Mô hình Trung Quốc
“thoái trào”, Việt Nam học hỏi thế nào? (phần một)
Bình luận của Doãn An Nhiên
2024.04.16
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-what-lesson-for-vn-part-1-04162024111025.html
Ông
Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Việt
Nam), vừa kết thúc chuyến công du gần một tuần đến Trung Quốc. Đây là chuyến
thăm chính thức để “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược
Việt Nam - Trung Quốc vào tháng 12/2023. Với hơn 40 hoạt động chính thức cấp
cao và nhiều hoạt động bên lề phong phú…”[1], ông Huệ được tiếp đón bởi các nhà
lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa (Trung Quốc) như ông Tập Cận Bình, Tổng
bí thư - Chủ tịch nước, ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân
đại toàn quốc (tương tự như Quốc hội) và ông Vương Hộ Ninh, Chủ tịch Chính hiệp
toàn quốc (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và đi thăm một số địa phương và
nhiều tập đoàn kinh tế lớn.
Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tại
Hà Nội hôm 13/12/2023 (minh họa)
- AFP
Bối
cảnh xã hội dân sự thiếu vắng, kinh tế trầm lắng và chính trị căng thẳng khiến
chuyến đi trên có nhiều suy đoán xung quanh. Truyền thông Nhà nước cho biết
chuyến đi làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước, để triển khai những văn bản ký kết
giữa hai nước trong chuyến đi “chia sẻ tương lai chung” của ông Tập đến Việt
Nam hồi cuối năm 2023; Mạng xã hội suy đoán: liên quan đến công tác nhân sự chuẩn
bị kế nhiệm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại đại hội 14 dự kiến đầu năm
2026? Một chuyến đi dài ngày hiếm thấy của các nguyên thủ quốc gia dưới chế độ
dân chủ! Từ góc nhìn chi phí từ tiền thuế của dân và hiệu quả chuyến đi liệu
đoàn ông Huệ có học hỏi được gì từ mô hình Trung Quốc đang “thoái trào”?
Mô
hình phát triển là cách thức mà quốc gia vận hành và tiến hoá theo thời gian.
Mô hình Trung Quốc được coi là bắt đầu từ năm 1978, do Đảng Cộng sản Trung Quốc
khởi xướng từ Hội nghị Trung ương 3 nhiệm kỳ Đại hội khóa 11 và, trải qua năm
thế hệ lãnh đạo những nhận thức và phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc
Trung Quốc được đưa ra với triết lý thực dụng và được vận dụng trong thực tế quản
trị đất nước rộng lớn với 1,4 tỷ dân. Trong khoảng 30 năm đầu vận hành mô hình
được ca ngợi, được coi là lý tưởng cho các nước đang phát triển, và hơn thế với
Việt Nam bởi tương đồng về chế độ chính trị. Nó mang lại thành tích tăng trưởng
‘thần kỳ’ với hai con số, từ đó tạo công ăn việc làm, xoá nghèo, đô thị hoá và
phát triển cơ sở hạ tầng… Năm 1980 tổng sản phẩm quốc nội GDP của Trung Quốc bằng
khoảng 2% của Mỹ thì nay đã gần đuổi kịp, 18 nghìn tỷ đô la so với 25 nghìn tỷ…
Từ
sự ‘ngạc nhiên’ về sự kỳ diệu tăng trưởng, Mỹ, phương Tây bắt đầu lo lắng trước
sự trỗi dậy của cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vô số những nghiên cứu
về mô hình và tranh luận sôi nổi, trái chiều, ủng hộ và phê phán, diễn ra.
Trong khoảng hơn thập kỷ gần đây, đặc biệt từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền tối
cao tại Đại hội 18 năm 2012 của Đảng CS và nhà nước Trung Quốc năm 2013 cho đến
hiện tại sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn, hướng đến cạnh
tranh ngôi bá chủ trong bối cảnh thế giới biến động nhanh và phức tạp khó lường.
Gần
nửa thế kỷ vận hành thời kỳ “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc và tương lai của
nó được giới quan sát, nghiên cứu, giới chính trị đặc biệt chú ý. Ở các chế độ
dân chủ phương Tây, tự do tư tưởng giúp đa dạng cách nhìn về mô hình Trung Quốc.
Một trong những mối quan tâm hàng đầu là vai trò của quốc gia này trong việc
làm thay đổi trật tự thế giới. Và, trong số các công trình nghiên cứu xuất bản
gần đây, có cuốn bán chạy nhất (New York Times Bestseller): “Các nguyên tắc ứng
phó với sự thay đổi trật tự thế giới” (2021)[2] của Raymond Dalio (1949 -). Ông
là một nhà đầu tư, quản lý quỹ, và nhà từ thiện người Mỹ, người sáng lập công
ty đầu tư Bridwater Associates, một trong số các quỹ đầu tư lớn, làm ăn thành
công ở Trung Quốc từ 2011. Ray Dalio nghiên cứu các giai đoạn kinh tế và chính
trị hỗn loạn nhất trong lịch sử khi nhận thấy sự hợp lưu của các điều kiện
chính trị và kinh tế như: các khoản nợ khổng lồ dẫn đến việc in tiền lớn; xung
đột chính trị và xã hội lớn trong mỗi quốc gia bởi sự chênh lệch về tài sản và
chia rẽ chính trị trong hơn một thế kỷ qua; và sự “trỗi dậy” của một cường quốc
kinh tế thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang thách thức cường quốc số một thế giới
hiện tại (Mỹ) đang “thoái trào” để thay đổi trật tự thế giới hiện tại. Ông đã
khái quát "Chu kỳ lớn" gồm ba giai đoạn: trỗi dậy, đỉnh cao và thoái
trào, đã thúc đẩy thành công và thất bại của tất cả các quốc gia lớn trên thế
giới trong suốt lịch sử. Theo ông ấy, những thay đổi theo tính chu kỳ như vậy
có thể giúp chúng ta nhìn về tương lai…
Trong
cuốn sách của Ray Dalio việc phân tích sự thăng trầm của Hoa Kỳ không gây tranh
cãi lắm rằng sau thế chiến 2 Mỹ thiết lập trật tự thế giới mới. Khởi đầu chu kỳ
lớn với sự thống trị thương mại, đô-la là đồng tiền dự trữ của thế giới. Tiếp
theo cho đến những năm 1970 đó là “thời đại hoàng kim của chủ nghĩa tư bản”,
trong đó mọi người đánh cược vào hòa bình và thịnh vượng hơn, vay mượn ngày
càng nhiều dẫn đến nợ tư nhân trên GDP bùng nổ. Đến năm 2008 tỷ lệ này đã vượt
quá 170%. Hoa Kỳ đã phải in tiền, ‘nới lỏng định lượng’ để cứu lĩnh vực tài
chính. Hậu quả là suy thoái kinh tế… khiến cuộc sống càng khó khăn hơn,
gia tăng phân hoá giàu nghèo và bất ổn xã hội, chia rẽ đảng phái trong Quốc hội,
cũng như các cuộc biểu tình và bất mãn... Ray Dalio tuyên bố rằng nước Mỹ hiện
đang trong giai đoạn “thoái trào” – như một lời cảnh tỉnh trước sự “ngạo mạn” của
phương Tây trong nhiều vấn đề toàn cầu!
Tuy
nhiên, phân tích của Ray Dalio về sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng gây nhiều
tranh cãi. Ông đã sử dụng những loại nguồn tư liệu, cách tiếp cận với những
tiêu chí tương tự như với thực trạng của Mỹ áp dụng cho Trung Quốc nhưng thiếu
định lượng cần thiết để so sánh với một quốc gia với chế độ chuyên chế, độc đảng
CS cầm quyền khiến kết luận trở nên ‘không đáng tin cậy’[3]. Những dữ liệu và bằng
chứng chỉ ra rằng mô hình Trung Quốc cũng đang ở giai đoạn “thoái trào” của
“chu kỳ lớn”. Trung Quốc rõ ràng đã trải qua những bước đầu tiên của chu kỳ. Nó
đã trở thành công xưởng của thế giới, một siêu cường thương mại… Tuy nhiên, với
tỷ lệ nợ rất cao, năm 2020 đã là 217%. Ngoài ra, các vấn đề chênh lệch lớn
giàu nghèo, khủng hoảng địa ốc tồi tệ với chính sách hỗ trợ để giải cứu, tỷ lệ
cao thất nghiệp thanh niên trong bối cảnh già hoá dân số, giảm phát, vốn đầu tư
nước ngoài giảm hơn 70% trong năm 2023... Ngoài ra, xung đột nội bộ căng thẳng
qua chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” kết hợp với thanh trừng phe phái, sự bất mãn,
sự đàn áp bị che đậy bởi nỗi sợ hãi, sự phục tùng, quyền tự do phổ quát bị cấm…
Những
đặc điểm nêu trên chứng tỏ thực tế rằng Trung Quốc đã bước vào giai đoạn “thoái
trào” nhưng với biên độ ngắn hơn Mỹ mà thôi. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ -
Trung giới nghiên cứu và hoạch định chính sách nỗ lực “giải ảo” sự tăng trưởng
thần kỳ của mô hình Trung Quốc. Trường hợp điển hình là nhà nghiên cứu khoa học
chính trị thuộc Đại học Michigan, tiến sĩ Yuen Yuen Ang đã chỉ ra “thời đại
vàng son của Trung Quốc”[4] đang sụp đổ vì tham nhũng làm tha hóa quyền lực tuyệt
đối, trong đó nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan. Hơn thế, mới
đây trong chuyến công du Trung Quốc ngày 8-9 tháng 4 năm 2024 bà Janet Yellen,
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ đã cảnh báo của tới Trung Quốc về 'sự dư thừa năng lực
kinh tế'[5] rằng, "Khi thị trường toàn cầu tràn ngập các sản phẩm Trung Quốc
rẻ tiền giả tạo, khả năng tồn tại của các công ty Mỹ bị đặt câu hỏi" – Bà ấy
phát biểu tại Bắc Kinh. Và, theo các nhà phân tích, đây là một trong những
nguyên nhân chủ yếu không chỉ khiến nợ công trên GDP của Trung Quốc tăng cao mà
còn phức tạp vấn đề khi nó che giấu trợ cấp của nhà nước cho sản xuất dư thừa
(‘Economic Overcapacity’) ‘vượt nhu cầu’ của thế giới tạo ra hàng hoá rẻ dẫn đến
cạnh tranh không công bằng…
Mô
hình kinh tế đang sụp đổ[6] không chỉ bởi xu hướng kinh tế đang suy giảm
nhanh chóng, mà còn do khủng hoảng cơ cấu, mất cân đối, phi thị trường…
đòi hỏi sự thay đổi mạnh về chính sách và thể chế. Hơn thế, chính trị cũng đang
khủng hoảng nghiêm trọng khi Tập Cận Bình quay lại chế độ độc đoán[7] hơn bất kỳ
giai đoạn nào trong hơn 40 năm qua.
Đặt
vấn đề “Mô hình Trung Quốc” có ý nghĩa thế nào đối với Việt Nam cần thiết phải
hiểu thấu đáo hơn về giới lãnh đạo hai nước này, “cộng đồng chung” chia sẻ
tương lai thế nào trong trật tự thế giới mới?
_____________
Tham khảo:
[1] https://quochoi.vn/cacvilanhdao/Pages/hoat-dong.aspx?ItemID=86190;
[2] https://www.principles.com/
[3] https://www.youtube.com/watch?v=s1iv0q_SW3E;
[5] https://www.youtube.com/watch?v=fWfOHYo31nA;
[6] https://www.youtube.com/watch?v=3pnrwxfQtIo&t=151s;
[7] https://www.youtube.com/watch?v=5vWCzfX9MI4&t=433s;
--------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm
của Đài Á Châu Tự Do
*****
Mô hình Trung Quốc
“thoái trào”, Việt Nam học hỏi thế nào? (Phần hai)
Bình luận của Doãn An Nhiên
2024.04.16
Trong phần một, gắn với chuyến công du dài
ngày đến Trung Quốc của ông Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam sự chia sẻ quan điểm
về “mô hình Trung Quốc” đang ở vào giai đoạn “thoái trào” của “chu kỳ lớn”,
theo cách gọi của Raymond Dalio, được trình bày. Phần hai này sẽ nêu ý nghĩa của
“vấn đề” mô hình Trung Quốc thế nào đối với Việt Nam, đặc biệt cần thiết phải
thấu hiểu hơn về việc giới lãnh đạo hai nước, một “cộng đồng chung” mà Trung Quốc
mong muốn, cùng chia sẻ tương lai thế nào trong trật tự thế giới mới?
Một
người bán hàng ở Hà Nội hôm 11/10/2023 (minh họa) - AFP
Trong
buổi gặp với ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình
khuyên ‘người anh em’ Việt Nam sử dụng ‘trí tuệ chính trị’[1] (tiếng Trung giản
thể là “知识分子政治”, tiếng Anh là
“political wisdom”) trong việc quản lý các mối quan hệ với Bắc Kinh, giữa lúc
hai bên đang tìm cách hóa giải căng thẳng trên Biển Đông và, khi hai nước “núi
liền núi, sông liền sông” với cam kết “chia sẻ tương lai chung.”
Đường
lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CS) được khởi xướng năm 1986 chính
thức tại Đại hội lần thứ 6 của Đảng. Đây là quyết định chính sách đột phá trước
những thách thức lớn về kinh tế và chính trị đe dọa sự tồn vong của chế độ Đảng
CS toàn trị theo mô hình Liên Xô với cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu. Về bản
chất, ý thức hệ chủ nghĩa xã hội (CNXH) và những ảnh hưởng từ thực tế “cải cách
và mở cửa” của Trung Quốc đã xác quyết đường lối Đổi mới. Giới lãnh đạo Việt
Nam đã ‘gạt sang bên’ những xung đột căng thẳng, thậm chí là chiến tranh năm
1979, nói chung về chủ quyền biên giới phía Bắc và lãnh hải ở biển Đông để theo
đuổi đường lối này. Mặc dù không ‘thần kỳ’ như Trung Quốc, nhưng những thành
công kinh tế là rõ rệt, cụ thể tốc độ tăng trưởng tương đối cao và xoá đói giảm
nghèo. Tuy nhiên, với lợi thế của một nước đi sau, Việt Nam đã không sử dụng đủ
những cơ hội để phát triển vì bị ý thức hệ giáo điều níu kéo và ‘tính thực dụng’
chỉ được phát huy hạn chế, muộn mằn kiểu như chính sách “ngoại giao cây tre”.
Giới
lý luận “cung đình” nhận thức, đại thể, thế này[2] về chính sách “cải cách và mở
cửa” nói riêng và về mô hình Trung Quốc nói chung, trong đó nhấn mạnh về quá
trình phát triển lý luận “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” được hình thành
và hoàn thiện theo tiến trình thay đổi của thực tiễn cuộc sống! Quá trình này
được chia thành bốn giai đoạn: một là, Lý luận Đặng Tiểu Bình; hai là, Tư tưởng
“Ba đại diện” của Giang Trạch Dân; ba là, Quan điểm phát triển khoa học của Hồ
Cẩm Đào; bốn là, Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới của
Tập Cận Bình.
Ông
Đặng Tiểu Bình được ca ngợi vì đã ‘mưu lược’ ứng dụng triết lý thực dụng trong
duy trì sự cai trị của chế độ Đảng CS Trung Quốc đồng thời thúc đẩy cải cách
phát triển đất nước. Nhấn mạnh chủ nghĩa xã hội (CNXH) đặc sắc Trung Quốc, lý
luận thực dụng được thể hiện với tư cách là đường lối của Đảng dựa trên chủ
nghĩa Mác; Với tư cách là chế độ chính trị; Và, với tư cách là sự nghiệp chính
trị của hệ thống. Những thế hệ lãnh đạo tiếp theo thúc đẩy tư tưởng này. Chẳng
hạn, Giang Trạch Dân nêu thuyết “Ba đại diện”: đó là đại diện cho yêu cầu phát
triển của lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho xu hướng tiến lên của nền
văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích căn bản của toàn thể quần chúng nhân
dân. Đến Hồ Cẩm Đào với quan điểm được ‘đúc kết’ hai thời kỳ trước và cho rằng
cần thiết phải nắm được quy luật phát triển, lấy dân làm gốc, phát triển cần
toàn diện, hài hòa và bền vững. Tập Cận Bình đã nâng tầm cá nhân lên thành “hạt
nhân” dân tộc, viết lại lịch sử đảng ngoài việc biện minh cho chủ nghĩa Mác, giải
thích theo nhãn quan lãnh tụ Đảng CS về nhân dân và các quy luật phát triển xã
hội...
Không
khó để quan sát “lý luận” Đảng đang ‘yếu dần’ bởi luận cứ, xa dần kinh điển chủ
nghĩa Mác và thực tế ‘xã hội chủ nghĩa’… Đến thời Tập Cận Bình, như đã biết, diễn
ra sự thay đổi bước ngoặt về chính sách và quyền lực. Sự trỗi dậy trở nên hung
hăng, dần kết thúc chính sách thực dụng, với những thái độ hận thù “trăm năm quốc
sỉ”, ý tưởng khủng về “một vành đai một con đường”, bất chấp luật pháp quốc tế
như “đường lưỡi bò mười đoạn”… và, hơn thế, ảo tưởng sức mạnh quyền lực cá nhân
tuyệt đối. Ông Tập Cận Bình thấy không đủ thời gian để hiện thực hoá các ý tưởng
khi bị giới hạn trong hai nhiệm kỳ 10 năm và, đã nỗ lực ở lại, có thể là ‘suốt
đời,’ để theo đuổi chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Theo
bài viết[2] trên trang Tạp chí Cộng sản, thì những gì được hàm ý cho Việt Nam?
Gồm: “Một là, phải khẳng định một điều chắc chắn rằng, tổng kết thực tiễn,
nghiên cứu, sáng tạo lý luận là trọng trách nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của Đảng.”
“Hai là, đổi mới tư duy, nghiên cứu phát triển lý luận mới về xây dựng chủ
nghĩa xã hội phải dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí
Minh.” “Ba là, phải luôn quán triệt tư tưởng, kiên trì con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội, con đường phát triển của Việt Nam.” “Bốn là, cần tăng cường đi
sâu nghiên cứu phát triển lý luận mới để làm sâu sắc hơn những luận điểm về: 1-
Hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam; 2- Con đường tiến
lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; 3- Chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt
Nam.” Tác giả gọi đó là bốn “gợi mở” nhưng thực ra là những yêu cầu và nhiệm vụ
đối với Đảng phải cụ thể hoá “mô hình Trung Quốc” trong điều kiện Việt Nam.
Viết
đến đây, chợt nhớ đến nhà lý luận “cung đình” Trung Quốc, Vương Hỗ Ninh, như
trong phần một cũng đã giới thiệu qua rằng ông ấy hiện là Chủ tịch Chính hiệp
toàn quốc (tương tự Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc), nhân vật quan trọng thứ
tư trong Thường vụ Bộ Chính trị Đảng CS TQ, người cũng đã tiếp ông Huệ trong
chuyến đi vừa nêu ở trên. Ông Vương làm quân sư cho ba đời Tổng bí thư và thăng
tiến trong sự nghiệp chính trị khởi đầu với những nghiên cứu như “Nước Mỹ chống
lại nước Mỹ” (Huning Wang, America against America. 1990)[3]. Cuốn sách này là
nỗ lực của ông ấy với tư cách học giả nhằm giải thích những lý do đằng sau sự
thành công của Hoa Kỳ trong thế kỷ 20, đồng thời đưa ra quan điểm phê phán về
các vấn đề cơ cấu khác nhau mà Hoa Kỳ đã phải đối mặt trong những năm 1990. Đó
là một góc nhìn về lý do tại sao Hoa Kỳ có khả năng hướng tới sự suy thoái…
Cùng với ông ấy, giới lý luận cung đình Trung quốc cũng đã góp phần không nhỏ
trong việc biện minh cho lý luận về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Ngoài
ra, vượt ra khỏi không gian Trung Quốc, cái gọi là “làn sóng thứ ba của chủ
nghĩa xã hội”[4] cũng có dấu ấn của họ.
“Mô
hình Trung Quốc” thấm đẫm tinh thần ý thức hệ chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam
không thể buông bỏ bởi sự tương đồng về chế độ chính trị. Đường lối Đổi mới sắp
trải qua 40 năm nhưng sự sáng tạo trong vận dụng cụ thể vào thực tế là gì vẫn
là câu hỏi đối với giới lý luận cung đình nước nhà. Giới lãnh đạo nhìn tương
lai đất nước thế nào? Cách thức tiến tới xã hội chủ nghĩa thế nào và bao giờ?
Hơn thế, điều gì sẽ soi sáng cho các chính sách cải cách trong bối cảnh quốc tế
phức tạp và biến động khó lường. Và, quan trọng hơn, là trong bối cảnh “mô hình
Trung Quốc” đang thoái trào.
______________
Tham
khảo:
[1] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3gv6199j7eo;
[3] https://ia801806.us.archive.org/12/items/america-against-america/America%20Against%20America.pdf
------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm
của Đài Á Châu Tự Do.
----------------------
Tin,
bài liên quan
BLOG
Mô
hình Trung Quốc “thoái trào”, Việt Nam học hỏi thế nào? (phần một)
Việt
– Trung: Chờ đợi sự tương hợp giữa lời nói và việc làm
Chuyến
đi sống còn vào Trung Nam Hải của Vương Đình Huệ
Thách
thức lập pháp và cơ hội của ông Vương Đình Huệ
Ai sẽ
kế nhiệm Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ?
No comments:
Post a Comment