Tuấn Khanh -
Saigon Nhỏ
21 tháng 12, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/vinfast-muon-bo-tu-cong-luan/
Mạng xã hội
Việt Nam đang xôn xao với tin kỹ sư tin học và phân tích tài chính Sonnie Tran,
tên thật là Trần Mai Sơn, sinh năm 1986, đột nhiên bị công an đưa đi thẩm vấn với
lý do “VinFast tố cáo theo điều 331”. Sơn cho biết anh bị mời làm việc suốt nhiều
ngày liền, từ ngày 18 Tháng Mười Hai cho đến hết tuần này ở trụ sở của Bộ Công
an nằm trên đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Sài Gòn. Nguyên nhân mà Sơn phải làm việc
với công an là những bài viết phân tích về vấn đề tài chính cũng như hoạt động
của VinFast.
Anh Sonnie
Tran (phải) – ảnh: MXH
Dường như đơn tố cáo không đặt vấn đề là những
phân tích và vạch trần của anh Sơn đúng hay sai, mà anh bị điều tra là liệu có
“tổ chức phản động” nào đứng sau những bài viết của anh không. Máy tính và điện
thoại của anh bị tịch thu và dữ liệu đã được sao chép, truy vấn với các mối
quan hệ qua mạng xã hội.
Trong ngày đầu điều tra, anh Trần Mai Sơn được
công an đưa cho xem một trang gọi là đơn tố cáo của VinFast theo điều 331. Anh
Sơn nói không biết liệu công ty VinFast có ý định tranh luận hay phản bác những
điều anh viết trên Facebook về những sai lầm của VinFast, nhưng anh biết chắc
chắn là anh bị VinFast đưa vào tội “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí và
các quyền tự do dân chủ khác nhằm xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích
hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Một ý kiến nhận định về hành động này của
VinFast khi dùng đến công an để phủ định những quan điểm và phân tích chính xác
của anh Sơn là thể hiện thói kiêu ngạo. “Vậy nếu như Sonnie Trần giúp người ta
nhận ra VinFast đang lợi dụng quyền ngôn luận và báo chí để lừa gạt người sử dụng
hàng của họ thì có bị tội 331 không”, người này nói.
Quan sát trang Facebook cá nhân của Sonnie Trần,
với hơn 3,000 người theo dõi, người ta thấy trên đó là các bài đăng luôn soi rõ
những thiếu sót và điểm yếu kém trong hoạt động và sản phẩm của VinFast. Các
bài viết gần đây được coi là nguyên nhân của lời “tố cáo” gồm “VinFast giấu
mình như thế nào”, “Lộ diện đầy đủ các nhà phát triển đằng sau các dòng xe của
VinFast” và “VF bị kiện ở Mỹ vì xe chất lượng kém”…
Những bài viết trên cho biết các dòng xe của
VinFast chủ yếu được thiết kế và phát triển bởi các nhà sản xuất Ấn Độ và Trung
Quốc, đồng thời công ty đang phải đối mặt với các vụ kiện có thể xảy ra ở Mỹ do
thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ. Trước đó, Sonnie Trần nói cho bạn bè biết,
có những cuộc gọi thăm dò từ người của VinFast về nguồn tư liệu của anh. Thế
nhưng, hầu hết đó là những bài báo được đăng trên các trang mạng nước ngoài.
Những người đọc Facebook của Sonnie Trần nói rằng
họ có cảm giác các bài viết phân tích về VinFast như bị “che” đi – một thuật
toán về chuyện giảm tương tác của Facebook mà lâu nay người Việt quen gặp. Nhiều
người đã lưu về, giữ lại những bài viết mà Sonnie Trần vạch ra VinFast có liên
hệ với hàng loạt công ty vỏ bọc được cho là dùng để che giấu tổn thất và các
giao dịch tài chính phức tạp. Những bài viết này được copy, và sau đó được đăng
lại trên một diễn đàn có tên “Financial Expose”, nơi có hơn 176,000 thành viên.
Sonnie Trần nói anh không có mục đích kiếm tiền,
gây hấn hay được tổ chức nào trợ lực sau lưng mà khẳng định rằng mục đích của
anh là cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, giúp họ đánh giá rủi ro và đưa ra
quyết định sáng suốt. Sonnie Trần cũng trích dẫn những vụ sụp đổ của nhiều công
ty trước đây là kết quả của việc thông tin bị che giấu hoặc bị thao túng.
Một nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết,
anh Sonnie Trần cảm thấy khó chịu về cách hình sự hóa sự việc của VinFast và có
dự định mời luật sư để khởi kiện ngược lại công ty này về cách nguỵ tạo lời tố
cáo, mượn tay công an để tạo áp lực với anh.
No comments:
Post a Comment