Về Phiên rà soát nhà nước Việt
Nam tại LHQ về vấn đề kỳ thị chủng tộc
Hải Di Nguyễn (*) | Diễn Đàn VOA
15/12/2023
https://www.voatiengviet.com/a/7398295.html
Ngày
29-30/11/2023 vừa qua, phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước
Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (International Convention on the
Elimination of All Forms of Racial Discrimination) đã diễn ra tại Liên Hiệp Quốc
(LHQ).
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-c47b-08dbfce7f330_w650_r1_s.png
Ông Y
Thông, trưởng phái đoàn nhà nước Việt Nam (chụp màn hình từ trang web của Liên
Hiệp Quốc).
Là
một trong những người đến Geneva tham dự phiên rà soát này, trong phái đoàn của
tổ chức Boat People SOS và nhóm kết nghĩa, tôi sẽ chia sẻ lại một số suy nghĩ,
nhận định cá nhân về sự kiện này.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-e21c-08dbfce7bc13_w650_r0_s.png
Phái
đoàn NGO tại buổi rà soát (từ trái qua): Mục sư Vàng Chí Mình (người H’mông), Hải
Di Nguyễn (tác giả bài viết), Loan Võ, H Biap Krong (người Êđê), Putheany Kim
(người Khmer Krom), Dược sĩ Trần Bĩnh.
Vấn
đề kỳ thị chủng tộc/sắc tộc ở Việt Nam: Các tổ chức nhân quyền nói gì?
Trước
phiên rà soát, các tổ chức phi chính phủ có thể gửi cho CERD (Committee on the
Elimination of Racial Discrimination - Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc, thuộc
LHQ) báo cáo về vấn đề kỳ thị sắc tộc ở Việt Nam.
Hai tổ chức
Vietnam Human Rights Network và Defend the Defenders gửi báo cáo chung về vấn đề
kỳ thị sắc tộc nói chung ở Việt Nam: Chênh lệch về kinh tế và điều kiện giáo dục
giữa người Kinh và các sắc tộc khác: Chính sách không công bằng với các sắc tộc
thiểu số, đặc biệt là đất đai (nguồn sống chính của họ); đàn áp tôn giáo, v.v.
BPSOS gửi
ba tài liệu về sự phân biệt của nhà nước Việt Nam với người Thượng và người
H’mông: Đàn áp một cách hệ thống về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, và đất đai; cưỡng
ép bỏ đạo hoặc đuổi khỏi làng; tước đi hoặc không cung cấp giấy tờ tùy thân để
“trả thù” người Thượng hoặc người H’mông theo đạo Tin lành, đẩy họ vào tình trạng
vô quốc tịch trên chính quê hương mình; cưỡng đoạt đất; đàn áp biểu tình, bắt bỏ
tù và tra tấn các nhà hoạt động nhân quyền, v.v.
Khmers
Kampuchea-Krom Federation gửi báo cáo nói nhà nước Việt Nam kỳ thị và không
công nhận người Khmer Krom là người bản địa; ép buộc người Khmer Krom phải đặt
tên con bằng tên Việt khi làm giấy khai sinh; kiểm soát và đàn áp người theo đạo
Phật, cưỡng ép bỏ đạo; không cho họ in sách báo độc lập bằng tiếng Khmer; theo
dõi, bắt giữ, tra khảo các nhà hoạt động nhân quyền, v.v.
Ngoài ra,
tổ chức Korea Centre for United Nations Human Rights Policy cũng nộp một báo
cáo về con cái những phụ nữ Việt sang lấy chồng Hàn Quốc, sinh con, và quay về
Việt Nam: không được quốc tịch Việt Nam, nhiều trẻ không được hưởng một số quyền
lợi, như bảo hiểm y tế.
Rà
soát phần 1 (29/11/2023)
Nhà nước
Việt Nam gửi một phái đoàn 26 người đến phiên rà soát.
Trong phát
biểu khai mạc, ông Y Thông, trưởng phái đoàn, gần như đọc lại nguyên văn bản
báo cáo nhà nước đã gửi cho CERD tháng 12/2021.
Trong phần
một của phiên rà soát, phái đoàn nhà nước Việt Nam gần như không nhắc tới những
cáo buộc kỳ thị người Thượng, người H’mông, hay người Khmer Krom trong các báo
cáo độc lập.
Nhìn
chung, họ nói chung chung, như nói mọi người ở Việt Nam đều bình đẳng về quyền
lợi và nghĩa vụ, không có sự phân biệt; các dân tộc sống đan xen và được giữ tiếng
nói riêng; tất cả đều đoàn kết, bình đẳng, tương trợ nhau… hoặc nói Việt Nam đã
ký nhiều công ước quốc tế, và nhắc tới hàng loạt luật này luật nọ như quyền con
người được ghi nhận trong Hiến pháp; luật chống kỳ thị sắc tộc; luật chống tra
tấn…
Phản
ứng từ Liên Hiệp Quốc
Một trong
những khoảnh khắc đáng chú ý trong buổi rà soát là khi ông Gun Kut, một trong
các thành viên của CERD, thẳng thắn khiển trách nhà nước Việt Nam.
Ông nói,
các vị không cần đọc lại báo cáo, chúng tôi đã đọc rồi; các vị nhắc rất nhiều đến
Hiến pháp, đến luật này luật nọ, nhưng không cho thấy các điều luật đó được áp
dụng như thế nào; đây cũng không phải là lần đầu tiên nhà nước Việt Nam bị rà
soát về vấn đề nhân quyền, và họ chẳng nói được gì mới.
Ông cũng
nói điều luật trừng phạt những hành vi “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”
là mâu thuẫn và có vấn đề, tạo chỗ để trừng phạt bất kỳ ai khiếu nại là họ bị kỳ
thị.
Đối
đáp từ phái đoàn nhà nước Việt Nam
Trước ủy
ban của LHQ, họ nói Hội Cờ đỏ là do người dân yêu nước tự phát, không liên quan
đến nhà nước; khẳng định Việt Nam không có cưỡng bức mất tích hay bắt người tùy
tiện, mọi thứ đều đúng trình tự; nói ở Việt Nam không ai bị phân biệt; nói Việt
Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, không cản trở người dân trên
mạng, không đàn áp, chỉ xử phạt những “thông tin sai sự thật” và “chia rẽ khối
đại đoàn kết” hoặc “tuyên truyền, kích động”; không cản trở tự do đi lại, chỉ xử
phạt những người đi hoặc ở lại nước ngoài “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”;
chỉ thu hồi đất cho mục tiêu y tế, công cộng, có đền bù thỏa đáng, và không
phân biệt, v.v.
Rà
soát phần 2 (30/11/2023)
Trong phần
hai của phiên rà soát, CERD đặt câu hỏi cụ thể về vấn đề phân biệt, kỳ thị với
người Thượng, người H’mông, người Khmer Krom; nhắc đến vấn đề chiếm đất, tước
đi hoặc không cung cấp giấy tờ tùy thân; hỏi về vấn đề tôn giáo và nạn buôn người,
đặc biệt với các sắc tộc thiểu số…
Cách
trả lời của phái đoàn nhà nước
Nói chung,
phái đoàn nhà nước Việt Nam né tránh câu hỏi, nói sang chuyện không liên quan,
hoặc trả lời lấp liếm.
Chẳng hạn,
khi bà Chinsung Chung hỏi tại sao không công nhận người bản địa, họ nói khái niệm
“người bản địa” có từ thời Pháp thuộc — với người Pháp, tất cả người Việt đều
là người bản địa — nên Việt Nam chỉ có khái niệm “dân tộc thiểu số” và “dân tộc
thiểu số rất ít người”.
Khi được hỏi
về vấn đề quốc tịch, vì con cái của phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc không được
quốc tịch Việt Nam và không được hưởng các quyền lợi của công dân, họ nói Việt
Nam thông thường công nhận một quốc tịch nhưng có một số trường hợp cho phép
song tịch, chẳng hạn như trẻ em Việt Nam trở thành con nuôi của người nước
ngoài.
Còn về
tình trạng trẻ con H’mông không có giấy khai sinh, họ nói đó là do “một số hộ
dân di cư tự phát” và “sống bất hợp pháp ở rừng phòng hộ” rồi “tự sinh con” nên
không có giấy khai sinh.
Khi bà
Sheikha Abdulla Ali Al-Misnad hỏi tại sao phải có hệ thống đăng ký, công nhận
tôn giáo và cố ép người theo đạo vào các hội Thánh được nhà nước công nhận khi
mỗi nhánh, mỗi giáo phái mỗi khác. Phái đoàn nhà nước lại nói đó là để chống tà
giáo hoặc chống những hội Thánh vi phạm “thuần phong mỹ tục” Việt Nam.
Phái đoàn
cũng nói người dân có quyền phản biện và tiếp cận công lý, được trợ giúp pháp
lý, có các chính sách, chương trình nâng đỡ, hỗ trợ cho người thiểu số, Việt
Nam không có hiện tượng ép bỏ đạo, không có xung đột tôn giáo, không xử lý ai
vì lý do tôn giáo, chỉ xử lý người vi phạm pháp luật; khẳng định Việt Nam không
có nhục hình, tra tấn, và có tập huấn nhân quyền cho cán bộ, và rằng Việt Nam
có nhiều giải pháp hỗ trợ nạn nhân buôn người, v.v.
Thiếu
số liệu
CERD và bất
kỳ ai lắng nghe buổi rà soát đều có thể thấy phái đoàn nhà nước Việt Nam nói
nhiều về luật và chính sách nhưng thiếu số liệu.
Chẳng hạn,
họ nói không thể có 20.000 hộ người H’mông không có hộ khẩu — con số đó quá cao
— nhưng không thể trả lời con số họ có là bao nhiêu.
Họ nói Việt
Nam làm việc chặt chẽ với chính phủ Campuchia để giải cứu nạn nhân buôn người,
nhưng không có dữ liệu về nạn nhân buôn người từ Việt Nam ở Campuchia.
Họ cũng
không có câu trả lời khi được hỏi về con số người nhập cư hoặc du học sinh từ
Châu Phi.
Kết
Có thể
nói, gửi báo cáo cho LHQ cho các phiên rà soát là cách người dân có thể, thông
qua LHQ, bắt buộc nhà nước Việt Nam phải trả lời các khiếu nại, cáo buộc về vi
phạm nhân quyền — và lần này, về kỳ thị sắc tộc một cách có hệ thống.
Trong cách
nhìn của tôi, phái đoàn nhà nước né tránh câu hỏi, lấp thì giờ bằng cách nói
nhiều về luật hoặc các chi tiết không liên quan, trả lời lấp liếm, hoặc thẳng
thừng dối trá tại LHQ.
Mọi người
đều có thể xem phiên rà soát và có kết luận của riêng mình, tại đây:
(*) Về
tác giả: Hải Di Nguyễn, sinh năm 1993, là một cây bút từ Sài Gòn, từng
sống ở Na Uy, và hiện nay đang sống ở London, Anh Quốc. Hải Di từng viết nhiều
năm cho báo Trẻ (Dallas), BBC News Tiếng Việt, Diễn Đàn Thế Kỷ, v.v. Hiện tác
giả đảm nhiệm vai trò điều phối viên truyền thông cho BPSOS.
No comments:
Post a Comment