Wednesday, December 13, 2023

TIẾN SĨ HÀ HOÀNG HỢP : "CỘNG ĐỒNG CÙNG CHUNG MỘT TƯƠNG LAI" và "CỘNG ĐỒNG CHUNG VẬN MỆNH" GIỐNG MÀ KHÁC NHAU! (Diễm Thi | RFA)

 


Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: "Cộng đồng cùng chung một tương lai" và "Cộng đồng chung vận mệnh" giống mà khác nhau!

Diễm Thi  |  RFA
2023.12.12

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-with-dr-ha-hoang-hop-12122023123107.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-with-dr-ha-hoang-hop-12122023123107.html/@@images/fe0caea2-d0f4-4744-bbaf-29eff69ca9d0.jpeg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 12/12/2023.  (AFP)

 

Diễm Thi: Trước hết, xin ông cho biết chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam lần này có điểm gì đặc biệt?

 

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Việt Nam và Trung Quốc có câu “năm cùng tháng tận” nhưng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam lại vào cuối năm. Nó có điều gì đó đặc biệt ở đây. Thứ hai, chuyến thăm này là một sự cần thiết của ông Tập để đáp lại chuyến thăm năm ngoái của ông Nguyễn Phú Trọng. Thứ ba, Trung Quốc có kỳ vọng mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hai nước với những đề xuất như Vành đai - Con đường, đường sắt, vận mệnh chung…

 

*

Diễm Thi: Mấy năm gần đây, cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” được Bắc Kinh nhắc đến nhiều trong các cuộc gặp song phương cấp cao với Việt Nam. Theo ông, ý đồ của Trung Quốc là gì, thưa tiến sĩ?

 

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Nó là một cái gì đó như một bức tranh vẽ trên tường hay trên giấy mà người ta không hiểu hình dung của nó. Nói bằng ngôn ngữ chính thức thì “Cộng đồng chung vận mệnh” này là một khái niệm/khẩu hiệu được ông cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói ra vào năm 2007. Bẵng đi một thời gian, đến năm 2013 thì ông Tập bắt đầu dùng rất nhiều. “Cộng đồng chung vận mệnh” đề cập đến ý tưởng rằng tất cả con người và các quốc gia trên thế giới đều liên kết với nhau và chia sẻ một tương lai chung về y tế, chính trị, vân vân...

 

Ý nghĩa là muốn kêu gọi một sự quản trị, quyết định toàn cầu và thúc đẩy hợp tác, cạnh tranh giữa các quốc gia. Hợp tác hơn là cạnh tranh. Nó thừa nhận các lợi ích an ninh và kinh tế trong liên kết giữa các quốc gia. Trung Quốc kêu gọi sự cảm thông, phối hợp và trách nhiệm để đối phó với các mối đe dọa chung, xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn.

 

Ý đồ của Trung Quốc là vẽ lên một bức tranh về thế giới nhằm mục tiêu thách thức trật tự thế giới đã có từ năm 1945. Đây là điều quan trọng nhất. Mà cái ý đồ thách thức này gồm hai phần: Trung Quốc muốn xây dựng một trật tự quốc tế mới và Trung Quốc muốn dẫn dắt, lãnh đạo trật tự mới này. Đấy là hai ý đồ căn bản của Trung Quốc.

 

*

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn Việt Nam tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh”. Theo ông, liệu người dân Việt Nam có nên lo ngại nếu Việt Nam ký kết tuyên bố về việc này không?

 

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Thực ra người Việt Nam người ta cũng hiểu là “Cộng đồng chung vận mệnh” nó đẹp trên chữ nghĩa, nhưng vẫn cùng nhau xem xét để có thể cụ thể hóa nó. Mà cụ thể hóa thì phải dần dần chứ cái này có phải là một văn bản chặt chẽ và tham gia vào sẽ thành mối quan hệ ràng buộc đâu.

 

Hai nước vừa ký tuyên bố “Cộng đồng cùng chung một tương lai”. Cụm từ này và cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” nó cũng gần như nhau thôi. Trung Quốc họ bảo đấy là một nhưng Việt Nam nghĩ khác. Công nhận với nhau thế nên hai bên ký vào tuyên bố chung ấy thôi.

 

Vì nó không rõ ràng và cái này chỉ là ký vào tuyên bố chung. Trong tương lai cần nhiều bước để cụ thể hóa nó. Tôi lấy một ví dụ nhận thức chung về sáng kiến “Hai hành lang và một vành đai kinh tế” giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hai bên thảo thuận về mặt nguyên tắc với nhau từ năm 2005 nhưng đến nay chưa cụ thể. Và ngay cả nếu đồng ý Trung Quốc hiện đại hóa đường sắt từ Hà Khẩu đến Hải Phòng qua Hà Nội thì nó cũng năm vào khung “Hai hành lang và một vành đai kinh tế”. Lại càng không nằm trong “Sáng kiến vành đai và con đường”.

 

Cụ thể hóa như thế thì nó vẫn không hoàn toàn rõ ràng. Mà như thế thì người Việt Nam không cần phải lo lắng. Người Việt Nam thừa sức nhận thức rằng, đây không phải cứ ký tuyên bố chung, cứ công nhận với nhau về mặt nguyên tắc thì Việt Nam trở thành đồng minh của Trung Quốc. Việt Nam không thể là đồng minh của Trung Quốc được.

 

Việt Nam không làm việc gì mà chỉ có lợi cho Trung Quốc và Việt Nam không có lợi cả. Đấy là nguyên tắc của Việt Nam.

 

Ở đây, cần nhắc lại nguyên tắc và thực hành quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ trước sau cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979 là, cái gì hợp tác được thì hợp tác, còn không thì phải đấu tranh. Mức thấp nhất là phải cảnh giác.

 

*

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, theo nhận định của ông, vấn đề Biển Đông có tiến triển gì có lợi hơn cho Việt Nam sau chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình không?

 

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Không có thay đổi gì hết. Hai lần trước ông ấy sang Việt Nam và mấy lần Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam sang thăm Trung Quốc thì trong các tuyên bố chung đều có một câu là: “Trung Quốc sẽ giải quyết thỏa đáng vấn đề tranh chấp biển Đông với Việt Nam”.

 

Cái chữ “thỏa đáng”của Trung Quốc thì ai cũng hiểu rằng đấy là từ che giấu bản chất của vấn đề. Vì Trung Quốc gọi là “thỏa đáng” nghĩa là Trung Quốc không bao giờ nhân nhượng chuyện biển Đông không phải là của Trung Quốc, tức là phần đường 9 đoạn, hay 10 đoạn hay 11 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra là của Trung Quốc, không bao giờ có thể thay đổi được.

 

Và người Trung Quốc chỉ có thể cho nước khác, trong đó có Việt Nam được khai thác chung. “Thỏa đáng” là như thế. Mà cái chữ “thỏa đáng” ấy nó đồng nghĩa với việc làm trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đấy là cái chữ thỏa đáng mà người Trung Quốc hiểu. Tuyên bố trắng trợn là chúng tôi có những yêu cầu, đòi hỏi phi pháp, đơn phương  nhưng chúng tôi vẫn bám lấy cho tới cùng.

 

Ở biển Đông, ngay hôm qua Trung Quốc đã dùng tàu Hải cảnh để phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư của người Philippines. Mà hành động ấy là hành động không những là đe dọa Philippines mà đấy còn là đe dọa cả Việt Nam nữa. Không ai ngây thơ trước những hành động ấy của Trung Quốc cả. Họ tính toán rất là kỹ và họ có một bộ máy chỉ huy từ trên xuống dưới một cách chắc chắn, chặt chẽ. Họ đe dọa cả Manila lẫn Hà Nội.

 

*

Diễm Thi: Theo như nhận định của ông, tình hình Biển Đông không có gì thay đổi. Vậy Việt Nam đã và sẽ làm gì để đối phó với Trung Quốc, thưa tiến sĩ? 

 

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Trước hết, Việt Nam khích lệ Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển 1982 và các bộ luật khác mà Trung Quốc hứa nhưng không bao giờ làm. Thay vào đó, Trung Quốc thực hiện một loạt các hành đông gọi là chiến thuật vùng xám.

 

Đó là một loạt các hành động mập mờ để cho phép Trung Quốc mở rộng kiểm soát Biển Đông, dẫn tới việc cuối cùng có thể sở hữu được Biển Đông về mặt chủ quyền mà không gây ra chiến tranh toàn diện.

 

Việt Nam phải thực hiện một số điều căn bản để đối phó với Trung Quốc, bao gồm: Tố cáo các hành động phi pháp của Trung Quốc và công bố công khai các bằng chứng. Việt Nam làm thường xuyên; Tăng cường tuần tra thực thi pháp luật hàng hải tại các khu vực tranh chấp; Tăng cường quan hệ an ninh với các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản; Tìm hiểu các thỏa thuận phát triển chung để ngăn chặn sự hành động đơn phương của Trung Quốc; Tìm kiếm và chuẩn bị trọng tài quốc tế để khi cần bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về mặt pháp lý.

 

Nếu Trung Quốc chuyển chiến thuật vùng xám thành chiến tranh thì dĩ nhiên, “anh đánh tôi thì tôi phải đánh lại” dù không ai muốn chiến tranh.

 

*

Diễm Thi: Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình. Vậy với những quốc gia khác thì sao, thưa tiến sĩ?

 

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Câu ấy thì Việt Nam cũng nói với Mỹ, cũng nói với Hàn Quốc, cũng nói với Nhật Bản, cũng nói với Nga. Tất cả đều là hàng đầu hết vì nó quan trọng như nhau.

 

Nếu ông ấy bảo đặt quan hệ Việt Nam với Trung Quốc lên số một thì lúc ấy mới thành vấn đề. “Hàng đầu” không phải là chỉ có một quốc gia duy nhất đâu. "Hàng đầu" ở đây là một số quốc gia. Đó là kiểu chơi chữ nên mình không cần phải nghi ngại.

 

Hàng đầu ở đây theo tôi là có sáu đối tác. Đó là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Hàn, Mỹ và Nhật Bản. Đó là sáu mối quan hệ hàng đầu. Trong sáu mối quan hệ ấy không có thứ tự ai là số một, ai là số hai hết.

 

Ai cũng hiểu rằng Việt Nam đang thực hiện một chính sách đối ngoại theo nhiều hướng. Mà cái chính sách đối ngoại ấy dựa trên một cái chân kiềng gồm 18 chân kiềng. Đó là 18 nước mà Việt Nam thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược. Trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với sáu nước. Đó là sáu chân kiềng quan trọng nhất và Việt Nam phải tương tác một cách hài hòa nhằm tạo cho mình một cái thế cân bằng, an ninh, phù hợp và bền vững. 

 

Diễm Thi: Cám ơn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đã dành thời gian cho RFA.

 

 





No comments: