Lịch
sử mối quan hệ Việt - Nhật qua các thời kỳ
Ái Thư - Luật
Khoa Tạp Chí
MAY 7, 2024
https://www.luatkhoa.com/2024/05/lich-su-moi-quan-he-viet-nhat-qua-cac-thoi-ky/
Quyển "Japon - Vietnam: Histoire d'une relation sous
influences". Đồ họa: Tùy Phong / Luật Khoa
Chùa
cầu ở Hội An ("Faifo" trong tiếng Nhật, còn được gọi là cầu Nhật Bản
hay cầu Lai Viễn Kiều) là minh chứng cho sự có mặt của người Nhật ở Việt Nam
vào thế kỷ XVI-XVII.
Theo
thống kê được đề cập trong quyển sách “Japon - Vietnam: Histoire d'une relation
sous influences” (tạm dịch: “Nhật Bản - Việt Nam: Lịch sử mối quan hệ dưới nhiều
ảnh hưởng”) [1], từ năm 2000 đến 2003, có 21 trong tổng số 38 cây cầu được xây
dựng tại 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam là do Nhật trợ giúp.
Không
chỉ ở Việt Nam, người Nhật cũng gây dấu ấn tại châu Á bằng những cây cầu, khiến
quốc gia này nổi tiếng với "nền ngoại giao cây cầu" (diplomatie du
pont).
Nhưng
mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản không chỉ dừng lại ở đó. Dấu ấn người Nhật
ở đất Việt còn nhiều hơn vậy.
Được
xuất bản năm 2004, cuốn sách “Japon - Vietnam: Histoire d'une relation sous
influences” có thể được xem như là một công trình nghiên cứu dễ hiểu và toàn diện
về mối quan hệ ngoại giao Việt - Nhật. Những nhà phân tích người Pháp (sau đây
gọi chung là tác giả) đã viết cuốn sách này với nhiều nguồn tài liệu tiếng Việt,
Nhật, Pháp và Anh.
Phần
một của cuốn sách mô tả sự xuất hiện và ảnh hưởng của Nhật Bản tại Việt Nam. Phần
hai trình bày các nội dung: chiến tranh và quân đội Nhật ở Việt Nam; góc nhìn
Nhật về chiến tranh và chính sách Đổi mới tại Việt Nam. Phần ba quyển sách phân
tích diễn biến ngoại giao của hai nước sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại
giao.
Dù
tác phẩm này đã ra đời hai thập niên, nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị, nhất là ở
bối cảnh hai quốc gia trở thành Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023. Trong
quyển sách, độc giả cũng có thể hiểu thêm về nhiều sự kiện mà ngày nay hai
chính phủ tìm cách lãng quên như tác động của nạn đói Ất Dậu và thuyền nhân.
Phong
trào Đông Du
Theo
tác giả cuốn sách, người đi đầu thúc đẩy quan hệ Việt Nhật chính là Phan Bội
Châu. Ông là một trí thức vừa khao khát chống Pháp, thoát ảnh hưởng của Trung
Quốc, vừa tìm kiếm một hình mẫu quốc gia văn minh tiến bộ như phương Tây mà vẫn
đậm chất Á Đông.
Những
nhà cải cách tại Việt Nam thời bấy giờ cho rằng cần học tập ở Nhật Bản trong việc
xây dựng cả lực lượng lục quân và hải quân hùng mạnh.
Thế
nhưng có vẻ như niềm tin của Phan Bội Châu và những trí thức Đông Du Bắc Việt bị
đặt nhầm chỗ. Người Nhật từ chối hỗ trợ những nhà cải cách Việt Nam chống Pháp,
vì hai lý do chính: tránh đối đầu trực diện với phương Tây (cụ thể là Pháp) và
Nhật bị hao hụt nguồn lực sau chiến tranh với Nga. Thay vào đó, Nhật công nhận
chế độ thực dân Pháp bằng Hiệp ước Pháp - Nhật năm 1907 để đổi lại hỗ trợ tài
chính của Pháp.
Năm
1908, Nhật đã trục xuất sinh viên Việt Nam trở về nước theo đề nghị của Pháp,
mà nhiều trong số họ phải tị nạn sang Trung Hoa Đại lục, trong đó có Phan Bội
Châu.
Xâm
chiếm Bắc Việt
Nhật
Bản tăng cường sự bành trướng của mình ở châu Á bằng con đường văn hóa, cụ thể
là phổ biến tiếng Nhật và quảng bá phương pháp giáo dục theo tinh thần mới của
Nhật.
Chiến
thắng trước Nga càng củng cố uy thế của Nhật. Tuy nhiên, điều này không đáp ứng
nhu cầu của những phong trào yêu nước đang diễn ra mạnh mẽ tại châu Á vào thập
niên 1940.
Nhật
muốn đặt những phong trào này dưới sự bảo hộ của mình và muốn kiểm soát giới
tinh anh của các nước châu Á.
Vào
cuối thập niên 1930, Nhật đã bành trướng khắp châu Á và bộc lộ ý đồ rõ rệt với
Đông Nam Á.
Tại
Đông Dương, khi bị Nhật chiếm đóng, nền kinh tế của các quốc gia được tái cấu
trúc chỉ để phục vụ Đế quốc Nhật. Người nông dân bị ép nhổ lúa, trồng đay nhằm
phục vụ công nghiệp. Họa vô đơn chí, thiên tai như lũ lụt kéo dài giai đoạn
1936-1939 cũng ập tới, khiến miền Bắc Việt Nam ngày càng kiệt quệ. Nạn đói ấy
cũng để lại những chấn thương tinh thần trong ký ức người Việt.
Sự
chiếm đóng của Nhật là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra nạn đói Ất
Dậu, khiến 10% dân số Việt Nam phải trực tiếp hay gián tiếp chịu hậu quả.
Người
Việt chỉ trích Nhật khá nhẹ nhàng. Có lẽ vì vậy, những người Nhật sinh ra sau
chiến tranh không hề nhận thức về thảm họa nhân đạo này.
Sau
khi đầu hàng năm 1945, quân đội Nhật còn được Việt Minh giữ lại và tham gia tư
vấn cho quân đội cộng sản. Chính điều này, theo tác giả, đã trở thành sự trớ
trêu hay sự mập mờ trong mối quan hệ hai nước.
Ngoại
giao nước đôi
Quan
hệ Việt - Nhật cũng thay đổi kể từ chuyến thăm của Nixon đến Trung Quốc năm
1971. Đó là cú sốc đối với đất nước mặt trời mọc vì Nhật luôn đứng về phía Mỹ
trong chính sách Đài Loan đối phó với Trung Quốc.
Trước
khi đến Trung Quốc nối lại mối quan hệ ngoại giao song phương năm 1972, Nhật
cũng có chuyến thăm bí mật tới Hà Nội và được đón tiếp nồng nhiệt, dù lúc đó,
Nhật đang duy trì quan hệ chính thức với Việt Nam Cộng hòa.
Ngay
cả khi vẫn tiếp tục hậu thuẫn Việt Nam Cộng hòa bằng viện trợ kinh tế (61 triệu
USD từ năm 1971 đến 1975) và những khoản đầu tư kinh doanh không hề suy giảm,
Nhật Bản thúc đẩy mối quan hệ với Bắc Việt.
Chính
quyền Hà Nội tỏ ra thiện chí nhưng thận trọng trước sự thân thiện bất ngờ của
Nhật, do ở thời điểm này, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Nhật đã bắt
đầu thuyên giảm.
Sau
năm 1975, Nhật Bản thực hiện đường lối ngoại giao tương đối độc lập với Mỹ và
nhanh chóng công nhận chính quyền cộng sản để thúc đẩy mối quan hệ với các nước
chế độ cộng sản trong khu vực và khối ASEAN nói chung.
Với
chủ trương của thủ tướng Fukuda, Nhật Bản bắt đầu chinh phục các quốc gia Đông
Nam Á bằng quyền lực mềm. Học thuyết Fukuda (Fukuda doctrine) nhấn mạnh Nhật sẽ
không trở thành cường quốc quân sự và không sở hữu vũ khí hạt nhân. Thay vào
đó, Nhật Bản sẽ hàn gắn mối quan hệ quần chúng với các các quốc gia Đông Nam Á
và thúc đẩy hòa bình khu vực.
Nhật
thất vọng vì Việt Nam đánh Campuchia
Quan
hệ Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia căng thẳng vào năm 1978.
Mỹ
và Nhật, đều thân thiện hơn với Trung Quốc và không mấy thiện cảm đối với Việt
Nam khi Việt Nam xích lại gần Liên Xô, đặc biệt là khi hai nước này ký Hiệp ước
Xô - Việt năm 1978.
Đã
vậy, việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia càng làm rạn nứt các mối quan hệ. Do
đó, Nhật cắt mọi viện trợ kinh tế ở Việt Nam và đứng về phía Mỹ, Trung, ASEAN,
đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.
Thậm
chí, năm 1984, Nhật còn chủ động đàm phán, gây áp lực Việt Nam. Cụ thể, nếu rút
quân khỏi Campuchia, Việt Nam sẽ nhận được trợ giúp kinh tế như trước (200 triệu
USD mỗi năm cho cả Đông Dương). Nhưng lời đề nghị hào phóng của cường quốc này
cũng không làm thay đổi quyết định của chính quyền Hà Nội. Do đó, Mỹ và Nhật mới
quyết tâm hơn nữa với chính sách chống cộng.
Dân
chúng Nhật Bản có những ý kiến trái chiều, đa phần ủng hộ Việt Nam và chính phủ
của Heng Samrin. Thế nhưng, cũng có người đứng về phía Trung Quốc và Khmer Đỏ.
Người Nhật cũng tham gia quá trình đàm phán Hiệp định Paris, góp phần tác động
Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.
Thuyền
nhân Việt đến Nhật
Thuyền
nhân Việt Nam hay những người tị nạn di cư ồ ạt, chạy trốn khỏi Lào và
Campuchia đến Nhật (khoảng hai triệu người từ năm 1975 đến 1981) đã dấy lên dư
luận ở Nhật Bản giữa trách nhiệm nhân đạo quốc tế và việc duy trì sự thuần nhất
sắc tộc để ngăn chặn luồng nhập cư.
Nhật
cũng bị quốc tế chỉ trích vì thiếu tinh thần đồng cảm và tương trợ, cho dù đã
trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Theo tác giả, cách tiếp nhận người tị nạn
Đông Dương của Nhật vào những năm 1970 đã cho thấy sự phân biệt chủng tộc của đất
nước này. Các tổ chức quốc tế nhân đạo phê phán Nhật không dang tay cứu những
người tị nạn trên biển.
Thái
độ của hành chính Nhật cũng khiến những người tị nạn cảm thấy không được hoan
nghênh. Họ chỉ ở lại Nhật trong thời gian ngắn và xem nơi đây để quá cảnh trước
khi sang các nước châu Âu hay Mỹ.
Năm
1978, Tổng thống Jimmy Carter kêu gọi thủ tướng Fukuda trợ giúp nhân đạo cho những
người tị nạn. Chỉ đến lúc đó Nhật mới có những chính sách thân thiện hơn, đồng
ý để những người tị nạn ở lại lâu dài.
Nhưng
ngay cả khi Nhật làm thế và có đóng góp hào phóng vào các quỹ nhân đạo thì việc
đóng cửa với người tị nạn cũng đã làm Nhật mất điểm trong mắt của người dân các
nước ASEAN.
Thời
kỳ Đổi mới
Thiếu
vắng các nguồn tài trợ và đầu tư, Liên Xô và khối COMECOM giảm viện trợ, nền
kinh tế Việt Nam kiệt quệ và buộc phải “Đổi mới". Nhật cũng xem xét lại
tình hình và nhận thấy viện trợ cho Việt Nam cũng là một cách ổn định khu vực
và phát triển lâu dài.
Thực
ra theo tác giả, quan điểm ngoại giao của Nhật với Việt Nam rất thực dụng. Nhật
không đưa ra bất cứ điều kiện chính trị hay nhân đạo nào đối với Việt Nam.
Nhật
cũng không tin tưởng việc phát triển kinh tế chắc chắn có thể dẫn tới dân chủ.
Thế nên việc chờ dân chủ chín muồi ở Việt Nam rồi mới viện trợ hay có thể làm
gián đoạn sự phát triển khu vực mà Nhật quan tâm.
Vào
những năm 1990, trong khi đang thi hành chính sách cô lập và trừng phạt Việt
Nam, Mỹ vẫn gây áp lực để Nhật không nối lại viện trợ cho Việt Nam. Chừng nào Mỹ
còn trừng phạt Việt Nam, Nhật chỉ có thể tăng cường trợ giúp nhân đạo hay phát
triển nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Quan
hệ kinh tế hồi phục
Năm
1992, Nhật trở thành nhà viện trợ phát triển lớn nhất của Việt Nam với 282 triệu
USD và Việt Nam trở thành nước nhận viện trợ lớn thứ tư của Nhật. Nhật chú trọng
tới việc nhập khẩu dầu từ Việt Nam và nhanh chóng trở thành đối tác thương mại
lớn nhất Việt Nam thời điểm bấy giờ.
Thời
điểm này cũng là lúc mà Nhật tăng cường ngoại giao với nhiều nước trong khu vực,
đặc biệt là Indonesia, Thái Lan và Campuchia.
Sau
khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, Nhật tuyên bố viện trợ thêm cho Việt Nam cả các kênh song
phương và đa phương.
So
với các nước ASEAN khác, Việt Nam luôn nhận được mức tài trợ ưu ái hơn từ Nhật
Bản. Ngành Việt Nam học tại Nhật cũng phát triển đáng kể từ năm 1975.
“Japon
- Vietnam: Histoire d'une relation sous influences” là một công trình nghiên cứu
công phu và tương đối toàn diện chỉ với hơn 100 trang sách, phức tạp về mối
quan hệ Việt Nhật.
Tác
giả cũng khẳng định, trong quá khứ quan hệ Nhật Bản và Việt Nam hoàn toàn có cơ
hội để phát triển hơn nữa nhưng cả hai phía, ở những thời điểm nhất định, đều
có những lý do riêng để làm chậm chúng, và cũng không muốn nói nhiều về chúng.
Nếu
như Nhật đã ra sức chinh phục Indonesia ở thế kỷ XX vì tài nguyên trù phú của đất
nước này, thì có lẽ thế kỷ XXI, Nhật sẽ chọn Việt Nam vì nguồn nhân lực dồi
dào.
Bài
viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài
cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại
đây.
Ban
biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú
thích
[1] Guy Faure and Laurent Schwab, Japon - Vietnam:
Histoire d'une relation sous influences, Indes Savantes, 2004.
No comments:
Post a Comment