Triển vọng nước Nga
sau cuộc bầu cử thời chiến của Putin
Andrei Kolesnikov
- Foreign Affairs
Nguyễn
Thị Kim Phụng,
biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/12/20/trien-vong-nuoc-nga-sau-cuoc-bau-cu-thoi-chien-cua-putin/
Cuộc bầu
cử ở Nga sẽ xác thực chế độ chuyên chế và định hình xung đột vĩnh viễn với
phương Tây.
“Nếu có
Putin thì có nước Nga; nếu không có Putin thì không có nước Nga,” chủ tịch
đương nhiệm của Duma Quốc gia, đồng thời là phụ tá trung thành của Putin,
Vyacheslav Volodin, đã phát biểu như vậy vào năm 2014. Volodin khi đó đang nói
về một chế độ chuyên chế lý tưởng, một chế độ mà trong đó đất nước được đánh đồng
với người cai trị và ngược lại. Vào thời điểm Volodin nói những lời đó, Điện
Kremlin đang đắm chìm trong hân hoan vì đã sáp nhập thành công Crimea. Nhờ cái
gọi là “đa số ủng hộ Putin,” chính phủ đã có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi
sang một chế độ chuyên chế như vậy với sự tán thành rộng rãi của công chúng.
Tuy nhiên,
Volodin đã đi trước thời đại một chút. Phải đến cuộc cải cách hiến pháp năm
2020, theo đó “thiết lập lại” giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống Nga và củng cố
chế độ độc tài lâu dài của Putin, thì công thức của Volodin mới được luật hoá
trong các thể chế của đất nước. Và phải đến năm 2022, khi “chiến dịch đặc biệt”
ở Ukraine bắt đầu, ý nghĩa của câu chuyện tuyên truyền “Putin chính là nước
Nga” mới trở nên rõ ràng. Như Điện Kremlin muốn thể hiện, cuộc chiến của Putin
là cuộc chiến của nước Nga, và rộng hơn, là cuộc chiến liên quan đến tất cả người
dân Nga – một khái niệm không chỉ được tận dụng bởi các nhà tuyên truyền của chế
độ Putin, mà còn được nhiều quan chức phương Tây sẵn sàng chấp nhận. Nhưng tất
nhiên, bức tranh thực tế phức tạp hơn rất nhiều.
Giờ đây,
đa số ủng hộ Putin đã được coi là điều hiển nhiên, và chẳng còn ai buồn nói về
nó nữa. Thay vào đó lại xuất hiện “đa số ủng hộ chiến tranh” – một phần bằng
cách phớt lờ nó và tiếp tục cuộc sống như thường ngày. Đối với nhóm thiểu số chống
Putin, Điện Kremlin đã thay đổi thái độ, chuyển từ thói quen coi thường bất kỳ
ai dám phản đối tổng thống sang một chính sách đàn áp và tố cáo tích cực. Các
nhân vật đối lập và xã hội dân sự đã bị làm mất uy tín, bị lưu đày, và bị thanh
trừng một cách có hệ thống.
Tuy nhiên,
Putin vẫn cần các cuộc bầu cử để mang lại tính chính danh cho sự cai trị vĩnh cửu
của ông – cũng như cho cuộc chiến không hồi kết của ông. Vì thế, vào tháng
3/2024 tới, ông sẽ ra tranh cử tổng thống lần thứ năm kể từ năm 2000. Và nhờ cải
cách hiến pháp năm 2020, đây sẽ không phải là lần tranh cử cuối cùng. Theo hiến
pháp đã sửa đổi, Putin có thể tranh cử thêm hai lần nữa – vào năm 2024 và 2030
– nghĩa là ông có thể cầm quyền cho đến năm 2036, năm ông 83 tuổi. Rõ ràng
Putin đã sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội đó, chí ít là trong cuộc bỏ phiếu sắp
tới.
Nhưng lần
này, giữa bối cảnh chiến tranh, đã xuất hiện những quy luật mới, và cả Putin lẫn
công chúng Nga đều hiểu rõ chúng. Nhóm đa số thụ động ở Nga sẽ tiếp tục ủng hộ
chính phủ, đổi lại, phần lớn trong số họ sẽ không phải tới các chiến hào. Và kết
quả cuộc bầu cử – hay nói đúng hơn là sự tán thành của công chúng đối với các
chiến dịch của Putin – sẽ cho thấy rằng người dân vẫn đang thuận theo các quy
luật này. Lá phiếu nay đã trở thành tiền: Người Nga nghĩ rằng họ có thể dùng
chúng để mua được sự bình yên tương đối cho bản thân, dù không có gì đảm bảo rằng
Putin sẽ giữ đúng cam kết của ông.
CỨ
TIẾP TỤC ĐỒNG Ý
Vì hoàn
toàn không có lựa chọn nào thay thế Putin, nên một số người ủng hộ ông, ví dụ
như nhà lãnh đạo Ramzan Kadyrov, đã đề xuất hủy bỏ cuộc bầu cử năm 2024. Huỷ bỏ
vòng bỏ phiếu vì lý do đất nước đang có chiến tranh, và còn vì nền chính trị
Nga đã hoàn toàn loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, làm vậy chẳng phải sẽ dễ hơn
sao? Hoặc tại sao không đưa Putin lên chức lãnh đạo tối cao, lãnh tụ quốc gia,
hay sa hoàng, rồi bầu người khác làm tổng thống lấy lệ?
Vấn đề là
Putin thực sự cần bầu cử, chí ít là trên lý thuyết. Ngoài việc nâng cao tính
chính danh cho ông, các cuộc bầu cử còn là một cách để chứng tỏ – thông qua tỷ
lệ phiếu bầu áp đảo – rằng phe đối lập vẫn chỉ là một thiểu số nhỏ bé, và không
thể đi ngược lại ý chí của người dân Nga. Hơn nữa, bằng cách bỏ phiếu cho Putin
vào năm 2024, người Nga sẽ hợp pháp hóa cuộc chiến của ông. Ngay cả khi giai đoạn
tích cực của cuộc chiến này qua đi, nó vẫn cần phải tiếp tục tồn tại trong cuộc
đối đầu thường trực với phương Tây, và trở thành lý do căn bản cho sự đàn áp và
kiểm duyệt không ngừng ở trong nước.
Do đó,
thay vì là một cuộc bầu cử, cuộc bỏ phiếu tháng 3 tới nên được xem như một kiểu
ca ngợi dành cho người lãnh đạo, bởi chúng chỉ đơn giản là bỏ phiếu đồng ý cho
lựa chọn duy nhất hiện có. Về mặt kỹ thuật, đây là một hình thức hợp pháp để thể
hiện tính dân chủ, như được ghi trong hiến pháp – cũng như trong lịch sử nước
Nga. (Bộ sách giáo khoa mới dành cho chương trình phổ thông và đại học đã nhắc
đến các truyền thống chính trị của người Nga như veche, hay hội nghị
quần chúng, dưới thời Cộng hoà Novgorod, trong đó các quyết định được đưa ra dựa
trên tiếng hò hét, tán thành, hoặc tung hô của đám đông.) Nói cách khác, với việc
không có bất kỳ sự cạnh tranh chính trị nào, chế độ có thể nhận được những lời
tán dương mới, mà chẳng có gì để mất.
Putin chắc
chắn sẽ nhận số phiếu bầu cao chót vót. Một số người sẽ bỏ phiếu cho ông vì nhận
thức sai về nghĩa vụ công dân, số khác là do bị ép phải làm vậy tại nơi làm việc:
đó là tình trạng hoang tưởng chung ở nước Nga ngày nay, đến mức đôi khi nhân
viên phải chụp ảnh phiếu bầu của họ rồi gửi cho sếp, trước khi có thể quay trở
lại cuộc sống riêng tư của mình. Phiếu bầu cũng có thể bị làm giả bằng nhiều
cách, bao gồm cả với sự trợ giúp của hệ thống bỏ phiếu điện tử.
Tuy nhiên,
việc quyết định nội dung nào sẽ xuất hiện trong chiến dịch tranh cử lại là một
câu hỏi khác. Rõ ràng, điều cần thiết là Putin phải củng cố quan điểm của mình
về cuộc chiến. Như Putin thường nói, “Không phải do chúng ta”: Nước Nga đã bị
phương Tây tấn công, và để đáp lại, họ đã bắt đầu một “cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc” để giải phóng nước Nga và các dân tộc khác bị phương Tây bắt làm
nô lệ. Và vì người dân Nga tin rằng họ đang sống trong một pháo đài bị bao vây,
họ cần hỗ trợ hết mình cho vị chỉ huy của mình, để đẩy lùi cả kẻ thù ngoại xâm
lẫn những kẻ phản bội và đặc vụ nước ngoài đang lẩn trốn bên trong đất nước.
Cho đến nay, logic này đã đạt được trạng thái của một tiên đề luôn đúng. Cùng với
nó là một loạt các lập luận – Nga đang đấu tranh cho một “thế giới đa cực công
bằng hơn”, Nga là một “nền văn minh – nhà nước” đặc biệt – được dùng để biện
minh cho chiến tranh, tại sao nó không thể kết thúc, và tại sao sự cai trị của
Putin cũng không thể kết thúc. Nhưng yếu tố mới nào có thể được đưa vào chiến dịch
tranh cử hiện tại, ngoại trừ một tuyên bố trừu tượng về hòa bình và chiến thắng?
CÂU
CHUYỆN KINH TẾ
Trên lý
thuyết, công chúng Nga không quan tâm đến bầu cử. Trong suy nghĩ của hầu hết mọi
người, đơn giản là không có lựa chọn nào để thay thế Putin, ngay cả khi họ cho
rằng ông không thực sự là lãnh đạo giỏi. Khi người Nga nói đến “Putin,” họ muốn
nói đến chức tổng thống và ngược lại. Giống như một vị vua thời Trung cổ, Putin
có hai hiện thân – một thể chất, một tinh thần. Putin là cái “chúng ta” tập thể
của người Nga, và việc bỏ phiếu cho ông sau mỗi vài năm đã trở thành một nghi
thức, giống như việc chào cờ hay hát quốc ca mỗi sáng thứ Hai ở các trường
trung học trên khắp nước Nga.
Nhưng chiến
tranh đã bổ sung thêm một chiều hướng mới cho nghi thức này. Trong “chiến dịch
đặc biệt,” một thỏa thuận bất thành văn đã được thiết lập giữa nhân dân và nhà
lãnh đạo. Điểm mấu chốt của mối quan hệ đặc biệt này là chừng nào nhà nước chưa
lôi kéo (hầu hết) người dân vào trận chiến, người dân Nga sẽ không nghi ngờ quyền
lực của Putin. Lệnh động viên một phần vào mùa thu năm 2022 đặt ra câu hỏi về lời
hứa của nhà nước, nhưng từ đó đến nay, chính quyền đã giải quyết được phần lớn
vấn đề. Về cơ bản, họ đã ngừng động viên người Nga về mặt tâm lý, bằng cách duy
trì và thực thi một trạng thái bình thường mới. Putin hầu như chỉ tập trung vào
các vấn đề trong nước, như giải quyết các rắc rối kinh tế và phát triển trí tuệ
nhân tạo, tổ chức các cuộc gặp gỡ với các nhà khoa học và người trẻ tài năng. Kết
quả là, trong năm thứ hai của cuộc chiến, tâm trạng chung của người dân Nga đã
tốt hơn nhiều, ngay cả khi có tin đồn rằng một lệnh động viên quân sự khác có
thể xảy ra sau cuộc bầu cử.
Nhưng một
đám mây đen đã kéo đến bao phủ Điện Kremlin, dưới hình thức bất bình công khai
từ gia đình của những người đàn ông bị điều động vào tháng 10/2022. Những gia
đình này không đòi tiền, mà muốn đưa con trai và chồng của họ về nhà. Họ đã cảm
nhận được sự bất công, khi những gã tội phạm và những tên giết người, những kẻ
được đưa ra khỏi tù để chiến đấu trên chiến trường, và chỉ phải phục vụ trong
quân đội sáu tháng trước khi có thể trở về quê nhà như những anh hùng, trong
khi con trai của họ lại không được hưởng lợi ích như vậy. Chính phủ không đưa
ra câu trả lời thuyết phục cho thách thức này: Putin từ lâu đã quen với việc để
cho giới trí thức và phe đối lập theo chủ nghĩa tự do chống lại nhau, nhưng ở
đây ông đang phải đối mặt với sự bất mãn từ chính cơ sở xã hội của mình. Gia
đình của những người lính này vẫn chưa đoàn kết lại thành một phong trào chính
thức và chưa có lập trường phản chiến rõ ràng – một bước tiến vốn không thể xảy
ra do mức độ đàn áp cao. Nhưng họ đang ngày càng bị chính trị hóa nhiều hơn.
Putin tại
Điện Kremlin, Moscow, ngày 27/09/2023. © Mikhail Metzel / Sputnik / Reuters.
Đối với phần
lớn người dân, chỉ cần chính phủ thường xuyên ca ngợi tình hình phát triển kinh
tế và tăng trưởng thu nhập của đất nước là đủ, và thực tế là việc nước Nga
không trải qua sự sụp đổ kinh tế và xã hội cũng đủ để tạo ấn tượng. Điện
Kremlin cũng liên tục nhấn mạnh đến các “thành công” của chính sách đối ngoại.
Trong một thế giới tưởng tượng, Nga đã được “đa số toàn cầu” ở châu Á, châu Phi
và Mỹ Latinh ủng hộ trong cuộc đối đầu với phương Tây. Họ không chỉ là đồng
minh mà còn là những quốc gia xem Nga như tia sáng trong bóng tối. Có một giả định
rằng những lập luận chống phương Tây và những lời đề nghị hỗ trợ kinh tế – hoặc,
như trong trường hợp của châu Phi, ngũ cốc – sẽ tự động khiến các vệ tinh trước
đây của Liên Xô quay trở về với Nga.
Trong khi
đó, các phương tiện truyền thông chính thức của Nga khi đưa tin về các hoạt động
quân sự thường có xu hướng nhấn mạnh đến những thành công liên tục của “người của
chúng ta” ở tiền tuyến. Trong những câu chuyện đầy màu hồng này, không có tổn
thất nghiêm trọng nào, chỉ có những anh hùng và chiến thắng. Dần dần, các bản
tin trở nên giống với các báo cáo của Liên Xô về thành tựu nông nghiệp: mùa vụ
vẫn đang diễn ra tốt đẹp và cảm giác duy nhất nên có là sự hài lòng.
Từ góc
nhìn của phương Tây, những câu chuyện tưởng tượng này chẳng thuyết phục được
ai. Chắc chắn, người Nga có lẽ cũng nhận ra sự cô lập ngày càng tăng và những
khó khăn kinh tế, cũng như sự hy sinh ngày một lớn của những chàng trai trẻ ở
chiến trường. Nhưng chế độ Putin không được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ tích cực.
Tất cả những gì nó đòi hỏi là sự thờ ơ của đa số, những người hầu hết đều chọn
cách dễ dàng tin vào bức tranh về thế giới mà chính phủ áp đặt cho họ. Bằng
cách chấp nhận câu chuyện của Putin, họ có thể xem mình là cao cả, vượt trội
hơn so với một phương Tây mà họ được cho biết là đang tìm cách chia cắt đất nước
của họ, giống như những gì Napoléon, Hitler, và “đế quốc Mỹ” đã làm trong những
thập niên trước.
Từ tháng
này sang tháng khác, các nhà xã hội học Nga đều rút ra những kết luận tương tự
nhau. Sự quan tâm đến các sự kiện ở Ukraine đã sụt giảm. Theo khảo sát của
Trung tâm Levada độc lập, chưa đến một nửa số người được hỏi nói rằng họ theo
dõi cuộc chiến một cách sát sao. Trung bình, sự ủng hộ của người Nga đối với
quân đội vẫn ở mức cao: khoảng 75% số người được hỏi nói rằng họ ủng hộ hành động
của các lực lượng vũ trang, trong đó có 45% bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ.” Mặt
khác, các cuộc khảo sát cũng luôn cho thấy rằng hơn một nửa số người được hỏi ủng
hộ việc bắt đầu đàm phán hòa bình hơn là tiếp tục chiến tranh. Nhưng vì đất nước
đã có những hy sinh to lớn trong chiến tranh, nên hầu hết những người ủng hộ
đàm phán đều muốn nhận lại một điều gì đó: Nga nên giữ những vùng lãnh thổ “mới”
mà họ đã chinh phục hoặc “giành lại” cho Moscow.
QUAY
VỀ VỚI LIÊN XÔ
Sau khi đã
biến “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine thành một cuộc chiến đa chiều chống lại
phương Tây, Putin chẳng cần vội vàng nói về một hồi kết. Bởi theo định nghĩa mới,
các mục tiêu của Putin trong cuộc chiến không còn giới hạn ở việc giành lại
Ukraine cho Nga, mà còn bao gồm những gì đã trở thành một cuộc tái đấu mang
tính sống còn với phương Tây, trong đó chiến tranh Ukraine chỉ là một phần
trong xung đột kéo dài xuyên suốt lịch sử giữa các nền văn minh. Putin cho rằng
mình đang hoàn thành sứ mệnh được bắt đầu bởi những người tiền nhiệm lịch sử của
ông, những người luôn bị buộc phải ngăn chặn sự xâm lấn của phương Tây. Theo
cách diễn giải mới của Putin, ngay cả ách thống trị của người Tatar-Mongol –
hai thế kỷ nô dịch sau cuộc xâm lược của Bạt Đô, cháu trai Thành Cát Tư Hãn,
vào năm 1237 – cũng không gây hại bằng ảnh hưởng của phương Tây và các cuộc tấn
công của phương Tây. Và vì nó đã trở thành một cuộc đối đầu không có hồi kết,
nên mốc thời gian cho “chiến thắng” chắc chắn sẽ không phải là trong thập niên
tới.
Thường dân
Nga rất dễ tiếp thu những ý tưởng về tầm vóc vĩ đại của đất nước. Như dữ liệu
thăm dò đã cho thấy suốt những năm qua, nguyên nhân chính khiến người dân tự
hào về nước Nga ngày nay là quá khứ huy hoàng của đất nước. Người Nga có sự
quan tâm đặc biệt đến lịch sử đế quốc của họ, đặc biệt là lịch sử Liên Xô, và
hình ảnh lý tưởng hóa về Liên Xô như một vương quốc của công lý đã bắt đầu xuất
hiện. Đồng thời, được trợ giúp bởi những hành động che giấu của chính chế độ
Putin, những cuộc đàn áp của Stalin đã không còn được thảo luận, thậm chí đôi
khi còn được coi là điều tất yếu và tích cực. Trong số những thành tựu của Liên
Xô được người Nga nhớ đến nhiều nhất, thành tựu quan trọng nhất chính là chiến
thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, như cách người Nga gọi Thế
chiến II.
Theo đó,
Putin liên tục so sánh “chiến dịch đặc biệt” chống Ukraine với cuộc chiến chống
Đức Quốc xã. Vì vậy, những người lính và những vị tướng nổi tiếng của Chiến
tranh Vệ quốc Vĩ đại là những người tiền nhiệm trực tiếp của quân đội ngày nay,
và bằng cách chiến đấu trong cuộc chiến của Putin, người Nga một lần nữa có thể
được cứu chuộc bằng sự hy sinh anh dũng của họ. Chẳng hạn, trong bài phát biểu
trước lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5 năm nay, Putin cho rằng phương Tây
đang cố gắng đảo ngược chiến thắng lịch sử của Nga. Ông nói “Mục tiêu của họ là
làm cho đất nước chúng ta sụp đổ hoàn toàn, xóa bỏ những kết quả của Thế chiến
II”.
ĐỈNH
CAO CỦA PUTIN?
Tuy nhiên,
để làm cho thế giới quan của mình trở nên phù hợp, Putin cần một mô hình kinh tế
khả thi để duy trì việc “tạo dựng huyền thoại.” Trong những năm gần đây, và đặc
biệt là kể từ khi bắt đầu chiến tranh, bên cạnh thái độ ngờ vực đối với thế giới
bên ngoài, ông còn từ chối cái mà ông gọi là “sự phụ thuộc” về kinh tế và công
nghệ vào phương Tây. Trên thực tế, Điện Kremlin đã loại bỏ mọi thứ đến từ
phương Tây, tất nhiên không phải bằng cách thay thế nhập khẩu – vốn là điều
không thể xảy ra trong nền kinh tế hiện đại – mà bằng sự phụ thuộc mới vào
Trung Quốc. Cùng lúc đó, công nghệ của Nga ngày càng trở nên thô sơ nhưng lại tốn
kém hơn, đương nhiên đặt gánh nặng lên người tiêu dùng cuối cùng.
Nguồn tài
nguyên dầu khí của Nga – vốn cần thiết để duy trì chi tiêu quân sự của đất nước
– vẫn quan trọng hơn bao giờ hết. Theo một cách nào đó, ý thức hệ đang được sử
dụng để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn thu từ năng lượng và cho chất lượng cuộc
sống đang dần suy giảm. Tất nhiên, chế độ sẽ nỗ lực hết sức để duy trì ấn tượng
rằng cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, và ở một mức độ nào đó, điều này đúng:
về mặt chính thức, vào năm 2023, GDP của đất nước và thu nhập thực tế của người
dân đã tăng lên. Nhưng nguyên nhân phần lớn đến từ khoản đầu tư của nhà nước
vào các lĩnh vực phục vụ chiến tranh và các khoản trợ cấp xã hội cho những người
tham gia chiến đấu. Sự tăng trưởng đó thực chất đang gây thiệt hại cho nhà nước
và không rõ ngân sách sẽ tồn tại được bao lâu. Rủi ro mất cân đối tài khóa vẫn
còn đó.
Một vấn đề
lớn hơn là thiếu tầm nhìn kinh tế cho tương lai. Như nhà sử học Alexander
Etkind đã chỉ ra, “Một quốc gia phụ thuộc vào tài nguyên sẽ luôn lo sợ cạn kiệt
nguyên liệu thô, nhưng mối đe dọa lớn nhất đến từ các công nghệ mới có thể khiến
những nguyên liệu thô đó trở nên không cần thiết.” Putin chưa bao giờ tin vào
quá trình chuyển đổi năng lượng hay nền kinh tế xanh, nhưng bằng cách nhấn mạnh
vào việc bảo tồn cơ cấu công nghệ và mô hình nhà nước dầu mỏ hiện có của Nga,
chế độ của ông đã cản trở quá trình hiện đại hóa cả về mặt công nghệ lẫn chính
trị. Kết quả là nền kinh tế dầu khí đã không được thay thế bằng một mô hình bền
vững hơn. Đáng chú ý, một số quốc gia ở phương đông hiện đang tiêu thụ nguyên
liệu thô của Nga có thể sẽ thay đổi cơ cấu năng lượng của họ trong tương lai:
chẳng hạn, theo thời gian, Trung Quốc có thể có ít nhu cầu hơn đối với năng lượng
của Nga. Nhưng chế độ chuyên chế của Putin không quan tâm đến thế hệ tương lai,
càng không quan tâm đến môi trường.
Bên cạnh sự
phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo, Điện Kremlin có xu hướng
coi nguồn nhân lực như một mặt hàng có thể tiêu hao khác. Nhưng điều đó không
làm cho chuỗi cung ứng nhân lực rẻ hơn chút nào. Ngược lại, nó đang ngày càng
trở nên đắt đỏ hơn: lính chuyên nghiệp, lính đánh thuê, tình nguyện viên, thành
viên gia đình của những người chết trận hoặc bị thương, và những công nhân làm
việc trong khu liên hợp công nghiệp-quân sự của Nga (tất cả đều đang thiếu hụt
nhân lực nghiêm trọng) đều phải được trả lương. Do đó, chính phủ đã phải tự điều
chỉnh trước sự tăng trưởng không thể tránh khỏi của tiền lương và phúc lợi xã hội.
Thu nhập của người dân tăng lên không phải vì sự phát triển kinh tế hay những
tiến bộ về chất lượng của lực lượng lao động, mà đơn giản là để chính phủ có thể
duy trì tinh thần thù địch và thúc đẩy việc tiếp tục sản xuất vũ khí sát
thương.
Hiện nay,
ngân sách nhà nước vẫn cân đối, nhưng kỷ luật ngân sách thường xuyên gặp nguy
hiểm vì những ưu tiên của nhà nước. Bằng cách chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng
và an ninh, Nga sẽ có ít nguồn lực hơn cho người dân, cũng như cho sức khỏe và
sự phát triển của họ. Trong mô hình kinh tế của Putin, chi tiêu nhiều hơn cho
cái chết có nghĩa là chi tiêu ít hơn cho sự sống.
HỒ
THIÊN NGA
Vậy chiến
dịch tranh cử của Putin sẽ trông như thế nào? Với tình hình hiện tại, Putin chỉ
có thể mang đến cho công chúng cùng một mô hình sinh tồn đã trở thành tiêu chuẩn
kể từ khi “chiến dịch đặc biệt” bắt đầu: hãy cứ sống trong cảnh chiến tranh mà
không chú ý đến nó, và chờ đợi “chiến thắng” dưới bất kỳ hình thức nào mà tổng
thống sẽ chọn lựa vào một ngày nào đó. Một lần nữa, khó có khả năng lựa chọn đó
sẽ được xác định rõ ràng trong cuộc bầu cử sắp tới. Bản thân cuộc chiến đã trở
thành một phần tồn tại trong hệ thống của Putin, và có rất ít lý do để hy vọng
rằng nó sẽ sớm kết thúc, bởi điều đó có thể làm giảm đi tính cấp thiết của việc
ủng hộ Putin.
Dù thế nào
đi nữa, trong thời kỳ hòa bình, tỷ lệ tín nhiệm dành cho Putin thường khá thấp,
nhưng nó sẽ tăng vọt trong những thời điểm “yêu nước” cuồng loạn như cuộc chiến
Gruzia năm 2008 và việc sáp nhập Crimea. “Chiến dịch đặc biệt” cũng không phải
ngoại lệ. Hơn nữa, chí ít là trong lúc này, sự mệt mỏi vì chiến tranh vẫn chưa
chuyển thành sự bất mãn nghiêm trọng hoặc sự suy giảm ủng hộ dành cho chế độ.
Theo Trung tâm Levada, sự ủng hộ của dân chúng dành cho Putin, cũng như cho chiến
tranh và quân đội, nhìn chung vẫn ổn định, trong đó Putin đang duy trì tỷ lệ ủng
hộ khoảng 80%. Về lý thuyết, sự thờ ơ của đa số ủng hộ chiến tranh có nghĩa là
Putin có thể tiếp tục cuộc chiến vô thời hạn.
Lựa chọn
thay thế của Điện Kremlin là tăng cường các hoạt động thù địch, bao gồm một lệnh
động viên mới, dù là một phần hay toàn phần, kết hợp với việc ngày càng xa lánh
phương Tây và tăng cường đàn áp trong nước. Nhưng những thay đổi như vậy có thể
làm rung chuyển Điện Kremlin, và đến một lúc nào đó, họ sẽ phải đối diện với tảng
băng trôi là sự bất an của người dân và sự suy thoái của nền kinh tế. Những vấn
đề cơ bản của Nga sẽ không biến mất và chỉ đang chậm lại nhờ những hành động
tương đối hợp lý của các nhà quản lý kinh tế của chính phủ. Theo đó, việc duy
trì nguyên trạng dường như là con đường khả dĩ nhất để tiến về phía trước.
Khi người
Nga đi bầu cử vào tháng 3 tới, Putin có thể tin tưởng vào tỷ lệ người đi bỏ phiếu
cao và nhóm đa số tiếp tục thụ động ủng hộ chiến tranh. Hầu hết họ đều có những
kỳ vọng rất thấp, bởi từ lâu họ đã sống theo câu thần chú “Quan trọng là mọi
chuyện sẽ không nên trở nên tồi tệ hơn nữa.” Tuy nhiên, sự tung hô dành cho chế
độ mà cuộc bầu cử chắc chắn sẽ mang lại không nhất thiết trở thành nền tảng cho
những động thái thực sự quyết liệt, như đóng cửa hoàn toàn biên giới của Nga hoặc
sử dụng vũ khí hạt nhân. Quả thực, Điện Kremlin phải hiểu rằng kết quả bầu cử
không phải là một cái cớ cho những thay đổi mới, cực đoan hơn, mà là một tín hiệu
cho thấy họ nên duy trì chính sách đang có.
Một đất nước
có thể tồn tại được bao lâu trong tình trạng trì trệ thụ động và kém hiệu quả
này? Trên lý thuyết, Putin có thể duy trì lợi thế bằng cách tiếp tục chiến
tranh nhưng đồng thời giữ cho dân chúng yên ổn, từ đó vượt qua phương Tây đang
dần bớt quan tâm đến Ukraine. Nhưng có một số lý do để đặt câu hỏi về giả định
này: Thứ nhất, không chỉ Ukraine và phương Tây mà cả Nga cũng đang bị cạn kiệt
tài nguyên một cách nghiêm trọng. Thứ hai, những điều bất ngờ có thể xảy ra, ví
dụ như làn sóng bất mãn ngày càng gia tăng trong gia đình các quân nhân Nga được
lệnh động viên. Ngay cả khi nó không gây ra phản ứng chính trị rộng rãi hơn, hiện
tượng này đã cho thấy những con thiên nga đen với kích cỡ khác nhau có thể xuất
hiện từ những nơi không ngờ tới, vào những thời điểm không ngờ tới.
Nhưng đâu
là lằn ranh đỏ cho thấy tài nguyên có thể cạn kiệt đến mức nào và sự kiên nhẫn
của các nhóm dân cư khác nhau có thể bị thử thách đến mức nào mà không gây ra sụp
đổ? Những lằn ranh này liệu có tồn tại ở Nga hay không? Cho đến nay, ngoại trừ
một vài ngoại lệ nhỏ, mọi thứ đều chỉ ra một thực tế là không phải vậy. Hơn nữa,
cho dù chế độ có thắt chặt kiểm soát đến mức nào, việc thay đổi lãnh đạo không
phải là ưu tiên hàng đầu của công chúng Nga: ngược lại, các cuộc thăm dò và phỏng
vấn nhóm tiết lộ rằng nhiều người Nga lo sợ sự thay đổi ở cấp cao nhất.
Tuy nhiên,
người Nga vẫn chưa sẵn sàng chết vì Putin. Trong năm 2018 và 2020, xếp hạng của
Putin đã giảm do quyết định tăng tuổi nghỉ hưu không được lòng dân, và sau đó
là do ảnh hưởng của đại dịch; có thể cơ sở hỗ trợ của ông sẽ lại bị ảnh hưởng
trong những tháng tới. Trong tâm trạng của cả công chúng và giới tinh hoa, đang
có một kỳ vọng dù vô hình nhưng rõ ràng về những sự kiện như vậy. Tuy nhiên, đối
với hầu hết mọi người, mong muốn của họ rất đơn giản. Họ mong muốn chấm dứt “tất
cả những điều này” – nghĩa là thoát khỏi chiến tranh – càng nhanh càng tốt, và
bắt đầu sống tốt hơn, an toàn hơn, và hòa bình hơn. Nhưng điều này sẽ khó có thể
xảy ra nếu không có sự thay đổi chế độ.
----------------------
Andrei
Kolesnikov là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung Tâm Nga-Á-Âu thuộc Quỹ Carnegie
vì Hòa bình Quốc tế.
Nguồn: Andrei
Kolesnikov, “Putin’s War Party,” Foreign
Affairs, 01/12/2023
No comments:
Post a Comment