Friday, January 12, 2024

TẠI TÒA ÁN THẾ GIỚI, NAM PHI CÁO BUỘC ISRAEL VỀ HÀNH VI DIỆT CHỦNG Ở GAZA (Reuters)

 



Tại Tòa án Thế giới, Nam Phi cáo buộc Israel về hành vi diệt chủng ở Gaza

Reuters

11/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7435601.html

 

Nam Phi hôm 11/1 cáo buộc rằng Israel có các hành vi diệt chủng đối với người Palestine khi bắt đầu phiên tranh tụng tại tòa án cấp cao nhất của Liên Hiệp Quốc về vụ kiện chống lại chiến dịch quân sự gây tàn phá của Israel ở Gaza.

 

https://gdb.voanews.com/9cea8d4d-e6d1-41b6-9217-b58e0346e4c7_cx0_cy10_cw0_w650_r1_s.jpg

Tòa Công lý Quốc tế tại La Haye nghe tranh tụng của Nam Phi về hành động quân sự của Israel ở Gaza, 11/1/2024. (REUTERS/Thilo Schmuelgen)

 

Trong các phiên tranh tụng tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), còn có tên là Tòa án Thế giới, Nam Phi yêu cầu phải đình chỉ khẩn cấp các cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel vào vùng đất của người Palestine, mà Nam Phi cho rằng chúng nhằm mục đích "tiêu diệt dân số" của Gaza.

 

Trong thời gian qua, Israel vẫn bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, nói rằng điều đó vô căn cứ và cáo buộc Pretoria là "bên ủng hộ cho bọn xấu xa" Hamas, nhóm phiến quân Hồi giáo Palestine mà Israel đang tiến đánh ở Gaza.

 

Công ước về Diệt chủng năm 1948 định nghĩa diệt chủng là "những hành động được thực hiện với mục đích tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo".

 

Nam Phi nêu ra rằng chiến dịch ném bom kéo dài của Israel đã giết chết hơn 23.000 người ở Dải Gaza nhỏ hẹp, đông dân, theo các cơ quan y tế trên vùng lãnh thổ chịu sự điều hành của Hamas.

 

Israel đã phát động chiến tranh tổng lực sau một cuộc tấn công loạn xạ xuyên biên giới vào ngày 7/10/2023 của các chiến binh Hamas, trong đó các quan chức Israel cho biết 1.200 người đã thiệt mạng và 240 người bị bắt làm con tin và bị đưa tới Gaza.

 

Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi Ronald Lamola phát biểu rằng nước này lên án vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas, nhưng nói thêm rằng bất kỳ cuộc tấn công nào, ngay cả một vụ liên quan đến tội ác tàn bạo, đều không phải là lý do biện minh cho việc vi phạm Công ước về Diệt chủng.

 

Nam Phi thời hậu phân biệt chủng tộc lâu nay vẫn bảo vệ cho sự nghiệp của người Palestine. Hai bên có mối quan hệ được hình thành khi cuộc đấu tranh của Đại hội Dân tộc Châu Phi chống lại sự cai trị của người da trắng thiểu số đã được Tổ chức Giải phóng Palestine của ông Yasser Arafat cổ vũ.

 

Tòa ICJ nghe phần lập luận của Nam Phi hôm 11/1 và phần đối đáp của Israel về các cáo buộc vào ngày 12/1. Tòa dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào cuối tháng này về các biện pháp khẩn cấp có thể áp dụng. Vào thời điểm đó, tòa sẽ không ra phán quyết về các cáo buộc diệt chủng – phần tranh tụng đó có thể kéo dài nhiều năm.

 

Các phán quyết của ICJ là quyết định cuối cùng và không kháng cáo được - nhưng tòa án này không có cách nào để thi hành án.

 

 






No comments: