Nhìn tổng quát,
đất nước có bao giờ như thế này không?
Lâm Công Tử
April
24, 2024
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nhin-tong-quat-dat-nuoc-co-bao-gio-nhu-the-nay-khong/
Tháng
Mười Một, 2016, trong dịp thăm thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh
Bắc Ninh, trong một lúc cao hứng, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, đã phát biểu:
“Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?,” theo báo VietNamNet.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/04/VN-Dat-nuoc-nhu-the-nay-1536x884.jpg
“Tứ
trụ” Việt Nam thì “một trụ” là Võ Văn Thưởng (thứ hai từ phải) – chủ tịch nước
– bị gãy ghế, “một trụ” là Vương Đình Huệ (bìa trái) – chủ tịch Quốc Hội – bị
lung lay. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)
Trong
mạch chuyện phát biểu với cử tri, báo VietNamNet dẫn lời ông Trọng cho biết:
“Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê
hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có
nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống
của bà con có nghĩa có tình. Đó không chỉ là sự thay đổi của Tiên Du, Bắc Ninh,
mà nhìn rộng ra là sự thay đổi của cả nước.”
“Mặc
dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu
cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng
nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? Triển vọng phát
triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới
nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển đi lên nữa,” theo lời ông Trọng.
Câu
nói nổi tiếng này đã được trích lại không biết bao nhiêu lần, hay cũng có mà dở
cũng không ít. Điều hay luôn trích dẫn lại để chứng minh rằng đất nước ngày
càng đẹp hơn khi cảnh sắc thiên nhiên cho người Việt những cơ hội phát triển du
lịch với khách nước ngoài, hay những hợp đồng kinh tế hứa hẹn cho đời sống công
nhân khởi sắc hơn. Nhưng dở cũng không hiếm khi những hình ảnh tiêu cực của xã
hội xuất hiện đầy rẫy trên báo chí hay mạng xã hội thì câu nói này được cư dân
trích dẫn lại như một bằng chứng của sự khỏa lấp mặt trái của sự thật, để từ đó
nhìn câu nói của ông tổng bí thư nhận định trở thành mị dân và dối trá.
Trong
vòng chỉ tám năm sau khi ông Trọng phấn khởi nhìn về đất nước thì lò của ông bắt
đầu rực cháy như chưa bao giờ được cháy. Trước nhất là ông Đinh La Thăng, hai
năm sau khi ông Trọng phát biểu, một kiện tướng trẻ của chế độ xộ khám kéo theo
ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh còn làm cho Việt Nam mất mặt khi chạy
sang Đức trốn tránh và bị bí mật dẫn độ về Việt Nam, đất nước không những “được
như thế này” mà còn hơn nữa về lãnh vực ngoại giao, một chiếc gai trong giày
đâm vào gót chân khiến mỗi lần nói chuyện với Đức thì không khập khễnh cũng
xiêu vẹo ít nhiều.
Cũng
trong năm đó vụ án cá độ cờ bạc trên Internet bị phanh phui lòi ra những khuôn
mặt cộm cán trong ngành công an mà điển hình là Trung Tướng Phan Văn Vĩnh, cựu
tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, cũng là người cầm đầu đường dây đánh bạc, rửa
tiền có khối lượng tiền mặt lên tới 10,000 tỷ đồng ($393.3 triệu). Vụ án này có
sự liên kết của hàng trăm nhân vật mà đa số nằm trong lực lượng bảo vệ đảng hay
nói nôm na “còn đảng còn mình.”
Những
tưởng chỉ có các cấp nhỏ hơn những nhân vật trong Bộ Chính Trị mới dám làm càn,
ai ngờ ông Trọng bị tổ trác khi hai vụ đại án cùng nổ ra một lúc. “Chuyến bay
giải cứu” và Việt Á đã kéo hai ông phó thủ tướng và một ông chủ tịch nước vào
guồng quay của tham ô nhũng lạm. Ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, hai cựu phó
thủ tướng, về nhà đuổi gà vì đã đứng sau lưng của hai gã trợ lý tiếp tay với đường
dây “giúp” người Việt đang sinh sống hay làm việc tại nước ngoài trong đại dịch
COVID-19 được bước lên những chuyến bay do các đại sứ quán tổ chức với số tiền
trả cho vé máy bay cao ngất ngưởng rồi biến hóa vào túi riêng của gần như hầu hết
nhân viên ngoại giao trên khắp thế giới. Đau nhất là ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu
chủ tịch nước, không biết có chấm mút chút nào không mà cũng bị đá về vườn chăn
vịt với vợ trong khi trùm cuối của đại án Việt Á vẫn nằm trong bí mật, chỉ một
mình ông Trọng là biết ông Nguyễn Xuân Phúc có “được như thế này” hay không.
Trời
phụ lòng ông Trọng quá lẽ khi thân tín của ông là chàng trai trẻ trung, hiền
lành nhất trong Bộ Chính Trị là Võ Văn Thưởng bước lên võ đài sau khi ông Phúc
đón xe đò về xứ Quảng. Chưa kịp nóng đít, chiếc ghế của cậu ấm chủ tịch nước
lung lay một cách dữ dội khi người thân của cậu bị công an tóm gọn vì đã “mượn
hơi hùm” của cậu ấm nuốt trọn hàng ngàn tỷ và không còn cách nào chối tội vì bằng
chứng bày ra trên bàn điều tra của Bộ Công An do “bò dát vàng” Tô Lâm ra lệnh.
Liên
tiếp bị đòn từ thằng đệ của mình tung ra, cụ Tổng chưa hết choáng váng thì một
thân tín khác tiếp tục nhận đòn từ Bộ Công An. Khi ông Phạm Thái Hà bước xuống
chuyến bay từ Bắc Kinh trở về Nội Bài cùng với phái đoàn Quốc Hội do ông Vương
Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, dẫn đầu thì không những ông Trọng mà cả nước “vỡ
òa” vì ngay lập tức ông phó chánh văn phòng Quốc Hội kiêm trợ lý chủ tịch Quốc
Hội bị còng tay dẫn về Bộ Công An vì tội nhận hối lộ!
Nếu
nói ăn hối lộ từ các bộ ngành khác như giao thông ăn hắc ín, xe điện hay cầu cống
thì người dân còn tin, chứ đến Quốc Hội mà cũng ăn hối lộ nữa thì hết biết. Thì
ra ông Phạm Thái Hà đã nhận tiền đút lót từ tập đoàn Thuận An để tập đoàn này
thắng nhiều gói thầu quan trọng. Khổ nỗi, ông Phạm Thái Hà cũng như các “trợ
lý” khác của hai ông phó thủ tướng, đã nhận tiền và giao lại cho ai đó trực tiếp
chỉ đạo ông ta, nói chính xác hơn là Vương Đình Huệ, kẻ “xanh mặt” còn hơn đít
nhái khi Phạm Thái Hà bị bắt.
Hầu
như trên thế giới không có một nước nào cho dù tham nhũng thượng thừa cũng
không một lúc cả giàn “đồng ca” cao nhất nước bị đá văng khỏi ghế vì tham
nhũng. Ông Trọng giờ đây âm thầm ngồi trước chiếc lò mà ông tạo ra đút từng
khúc củi vào lò mà lòng đau như cắt. Cái câu nói nổi tiếng quay trở lại ám ảnh
chính ông từng ngày từng giờ khi sự thật đổ bể ra trước công luận cho thấy điều
ông nói đã quay lại chống ông không thương tiếc.
Đất
nước có như thế này hay như thế nào đi nữa thì người trực tiếp nhận hậu quả vẫn
là nhân dân chứ không phải là tổng bí thư hay hai chủ tịch nước, hoặc chủ tịch
Quốc Hội. Bởi mỗi lần có việc xảy ra là hình như vật giá leo thang, xăng dầu được
dịp vẫy vùng trong điệu nhảy ăn mừng chiến thắng còn người dân thức trắng múc từng
gô nước cho sinh hoạt vào ngày hôm sau. Không tin cứ về miền Tây mà xem, người
dân rồng rắn xếp hàng mua nước ngọt như thời bao cấp khi chúng ta xếp hàng chờ
mua nhu yếu phẩm trong khi cán bộ ung dung ngồi trong phòng máy lạnh để bàn luận
chính sách cai trị nhân dân.
Nói
một cách ngắn gọn câu nói của ông Trọng có lẽ sai do thằng đánh máy, thay vì
ông than thở “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ như thế này không?” thì nó lại
đánh chữ “như” thành chữ “được.”
Vậy
mà không ai bắt thằng đánh máy chỉ chăm chăm vào cụ Tổng thì có ức không chứ?
[qd]
No comments:
Post a Comment