Saturday, December 9, 2023

TRÁCH NHIỆM CỦA BẬC LÀM CHA MẸ (MATSUSHITA Kônosuke)

 



Trách nhiệm của bậc làm cha mẹ

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

28.11.2023 18:20

https://diendankhaiphong.org/trach-nhiem-cua-bac-lam-cha-me/

 

(Điều 24 Chúng ta cần lập cho bản thân một nhân sinh quan vững chắc, việc này không những giúp chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn mà cũng  giúp chúng ta hoàn thành một phần trách nhiệm đối với việc dạy dỗ và  giáo dục đối với con cái.) (1)

 

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

 

Trách nhiệm của cha mẹ là có tư thế sống vững chắc và nhân sinh quan rõ ràng. Hai điều này đủ có sức thuyết phục đối với con cái. (2)

 

                                                                    ***

 

Tôi đã từng nghe câu “Thành cha mẹ dễ nhưng là cha mẹ khó” (dịch dễ hiểu hơn, việc trở thành cha mẹ thì dễ nhưng việc làm cha mẹ đúng nghĩa cha mẹ thì khó) (3). Không biết ai đã đầu tiên nói ra lời này nhưng tôi nghĩ lời nói này quả thật xác đáng ở mặt nào đó. Phải chăng điều khó khăn nhất của bậc làm cha mẹ là shitsuke (dạy dỗ, huấn luyện), giáo dục con cái? (4)

 

Từ xưa có câu nói “Tâm hồn trẻ thơ lúc 3 tuổi ảnh hưởng mãi đến 100 tuổi” (5), hoặc “Thép phải uốn nắn khi còn nóng” (6). Do đó, đối với con người của chúng ta, để có thể trưởng thành như một con người đúng nghĩa làm người, từ lúc chào đời đến lúc thành người lớn, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, các điều quan trọng cần thiết để làm người cần phải được dạy dỗ, huấn luyện đàng hoàng đầy đủ không thể thiếu. Cách sống làm người không phải không cần ai dạy mà có thể tự nhiên được vun trồng, bồi dưỡng.

 

Trước đây người ta phát hiện thiếu nữ được chó sói nuôi dưỡng từ bé trong rừng Ấn Độ (7) và đã trở thành đề tài bàn thảo. Người ta nói thiếu nữ này chỉ có thể cất tiếng kêu như chó sói và quá muộn để có thể trở lại sinh hoạt con người. Dù cho là người vĩ đại đến đâu, rõ ràng lúc còn nhỏ cần phải được định hướng đúng về cách làm người.

 

Trong phạm vi rộng, việc định hướng đúng về cách làm người đối với trẻ em như đã trình bày ở trên có thể nói là vai trò, là trách nhiệm của toàn thể mọi người lớn đang sống vào lúc đó (8). Tuy nhiên, trong phạm vi trực tiếp và gần gũi, người đảm nhận trách nhiệm to lớn nhất này là bậc cha mẹ tiếp xúc với trẻ hàng ngày. Do đó khi ở bậc làm cha mẹ, dù bất cứ trong hoàn cảnh như thế nào, chúng ta cần phải hoàn thành trách nhiệm dạy dỗ, huấn luyện, giáo dục đối với con cái. Việc này tương đối khó khăn, không phải dễ dàng. Do khó khăn này, các gia đình buôn bán, thương mại ngày xưa thường đưa con cái họ đến các tiệm buôn bán khác nhờ dạy dỗ, giáo dục giúp.

 

Bản thân tôi cũng đã là một người cha và ở trong lập trường đảm nhiệm vai trò này. Tuy nhiên khi hồi tưởng lại, tôi phải thành thật nói rằng, do tôi chuyên tâm vào công việc, vào sự nghiệp của mình nên việc dạy dỗ, huấn luyện, giáo dục con cái tất cả tôi đều giao phó cho nhà tôi (vợ tôi). Do đó tôi cảm thấy mình không có tư cách nói về việc dạy dỗ, huấn luyện, giáo dục con cái. Tuy nhiên có lẽ là một điều mà tôi nghĩ là cực kỳ quan trọng nên mong muốn được phép trình bày ở đây. Đó là việc bản thân của người làm cha mẹ cần phải có một nhân sinh quan, một cách nhìn vững chắc về xã hội.

 

Bản thân tôi, tôi nghĩ rằng việc cha mẹ trực tiếp dạy dỗ, huấn luyện con cái như “Hãy làm như thế này!”, “Không được làm như vậy” là quan trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cùng với những việc này, hoặc có thể nói là quan trọng hơn, là việc bậc làm cha mẹ cần phải có nhân sinh quan vững chắc. Một khi bậc cha mẹ có nhân sinh quan vững chắc, nhân sinh quan sẽ trở thành niềm tin (tín niệm) và không biết từ lúc nào niềm tin này sẽ thể hiện trong hành động, trong lời nói của bậc làm cha mẹ, và tất cả việc này sẽ trở thành nội dung giáo dục không lời đối với con cái. Nếu không có như trên mà chỉ nói ở cửa miệng rằng “Các con phải như thế này, như thế kia” thì nếu không đến mức độ “không nói còn tốt hơn”, tôi cũng cảm thấy nghi ngờ việc này có đủ hiệu quả hay không.

 

Tôi nghĩ rằng nội dung vừa trình bày ở trên có thể nói cho cả bậc làm cha lẫn bậc làm mẹ. Tuy nhiên nếu hỏi rằng bên nào cần nhiều hơn? Phải chăng là bậc làm cha. Những bậc làm cha gần đây ở trong cảnh ngộ giống tôi, nghĩa là phần lớn bậc làm cha ít có cơ hội gần gũi với con cái. Dù đối với những trường hợp như vậy, nếu bậc làm cha có niềm tin vững mạnh thì tôi nghĩ người mẹ cũng sẽ trở nên có một nhân sinh quan tương ứng. Nếu bậc làm cha không có niềm tin vững mạnh thì niềm tin khó phát sinh ở người mẹ và như thế khía cạnh con cái được đơn thuần nuôi dưỡng bằng tình cảm thương yêu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Dĩ nhiên, đối với bậc làm mẹ tình cảm thương yêu con là quan trọng nhưng nếu chỉ có như vậy tôi nghĩ con cái ít được dạy dỗ, huấn luyện, giáo dục, và sẽ trưởng thành với lòng ham muốn, dục vọng của trẻ con không được hướng dẫn tốt đẹp.

 

Nhìn vào xã hội hiện nay, tôi cảm thấy có nhiều bậc làm cha mẹ yếu nhược về mặt nhân sinh quan và ngay chính cả bản thân họ cũng phân vân, bối rối không rõ ràng. Điều này bắt tôi phải suy nghĩ rằng đây là một trong những nguyên nhân của những hình ảnh không mấy tốt đẹp của thanh thiếu niên hiện nay.

 

Mặc dù thời đại hiện nay được xem là một thời đại mà quan niệm giá trị  rất đa dạng và là một thời đại khó để xác lập nhân sinh quan thích ứng nhưng điều rõ ràng là bậc làm cha mẹ cần phải tìm kiếm và lập ra cách sống của riêng mình. Việc làm này cũng là điểm xuất phát để hoàn thành trách nhiệm dạy dỗ, huấn luyện, giáo dục con cái, của bậc làm cha mẹ. Và tôi nghĩ từ việc làm này tự bản thân của bậc làm cha mẹ cũng sẽ mở ra con đường sống tốt đẹp hơn.

 

Nguyễn Sơn Hùng, 22/9/2022

 

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

 

                                                                *

 

Nhận xét của người dịch

 

1. Trong bài này tác giả có vẻ chủ trương ảnh hưởng của người cha đối với việc giáo dục của con cái lớn mạnh hơn người mẹ. Tuy nhiên người dịch nghĩ rằng khuynh hướng này đúng trong thời kỳ nam trọng nữ khinh của thời tác giả. Điều này không hẳn đúng ở nước khác và ngay cả ở Nhật Bản gần đây. Trường hợp của gia đình chỉ có người mẹ (single mother) thì không cần phải nói và ngay cả trường hợp gia đình có cả cha và mẹ, tuỳ theo con cái là trai hay gái cũng có thể khác đi. Do đó, chúng ta nên nghĩ rằng ảnh hưởng của cha mẹ đều quan trọng như nhau, đặc biệt là sự thống nhất và phối hợp, hiệp lực chặc chẽ về cách giáo dục con cái giữa cha và mẹ. Sự mâu thuẫn, tranh chấp giữa cha và mẹ hoặc các người thân khác như ông bà có ảnh hưởng rất xấu đối với giáo dục con cái, cần phải tránh.

 

2. Đối với trường hợp của tác giả, quả thật ảnh hưởng của cha ông to lớn hơn mẹ ông. Khi ông 11 tuổi, mẹ ông rời Wakayama, gia đình cùng sống chung ở Tenman của thành phố Osaka. Sẵn dịp Cục Tiết Kiệm của thành phố nơi chị ông đang làm việc, có mộ người giúp việc vặt và muốn tự tay chăm sóc ông nên mẹ ông bàn với cha ông để ông nghỉ đi học thí công, ban ngày làm việc ở Cục và ban đêm đi học lại nhưng cha ông đã phản đối. Cha ông nói “Cha nghe mẹ con muốn con nghỉ học thí công để ban ngày đi làm và ban đêm đi học nhưng cha phản đối việc này. Có người không biết chữ vẫn có thể thành công. Nếu thành công trong việc buôn bán, người ta cũng có thể mướn người tài giỏi hơn để làm việc. Nhất định không được bỏ việc đi học nghề thí công.” Ông đã nghe theo lời cha ông và ông viết “Một lời của cha  đã thay đổi cả cuộc đời tôi”. Ông cũng thuật lại khi ông khóc vì khổ cực, cha ông nói “Này Kônosuke, dù con có khổ cực đến mức nào cũng hãy chịu đựng. Ngày xưa những người trở thành người được đời kính nể, tất cả lúc nhỏ đều phải khổ cực, lớn lên mới được như thế”. Để rồi trong phần kết luận của bài viết “(đối với con cái) Cha là gì ?” trong tác phẩm “Nhân Sinh Đàm Nghĩa”, ông viết: “Khi tôi 11 tuổi cha tôi mất sau 3 ngày bệnh. Tôi chỉ ở chung với cha tôi 2 năm nhưng nguyện vọng và suy nghĩ của ông đã thấm vào thân thể tôi và vẫn sống trong con người tôi”.

 

Đọc xong nội dung trên chúng ta có thể hiểu không những ảnh hưởng của người cha mà cũng cụ thể hình dung được ngay cả ảnh hưởng nhân sinh quan của cha mẹ đến con cái như thế nào. Do đó, chúng ta có thể hiểu “nhân sinh quan của cha mẹ là “nền tảng giáo dục vô hình đối với con cái”.

 

Từ câu truyện trên, chúng ta có thể đoán được ảnh hưởng của cụ Nguyễn Phi Khanh ảnh hưởng đến cụ Nguyễn Trãi thế nào và nhiều thí dụ khác của các bậc tiền nhân chúng ta. Ảnh hưởng của các vĩ nhân không những đến con cháu của họ mà ngay cả xã hội của nhiều thế hệ sau! Ảnh hưởng của nhân sinh quan thật to lớn biết bao!

 

3. Trong bài viết tác giả có giới thiệu ở Nhật Bản thời ông và trước đó các thương gia thường cho con cái của họ đến học nghề ở các thương hiệu khác. Tại sao vậy? Tình cờ trong lúc viết nhận xét bài này, người dịch chợt nhớ lại bài 18 của chương 7 Ly Lâu thượng, nội dung của Mạnh tử trả lời Công Tôn Sửu, học trò ông về lý do thời xưa người quân tử không trực tiếp giáo dục con cái. Đại ý của trả lời như sau: “Bởi vì theo lẽ tự nhiên thường hay bị thất bại. Tại sao vậy? Một khi dạy, nhất định nghiêm khắc dạy con phải làm điều đúng theo đạo lý. Nếu như con không thực hành đúng theo ý cha đưa đến việc cha nổi giận trách mắng. Dạy con từ đầu vốn vì mong muốn con được tốt nên mới bắt đầu dạy, thế mà ngược lại làm tổn hại tình cha con. Phía con lại nghĩ trong lòng: “Cha nghiêm khắc dạy mình làm tốt, theo đúng đạo lý nhưng bản thân cha chẳng phải không làm gì sao?”Một khi trở nên tình trạng như thế thì tình cảm cha con tổn thương. Thương tổn tình cảm cha con là cực kỳ không tốt. Do đó người xưa thường trao đổi con cái để giáo dục. Giữa cha con không nên trách cứ việc tốt xấu với nhau. Việc này sẽ làm cha con xa cách. Trong đời người không gì xấu bằng việc này!”

 

Người dịch thật không ngờ Mạnh tử giải thích lý do rất thực tế và xác đáng như thế. Một lần nữa điều này cũng cho thấy sự quan trọng của việc giáo dục vô hình bằng nhân sinh quan của cha mẹ và vai trò giáo dục của các thầy cô ở bậc mẫu giáo và tiểu học. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là cha mẹ không thể giáo dục trực tiếp con cái. Ngày nay có rất nhiều nghiên cứu đưa ra nhiều phương pháp để cha mẹ giáo dục con cái thành người và thành đạt. Thí dụ như sách của Ifuka Masaru (9), của Ronald F. Ferguson & Tatsha Robertson (10)

Trong nội dung trả lời của Mạnh tử cho chúng ta thấy 2 khuyết điểm chính đối với cách giáo dục của người xưa và ngay cả ngày nay đôi lúc chúng ta cũng vấp phải. Thí dụ dạy con không nên giận dữ mà bền chí mềm mỏng khuyên nhủ. Fukuzawa Yukichi chủ trương nên xem con cái như bạn thân (11). Kế đến, bản thân của người dạy và người chung quanh (ít nhất người trong gia đình) phải làm gương bởi vì ảnh hưởng của người (cấp) trên đối với người (cấp) dưới rất lớn.

 

Nguyễn Sơn Hùng, viết xong ngày 6/5/2023

 

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

 

--------

Ghi chú

 

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

 

(3) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

 

(4) Trong nguyên văn tác giả dùng “shitsuke” và “kyoiku (chữ Hán là giáo dục)”. Ý nghĩa của “shitsuke” trong tiếng Nhật rất phong phú đa dạng. Người Nhật tự đặt chữ Hán cho từ này, cấu tạo bằng chữ thân (cơ thể) và chữ mỹ (tốt đẹp) với ý nghĩa tập luyện, tu dưỡng cho con người mình trở nên tốt đẹp, tương tự như “tu thân”. Về chi tiết có thể tham khảo thêm bài “LỄ VÀ TU THÂN” của cùng một tác giả. Ở đây dịch ngắn gọn là “dạy dỗ, huấn luyện” hàm ý “mềm” và “cứng”, “yêu thương” và “nghiêm khắc”.

 

(5) Không được xác nhận chắc chắn nhưng có thuyết câu nói này có xuất xứ từ tác phẩm “Nguyên Thị Vật Ngữ” của Murasaki Shikibu (bút hiệu, phái nữ), tiểu thuyết truyện dài vào trung kỳ của thời Heian (794~1185), xuất hiện đầu tiên trong tài liệu văn học năm 1008.

 

(6) Châm ngôn của Tây phương, tiếng Anh: “Strike while the iron is hot”. Việt Nam chúng ta có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ lúc ban sơ mới về”. Ngày nay, phần đầu vẫn còn đúng nhưng phần sau chưa hẳn còn đúng vì vợ chồng đã quen biết nhau nhiều trước khi kết hôn, không còn giống như thời xưa.

 

(7) Trong nguyên văn tác giả chỉ viết “thiếu nữ” nhưng người dịch tra trên Internet tiếng Nhật thấy có câu chuyện của 2 thiếu nữ được người truyền đạo Thiên chúa tên Joseph Armrito Lal Singh phát hiện vào năm 1920 ở Ấn Độ. Chắc có lẽ tác giả đề cập đến việc này. Joseph Armrito Lal Singh và Robert M. Zing viết quyển sách tựa “Wolf-Children and Feral Man”, do Shoe String Pr Inc. xuất bản năm 1966.

 

(8) Theo thể nghiệm sống lâu năm ở Nhật Bản, người dịch có chứng kiến những trường hợp người lớn, đặc biệt người lớn tuổi, rày dạy trẻ em hoặc ngay cả thanh niên khi họ làm việc không đúng theo thường thức, cho thấy những người Nhật Bản lớn tuổi có ý thức như tác giả chủ trương.

 

(9) Ifuka Masaru (1971, tiếng Nhật): “Chờ Đến Mẫu Giáo Thì Đã Muộn”. Bản dịch tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Thị Thu, do Nhà Xuất Bản Văn Học xuất bản năm 2013. Ifuka Masaru còn nhiều tác phẩm khác về giáo dục trẻ em.

 

(10) Ronald F. Ferguson & Tatsha Robertson (2020, tiếng Anh): The Formula. Bản dịch tiếng Việt của Hồng Hạnh: “Đại Công Thức-Mở Khóa Bí Quyết Nuôi Dạy Con Thành Đạt” do Nhà Xuất Bản Thế Giới xuất bản năm 2021.

 

(11) Fukuzawa Yukichi (1902): “Một Gia Đình Văn Minh Phải Là Tập Hợp Của Những Người Bạn Thân”, Truyện số 7 trong “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo”, Thời Sự Tuần Báo phát hành.

https://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/07-Mot-gia-dinh-van-minh.htm

 





No comments: