Saturday, May 4, 2024

BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ 'CHÍNH SÁCH XOA DỊU' TRONG VIỆC ĐỐI PHÓ VỚI PUTIN (Stephen M. Walt  |  Foreign Policy)

 



Bài học lịch sử từ 'chính sách xoa dịu' trong việc đối phó với Putin

Stephen M. Walt  |  Foreign Policy

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
03/05/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/05/03/bai-hoc-lich-su-tu-chinh-sach-xoa-diu-trong-viec-doi-pho-voi-putin/

 

Biện hộ cho việc gạt bỏ hoạt động ngoại giao bằng cách viện dẫn thỏa thuận của Neville Chamberlain với Đức Quốc Xã là cố tình vận dụng sai lịch sử một cách thiếu hiểu biết.

 

Tôi phản đối việc kiểm duyệt, nhưng các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại ở Mỹ sẽ cải thiện đáng kể nếu các chính trị gia và học giả ngừng bảo vệ các khuyến nghị của mình bằng cách liên tục viện dẫn Neville Chamberlain và cái gọi là “bài học Munich.” Bất cứ khi nào ai đó nói với tôi rằng một sự kiện lịch sử nào đó chính là lý do tại sao Mỹ phải làm một điều gì đó ngày hôm nay, tôi lại có xu hướng nghĩ rằng mình đang bị lừa.

 

Tôi tin là bạn biết tôi đang nói về điều gì. Gần 86 năm trước, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Neville Chamberlain đã gặp các đại diện của Đức Quốc Xã tại Munich, vì ông tin rằng việc để Đức chiếm được Sudetenland (một vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc khi đó có phần lớn dân số là người gốc Đức) sẽ thỏa mãn tham vọng xét lại của Adolf Hitler và đảm bảo “hòa bình cho thời đại chúng ta.”

 

Nhưng chuyện đã không xảy ra như vậy: Hitler vẫn tiếp tục chiếm phần còn lại của Tiệp Khắc, rồi sau đó xâm lược Ba Lan vào tháng 9/1939. Kết quả là Thế chiến II, một cuộc tàn sát khiến hàng triệu người chết trong những điều kiện kinh hoàng. Kể từ đó, vô số chính trị gia và học giả đã xem thất bại trong việc ngăn chặn Hitler ở Munich là sự kiện mang tính giáo dục lớn nhất trong lịch sử thế giới, một sai lầm về chính sách đối ngoại không bao giờ được phép lặp lại.

 

Đối với nhóm người này, bài học là các nhà độc tài sẽ luôn hung hăng và người ta không nên cố gắng xoa dịu họ. Ngược lại, phải kiên quyết chống lại mục tiêu của nhà độc tài, và bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng đều phải bị ngăn chặn một cách dứt khoát – và nếu cần thiết, thì phải bị đánh bại hoàn toàn. Cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman từng viện dẫn Munich để biện minh cho việc Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên, và cựu Thủ tướng Anh Anthony Eden cũng làm điều tương tự khi quyết định tấn công Ai Cập trong Khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956. Kiểu lập luận này vẫn còn rất thịnh hành cho đến tận hôm nay: Hồi tháng 2, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương Frederick Kempe đã viết rằng “mùi hôi của chính sách xoa dịu” đang tràn ngập các cuộc tranh luận về Ukraine. Và chỉ mới vài tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul đã thúc giục các đồng nghiệp bỏ phiếu cho gói viện trợ mới nhất cho Ukraine bằng cách nói rằng “Các vị phải tự hỏi mình câu hỏi này: Tôi là Chamberlain hay Churchill?”

 

Xin nói rõ: Nếu tôi là thành viên Quốc hội Mỹ – một viễn cảnh thật đáng sợ – tôi sẽ ủng hộ việc cung cấp thêm viện trợ cho những người Ukraine đang bị bao vây. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải bởi vì tôi nghĩ Tổng thống Nga Vladimir Putin là Hitler thứ hai đang quyết tâm tiến hành chiến tranh khắp châu Âu theo cách mà Đức Quốc Xã đã từng làm. Những gì đã xảy ra ở Munich năm 1938 gần như chẳng liên quan đến những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay, và việc viện dẫn nó nhiều khả năng sẽ gây hiểu lầm hơn là cung cấp thông tin. Đó là một khẩu hiệu chính trị được nguỵ trang thành phân tích nghiêm túc.

 

Trước tiên, những người nhắc đến Munich có lẽ không biết điều gì thực sự đã xảy ra vào năm 1938. Trái ngược với câu chuyện chúng ta thường nghe, Chamberlain không hề ngây thơ trước Hitler, và ông cũng hiểu rõ những nguy hiểm do Đức Quốc Xã gây ra. Quả vậy, ông đã ủng hộ nỗ lực tái vũ trang của Anh trong nửa sau của thập niên 1930. Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng nước Anh đã sẵn sàng cho chiến tranh và xem thỏa thuận ở Munich là một cách để câu giờ cho đến khi Anh tiến hành tái vũ trang. Ông hy vọng rằng thỏa thuận đạt được tại Munich sẽ làm hài lòng Hitler và đảm bảo hòa bình ở châu Âu, nhưng ngay cả khi nó không thành công, thì Anh (và Pháp) vẫn sẽ ở thế chiến đấu tốt hơn khi chiến tranh xảy ra.

Chamberlain đã đúng: vào mùa xuân năm 1940, Anh và Pháp có lực lượng trên chiến trường lớn hơn Đức, và thất bại nhanh chóng và bất ngờ của họ trong Trận Các vùng đất thấp (Battle of the Low Countries) là do thất bại về chiến lược và tình báo, chứ không phải là vì thiếu xe tăng, quân đội, hay máy bay.

 

Hơn nữa, việc lựa chọn đường lối cứng rắn hơn vào năm 1938 cũng không ngăn được Hitler bắt đầu chiến tranh. Giờ đây, chúng ta biết rằng Hitler đã thất vọng sâu sắc với kết quả ở Munich, vì ông đã kỳ vọng sẽ tìm được nguyên nhân gây chiến, nhưng chính sách ngoại giao của Chamberlain lại tước mất cơ hội mà Hitler khao khát nắm lấy để đè bẹp Tiệp Khắc về mặt quân sự. Các sĩ quan Đức phản đối cuộc xâm lược có thể đã lật đổ Hitler nếu ông ta ra lệnh tấn công, nhưng không có gì đảm bảo rằng một âm mưu như vậy sẽ thành công ngay cả khi nó được thực hiện. Có một sự thật khó chịu là, dù sớm hay muộn, Hitler cũng sẽ tham chiến, và một kết quả khác xảy ra vào năm 1938 cũng không ngăn cản được Thế chiến II.

 

Thứ hai, nỗi ám ảnh dai dẳng về Munich đã đặt quá nhiều giá trị vào một sự kiện riêng lẻ, trong khi xem những thỏa hiệp và thỏa thuận khác giữa các cường quốc về cơ bản là không liên quan. Thật khó để tưởng tượng ra một cách sử dụng lịch sử ngu ngốc hơn: xem một sự kiện duy nhất là có giá trị phổ quát và cố tình bỏ qua những sự kiện kể một câu chuyện khác. Nếu bạn vô tình ăn phải một bữa không ngon tại một nhà hàng Trung Quốc, sẽ thật ngớ ngẩn khi bạn kết luận rằng tất cả các nhà hàng Trung Quốc đều tệ, và quyết tâm không bao giờ ăn ở đó nữa. Nhưng đó lại chính là cách các nhà lãnh đạo và chuyên gia sử dụng sự kiện Munich, như thể bài học của nó là bài học duy nhất mà lịch sử cung cấp.

 

Cụ thể hơn, việc liên tục nhắc đến Munich sẽ loại bỏ tất cả những trường hợp các cường quốc tự đảm bảo an toàn cho mình mà không cần chiến tranh, bằng cách đạt được những thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với đối thủ. Chúng ta có xu hướng bỏ qua những ví dụ thỏa hiệp vì khi đó kết quả không có gì đáng chú ý – cuộc sống cứ thế tiếp diễn mà không có một cuộc chiến lớn xảy ra. Tuy nhiên, những “sự kiện không phải sự kiện” này cũng có thể cung cấp thông tin nhiều như những tình huống kịch tính trong đó các quốc gia không thể giải quyết được khác biệt với nhau và cuối cùng đi đến chiến tranh.

 

Bạn đang tìm kiếm một số ví dụ về chính sách xoa dịu thành công? Tại sao không xem xét Hiệp ước Nhà nước Áo năm 1955, vốn đã buộc quân đội Liên Xô rời khỏi Áo để đổi lấy một tuyên bố trung lập? Hoặc hãy xem xét các hiệp ước kiểm soát vũ khí khác nhau được đàm phán giữa Mỹ và Liên Xô, vốn giúp ổn định cuộc chạy đua vũ trang và giảm thiểu khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã xoa dịu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev khi đồng ý loại bỏ tên lửa Jupiter ở Thổ Nhĩ Kỳ, để đổi lấy việc Khrushchev rút các tên lửa có vũ khí hạt nhân mà ông đã cố gắng lắp đặt ở Cuba, và tất cả chúng ta vẫn còn sống cho đến hôm nay là vì Kennedy đã hành động như vậy. Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger đã làm điều tương tự khi họ đồng ý với chính sách “Một Trung Quốc” của Mao Trạch Đông – một động thái giúp cải thiện vị thế của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh – dù Mao là một nhà độc tài tàn nhẫn đã gây ra cái chết của hàng triệu người.

 

Và như nhà sử học Paul Kennedy đã lập luận nhiều năm trước, một lý do khiến Đế quốc Anh có thể tồn tại lâu dài đến vậy là vì các nhà lãnh đạo nước này sẵn sàng nhượng bộ một cách hạn chế đối với những kẻ thách thức tiềm năng – tức là xoa dịu họ – theo đó làm giảm số lượng đối thủ mà họ phải đối mặt trong bất kỳ thời điểm nào và giảm bớt gánh nặng phải cùng lúc bảo vệ từng tấc đất của đế chế. Một khi chúng ta ngừng tập trung vào năm 1938 và nhìn rộng hơn, những bài học được cho là vượt thời gian của Munich sẽ trở nên kém thuyết phục hơn nhiều.

 

Thứ ba, khẳng định rằng Munich cho chúng ta biết cách đối phó với những nhà độc tài chứa đựng một mâu thuẫn đáng chú ý. Cái giá phải trả của Thế chiến II và nỗi kinh hoàng của Thảm hoạ Holocaust đã khiến chúng ta xem Hitler là một trong những nhân vật xấu xa nhất trong lịch sử. Tin tốt là những nhà lãnh đạo tàn bạo và liều lĩnh như Hitler rất hiếm. Nếu trường hợp đó xảy ra – và nếu sự kết hợp giữa chứng hoang tưởng, thói phân biệt chủng tộc, và sự liều lĩnh chấp nhận rủi ro của Hitler là nguyên nhân chính gây ra Thế chiến II ở châu Âu – thì Munich không nên được xem là một sự kiện có tính đại diện cao với những tác động sâu rộng, mà nên là một sự kiện cực kỳ bất thường, không nói lên nhiều điều về các tương tác giữa các cường quốc. Thay vì đối xử với mọi nhà độc tài như thể họ là Hitler, chúng ta nên biết ơn vì những nhà lãnh đạo như Hitler rất hiếm, và tập trung vào việc đối phó một cách khôn ngoan với những nhà độc tài ngày nay.

 

Có rất ít lý do để nghĩ rằng tất cả những nhà độc tài đều tham vọng, hung hăng, liều lĩnh, và nguy hiểm như nhau. Chắc chắn, một vài nhà độc tài đã gây ra rắc rối lớn trên trường thế giới – như Napoléon Bonaparte của Pháp, Benito Mussolini của Ý, và các lãnh đạo quân phiệt của Đế quốc Nhật Bản – nhưng những nhà độc tài khác lại ít có xu hướng sử dụng vũ lực hơn các đối tác dân chủ của họ.

 

Những bài học được cho là của Munich cũng dựa trên một quan điểm đơn giản về động cơ khiến các quốc gia hành động. Những người viện dẫn Munich cho rằng những nhà độc tài luôn tìm kiếm cơ hội để gây chiến với quốc gia khác, và điều duy nhất cản trở họ là ý chí phản kháng của các quốc gia khác (và đặc biệt là của Mỹ). Tuy nhiên, đối với hầu hết các nhà lãnh đạo, các quyết định sử dụng quân đội để thách thức hiện trạng là kết quả của một đánh giá phức tạp hơn nhiều về các mối đe dọa, khả năng, cơ hội, xu hướng, sự ủng hộ trong nước, và các lựa chọn quân sự. Khả năng bị nước khác chống trả chỉ là một yếu tố trong tính toán của họ.

 

Bài học mà người ta thường rút ra từ Munich là không bao giờ nên xoa dịu một nhà độc tài. Vấn đề là chính quyền Biden không hề xoa dịu Putin vào nửa cuối năm 2021, thay vào đó đưa ra một loạt đe dọa răn đe, nhưng Putin vẫn tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Tương tự, Mỹ đã không xoa dịu Nhật Bản vào năm 1941, mà tiếp tục gia tăng áp lực lên người Nhật và từ chối xem xét lại các yêu cầu của mình. Những bài học ở Munich đã được tuân theo đến từng chi tiết, nhưng kết quả lại là Trân Châu Cảng.

 

Nỗi ám ảnh với Munich cũng có cái giá phải trả của riêng nó. Việc xem mọi nhà độc tài mà Mỹ không ưa thích như thể họ là hiện thân của Hitler chỉ gây thêm khó khăn cho việc theo đuổi những thỏa hiệp khôn ngoan, có thể thúc đẩy lợi ích của Mỹ và giảm nguy cơ chiến tranh. Chẳng hạn, việc xem Cộng hòa Hồi giáo Iran là phiên bản Shiite của Đức Quốc Xã đã làm suy yếu và cuối cùng phá hủy thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, và Iran đang ngày càng tiến gần hơn đến việc sở hữu bom hạt nhân. Liệu cách tiếp cận đó có làm cho Mỹ hoặc các đồng minh Trung Đông của nước này an toàn hơn không?

 

Tương tự, việc xem Putin là hiện thân của Hitler và khăng khăng rằng chúng ta phải hành động như Thủ tướng Anh Winston Churchill – người kế nhiệm Chamberlain – đã ngăn cản một giải pháp ngoại giao giúp Ukraine tránh bị tàn phá thêm và cho phép Mỹ tập trung vào các ưu tiên khác. Bằng cách khiến bất kỳ hình thức thoả hiệp ngoại giao nào cũng giống như một lời mời xâm lược, phép so sánh với Munich đã giới hạn rằng các quan chức Mỹ chỉ có thể đưa ra yêu cầu, đe dọa, gửi vũ khí, hoặc tự mình tham chiến. Những lựa chọn đó đôi khi cần thiết và hữu ích, nhưng tại sao lại giới hạn bộ công cụ của chúng ta theo cách này?

 

Phải chăng xoa dịu lúc nào cũng là một ý tưởng tốt? Dĩ nhiên là không. Các nhà lãnh đạo nên đặc biệt cảnh giác với những nhượng bộ có thể làm thay đổi đáng kể cân bằng quyền lực theo hướng có lợi cho đối thủ, bởi làm vậy sẽ giúp đối thủ có vị thế mạnh hơn để đòi hỏi những nhượng bộ khác trong tương lai. Nên tránh kiểu xoa dịu như vậy, trừ phi không còn lựa chọn nào khác. Quả thật, chính Churchill đã chỉ ra vào năm 1950 rằng “bản thân xoa dịu có thể tốt hoặc xấu tùy theo hoàn cảnh. Chính sách xoa dịu xuất phát từ sự yếu đuối và sợ hãi là vô ích và tai hại. Chính sách xoa dịu xuất phát từ sức mạnh lại là điều cao thượng và rộng lượng, và có thể là con đường chắc chắn nhất và duy nhất dẫn đến hòa bình thế giới.”

 

Xét đến sức mạnh đáng kể và vị thế thuận lợi của Mỹ, các quan chức chính sách đối ngoại Mỹ nhìn chung nên tìm kiếm con đường “cao thượng và rộng lượng,” giải quyết khác biệt với các đối thủ thông qua một quá trình đàm phán được cân nhắc kỹ lưỡng và điều chỉnh lẫn nhau, ngay cả khi phải đối phó với những nhà độc tài có giá trị và lợi ích xung đột với Mỹ.

 

Cách tiếp cận này sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu cộng đồng chính sách đối ngoại từ bỏ sự ám ảnh kỳ lạ của họ với Munich, và tôi cho rằng nên làm điều đó càng sớm càng tốt.

 

-------------------------------

Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.

 

Nguồn: Stephen M. Walt, “Appeasement Is Underrated,” Foreign Policy, 29/04/2024

 





No comments: