Monday, December 18, 2023

VỀ BA CHỮ "CHUNG VẬN MỆNH" (Nguyễn Khắc Mai)

 



Về ba chữ “chung vận mệnh”

Nguyễn Khắc Mai

18/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/18/ve-ba-chu-chung-van-menh/

 

Mấy bữa nay các phương tiện truyền thông đăng rất nhiều về ba chữ “chung vận mệnh”. Tôi thử bắt chước Descartes, suy nghĩ và nói đôi điều để chứng tỏ với bạn bè tôi đang “cogito ergo sum”. (Thành ngữ latin tương đồng với “Je pense, donc je suis”, nghĩa là “Tôi tư duy, tức tôi đang tồn tại”, của Triết gia vĩ đại người Pháp).

 

Chữ thứ nhất là chữ “chung”.  Chữ “chung”, người Việt mình dùng với nhiều sắc thái. Theo tôi, có hai điều quan trọng. Một là nghĩa cùng sở hữu, như câu thơ của Hồ xuân Hương “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, có với nhau một cái gì đấy gọi là chung, nhà chung, chung cư, chung chạ, cha chung không ai khóc…

 

Những là cái gì làm cùng nhau cũng gọi là chung, như khi đi nhậu cùng bạn bè thì chung chi, làm ăn chia chác với nhau thì chung đụng.  Ca dao có câu “Tháng Chín chung chân buôn hồng. Tháng Mười buôn thóc bán bông. Trở sang Một, Chạp thong dong hoàn toàn”. ‘Chung chân buôn hồng’ là cùng góp một chân trong hội buôn bán quả hồng, một thứ quả sang trọng và đẹp của lễ nghi hôn thú.

 

Người Việt có dùng một chữ ‘chung’, rất thâm thúy về triết lý mà ít người để ý. Không phải là không để ý đến cái câu ấy, mà là không để ý cái nhiều tầng, trùng điệp của thông tin:

 

Trống chùa ai đánh thì thùng

 

Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng”.

 

Trước hết tôi hẵng nói về cái tầng lô gích học của phong cách tư duy (phương pháp luận).

 

Người Việt có học thuyết Âm – Dương trong suy nghĩ và hành động, thì, sự vật, hiện tượng, quá trình nào cũng có hai mặt, đa nguyên, đa phẩm chất. Nên Lão Tử nói, “có cứng mới có mềm, có nông mới có sâu, có vắn mới có dài”.

 

Hai mặt đối lập luôn tồn tại bên nhau, trong nhau. Chung và riêng. Không có riêng cũng không có chung. Tư duy và nghiệm sinh của người Việt nhận ra một sự thật rất cay đắng, mà nhiều khi đành trố mắt bất lực, nhìn một lũ những kẻ rất khéo và vẫy vùng tự do, để biến cái chung có vẻ thiêng liêng thành cái riêng của chúng.

 

Ca dao không nói rõ ai mới có điều kiện để có thẩm quyền “khéo vẫy vùng”. Nhưng lịch sử cũng dạy cho người Việt biết được, chỉ những kẻ có quyền và có thế mới khéo vẫy vùng được, phải vừa có quyền cai trị, xưa là phong kiến, thực dân, nay là các đồng chí, phải có thế lực đồng tiền, nay là những đại gia tư bản đỏ!

 

Nghiệm ra cái chung không thể tồn tại độc lập, tự nó mà được. Nếu không có những cái riêng thì cũng không có cái chung. Không biết giữ cái riêng cũng không thể có cái chung được.

 

Ví như nói cái biên giới chung chẳng hạn. Mấy năm trước, tôi có lên một bản Dao ở Hà Giang để khảo sát một vấn đề văn hóa. Đến nơi, một anh người Dao từng là bộ đội biên phòng, kéo tôi xồng xộc xuống một thung sâu, rồi nói: “Để con chỉ cho ông cái biên giới. Hồi con còn nhỏ, biên giới không phải ở giữa cái khe trước mặt còn ở tít đằng xa trên đỉnh đồi bên kia. Con tính ở đây mình bị lấn sang ít nhất là 50 mét chiều rộng, dài khoảng ba cột mốc”.

 

Tôi nhẫm tính, ba cột mốc vào khoảng 50 km, nhân lên, vị chi ta mất ở đấy khoảng 2,5km2 đất. Như thế làm gì có biên giới chung mà chỉ có biên giới của từng nước, cái của ta trùng khớp với của Tàu thì gọi là chung. Thành ra, anh nào khéo vẫy vùng thì anh ấy được!

 

Chỉ tội nghiệp cho kẻ yếu và hèn.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-10-768x432.webp

Ảnh: Vợ chồng TBT Nguyễn Phú Trọng đón tiếp vợ chồng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Hà Nội ngày 12/12/2023. Nguồn: Tân Hoa Xã

 

Có một chữ “chung” nữa rất hay, rất thâm thúy, đúng và đẹp. Đó là chữ chung trong câu:

 

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,

 

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

 

Chữ “chung” này là một giá trị minh triết của văn hóa nông nghiệp Việt tộc. Ngày nay nó đáng làm minh triết ứng xử, không chỉ trong quan hệ người với người, mà là nhân bản mới cho quan hệ quốc tế. Nhưng khó, vì nói như Nguyễn Du, chữ Tâm kia phải bằng ba chữ Tài. Phải tài trí, rất tài, rất rất tài mới thực hiện được chữ Tâm.

 

Cứ xem Nga ngố thì rõ, chúng không có cái tâm, cái tài, mà vẫn chỉ đem cái man di của thời Trung cổ, Sa hoàng để ứng xử trong thời hiện đại! Chúng dùng chữ rất văn hoa, “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng cũng chỉ là đem quân đi chiếm đoạt, giết người, cướp đất, cướp của.

 

Còn chữ “chung” trong “chung vận, chung mệnh” thì tinh tế hơn nhiều, không thể nghĩ một các giản đơn, lấy lòng nhau ở những cuộc hội đàm xã giao mà được yên tâm.

 

Thật ra, không là gì có chung vận hay chung mệnh. Bởi Vận là gì? Theo điển của Trung Quốc, thì vận, là sự xoay vần, một vòng tròn không bao giời dứt. Họ nói thế vận, nghĩa là sự xoay vần của thời thế, của thế giới. Họ nói quốc vận là vận mệnh một quốc gia. Họ dẫn Đào Tiềm thời Đông Tấn bên Tàu về “Thức vận” và “Tri mệnh”. Như thế là, mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia phải coi trọng sự hiểu biết cái “vận”, cái “mệnh” của mình.

 

Khi nói “vận”, ta phải hiểu đó là cái chu kỳ vận động, phát triển, chuyển hóa, thành đạt hay sa đọa, hanh hay bế, hên hay xui, lành hay dữ… của một sinh thể, nhất là sinh mệnh của một người, của một cộng đồng người.

 

Từ điển ấy đưa một câu của Đỗ Phủ để ví dụ “Vận di, Hán tộ chung nan phục”, nghĩa là khi vận đã di, đi khỏi, đi mất, thì Hán tộ cũng không sao khôi phục được. Vì thế, vận bao giờ cũng là cái cụ thể của từng sinh mệnh. Làm gì có cái vận hay mệnh chung. Người ta có thể có chung một lợi ích nào đó, chung một khuynh hướng sống, chung mong ước; chứ không có vận hay mệnh chung.

 

Nhưng tôi cho rằng vận hay mệnh luôn là cá thể hóa. Mỗi người, mỗi quốc gia dân tộc phải tự lo cho cái vận/ cái mệnh của mình, mỗi người phải tự mình sống, không thể nhờ kẻ khác sống hộ mình được. Thành thử, ngày xưa Lão Tử rất coi trọng cái gọi là “tự hóa”. Những kẻ tuyên truyền chống lại sự tự chuyển hóa, nếu không gọi là lừa bịp, thì cũng là một thứ ngu muội mà thôi.

 

Để tự lo cho cái vận/ cái mệnh của mình, thì quan niệm “thức vận”của Đào Tiềm thật sáng suốt. Cứ nghĩ mà xem, Nhật Bản và Hàn Quốc, những lân bang của chúng ta, chính họ đã rất thức vận nên đạt được sự thăng hoa như hiện nay. Hai con rồng ấy đã bay lên ngang ngửa trên bầu trời Đông Á.

 

Còn con rồng Việt thì sao? Vẫn là “Tiềm long tại điền, vật dụng”, đây là một hào, một biểu hiện của một hiện thực. Con rồng đáng lẽ phải bay lên, thì nó vẫn bò chui rúc trong ruộng, nên quẻ phán là “vứt đi”, vật dụng.  Ôi chả nhẽ lại là thứ đồ bỏ ư? Đau đớn! Đau đớn!

 

Nhưng nếu anh đớn hèn thì “bó tay chấm com”.

 

Xin hãy thức vận, thức vận.

 

PS: Nếu thời cho còn trà dư tửu hậu, kẻ già ở Ô Đồng Lầm này sẽ xin hầu chuyện về “Thức Vận”.

 

 




No comments: