Thực
trạng Hong Kong là câu chuyện cảnh báo cho tương lai Đài Loan
Neal E. Robbins
| The
Diplomat
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
Hồi
kết của nền văn hóa chính trị từng một thời sôi động của Hong Kong đã gióng lên
hồi chuông cảnh báo cho Đài Loan.
Bạn tôi chỉ
vào một con phố đông đúc ở Hong Kong. “Mọi chuyện không còn như trước nữa,” anh
nói về khung cảnh bên ngoài lối ra North Point của hệ thống vận tải công cộng.
“Trước đây, khi chúng tôi tổ chức bầu cử, anh sẽ thấy rất nhiều biểu ngữ” của
các đảng chính trị cạnh tranh nhau. Giờ đây, chỉ có bốn lá cờ nói về các cuộc bầu
cử địa phương được treo trên lan can dọc phố King’s Road. Một nhân viên mặc áo
khoác đỏ của đảng thân Trung Quốc cố gắng trao cho người qua đường những tờ rơi
giới thiệu các ứng viên đã được chính thức tuyển chọn, nhưng ít ai chịu nhận.
Hong Kong
chưa bao giờ là một nền dân chủ, nhưng nó có nhiều đặc điểm của một nền dân chủ:
tự do ngôn luận, tư pháp độc lập, và bầu cử ở mức hạn chế. Trước đây, bất kỳ ai
cũng có thể ra tranh cử, nhưng bây giờ, chính quyền đặc khu – mà đứng sau là
chính phủ Trung Quốc – sẽ quyết định ai mới có cơ hội chiến thắng, và điều này
đã cản trở tiến trình dân chủ ở Hong Kong. Nó cũng là một trong nhiều dấu hiệu
cho thấy những gì đang xảy ra ở đây có thể trở thành câu chuyện cảnh báo cho mục
tiêu tiếp theo trong tầm nhìn bành trướng của Trung Quốc: Đài Loan.
Các quan
chức ca ngợi sự “ổn định và thịnh vượng” của Hong Kong, nhưng người dân lại tỏ
ý bất bình, không chỉ về thiếu hụt dân chủ, mà còn về rắc rối kinh tế, thị trường
bất động sản thu hẹp, nền tư pháp suy yếu, tỷ lệ tội phạm gia tăng, làn sóng di
cư hàng loạt, hệ thống quản lý yếu kém, chế độ nhân tài bị huỷ hoại, lo ngại
đàn áp an ninh, giáo dục “lòng yêu nước” quá lố, và mất tự do báo chí. Những điều
này khiến cho “tấm gương” về ý nghĩa của “việc thống nhất” với Trung Quốc ngày
càng trở nên kém hấp dẫn đối với Đài Loan.
“Hong Kong
hiện không có bất kỳ chính trị gia đối lập nào, không có báo chí tự do, không
có tổ chức xã hội dân sự, và không có hiệp hội sinh viên. Mọi thứ đã bị xóa sổ
và san bằng, không có nhà bất đồng chính kiến nào được phép lên tiếng, và nhiều
người đã bị bắt giữ, nhiều nhà lãnh đạo vẫn ở trong tù… hoặc đang sống lưu
vong,” Giáo sư Hà Minh Tú của Đại học Quốc gia Đài Loan, tác giả của một cuốn
sách về phong trào xã hội Hong Kong, nhận định. “…Thay vì tiến tới dân chủ,
chúng ta đang chứng kiến sự thụt lùi về dưới sự kiểm soát của Trung Quốc đại lục.
Điều đó rất đáng lo ngại.”
Mô tả nền
dân chủ của Đài Loan như một “mối đe dọa hiện hữu” đối với hệ thống của Trung
Quốc, ông nói ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình với Trung Quốc là “hoàn toàn lố
bịch, bởi khi nhìn vào những gì đã xảy ra ở Hong Kong, chúng ta thấy rằng các
nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không giữ lời hứa. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng chỉ là…
một tài liệu vô dụng… họ có thể dễ dàng sửa đổi theo ý mình.”
Một
người vận động phát tờ rơi chính trị của một ứng viên trong cuộc bầu cử Hội đồng
Quận ở Hong Kong. ©Neal Robbins.
Trở lại
Hong Kong sau 30 năm, tôi thấy nơi đây vẫn đông đúc và hối hả, nhưng đã xuất hiện
những dấu hiệu rõ ràng cho sự cai trị của Trung Quốc: các biển quảng cáo có mặt
khắp nơi để chúc mừng “kỷ niệm 74 năm” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi tôi lần
đầu tiên đến Hong Kong với tư cách là phóng viên nước ngoài vào đầu thập niên
1980, mọi người đã tự hỏi liệu Trung Quốc theo chủ nghĩa quân bình cực đoan có
“giết chết con gà đẻ trứng vàng” khi tiếp quản thuộc địa của Anh vào năm 1997
hay không. Ngày nay, câu hỏi về con gà đẻ trứng vàng lại đến từ việc Bắc Kinh
chuyển hướng sang chủ nghĩa độc tài cứng rắn.
Những nỗ lực
nhằm trấn áp Hong Kong bằng các giới hạn về quyền bầu cử và luật dẫn độ hà khắc
đã dẫn đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2014 và 2019, và phản ứng
của Trung Quốc xuất phát từ lo ngại ở Bắc Kinh rằng các cuộc nổi dậy ở Hong
Kong sẽ lan rộng. Trung Quốc đã can thiệp dứt khoát vào năm 2020, áp đặt các hạn
chế trên diện rộng vốn được nêu trong Luật An ninh Quốc gia. Họ cũng tìm cách “ấn
định” các cuộc bầu cử để đảm bảo các ứng viên được chấp thuận sẽ chiếm đa số,
và mọi hành động hoặc phát biểu bị coi là làm suy yếu quyền lực của chính phủ –
bao gồm ủng hộ độc lập, khủng bố, thông đồng với các lực lượng nước ngoài (tất
cả đều được định nghĩa một cách mơ hồ) – đều bị cho là vi phạm phát luật. Được
thực thi cùng với các án tù nghiêm khắc cho người vi phạm, đạo luật này đã dẫn
đến hàng trăm vụ bắt giữ và bỏ tù.
Ngoài ra,
Luật An ninh Quốc gia cũng xem việc người Hong Kong trò chuyện với một nhà báo
nước ngoài là bất hợp pháp (hành động này có thể bị coi là “thông đồng” với các
lực lượng nước ngoài). Thông qua một vài bên trung gian, tôi đã liên hệ trước với
khoảng một chục người Hong Kong, những người có thể đại diện cho dư luận, nhưng
vì sẽ “mất tất cả mà chẳng được gì” khi lên tiếng, nên họ đã từ chối phỏng vấn.
Hiểu rằng
tôi khó có thể gặp gỡ thoải mái với các nguồn tin – hoặc thậm chí là những người
dân bình thường – trước khi đến Hong Kong, tôi đã phỏng vấn một số nhà hoạt động
lưu vong, những người có thể phát biểu công khai ở Vương quốc Anh và Đài Loan,
để chí ít cũng có thể thu thập quan điểm đối lập tự do.
Ở Đài
Loan, tôi đã nói chuyện với Trần Kiến Dân, một trong những kiến trúc sư của
Phong trào Ô dù năm 2014, người nói rằng cam kết “một quốc gia, hai chế độ” năm
1984 của Trung Quốc đối với quyền tự trị của Hong Kong đã “phá sản.” Sau 16
tháng ngồi tù ở Hong Kong vì vai trò của mình trong các cuộc biểu tình, Trần,
hiện là một nhà xã hội học của Đại học Quốc lập Chính trị, có một lời khuyên
cho Đài Loan: “Hãy học từ bài học Hong Kong. Đừng tin bất kỳ lời hứa nào.”
Cựu Chủ tịch
Đảng Dân chủ Lý Vĩnh Đạt, người đã rời Hong Kong để đến Anh sau khi được mật
báo rằng ông sắp bị bắt, cũng có nhận xét tương tự. Lý than thở rằng Tuyên bố
chung Trung-Anh – theo đó Trung Quốc cam kết giữ nguyên hệ thống kinh tế và xã
hội riêng của Hong Kong trong 50 năm – “giờ đã trở nên vô dụng.” “Khi hoàn cảnh
thay đổi, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc không còn cần sự giúp đỡ của các bạn,
thì họ sẽ thay đổi… Tôi muốn nói với các anh chị em Đài Loan: Đừng tin những gì
Đảng Cộng sản Trung Quốc nói”.
Ở Hong
Kong, tôi đã xoay sở để có thể nói chuyện riêng với một số nhân vật địa phương,
nhưng rất ít chính trị gia độc lập – những người không ở tù, không ở nước
ngoài, hoặc chưa rời bỏ chính trường – chịu lên tiếng. Lưu Huệ Khanh (Emily
Lau), nhà lập pháp của Đảng Dân chủ đã nghỉ hưu vào năm 2016, là một ngoại lệ.
Bà kể rằng các nhà báo địa phương không dám nói chuyện với mình.
“Tôi không
nghĩ quyền tự do ngôn luận ở Hong Kong là bằng 0, nhưng nhiều người sẽ nói với
anh rằng họ đang lo lắng… Không ai biết được điều gì, đó chính là vấn đề của…
Luật An ninh Quốc gia,” bà giải thích, “Không chỉ tôi, mà các doanh nhân, Phòng
Thương mại, những người có chuyên môn, các chính trị gia, tất cả họ đều nói rằng
ranh giới không rõ ràng.… Anh không biết khi nào mình đã vượt quá giới hạn.”
Trong một môi trường kiểu “nồi áp suất” như vậy, người ta “tự kiểm duyệt” để
tránh gặp rắc rối, bà nói.
Đối với
Đài Loan, Lưu lại có quan điểm “thực dụng,” gợi ý rằng tương lai của Đài Loan
có thể khác với Hong Kong. “Trung Quốc có thể chấp nhận nhiều điều hơn trong
trường hợp Đài Loan. Họ nói Đài Loan có thể giữ quân đội,” nên bất kỳ thỏa thuận
nào cũng sẽ phụ thuộc vào “khả năng thương lượng mà họ có… Nếu người Đài Loan
chỉ đơn giản không muốn nói chuyện, nếu họ chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng, nếu
họ chỉ muốn nói ‘Đừng đụng vào chúng tôi… chúng tôi không muốn thống nhất…’ Họ
sẽ phải tìm cách nói với Trung Quốc và hy vọng Trung Quốc sẽ không tấn công họ.”
Lưu lập luận
rằng thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” đã biến mất ở Hong Kong chí ít là kể
từ năm 2019. “Nhiều người sẽ nói rằng hầu hết các quyết định lớn được đưa ra ở
đây đều có sự chấp thuận của Bắc Kinh.” Không có ứng viên nào đến từ các đảng ủng
hộ dân chủ được chấp thuận ra tranh cử trong cuộc bầu cử Hội đồng Quận ngày
10/12, và điều đó khiến Lưu lo lắng.
Bà nhận
xét “Chính phủ đang… sống trong cái kén của riêng mình, nơi tất cả mọi người đều
tự nhủ, ‘Chúng ta đang làm rất tốt.’ Nếu không có phe đối lập, tôi không nghĩ sẽ
có quản trị tốt.”
Một
người vận động phát tờ rơi chính trị của một ứng viên trong cuộc bầu cử Hội đồng
Quận ở Hong Kong. ©Neal Robbins.
Nhà lập
pháp Hong Kong và thành viên Hội đồng Điều hành thân Bắc Kinh Đường Gia Hoa
(Ronny Tong) lại cho rằng vấn đề dân chủ không thực sự quan trọng. “Trung Quốc
ngày nay không có dân chủ, nhưng tôi nghĩ chất lượng quản trị của họ không tệ.”
Ông lập luận rằng các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019 “hoàn toàn không
liên quan gì đến dân chủ.” Theo ông, “những kẻ gây rối” được khuyến khích bởi
“các thế lực chính trị ngoại bang” đã thúc đẩy “tình trạng vô chính phủ.”
Lời kêu gọi
của Lưu và nhiều người khác, về một cuộc điều tra độc lập để xác minh sự thật đằng
sau những cáo buộc này, và điều tra vai trò bị cáo buộc của những kẻ kích động
bạo loạn và xã hội đen nhận tiền từ Trung Quốc, đã bị phớt lờ.
Làn sóng
biểu tình năm 2019 bắt đầu với việc phản đối luật dẫn độ mà chính phủ Hong Kong
muốn thông qua, theo đó cho phép người Hong Kong bị xét xử và bỏ tù ở Trung Quốc,
nhưng những người biểu tình đã sớm bổ sung những lời kêu gọi dân chủ rộng hơn.
Phía Đài Loan đã phản ứng ngay lập tức trước vụ đàn áp ở Hong Kong, vốn diễn ra
ngay trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở Đài Loan. Tổng thống Thái Anh Văn,
khi đó đang tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình ở
Hong Kong.
Theo Đường,
những lời hứa của Bắc Kinh trước khi tiếp quản Hong Kong đã bị hiểu lầm. Ông
nói Hong Kong chỉ có thể mong đợi quyền tự chủ cao hơn so với các thành phố
khác của Trung Quốc, chứ không phải quyền tự chủ “tuyệt đối.” Mọi thứ phải dựa
vào “đối thoại và xây dựng sự đồng thuận” với Bắc Kinh.
Về luật an
ninh, ông nói rằng chưa có ai bị truy tố vì những gì họ nói hoặc tin tưởng, mà
chỉ có những người bị truy tố vì đã phạm tội. Ông nói: “Việc tự kiểm duyệt” hiện
nay chỉ là mọi người “cẩn thận hơn… chứ không có hạn chế quyền tự do ngôn luận
nào cả… Đây là một thỏa hiệp vẹn cả đôi đường,” ở chỗ Hong Kong đã “trở về với
đất mẹ, nhưng đồng thời chúng tôi vẫn được hưởng nhiều tự do hơn người dân đại
lục”.
Đối với Đường,
mô hình này có thể là “khởi đầu tốt cho Đài Loan”.
Nhưng mô
hình đó khá là khắc nghiệt. Hệ thống bầu cử bị kiểm soát bởi những “người yêu
nước” do Trung Quốc chỉ định. Và các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020, khi phe đối lập
dẫn trước, đã dẫn đến việc bỏ tù 47 ứng viên. Các buổi cầu nguyện dưới ánh nến
để kỷ niệm Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 đã bị cấm và các nhóm xã hội dân sự –
bao gồm cả các liên đoàn lao động – đã bị giải tán. Chương trình giáo dục lòng
yêu nước đã giới thiệu một loạt sách giáo khoa lịch sử mới, cũng như yêu cầu
báo cáo các hành vi vi phạm quy định an ninh.
Các phương
tiện thông tin đại chúng cũng rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Tờ Hong
Kong Free Press, ấn phẩm tiếng Anh độc lập duy nhất còn lại, đã cố gắng hết
sức để đưa tin, nhưng không ai biết “những câu chuyện nào đã bị tự kiểm duyệt
và sẽ không bao giờ xuất hiện,” theo lời biên tập viên Tom Grundy.
Đối với
Đài Loan, trên hết, sự im lặng này thật đáng suy ngẫm.
------------------
Neal E.
Robbins là nhà báo tự do, hiện sống tại Cambridge, Anh. Ông từng là phóng viên
nước ngoài tại Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ, và Vương quốc Anh. Ông là học giả thỉnh
giảng tại Học viện Báo chí sau Đại học, thuộc Đại học Quốc gia Đài Loan tới
tháng 1/2024.
Nguồn: Neal E. Robbins, “Hong
Kong’s Choiceless Elections: A Cautionary Tale for Taiwan,” The
Diplomat, 4/12/2023
No comments:
Post a Comment