Việt Nam gia nhập ‘Cộng đồng chia sẻ
tương lai’: Tập Cận Bình có ‘đưa trâu qua rào’ thành công?
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Posted on 20/12/2023 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=87037
Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và
Tổng bí
thư ĐCS, Chủ
tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Hà Nội. 12/12/2023
Trước chuyến
thăm Việt Nam từ 12 đến 13/12 của Tổng Bí thư Đảng cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã thực hiện chuyến đi tiền trạm
đến Hà Nội. Truyền thông Toàn cầu Trung Quốc CGTN dưới sự quản lý của Đảng Cộng
sản Trung Quốc cho biết tại cuộc gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn
Phú Trọng ngày 1/12, nhà ngoại giao này nói: “Trung Quốc và Việt Nam có chung
khát vọng và vận mệnh”.
Từ
“vận mệnh chung” đến “cộng đồng chung vận mệnh”
Vậy “Cộng
đồng chung vận mệnh” là cái gì?
Giáo sư gốc
Việt Alexander L Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K.
Inouye, cho rằng khái niệm này chỉ là cái bình rỗng, chưa có rượu, tức chưa
có nội dung. Tôi, Cù Huy Hà Vũ, thì ngược lại, xác quyết rằng thuyết
này của Tập Cận Bình đã có nội
dung hẳn hòi, trên cơ sở phân tích cái gọi là “vận mệnh chung” mà Trung Quốc từ
lâu nay đã “bán” cho Việt Nam.
“Vận mệnh
chung” có nguồn gốc từ 16 chữ mà Trung Quốc lấy làm phương châm trong quan hệ với
Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào tháng 11 năm 1991 trong bối
cảnh Liên Xô và Đông Âu cộng sản sụp đổ. 16 chữ đó là:
Sơn
thủy tương liên,
Lý
tưởng tương thông,
Văn
hóa tương đồng,
Vận
mệnh tương quan
Sau
khi trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã
phát triển “Vận mệnh tương quan” thành “Vận mệnh chung”.
Ông dùng
thuật ngữ này lần đầu tiên trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015. Ông nói với Tổng
bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: “Trung Quốc và Việt Nam là cộng đồng
chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.
Cũng trong chuyến thăm đó, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Tập nói: “Chúng ta không chỉ là
bạn bè tốt, láng giềng tốt mà quan trọng hơn là một khối chung có cùng sinh mạng”.
Lần thứ 2,
trong điện mừng Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư vào năm 2016, Tập Cận
Bình lại nêu: “Trung
Quốc và Việt Nam là hai nước có hệ thống chính trị tương đồng, con đường phát
triển giống nhau, tương lai và vận mệnh tương đồng, là một cộng đồng chung vận
mệnh có ý nghĩa chiến lược”.
Lần thứ 3,
vào năm 2017, khi hội kiến với Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình lại
nhấn mạnh: “Trung
Quốc và Việt Nam đều là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là
cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.
Lần thứ 4,
vào năm 2021, trong điện mừng Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư, Tập lại
nêu: “Trung
Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, là cộng đồng
có chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.
Cuối cùng
thì Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận thuật ngữ này của Tập Cận Bình trong chuyến
thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2022.
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung
Quốc đưa ra trong dịp đó xác định: “Hai nước vừa là láng giềng tổt, bạn bè tốt,
núi sông liền một giải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt, cùng chí hướng, chung
vận mệnh”. Thủ
tướng Phạm Minh Chính đã tái xác nhận quan điểm này trong chuyến thăm Bắc
Kinh vào tháng 6 năm nay, 2023.
Vậy
nội hàm của “vận mệnh chung” là gì?
Đó là cả
Việt Nam và Trung Quốc phải bằng mọi giá bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa theo học
thuyết Mác - Lênin
đồng nhất với chế độ toàn trị của Đảng cộng sản, chống lại “diễn biến hòa bình” của
các “thế lực thù địch” do Mỹ đứng đầu. Để làm được việc này, hai nước phải dựa
vào nhau, phải kết với nhau thành một khối. Nói cách khác, để sống sót thì Đảng
cộng sản Việt Nam phải dựa vào Trung Quốc. Đổi lại, vẫn theo thâm ý của Bắc
Kinh, Đảng cộng sản Việt Nam phải nhượng cho Trung Quốc chủ quyền và quyền chủ
quyền của Việt Nam chí ít ở biển Đông, đặc biệt là đối với quần đảo Trường Sa
mà nước này đã đánh chiếm một phần vào năm 1988 sau khi đã dùng vũ lực chiếm
toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cũng của Việt Nam vào năm 1974, ngay trước khi Chiến
tranh Việt Nam kết thúc.
Vẫn Tập Cận
Bình, ngay sau khi được bầu làm Tổng bí thư và Chủ tịch Trung Quốc vào năm
2012, đã cho ra đời thuật ngữ “Cộng đồng chung vận mệnh” (Community of Common Destiny’-
CCD). Thuật ngữ này cũng
đã có trong Hiến pháp Trung Quốc sửa đổi năm 2018 và thường biểu đạt cái cách
Trung Quốc nhìn thế giới trong tương lai.
Tại
Đông Nam Á cho tới nay, “Cộng đồng chung vận mệnh” đã được 5 nước là Myanmar,
Lào, Campuchia, Thái Lan và Indonesia tham gia. Do đó, công luận hoàn toàn có lý khi cho rằng mục tiêu của
chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình sẽ là lôi kéo Việt Nam gia nhập cộng đồng
này, nhất là trong bối cảnh nước này vừa thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện” với Mỹ vào tháng 9 và Nhật vào tháng 11 vừa qua. Cần nhắc lại rằng Mỹ
và Nhật như một khối đang đóng một vai trò trung tâm trong đời sống an ninh –
kinh tế ở Đông Á, tức đối trọng trực tiếp với sự “trỗi dậy” không hòa bình hay
bành trướng lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc trong khu vực. Do đó, lôi kéo
Việt Nam tham gia cộng đồng này cũng là cách mà Nhà nước Tân Đại Hán cân bằng lại
ảnh hưởng chiến lược của cặp bài trùng Mỹ – Nhật tại đây.
Và
“Cộng đồng chia sẻ tương lai”
Thế nhưng
ý đồ trên của Tập Cận Bình đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của cộng
đồng người Việt Nam yêu nước. Bản
thân tôi đã có 2 bài viết trên Facebook Page Cù
Huy Hà Vũ, “Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Trung Quốc và Việt
Nam có “vận mệnh chung” là xúi Đảng cộng sản Việt Nam bán nước cho Trung Quốc”
(4/12/2023) và “Từ ‘vận mệnh chung’ đến ‘cộng đồng chung vận mệnh’: Cái nơm Trung Quốc để úp Việt
Nam” (10/12/2023).
Đặc biệt,
trong bài viết sau, tôi nêu
rõ: “Có thể thấy ngay rằng đó (cộng đồng chung vận mệnh) là việc cường quốc
kinh tế số 2 thế giới này tài trợ các dự án hạ tầng lớn. Thế nhưng một sự tài
trợ như vậy sẽ tạo ra các món nợ khổng lồ cho nước nhận tài trợ. Để thanh toán
“cục nợ “ khủng, nước nhận tài trợ chỉ còn cách là nhượng cho Trung Quốc những
lãnh thổ mà nước này cần hoặc tuân theo cây gậy chỉ huy của nước này trong
chính sách đối ngoại…
Nghĩa là các “dự án phát triển hạ tầng lớn” mà Tập đoàn Xây dựng giao thông
Trung Quốc (CCCC) sẽ triển khai ở Việt Nam trong nay mai sẽ là những con “đỉa
trâu” hút cho đến kiệt tài chính của Việt Nam. Lúc đó, giải pháp mà Trung Quốc
đưa ra sẽ là “cấn trừ nợ”, đồng nhất với Việt Nam sẽ nhượng cho nước này các
vùng lãnh thổ với thời hạn 99 năm, điều mà Dự thảo Luật Đơn vị hành chính –
kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trình tại Quốc hội Việt Nam
năm 2018 đã hé lộ. Cũng theo giải pháp “cấn trừ nợ” này, Việt Nam sẽ không được
liên minh quân sự với Mỹ để Trung Quốc, với lực lượng hải quân thứ 2 thế giới,
chỉ sau Mỹ, dễ bề “dứt điểm” nốt quần đảo Trường Sa”.
Nhận thấy
“cộng đồng chung vận mệnh” gây khó cho ban lãnh đạo Việt Nam đối diện với
chủ nghĩa yêu nước của người Việt đang dâng cao, Tập Cận
Bình đã đồng
ý thay thuật ngữ này bằng “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Điều này đã được thể hiện trong Tuyên bố
Việt Nam – Trung Quốc ngày 13/12 theo
đó “hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt
Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước,
vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”.
Thế
nhưng, đây hoàn toàn là trò chơi chữ vì “chia sẻ tương lai” đồng nhất với
“chung tương lai”; mà “chung tương lai” thì đích thị là “chung vận mệnh”!
Sự thay đổi
từ ngữ mà chả thay đổi gì về bản chất này được xác nhận bởi “chung vận mệnh” vẫn cứ hiển
hiện trong ngôn từ lắt léo của Tuyên bố này theo đó “Hai bên cho rằng, các nước có tiền
đồ vận mệnh liên quan chặt chẽ với nhau”. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc
cùng ngày 13/12 vẫn dùng “cộng đồng chung vận mệnh” để mô tả thành quả chuyến
thăm Việt Nam của Tập Cận Bình.
Tập
Cận Bình có “đưa trâu qua rào” thành công?
Câu hỏi đặt
ra là liệu người đứng đầu Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc họ Tập đã làm được
cái việc mà dân gian Việt Nam gọi là “đưa trâu
qua rào”, tức dùng mánh lới để vượt qua khó khăn, trở ngại hoặc thách thức, khi
đưa được Việt
Nam gia nhập “Cộng đồng
chung vận mệnh” được biến báo thành “Cộng đồng chia sẻ tương lai”?
Có ý kiến
cho rằng Tập Cận Bình đã không thành công trong sứ mệnh này. Bởi lẽ không thể
có “cộng đồng chung vận mệnh”/
“Cộng đồng chia sẻ tương lai” khi hai nước chỉ ký kết được 36 trên tổng số 45
văn kiện hợp tác mà ông Tập mong muốn, đặc biệt không có thỏa thuận nào liên
quan đến đất hiếm của Việt Nam mà đích thân ông ra sức vận động. Thế nhưng,
theo tôi, chỉ riêng việc ký kết “Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa
khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” giữa Chính phủ
nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa” cũng đã đủ cho thấy ý kiến
này không đúng.
Thực vậy,
nội hàm của “Cộng đồng chung vận mệnh” mà Trung Quốc lôi kéo Việt Nam gia nhập
là “Hai hành lang, Một vành đai” kết hợp với “sáng kiến Vành đai và Con đường”
(Belt and Road Initiative – BRI). Cái thứ nhất, được ký kết giữa hai nước vào
năm 2006, đặt trọng tâm vào xây dựng kết cấu hạ tầng bao gồm đường sắt, đường bộ,
cảng biển ở miền Bắc Việt Nam. Cái thứ hai, được Tập Cận Bình phát động vào
2013, chủ trương xây dựng các hải cảng và cơ sở hậu cần đường thủy từ Thái Bình
Dương sang biển Baltic. Ở Việt Nam, BRI sẽ là việc xây dựng hệ thống đường cao
tốc nối các tỉnh phía Nam của Trung Quốc với Hà Nội và các hải cảng vùng phía Bắc
Việt Nam, đồng thời nâng cấp hoặc xây mới các hải cảng ở vùng này.
Tóm
lại, “Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành
lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã mở toang cửa cho
Trung Quốc thực hiện các “dự án phát triển hạ tầng lớn” ở Việt Nam. Trong bối cảnh
tham nhũng ở Việt Nam đã thành quốc nạn, mà dự án Đường sắt Cát Linh - Hà
Đông do Trung Quốc tài trợ đội vốn hơn 205% là một trong những ví dụ điển hình,
một triển vọng như vậy tất biến quốc gia này thành con nợ khổng lồ của Trung Quốc.
Điều này đến lượt nó tất dẫn đến nguy cơ lãnh thổ quốc gia và quyền chủ quyền của
Việt Nam, đặc biệt trên biển Đông, rơi vào tay nước bành trướng phương Bắc theo
phương thức “cấn trừ nợ” như tôi đã đề cập.
Chắc hẳn
thấy trước sự bác bỏ thẳng thừng của cộng đồng người Việt Nam yêu nước, điều
hoàn toàn có thể làm ban lãnh đạo Việt Nam xét lại “Cộng đồng chung vận mệnh”/
“Cộng đồng chia sẻ tương lai”, Tập Cận Bình đã khuyên ban lãnh đạo Việt Nam
“kiên trì” ngay trước khi ông hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Trong bài viết
đăng trên báo Nhân Dân sáng ngày 12/12, nhà lãnh đạo Trung Quốc
nêu “Bốn kiên trì” trong quan hệ giữa hai nước, gồm: kiên trì tin cậy lẫn nhau,
kiên trì hài hòa lợi ích, kiên trì hữu nghị, thân thiết và kiên trì đối xử chân
thành.
Vẫn chưa
thực sự an tâm, ngay sau Tập Cận Bình lên đường về nước, Tân Hoa xã có
bài bình luận dông dài nhấn mạnh ý thức hệ cộng sản mà hai nước chia sẻ.
Bài báo
viết: “Năm nay kỷ
niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện,
quan hệ song phương được nâng tầm lên định vị mới là xu thế tất yếu. Đảng Cộng
sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam là hai đảng Cộng sản cầm quyền lớn nhất
trên thế giới, đều kiên định và phát triển chủ nghĩa Mác, đi theo con đường xã
hội chủ nghĩa, đều lãnh đạo công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. Xây
dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược là sự
kế thừa ý chí chung của các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước, là sự phát triển
của tình hữu nghị cách mạng giữa hai nước, là quyết định lịch sử của lãnh đạo cấp
cao hai Đảng, hai nước xuất phát từ xu thế phát triển lâu dài của quan hệ song
phương và xu thế chiến lược của lực lượng xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.
Đến đây,
không thể không bàn đến thái độ của người Mỹ trước cuộc diễu hành đỉnh cao mới
đây của Bắc Kinh tại Hà Nội.
Cho dù
không nói ra mồm, Mỹ coi việc Việt Nam đã không ký thỏa thuận về đất hiếm với
Trung Quốc như một sự thành công trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, cho dù
Tuyên bố chung Việt - Trung
nói đến việc hai bên “tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương
và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt”. Thực vậy, trong chuyến thăm
Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9, Washington đã ký với Hà Nội một
biên bản ghi nhớ về hỗ trợ xác định trữ lượng đất hiếm của Việt Nam, được cho
là đứng thứ 2 thế giới với 22 triệu tấn, chỉ sau chính Trung Quốc với 44 triệu
tấn. Tiếp đó, ngày 25/10, kinh tế gia trưởng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Emily
Blanchard cũng đã đề nghị hỗ trợ Việt Nam đấu giá đất hiếm. Cần nhắc
lại rằng Trung Quốc hiện cung cấp 97% lượng đất hiếm cho toàn cầu và Mỹ đang muốn
phá thế độc quyền này.
Vả lại,
sau gần ba thập kỷ có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, siêu cường bờ Tây Thái
Bình Dương đã rất thấm thía câu “Hà Nội không vội được đâu”. Thế nên, “kiên trì” cũng đã và sẽ
được Mỹ sử dụng như một chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc tại quốc gia có tầm
quan trọng địa - chính
trị số 1 ở Đông Nam Á.
Vấn đề còn
lại là liệu cộng đồng người Việt Nam yêu nước “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”,
hay có thể làm gì khác hơn là khoanh tay đứng nhìn “cộng đồng chia sẻ tương
lai” được Tập Cận Bình biến báo từ “cộng đồng chung vận mênh” do Bắc Kinh chủ tọa,
phát tác?!
C.H.H.V.
Tác giả gửi BVN
—
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác
giả Cù Huy Hà Vũ, có bằng Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Văn chương của Đại học Paris,
Pháp. Ông là luật gia, học giả, nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm, hiện là nhà
bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị, sống tại Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment