Trung Quốc là tác nhân chính khiến dòng Mekong khô cạn
Nguyễn Trường
2020.08.13
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm
31/10/2019 đoạn sông Mekong ở miền đông bắc Thái Lan. (AFP)
Ngày 7/8, Giám đốc điều hành của Ban thư ký Ủy
hội sông Mekong đã kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu
về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở
sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục năm thứ hai liên tiếp.
Sông Mekong khởi nguồn từ vùng núi Tây Tạng -
vốn được coi là nóc nhà thế giới, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đoạt và coi là một
bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc từ năm 1950.
Sông Mekong từ Tây Tạng chảy qua Vân Nam,
Trung Quốc tới Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam,
Sông Mekong đã bồi đắp khu vực đồng bằng trở thành “Vựa lúa của Việt Nam.” Tuy
nhiên, thời gian gần đây, lượng nước trên sông Mekong đã giảm đi rất nhiều, khiến
các nước ở hạ lưu lâm vào khô hạn nghiêm trọng.
Ngoài những yếu tố như lượng mưa ít bởi hiện
tượng khí hậu El Nino, còn có tác động của những đập thủy điện trên thượng nguồn
và ở cả dưới hạ nguồn, gồm 2 đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc.
Các báo cáo mới nhất từ khu vực Hạ lưu sông
Mekong gây ra quan ngại về việc một thời kỳ hạn hán nữa sẽ tiếp tục diễn ra sau
đợt hạn hán hồi năm 2019, ảnh hưởng đến Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Lưu lượng mưa được kỳ vọng vào cuối tháng 5 qua đến tháng 6 và tháng 7 đã không
diễn ra, và lưu lượng nước của sông Mekong thấp đến mức khiến hiện tượng đảo
chiều “bình thường” của nhánh sông Tonle Sap ở Phnom Penh, vốn thông thường sẽ
gây ra hiện tượng dòng nước chảy lùi trở lại Biển Hồ (Great Lake), đã không xảy
ra. Còn tại Biển Hồ, lưu lượng nước thấp đã gây ra tác động tiêu cực đối với sản
lượng đánh bắt cá mà có những giai đoạn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm
qua.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 8/3/2016: một cậu bé bắt cá gần một con kênh
cạn nước ở Long Phú, Sóc Trăng AFP
Các nhà nghiên cứu dự báo khả năng xảy ra một
đợt hạn hán khốc liệt tiếp theo cùng với việc công bố bằng chứng cho thấy đợt hạn
hán hồi năm 2019 xảy ra trùng với thời điểm Trung Quốc ngăn dòng nước ở một số
đập thủy điện của nước này trên sông Mekong. Điều này cũng được làm sáng tỏ
trong các ấn phẩm chủ đạo của Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington và quan
trọng hơn cả là trong một bằng chứng mới được công bố hồi tháng 4/2020 và trong
một bài viết trên tạp chí Foreign Policy của Brian Eyler, Giám đốc Chương trình
Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson. Bằng chứng cụ thể củng cố cho các báo cáo
và bài viết nói trên dựa trên hình ảnh vệ tinh do “Eyes on Earth” cung cấp, một
tổ chức sử dụng hình ảnh vệ tinh để giám sát các quá trình diễn biến của khí hậu.
Những phát hiện nói trên gây quan ngại sâu sắc khi những vấn đề vẫn tiếp diễn
trước hàng loạt các đợt hạn hán trong vòng 20 năm qua vốn hủy hoại khu vực hạ
lưu sông Mekong. Các vụ mùa đã không ít lần thất bát, và điều này đã gây ra những
quan ngại sâu sắc ở vùng châu thổ Mekong, nơi mà giới chức địa phương đã kêu gọi
tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì tình trạng hạn hán diễn ra hồi đầu năm 2020.
Tình trạng đáng lo ngại này lại trở nên trầm trọng hơn do tình trạng sụt giảm
lượng phù sa ở sông Mekong do cản trở mà 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên
sông Mekong gây ra. Ngoài ra, cũng có bằng chứng nhất quán cho thấy trữ lượng
thủy sản đã và đang suy giảm, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân khu vực sông
Mekong.
Những phát hiện quan trọng được đưa ra trong
các báo cáo của trung tâm Stimson như sau:
- Mặc dù hạn hán đã hoành hành tại khu vực hạ
lưu sông Mekong trong năm 2019 song lượng mưa vẫn ở trên mức trung bình và tuyết
tan ở Trung Quốc và các con đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại phần lớn
lưu lượng dòng chảy của sông Mekong sau những đợt hạn hán đó.
- Những hành động của Trung Quốc đã gây ra hạn
hán trong nhiều năm qua.
- Trung Quốc đang ngăn chặn lưu lượng nước nhiều
hơn bao giờ hết.
- Những hành động của Trung Quốc bao gồm việc
xả nước bất ngờ vốn có thể liên quan đến công tác quản lý các con đập của nước
này khi công tác xây dựng một số đập được hoàn thiện.
Các kết luận này cũng có thể có trong dữ liệu
của tổ chức “Eyes on Earth”, vốn cho phép việc thực hiện dự đoán chính xác những
gì đang xảy ra ở Trung Quốc và những gì liên quan đến 11 con đập của nước này ở
thượng nguồn sông Mekong. Các kết luận này cũng đặt ra những quan ngại về bản
chất của những hành xử cơ bản của Trung Quốc đối với sông Mekong.
Như báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Stimson
nhận định, Trung Quốc coi sông Mekong là “một tài nguyên có chủ quyền hơn là một
tài nguyên chung”. Cách hành xử này được phản ánh trong thực tế là Trung Quốc
chưa từng tuân thủ các quy ước vốn sẽ thỏa hiệp quyền lợi của mình nhằm duy trì
quyền kiểm soát hoàn toàn sông Mekong thuộc phạm vi lãnh thổ của nước này.
Hình minh hoạ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chụp hình cùng Thủ tướng
Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Thái Prayuth
Chan-O-Cha, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith tại cuộc họp hợp tác Mekong - Lan
Thương ở Phnom Penh hôm 10/1/2018 (AFP)
Dễ dàng có thể nhận ra những hành động của
Trung Quốc đối với sông Mekong như là một hình thức phản ánh những giá trị
chính sách đối ngoại ở cấp độ rộng lớn hơn của Trung Quốc. Và mặc dù Trung tâm
Stimson cho rằng những phát hiện mới này tạo cơ hội cho sự “can dự mang tính hợp
tác vốn có thể biến những con đập của Trung Quốc thành một giải pháp đối với đợt
hạn hán lớn tiếp theo xảy ra trong khu vực”, song quan điểm này có phần hơi quá
lạc quan. Trong vòng hơn 30 năm qua, các hành động và chính sách của Trung Quốc
liên quan đến sông Mekong và những gì xảy ra ở khu vực hạ lưu sông Mekong đều
thể hiện bản chất tư lợi của Trung Quốc. Điều này cũng được nhìn nhận tương tự
như việc Trung Quốc không tham gia Ủy hội Sông Mekong, việc thiết lập một cơ
quan khác để xử lý các vấn đề về sông Mekong, đó là Hợp tác Mekong-Lan Thương,
và các chính sách mà Bắc Kinh theo đuổi trong nỗ lực hòng tìm cách thúc đẩy hoạt
động giao thương ven sông của nước này. Giờ đây, khi bằng chứng cho thấy việc
nước bị ngăn giữ lại vào thời điểm xảy ra hạn hán ở các nước láng giềng Trung
Quốc thuộc hạ nguồn sông Mekong cho thấy Trung Quốc sẽ không thay đổi cách hành
xử của mình trong tương lai. Trung Quốc cũng là một trong ba quốc gia hiếm hoi
trên thế giới đã bỏ phiếu chống lại Công ước về sử dụng các nguồn nước quốc tế
với mục đích phi giao thông của Liên Hợp Quốc năm 1997.
Những phản ứng đối với các báo cáo nói trên rất
đa dạng, từ có thể đoán định được đến bất ngờ. Như dự đoán, các tổ chức xã hội
dân sự đã dựa vào những phát hiện của Trung tâm nghiên cứu Stimson để kêu gọi cần
hành động nhằm thay đổi các chính sách của Trung Quốc trong tương lai. Bất ngờ
hơn là phản ứng tức thì của Ủy hội Sông Mekong khi tổ chức này thể hiện nghi ngờ
về căn cứ và giá trị của dữ liệu do tổ chức “Eyes on Earth” công bố, cho rằng cần
nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào. Đây dường như là
phản ứng bất thường của một cơ quan có nhiệm vụ giám sát sự tồn tại của sông
Mekong.
Không có gì ngạc nhiên khi tờ Thời báo Hoàn cầu
đăng tải một nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng các con đập mà Trung Quốc xây dựng
trên sông Mekong đóng một vai trò quan trọng trong mùa mưa, vốn trái ngược với
những gì xảy ra trước khi mùa mưa đó diễn ra.
Cuối cùng, sự im lặng của các chính phủ các nước
thuộc khu vực lòng chảo hạ lưu sông Mekong là đáng ngạc nhiên. Có lẽ, Lào và
Campuchia giờ đang có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc nên họ có thể “im hơi
lặng tiếng”, thế nhưng sự im lặng của chính phủ Việt Nam cho thấy một sự bất
thường. Bất thường bởi vì Việt Nam là quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất trước
sự việc dòng Mekong khô kiệt. Dòng Mekong khô cạn đã và đang ảnh hưởng rất lớn
đến sinh kế của hơn 20 triệu cư dân khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, và chắc chắn
sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
No comments:
Post a Comment