Monday, April 29, 2024

THẾ HỆ TRẺ NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT LỚN LÊN Ở NƠI GIAO THOA : NỖ LỰC XÂY DỰNG BẢN SẮC (RFA)

 



 

Thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt lớn lên ở nơi giao thoa: nỗ lực xây dựng bản sắc

RFA
2024.04.26

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/younger-generation-of-vietnamese-americans-grew-up-at-crossroads-trying-to-build-identity-04262024084519.html

 

Tiếp theo phần trước, RFA xin giới thiệu những trao đổi của TS. Alex-Thái Đình Võ về những suy tư của ông về vấn đề xây dựng bản sắc của thế hệ sinh ra ở Việt Nam nhưng chủ yếu lớn lên ở Hoa Kỳ trong quá trình hòa nhập vào một xã hội đa chủng, đa nguyên và tự do.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/younger-generation-of-vietnamese-americans-grew-up-at-crossroads-trying-to-build-identity-04262024084519.html/@@images/ee40ede7-94aa-4dcf-b5e0-b36b22bf8cbc.jpeg

Tại khu thương mại Phước Lộc Thọ ở Sài Gòn Nhỏ, California, cựu Tổng thống George W. Bush đang phát biểu tranh cử trước các cử tri người Mỹ gốc Việt, ngày 13/9/2000. (Ảnh minh họa).   (Reuters)

 

RFA. Trong một bài phát biểu của anh ở hội thảo của Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á (AAS), anh từng nói rất hay về những băn khoăn của thế hệ anh về “Identity,” hay là về “Bản sắc,” từ chính tên gọi của anh: Võ Đình Thái, hay là Alex Thái Võ, Thái Võ, Alex Võ. Có thể nói, những người như anh lớn lên ở nơi giao thoa của các biên giới về lịch sử, về văn hóa, và cả về chính trị nữa. Xin anh chia sẻ với khán thính giả RFA những suy ngẫm của anh về hành trình xây dựng bản sắc của thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt trong quá trình lớn lên như một cộng đồng riêng biệt ở một quốc gia đa chủng tộc như Hoa Kỳ. 

 

TS. Alex-Thái Đình Võ :

Cảm ơn anh đã nhắc đến bài phát biểu ấy. Vâng, tuần vừa qua khi đến Đại học University of California, Berkeley để tham dự hỏi thảo về Việt Nam, tôi được cô Nguyễn Nguyệt Cầm, giáo viên Việt Văn cũ của tôi tại Berkeley mời vào lớp để trao đổi với sinh viên về cá nhân và những công việc tôi đang làm trong cộng đồng và kể cả với Việt Nam. Để bắt đầu bài nói chuyện, tôi lại cũng liệt kê ra những cái tên của mình để cho thấy sự thay đổi và hình thành của một identity (căn cước hay bản sắc) của một con người–người Mỹ gốc Việt. 

 

Từ đó tôi phát hiện tôi có ít nhất 13 cách gọi và viết tên khác nhau kể từ khi là một cậu bé sinh ra ở Việt Nam cho đến nay, từ những Võ Đình Thái, Võ Thái, đến Thai Dinh Vo, Thai Vo, rồi Alex Thai Dinh Vo, Alex Vo, rồi Alex-Thai Dinh Vo, và đến nay là Alex-Thái Đình Võ.

 

Có lẽ với nhiều người, việc thay đổi tên có vẻ không quan trọng, vì chỉ là một cái tên mà thôi, có gì mà phải thay đổi nhiều lần. Nhưng xin thưa, ít nhất đối với tôi và nhiều bạn cùng thế hệ, việc thay đổi trong tên gọi thể hiện những trải nghiệm và tình trạng làm nên một con người sống ở giữa sự giao thoa và xung đột giữa ranh giới về lịch sử, văn hóa, và cả chính trị.

 

Thực tế, thế hệ của chúng tôi, thế hệ 1.5 (và những thế hệ sau), là thế hệ lạc loài ở khung cảnh giữa và nửa chừng đó. 

 

Chúng tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Hoa Kỳ, với cái nhìn khác biệt về quê hương mà không cần phải trải qua những nỗi đau và khó khăn của người dân và của cha mẹ cũng như anh chị chúng tôi. 

 

Chúng tôi là lứa tuổi của sự tự do, những cơ hội mà cha mẹ chúng tôi đã không bao giờ có. 

Nhưng dù vậy, chúng tôi cũng phải đối mặt với nhiều thách thức riêng của mình, từ sự đấu tranh để duy trì bản sắc văn hóa của mình trong một xã hội hoà nhập mạnh mẽ, đến việc tìm kiếm danh tính và nơi ở trong một thế giới đa văn hóa và đa dạng. 

 

Đồng thời, chúng tôi cũng có những khó khăn trong việc hòa nhập vào xã hội mới với lối sống, giá trị và niềm tin khác biệt. 

 

Tuy không sinh ra trong một môi trường Mỹ, nhưng chúng tôi lớn lên với giáo dục và các giá trị Mỹ, nhưng cũng không thể phủ nhận được ảnh hưởng của văn hóa gốc của cha mẹ.

 

RFA. Vậy thế hệ lớn lên ở nơi giao thoa giữa các nền văn hóa và chính trị khác nhau đã làm thế nào để xây dựng bản sắc của mình?

 

TS. Alex-Thái Đình Võ :

Thế hệ chúng tôi có thể ví như những cây cỏ mọc dại, tức là có một phần của chúng tôi thuộc về cả hai nền văn hóa, là kết hợp của văn hóa Mỹ và Việt, là thế hệ của sự kết hợp giữa Việt Nam và Mỹ, là kết hợp giữa hai thế giới.

 

Trong sự lạc loài giữa hai thế giới ấy, để tồn tại, chúng tôi cần phải điều chỉnh bản sắc của mình. 

 

Chúng tôi tự đặt câu hỏi và tự trả lời cho những thắc mắc khá sơ sài nhưng rất quan trọng: Tôi là ai? Tại sao tôi lại hiện diện ở đây? Tương lai của tôi là gì trong một đất nước đa chủng tộc đa văn hóa như Hoa Kỳ? 

 

Vâng, việc điều chỉnh bản sắc không phải là việc của một ngày hay một năm mà là quá trình nhiều năm suy ngẫm, tìm hiểu, đối diện, và xây dựng. 

 

Điển hình của những thay đổi trong một cái tên của một con người đã nói lên điều đó, nói lên hành trình mà tất cả người di cư nào cũng phải vượt qua, để có thể tồn tại và định hình vị trí của mình là một phần tử đặc biệt, có những sự khác biệt đáng quý, góp phần làm nên cộng đồng đa quốc gia, đa nguyên như Hoa Kỳ.

 

*

RFA. Xin anh giải thích con đường đó của thế hệ anh qua chính những cái tên của anh. 

 

TS. Alex-Thái Đình Võ :

Cụ thể, Võ Đình Thái là cái tên của tổ tông do cha mẹ đặt khi còn ở Việt Nam và sự đặt đó tôi, cũng như bao nhiêu người, không có sự lựa chọn. 

 

Hoàn cảnh xã hội và lịch sử đưa đẩy tôi sang Hoa Kỳ và để hòa nhập vào xã hội ấy, Võ Đình Thái đã được đảo ngược lại thành Thái Đình Võ nhưng với những sắc, huyền, ngã bị gọt bỏ đi, để chỉ còn lại là Thai Dinh Vo cho phù hợp với khuôn khổ tên gọi ở Hoa Kỳ, như hoàn cảnh của bao nhiều người tỵ nạn khác. 

 

Nhưng để cảm giác được hòa nhập hơn, để biến mình thành Mỹ hơn, và để không bị trêu chọc, tôi đành gộp thêm tên Alex vào với Thái Đình Võ để thành Alex Thai Dinh Vo. 

 

Khi trưởng thành và hiểu thêm một chút về mình và lịch sử cũng như văn hóa, tôi nhận diện rằng tên mình và ý nghĩa của nó phải được do chính mình đặt và định nghĩa. Vì vậy, tôi lại quyết đưa dấu ngang nối vào giữa Alex và Thái thành Alex-Thái để tự nhủ và không cho bản thân quên rằng mình là người Mỹ với gốc là Việt Nam. 

 

Tôi đã dùng tên Alex-Thai Dinh Vo trong hơn hai mươi năm nay, và mãi cho đến những ngày gần đây, khi tôi biết được rõ hơn về mình, về nguồn gốc và hiện trạng, tôi quyết chuyển cách viết tên mình bằng cách nhặt lại những dấu sắc, huyền, ngã vốn đã bị gạt bỏ chừng 30 năm trước để thành Alex-Thái Đình Võ của ngày hôm nay. 

 

Vâng, lựa chọn này là lựa chọn để định hình bản sắc của chính tôi ngay trên mảnh đất này, nói lên cả cội nguồn và hiện tại của mình. Thông qua cách làm đó, chúng ta có thể góp phần làm đa dạng hóa xã hội Hoa Kỳ thay vì phải hòa nhập bằng cách đánh mất, đánh tan chính mình. 

 

*

RFA xin cảm ơn TS. Alex-Thái Đình Võ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

 

--------------------------

TS. Alex-Thái Đình Võ nhận bằng cử nhân Chính trị học tại Đại học UC Berkeley, thạc sĩ và tiến sĩ ở Đại Học Cornell (University), chuyên ngành Á Châu Học và Lịch Sử Châu Á. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của ông là lịch sử, chính trị, và văn hóa Á Châu, trong đó trọng tâm là lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, lịch sử và những thay đổi của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Cuốn sách gần đây nhất do ông chủ biên, cùng hai chủ biên khác là GS. Tường Vũ và Tiến sĩ Linda Ho Peché, với 14 tác giả tham gia viết, là "Toward A Framework For Vietnamese American Studies; History, Community and Memory" ("Hướng tới xây dựng ngành nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt: lịch sử, cộng đồng và ký ức", Temple University Press, 2023.)

 

----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt sau gần 50 năm và những khác biệt thế hệ

Sách về sự hình thành nền Cộng hòa ở Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt

Người Việt hải ngoại vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam.

Chuyện người Mỹ gốc Việt làm từ thiện

Giới trẻ nghĩ gì về hoạt động kỷ niệm ngày 30/4





No comments: