Vòng kim cô 'tôn chỉ, mục đích' siết chặt trên đầu báo chí Việt Nam
BBC News Tiếng Việt
18 tháng 4 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4n135p78elo
Các nhà báo và tòa soạn báo ở Việt Nam đối mặt với một không gian hoạt động ngày càng chật hẹp hơn, khi mà các biện pháp quản lý ngày càng được siết chặt.
Hồi đầu tháng 4, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký quyết định ban hành quy chế tổ chức họp báo định kỳ và đột xuất, chuyên đề của UBND thành phố này.
Theo đó, cơ quan, văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời; có trang phục, tác phong lịch sự; phải gởi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất ba ngày.
Cũng theo quy chế này, phóng viên khi đặt câu hỏi bổ sung phải ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác.
Đây chỉ là một trong các biểu hiện hiện của việc siết chặt không gian tác nghiệp của nhà báo và các tòa soạn báo.
'Yêu cầu kỳ lạ'
Nhà báo Cù Mai Công, nguyên thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một cây bút viết sách về Sài Gòn xưa, đánh giá với BBC News Tiếng Việt: "Tôi từng làm báo chính thức liên tục 38 năm, dự vài trăm cuộc họp báo, chưa một lần gặp yêu cầu có thể nói là kỳ lạ này."
"Họp báo trước hết là thông tin chủ động của một đơn vị đến với báo chí. Sau đó, các phóng viên, nhà báo sẽ trao đổi, đặt câu hỏi cho những thắc mắc, chưa rõ trong thông tin; cần thiết thì phản biện lại thông tin đó. Đối thoại và bản lĩnh đối thoại, đó mới là sự hấp dẫn, thu hút của một cuộc họp báo."
"Anh chưa thông tin, báo chí chưa rõ thông tin của anh mà yêu cầu người ta hỏi thì với tôi đó là yêu cầu ngược, làm khó cho báo chí. Đó là chưa nói câu hỏi phải gởi trước ba ngày. Nếu vậy thì cần gì họp báo. Các báo cứ gởi câu hỏi, đơn vị chức năng cứ việc gởi văn bản trả lời," nhà báo Cù Mai Công nêu ý kiến.
No comments:
Post a Comment