20/04/2024
https://baotiengdan.com/2024/04/20/phiem-chuyen-di-my-bo-ich/
LGT
của Anh Quốc:
Mấy năm gần đây tượng đài đủ các kiểu được xây dựng khắp nơi trên cả nước, xin
đăng lại bài này thông qua chuyện kể từ một chuyên gia thiết kế và thi công tượng
đài rất thú vị.
*
Năm
vừa rồi, ông Nghệ, chuyên gia về thiết kế, xây dựng tượng đài, sang Mỹ hội thảo.
Gọi là đi hội thảo cho oai, nhưng ông sang đó chơi là chính. Chẳng hiểu Hội nghệ
thuật tượng đài Mỹ lấy thông tin ở đâu, mà thông qua Bộ Văn hóa, mời đích danh
ông sang dự hội thảo ở Washington.
Ông
mừng lắm, vội vàng lên đại sứ quán Mỹ làm visa. Nghe nói vào Mỹ khó, trong lòng
ông lo lắng. Thực tế không như vậy, vì có giấy mời nên đúng hẹn là họ cấp, nước
Mỹ họ trọng người có tài, đã mời mà còn gây khó dễ thì sao gọi là hiếu khách.
Ông
lên Bộ Văn hóa hỏi kinh phí đi hội thảo. Đùn đẩy hết Vụ này, sang Vụ kia, cuối
cùng ông bị đẩy lên gặp đến thứ trưởng để có quyết định.
Ông
Thứ trưởng gặp ông, khen hết lời, nhưng nói về kinh phí thì ông ấy loanh quanh:
–
Bên Mỹ họ mời trực tiếp cá nhân, nên kinh phí Bộ không có trong kế hoạch phê
duyệt. Anh cứ tự lo, đi cho kịp, về tôi bàn với Vụ tài chính xem xét.
Ông
Nghệ cũng buồn, nhưng không thể không đi, đây là cơ hội có một không hai “mỡ nó
rán nó” từ tượng đài mà ra cả, có gì mà “xoắn”.
Theo
giấy mời, họ chỉ lo cho ăn ở, vé máy bay phải tự túc.
Sau
hơn hai chục giờ bay, ông đã đến thủ đô nước Mỹ. Ra đón ông là một tay Mỹ già,
nhìn hom hem, mặc bộ complet tàng tàng, trong card visit có tên là John Cook –
Thư ký Hội nghệ thuật tạo hình bang Washington DC.
Về
đến khách sạn, John đưa ông chương trình. Ông sẽ có một tiếng làm việc ở hội thảo.
Thời gian dành cho ông từ 10 đến 11 giờ, bao gồm 15 phút đọc tham luận, còn lại
là trả lời và trao đổi với các phóng viên, đồng nghiệp.
Buổi
trưa ăn cơm, sau đó đi thăm quan thủ đô, chiều tối trả về khách sạn. Những ngày
sau tự túc.
Tham
luận ông đã được lãnh đạo Bộ chỉ đạo, họ đã soạn thảo sẵn bằng tiến Anh, ông chỉ
có đọc. Chủ đề của bài tham luận, là: Tượng đài lãnh tụ với lịch sử.
Do
chuẩn bị chu đáo, tuy vốn tiếng Anh chỉ phọt phẹt, nhưng ông cũng hoàn thành tạm
ổn. Đọc xong phần tham luận, ông cảm ơn, không thấy hội trường vỗ tay, chỉ thấy
tay dẫn chương trình “Thank you” rồi hỏi:
–
Ai có câu hỏi gì?
Một
tay râu rậm, da màu to như lực sĩ, đứng lên nói một tràng, ông chẳng hiểu mô tê
gì.
Trên
loa, câu hỏi được dịch ra tiếng Việt bằng một giọng nữ của người miền Nam:
–
Theo như hình ảnh trên clip, chúng tôi thấy chủ yếu tượng đài được xây dựng ở
Việt Nam là về lãnh tụ Hồ chí Minh, ông cho biết thêm về con người này với lịch
sử?
Ông
Nghệ chẳng cần suy nghĩ:
–
Ở Việt Nam Hồ chí Minh được gọi là cha già dân tộc. Ông ấy là anh hùng giải
phóng, là tấm gương cho tất cả mọi người noi theo.
Tay
da màu bỗng đứng dậy ngắt lời:
–
Giống như Kim Jong-un ở Bắc Triều. Đủ rồi. Cảm ơn.
Góc
cuối hội trường, một phụ nữ da trắng đứng dậy nói:
–
Tôi là phóng viên của tờ New York Times, tôi có đọc trên mạng, thấy rất nhiều
người Việt Nam ca thán cuộc sống của nhân dân rất khó khăn, do thiên tai, lụt lội,
dịch bệnh, nhưng tượng đài được xây dựng tràn lan, tốn kém. Ông có ý kiến gì
không?
Ông
Nghệ ung dung trả lời, đây là câu hỏi khiêu khích, ở nhà đã chuẩn bị kịch bản
này:
–
Tôi chỉ là một nghệ sĩ, ăn lương, nhà nước giao việc là tôi làm. Tôi không quan
tâm đến chính trị.
Sau
câu trả lời, ông thấy hội trường im lặng, nhiều người bỏ ra ngoài.
Ông
đứng một lúc lâu, không thấy ai hỏi. Người dẫn chương trình xem đồng hồ, chắc
chỉ hết 10 phút, ông ta hỏi mọi người:
–
Có ai hỏi gì nữa không?
Phòng
họp ồn ào, chẳng thấy ai đáp lại. Người dẫn chương trình quay sang ông cảm ơn,
mời ông về chỗ.
Ông
Nghệ ngồi lặng thinh, ông chẳng quan tâm đến họ hội thảo cái gì, vì họ toàn nói
bằng tiếng nước ngoài.
Ông
ngồi đó đến hết 12 giờ trưa, thấy mọi người lục tục ra về, ông chạy ra ngoài
đưa cái giấy mời cho cô nhân viên, cô ấy chỉ ông sang dãy nhà bên cạnh, mọi người
ăn trưa ở đó.
Rất
may là họ tổ chức ăn buffet, ngồi theo mâm, ông biết nói chuyện với ai? Ông đi
một vòng, thấy cái gì lạ là cho đầy vào đĩa, chọn một góc phòng ngồi nhẩn nhơ
nhai, vẩn vơ suy nghĩ, tính toán xem ngày mai đi đâu, đi như thế nào…
Ông
chợt nhớ ra, xem đồng hồ đã quá một giờ chiều, ông chạy ra chỗ cô nhân viên hỏi
về cuộc tham quan buổi chiều. Cô nhân viên trả lời, họ đã lên xe đi được 10
phút.
Ông
thở dài, đi đâu bây giờ? Thôi về khách sạn tính sau. Ông thấy mấy chiếc xe taxi
màu vàng gần chỗ công viên, ông lấy thẻ khách sạn chỉ cho tay lái xe, hắn OK,
đưa ông về khách sạn.
Chiều
tối ông nhắn tin cho John, bảo tối đến khách sạn gặp để ông có việc cần giúp.
John đến, ông nói tiếng Anh “tắc bùm”, nó hiểu hết. Ông bảo John, nếu rỗi, đưa
ông đi mấy bang ở miền Đông, trong đó có New York, và thác Niagara. Ông lo ăn ở
và trả John tiền hàng ngày. John nghe xong, vui vẻ nhận lời.
Ông
hiểu lõm bõm John nói, là nghề làm tượng đài ở Mỹ rất khó sống, vì nước Mỹ bây
giờ tượng đài đang bị nhóm Black Lives Matter phá, nói gì đến xây mới. John vẫn
phải làm các việc linh tinh khác.
Đến
thành phố nào, John cũng đưa ông đến các tượng đài giới thiệu. John hiểu biết
và say mê. Từ nghệ thuật, lịch sử, triết học theo như anh ta nó nằm trong hết
các công trình tượng đài.
John
bảo, Việt Nam có mấy nghìn năm lịch sử, có nền văn hoá đa dạng đặc sắc, có nhiều
nhân vật lịch sử… tượng đài phải thể hiện tính liên tục của lịch sử, nó là các
nhân chứng, vật chứng, đừng mang tính chính trị, thần thánh hóa… John còn hiểu
biết nhiều về kỹ thuật tạo hình, vật liệu, chất liệu, địa chất, kiến trúc, kết
cấu…
Đi
với John, ông thấy mình nhỏ bé về kiến thức, nhưng điều kỳ lạ nhất là: John tự
tin, chân thật, hồn nhiên không tỏ ra mình là người làm thuê, lép vế.
Ông
Nghệ cảm nhận lao động kiếm tiền từ bàn tay, khối óc là sự tự hào, danh dự của
người Mỹ … Nhìn các tượng đài của Mỹ, ông cảm thấy xấu hổ về tượng đài ở Việt
Nam, hình tượng nhân vật vừa ngô nghê, vừa qua quýt, giả tạo.
Suốt
cuộc hành trình trên nước Mỹ đôi khi lòng ông se lại, vài ngày nữa ông quay lại
Việt Nam, mọi thứ ngàn đời vẫn như thế. Nghĩ đến thực tại, ông vẫn có chỗ để kiếm
ăn, còn may mắn hơn John – Thôi hãy quên đi sự đời, tất cả chúng ta quá nhỏ bé
trong một thế giới đầy loạn lạc này.
10
ngày thấm thoát trôi đi, ông Nghệ và John quay lại Washington để về nước. Ông
Nghệ vội vàng đi mua quà. Thấy ông Nghệ mua sắm, bê vác khệ nệ, John tò mò hỏi:
–
Sao mày lắm tiền thế, nghề làm tượng đài của Việt Nam phát triển thật. Mày có
nhận tao sang bên đó làm việc không? Nói thật, chỉ cần nửa số tiền mà chúng mày
đầu tư cho một tượng đài, tao làm còn hoành tráng hơn nhiều. Tượng đài của
chúng mày cứ na ná như nhau, vô hồn và thô thiển. Tao nói thật, nếu ở bên Mỹ,
dân nó xuống đường đập đi không thương tiếc.
Ông
Nghệ tủm tỉm chỉ vào đống quà:
–
Đấy là mua biếu sếp.
John
há hốc mồm: Tao hiểu. Văn hoá China. Bọn China đã dạy cả thế giới này như vậy.
Nước Mỹ cũng đang bị hư hỏng vì China. Thế giới đảo lộn hết rồi!
.
No comments:
Post a Comment