy nhiên, với một người hay nhắc đến danh dự như ông Trọng, ngồi lại là một chuyện, ngồi lại nhưng không bị dèm pha và điều tiếng tham quyền cố vị lại là một chuyện khác. Ông Trọng đã từng gặp phải điều tiếng này vào Đại hội 13 khi ông ngang nhiên tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình bất chấp giới hạn nhiệm kỳ trong Điều lệ Đảng.

Ngoài những điều tiếng xì xào của công chúng, ông Trọng còn sẽ vấp phải phản ứng từ dư luận trong Đảng, đặc biệt là từ các nguyên lão - cán bộ cấp cao về hưu. Nhiều người trong số này thuộc lớp đàn anh của ông Trọng, vốn từng chịu ràng buộc về tuổi tác và giới hạn nhiệm kỳ, một cách tự nhiên sẽ không hài lòng trước việc ông Trọng cố tình vi phạm Điều lệ Đảng để ngồi lại. 

Họ có thể không phản đối ông Trọng một cách công khai, nhưng có thể tìm cách đưa ra thông điệp trong Đảng rằng ông Trọng nên nghỉ hưu để tạo điều kiện cho X, hoặc Y, hoặc Z - những người trẻ khỏe và có năng lực hơn, gánh vác trách nhiệm.

Bằng cách loại bỏ hết cả X lẫn Y lẫn Z, ông Trọng sẽ làm tắt tiếng những thông điệp như thế và tạo ra tình thế không còn lựa chọn hợp tình hợp lý nào khác ngoài cá nhân ông cho vị trí Tổng bí thư. 

Bởi vậy, có thể cho rằng việc ông Huệ và trước đó nữa là ông Thưởng và ông Phúc bị loại sẽ mở đường cho nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng.

 

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 30/04/2024

 

 



No comments: