Wednesday, May 1, 2024

GHI CHÉP CỦA MỘT NHÂN VIÊN CIA NGÀY 30 THÁNG TƯ, 1975 (Huỳnh Duy Lộc / Saigon Nhỏ)

 



Ghi chép của một nhân viên CIA ngày 30 Tháng Tư, 1975

Huỳnh Duy Lộc – Saigon Nhỏ

30 tháng 4, 2024

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/ky-uc-30-4/ghi-chep-cua-mot-nhan-vien-cia-ngay-30-thang-tu-1975/  

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1354478204-1024x830.jpg

Những người tị nạn Việt Nam đầu tiên ra đi ngày 29 tháng Tư 1975 được trực thăng đưa đến HKMH USS Midway giữa Thái Bình Dương trong Chiến dịch Gió Lốc. (Hình tư liệu Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images).

 

Vào những ngày cuối Tháng Tư, 1975, nhà báo Stanley Karnow đã trở về Mỹ, nhưng vẫn theo sát diễn biến của tình hình ở Sài Gòn. Ông đã kể lại diễn tiến của cuộc đại di tản (exodus) của người Việt khi Sài Gòn sắp thất thủ.

 

Từ các điện văn mật

 

Sáu ngày trước, các nhà lãnh đạo tại Hà Nội đã chuyển một bức mật điện cho Tướng Văn Tiến Dũng tại chỉ huy sở của ông gần Ban Mê Thuột, báo cho ông biết rằng quyết định mới nhất là “giải phóng” miền Nam trước khi mùa mưa đến vào Tháng Năm.

 

Mối bận tâm chủ yếu của họ là đến Sài Gòn càng nhanh càng tốt trước khi quân đội miền Nam tập hợp lực lượng trở lại để bảo vệ nó. Họ chỉ thị cho Tướng Dũng chuyển quân ra khỏi vùng duyên hải khi đang đến gần Nha Trang để tiến thẳng về thủ đô của miền Nam. Thế là Tướng Dũng chuyển chỉ huy sở tới Lộc Ninh để ở gần Sài Gòn hơn.

 

Tướng Trần Văn Trà và ông Phạm Hùng, người lãnh đạo Trung Ương Cục Miền Nam, đến hiệp lực với ông trong một căn nhà xây bằng tre ở ngoại ô thành phố Lộc Ninh. Ngày 7 Tháng Tư, trong khi bàn thảo về kế hoạch tác chiến, Tướng Dũng và các đồng chí của ông nghe tiếng xe gắn máy nổ giòn giã ở bên ngoài. Người lái chiếc xe gắn máy là một người cao lớn mặc áo màu xanh và quần dài khaki, vai đeo một chiếc túi màu đen. Lê Đức Thọ (bí danh Sáu Búa) mới từ Hà Nội vào để chỉ đạo giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến được gọi là “Chiến dịch Hồ Chí Minh.” Cuộc tấn công vào Sài Gòn sẽ được phát động trước tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư. Tướng Trần Văn Trà nhớ lại: “Bắt đầu từ lúc ấy, chúng tôi chạy đua với thời gian…”

 

Lúc này, John Gunther Dean, đại sứ Mỹ tại Cambodia, đang tổ chức cuộc di tản bằng máy bay trực thăng cho nhân viên đại sứ quán và một số người Cambodia được lựa chọn ra chiếc hàng không mẫu hạm đậu trong Vịnh Thái Lan. Việc di tản ở Việt Nam cũng giống như thế nhưng quy mô lớn đến mức choáng váng. Số nạn nhân tiềm tàng khi lực lượng Cộng Sản giành chiến thắng là ngoài 600 người Mỹ sẽ còn có hơn 100,000 người Việt đã từng là hay đang là nhân viên của những cơ quan khác nhau của Mỹ – và nếu kể thêm thân nhân của họ, con số phải lên đến hàng triệu người.

 

Một cuộc đại di tản (exodus) có quy mô lớn như vậy từ miền Bắc vào miền Nam đã diễn ra êm thắm suốt ba tháng hồi năm 1954, nhưng tình thế hiện nay lại khác hoàn toàn. Mối nguy cơ tiềm tàng là quân lính chính phủ đang mất bình tĩnh có thể giết chết những người Mỹ và những người Việt đi theo…

 

Sau này, Đại Sứ Graham Martin giải thích rằng chính vì sợ gây ra tình trạng hỗn loạn mà ông đã không ra lệnh cho di tản sớm hơn. Mãi đến cuối Tháng Tư, sự chần chừ của ông có nguyên do là ông còn tin rằng vẫn có thể giữ được khu vực Sài Gòn và chìa khóa để giữ vững Sài Gòn là có thêm $700 triệu viện trợ của Mỹ để thành lập thêm những đơn vị quân đội mới theo khuyến cáo của Tướng Fred Weyand, vị chỉ huy cuối cùng của quân đội Mỹ tại Việt Nam.

 

Đại Sứ Martin gọi điện cho những người bạn của ông trên đồi Capitol để xin tiền viện trợ. Ẩn phía sau những lời khẩn cầu này là động thái quy hết trách nhiệm cho Quốc Hội Mỹ trong sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam và quả thật, những năm sau đó, Kissinger, Graham Martin và nhiều người nữa cho rằng cơ quan lập pháp của Mỹ chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam.

 

Tuy nhiên, các chính khách tại Mỹ chỉ phản ảnh quan điểm của đại đa số người Mỹ không còn muốn hỗ trợ chính phủ Sài Gòn. Tổng Thống Gerald Ford cũng từng là một nghị sĩ, đã nhận ra tâm thế của mọi người dân sớm hơn nhiều viên chức khác trong chính phủ của ông.

Ngày 23 Tháng Tư, khi nói chuyện trước các sinh viên ở đại học Tulane tại New Orleans, ông tuyên bố cuộc chiến tranh Việt Nam đã thuộc về quá khứ: “Ngày hôm nay, người Mỹ có thể lấy lại niềm tự hào đã từng có trước cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng chúng ta không thể lấy lại niềm tự hào bằng cách chiến đấu trở lại trong một cuộc chiến đã kết thúc… Những biến cố này dù có bi thảm vẫn không đồng nghĩa với sự cáo chung của thế giới hay sự kết thúc vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới…”

 

Thế là dưới áp lực mạnh mẽ từ Washington, cuối cùng phái bộ ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn phải thực hiện kế hoạch di tản. Trong những tuần lễ trước đó, 50,000 người Mỹ và người Việt đã ra đi.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/Hinh-2-Bai-2-1536x1019.jpg

Hàng dài người xếp hàng dài trên vỉa hè ở phi trường Tân Sơn Nhứt, vội vã làm thủ tục xuất cảnh, rời Sài Gòn vào Tháng Tư, 1975. (ảnh: Getty Images)

 

Ngày 29 Tháng Tư, lực lượng Cộng Sản pháo kích phi trường Tân Sơn Nhứt nên phương án cuối cùng được lựa chọn là Phương Án IV (Option IV) – cuộc di tản bằng máy bay trực thăng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong vòng 18 tiếng đồng hồ, một đội máy bay gồm 70 trực thăng của Hải Quân Mỹ đã chở 1,000 người Mỹ và gần 6,000 người Việt ra khỏi thành phố Sài Gòn đang bị vây hãm – trong đó có 2,000 người tại đại sứ quán Mỹ…” (“Vietnam, a history, Stanley Karnow, tr. 666, 667, 668).

 

Tuy nhiên, sau 18 tiếng thực hiện chiến dịch “Frequent Wind,” Bộ Chỉ Huy Hải Quân Mỹ ở Hawaii mới tá hỏa khi nhận được báo cáo vẫn còn 11 lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ ở trên nóc đại sứ quán Mỹ nên vội vàng điều ngay một chiếc trực thăng Blackhawk trở lại Sài Gòn.

 

 

Những mảnh ghép về cuộc ra đi.

 

Nhà báo Peter Arnett kể: “Tôi thấy những đám người đứng chờ trên nóc năm cao ốc ở trung tâm thành phố, mắt dõi nhìn lên bầu trời. Tôi tự hỏi không biết họ có hiểu rằng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng rồi tiếng động cơ quen thuộc của một chiếc trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ lại vang lên khi nó lượn quanh hai ngọn tháp của nhà thờ Đức Bà gần Công Trường Kennedy rồi đậu trên nóc đại sứ quán Mỹ. Một nhân viên phục vụ của nhà hàng trao cho tôi một cặp ống nhòm và tôi thấy vài người lính Thủy Quân Lục Chiến có vũ trang chạy ra thật nhanh từ những lô cốt chất bao cát trên nóc đại sứ quán và leo lên chiếc trực thăng. Trong vòng không đầy 1 phút, những người lính Mỹ cuối cùng ở Sài Gòn đã bay đi…”

 

Câu chuyện của phi công Bob Caron lái chiếc trực thăng đáp trên nóc cao ốc Pittman trên đường Gia Long (nay là tòa nhà số 22 đường Lý Tự Trọng, quận 1, Sài Gòn) vào ngày 29 Tháng Tư, 1975 được kể lại như sau:

 

Vào ngày 29 Tháng Tư, 1975, Bob Caron rất băn khoăn. Từ nhiều ngày trước, ông đã biết những người Mỹ cuối cùng còn ở lại Sài Gòn đã có kế hoạch di tản trước khi quân đội miền Bắc áp sát phía Nam và chuẩn bị chiếm lấy thành phố. Viên phi công lái trực thăng 41 tuổi của Air America mong muốn nhận được lệnh di tản sớm hơn để có thể chở được nhiều người hơn tới hàng không mẫu hạm đang đậu giữa Thái Bình Dương.

 

Thế nhưng, ông chỉ nhận được lệnh sau một bữa ăn sáng muộn là phải cứu được thật nhiều người chỉ vài giờ chứ không phải vài ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Ông ngồi trong ngôi nhà của mình ở Fort Walton Beach, nhớ lại: “Khi ấy là tình trạng hỗn loạn cùng cực.”

 

Lúc ấy còn rất ít người Mỹ ở Sài Gòn, nhưng tin tức nói rằng có thể hàng ngàn người Việt có thể bị giết chết hay bị giam cầm khi quân đội Bắc Việt chiếm được thành phố. Khi hay tin người Mỹ sắp sửa di tản, họ đã mang theo những gì quý giá nhất của mình trong những va li nhỏ, leo lên nóc các tòa nhà, đưa mắt dõi nhìn về phía con tàu không rõ hình dáng đang neo đậu ngoài khơi.

 

Air America và giới chức quân sự Mỹ đã có một kế hoạch là họ đã thử nghiệm trên nóc đại sứ quán Mỹ và nhiều cao ốc khác khắp thành phố để xem nóc nhà có thể chịu được sức nặng của một chiếc trực thăng hay không. Các phi công sẽ cho trực thăng đáp xuống nóc các tòa nhà và chở những người di tản đến sân đậu của những chiếc máy bay PX của hải quân, để chúng chở họ ra hàng không mẫu hạm ngoài khơi.

 

Cho trực thăng đáp xuống nóc một tòa nhà khá nguy hiểm vì nóc nhà thường có những ống dẫn hay những chướng ngại vật khác, nhưng Bob Caron tự tin mình có thể tránh dược rủi ro khi giữ cho cánh quạt của trực thăng tiếp tục quay tít. Khi ông đáp xuống nóc cao ốc Pittman, đã có mấy chục người chờ sẵn. Khoảng 50 người đã leo lên một chiếc thang nhỏ dẫn lên nóc. Ông biết là sẽ không có đủ chỗ và đủ thời gian cho tất cả mọi người, nhưng nhiệm vụ phải hoàn thành trước bình minh. Nhiều người cố gắng leo lên trực thăng và năm hoặc sáu người buộc chung một sợi đai an toàn, nhưng Bob Caron nhớ lại rằng “lúc đó sợi đai an toàn chẳng còn có ý nghĩa gì nữa vì ai cũng chỉ muốn thoát ra khỏi địa ngục.”

 

Ảnh chụp chiếc trực thăng của Bob Caron trên nóc cao ốc Pittman đã trở thành hình ảnh biểu trưng của ngày 30 Tháng Tư, 1975. Khi trời hửng sáng, các phi công đã chở được nhiều người ra hàng không mẫu hạm và nhiều phi công đã phải cho đẩy trực thăng của mình xuống biển để những chiếc trực thăng khác có chỗ đáp xuống. Bob Caron nhớ lại rằng ông đã thực hiện ba chuyến bay từ thành phố ra hàng không mẫu hạm. Ông cũng nhớ nhiều người Việt ném con cái của họ vượt qua hàng rào và nói: “Nếu không cứu được chúng tôi thì hãy cứu con chúng tôi!” Ba ngàn người Việt (con số đúng hơn là 6,000 người) đã được di tản bằng trực thăng. Bob Caron đến Việt Nam gần 10 năm trước khi Sài Gòn thất thủ. Số liệu được nhà báo Lauren Sage Reinlie, báo Daily News, ghi lại trong số ra ngày 29 Tháng Tư, 2013.

 

Đó là những hình ảnh cuối cùng của một nền Cộng Hòa bị chính đồng minh của mình ngoảnh mặt. Chiến tranh chấm dứt, nhưng đau thương vẫn tiếp tục kéo dài ở miền Nam Việt Nam, nơi đang nỗ lực để một nền dân chủ non trẻ được nhiều nước Châu Á nhìn vào ngưỡng mộ, như lời cố Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan phát biểu: “Chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả cho loại hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối cho thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau.”

 

 

 

 



No comments: